Có nhiều cách để giải mã những bí ẩn, số phận của các danh nhân, của những thời đại đã lùi về quá khứ. Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang, với niềm đam mê và năng lực tái tạo những dòng ký ức dân tộc bằng ngôn ngữ văn chương, đã gặt hái liên tục thành công với thể loại tiểu thuyết lịch sử…
Có nhiều cách để giải mã những bí ẩn, số phận của các danh nhân, của những thời đại đã lùi về quá khứ. Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang, với niềm đam mê và năng lực tái tạo những dòng ký ức dân tộc bằng ngôn ngữ văn chương, đã gặt hái liên tục thành công với thể loại tiểu thuyết lịch sử…
|
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang |
- Kính thưa nhà văn Nguyễn Thế Quang, các tiểu thuyết của ông tập trung khai thác và xử lý mối quan hệ giữa hoàng đế và kẻ sỹ, hay nói cách khác là giữa quyền lực và trí thức. Xin cho biết, vì sao ông có sự lựa chọn này?
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Trong cộng đồng nhân loại mỗi người đều có vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình. Những người cầm quyền có ảnh hưởng tới cuộc sống nhiều người; kẻ sỹ - trí thức, những người có hiểu biết sâu rộng, có khả năng khai sáng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đối với xã hội. Mối quan hệ giữa quyền lực và trí thức từ xưa, có những lúc cộng tác với nhau mang lại những thành quả lớn nhưng nhiều lúc đối nhau, loại trừ nhau lại dẫn đến thảm họa. Sự không gặp nhau đó đã trở thành vấn nạn nhức nhối tạo nên những hệ lụy lớn. Tôi lựa chọn khía cạnh đó, tập trung vào các đại danh nhân, đề cập đến vấn đề trách nhiệm của kẻ sỹ - trí thức với cộng đồng, mong bạn đọc hiểu được bản chất của lịch sử, thấy được sự Cao Đẹp, để sống, để hành xử tốt hơn, vươn tới sự hòa hợp, tiến bộ…
- Đọc các tác phẩm của ông, tôi nghĩ, ông đã thể hiện sinh động cốt cách các danh nhân. Họ đã lựa chọn con đường đắc dụng trong những giai đoạn lịch sử đầy biến động vào thời của họ…
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Mối quan hệ giữa quyền lực và trí thức là vấn đề lớn không thể nói nhiều trong một nhân vật hay một cuốn sách. Vì vậy, tôi lựa chọn những nhân vật tiêu biểu, nhiều dạng vẻ, trong nhiều thời điểm khác nhau và trong thời gian dài của lịch sử. Các tiểu thuyết “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống” và “Đường về Thăng Long” là bộ ba gắn bó với nhau trong vấn đề này.
Ở tiểu thuyết “Nguyễn Du”, khi phản ánh hiện thực lịch sử bi kịch của kẻ sỹ với nhiều nhân vật đương thời tôi tập trung làm rõ cốt cách của Đại thi hào. Tôi nghĩ, cùng với tài năng và nhân cách, người trí thức phải có cốt cách cứng cỏi và cách hành xử thích hợp mới thực hiện được hoài bão của mình. Đến “Thông reo Ngàn Hống” vấn đề được mở rộng hơn. Trong cuốn này, tôi dựng lại nhiều trí thức tiêu biểu với nhiều dạng vẻ khác nhau để đi đến một khẳng định: Cùng với quân vương, trí thức phải chịu trách nhiệm về sự hưng vong của quốc gia. Đến “Đường về Thăng Long”, qua số phận các nhân vật trí thức đương thời như Võ Nguyên Giáp, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, tôi khẳng định: Người trí thức chỉ có thể đạt được chí nguyện của mình khi biết đứng về Nhân dân. “Vì dân sẽ có dân, có dân là có tất cả!”, một nhân vật trong tác phẩm đã khẳng định bằng câu nói này…
- Các nhân vật trí thức trong các tác phẩm của ông và những chính nhân cùng thời của họ đã thể hiện rõ nét bản lĩnh, tư thế, lối hành xử và những khát vọng cao đẹp. Xin ông tiếp tục nói rõ thêm về vai trò của trí thức trong những thời đã qua?
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Ở tiểu thuyết “Nguyễn Du”, tôi tập trung vào nhân vật Nguyễn Du và khẳng định người trí thức có hoài bão lớn, biết tình thế, biết lựa chọn cách hành xử thích hợp, giữ được nhân cách, có bản lĩnh sẽ thực hiện được khát vọng chính đáng của mình. Còn trong “Thông reo Ngàn Hống”, tôi đưa vào tác phẩm nhiều dạng trí thức: Có kẻ bảo thủ, được trao quyền lực lớn đã kéo lùi lịch sử, kìm hãm sự phát triển của dân tộc như Trương Đăng Quế; có người tài năng mà chịu mòn gối nơi triều đường phải ngồi chữa văn hay viết biểu, sớ ca ngợi quân vương như Nguyễn Văn Siêu; có kẻ xu nịnh để vinh thân phì gia như Hồ Tôn Quyền; có kẻ tài cao nhưng chán nản bỏ chốn quan trường ngao du thiên hạ như Nguyễn Quý Tân hay Nguyễn Hàm Ninh; có kẻ mang hoài bão lớn vì dân vì nước muốn làm tôi trung nhưng bị xô đẩy phải “làm giặc” chống lại triều đình như Cao Bá Quát… Giữa những con người ấy sừng sững một Nguyễn Công Trứ tài cao, chí lớn, biết đứng vững giữa bao nghịch cảnh, luôn hành động mang lại lợi ích lớn lao cho dân tộc. Trong cuộc mừng thọ 70 của mình, Nguyễn Công Trứ đã chỉ tay vào các bạn mà nói: “Giang sơn điên đảo, điêu linh thì kẻ sỹ sống mà làm chi?!”. Đó cũng là lẽ sống, là trách nhiệm của người trí thức vậy.
- Là một nhà văn chuyên tâm với đề tài lịch sử, ông có đồng ý với quan điểm: Lịch sử là sự tiếp nối các chuỗi bi kịch theo dòng thời gian?
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Nếu quan niệm bi kịch là sự mâu thuẫn giữa khát vọng của con người và sự kìm hãm của hiện thực mà con người phải đứng lên chống lại có khi phải trả giá bằng cái chết thì đúng là lịch sử nhân loại là những bi kịch kế tiếp nhau. Trong tiểu thuyết “Đường về Thăng Long”, khi nói tới tình hình nước ta cuối năm 1946, nước nhà vừa giành được độc lập thì quân Pháp đánh chiếm trở lại, các lực lượng trong nước chia rẽ, đối kháng, những hiểm họa khác sắp đến, GS Cao Xuân Huy cho rằng nước ta vừa rơi vào bi kịch ngoại xâm, lại rơi vào bi kịch chia rẽ, ta chỉ có giáo mác và súng trường liệu có chiến thắng xe tăng và đại pháo không? Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trả lời: “Nhất định chúng ta sẽ thắng!”. Ông cũng nói: “Nếu lịch sử nhân loại là bi kịch tiếp bi kịch thì lịch sử nhân loại cũng là sự trỗi dậy của con người luôn đứng lên phá vỡ hết bi kịch này đến bi kịch khác để tồn tại và phát triển”. Đó là quan điểm tích cực, đúng đắn, vừa có giá trị thực tiễn vừa có giá trị triết học và thẩm mỹ.
|
Các tác phẩm đoạt giải của nhà văn Nguyễn Thế Quang |
- Nhà văn Abutalip Gafurov (Cộng hòa Đaghextan, Nga) từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Ông có đồng cảm với ý kiến này?
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Tôi rất tán đồng với ý kiến đó.
- Viết về lịch sử là mang đến những giá trị nhận thức, những bài học về tư tưởng và thẩm mỹ cho thời đương đại và tương lai, đúng không, thưa nhà văn?
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Tôi quan niệm: Viết tiểu thuyết lịch sử là đi sâu vào khám phá số phận con người. Viết là để hiểu được bản chất đời sống của những thời đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ.
- Vâng, việc mà ông đang làm đầy cảm hứng, thú vị nhưng cũng rất nhọc nhằn, gian nan?
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Cái khó đầu tiên là sử liệu. Việt Nam ta trải qua bao thăng trầm, bao cuộc chiến tranh, tư liệu còn lại rất ít. Không có tư liệu, người cầm bút không thể hiểu đúng lịch sử, hiểu đúng con người, không thể sáng tạo được những nhân vật chân thực cùng với thời đại của họ. Để có được một chút tư liệu người viết có khi phải tìm kiếm hàng tháng, hàng năm trời.
Thế nhưng, sử liệu chỉ là một phần nhỏ. Cái khó nhất là phải tái hiện được bối cảnh lịch sử một cách sinh động về thời đại nhân vật đã sống. Viết tiểu thuyết lịch sử về các danh nhân thì điều cần nhất, khó nhất là phải dựng được nhân vật xứng với tầm vóc của họ. Nếu không làm nổi điều đó thì làm méo mó, biến dạng hoặc hạ thấp nhân vật, có tội với lịch sử và bạn đọc không thể chấp nhận được…
- Đã kề cận tuổi tám mươi, ông có dự định sáng tác nào nữa không?
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG: Còn sống, còn tỉnh táo, tôi còn viết. Tôi vẫn tiếp tục khai thác đề tài lịch sử, viết về những danh nhân nước Việt. Lần này, tôi tập trung tái hiện một nhân vật phụ nữ tài năng độc đáo, cá tính mạnh mẽ bậc nhất của văn học Việt Nam. Có thành công hay không, tôi không thể nói trước được. Nhưng tôi sẽ hết sức cố gắng để không làm phụ lòng bạn đọc…
- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Thế Quang với cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị này!
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang, sinh năm 1942 tại Nghệ An. Từ năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông trở thành nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Trong hơn mười năm qua, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã xuất bản bốn tác phẩm: “Nguyễn Du” (Giải A, Giải Hồ Xuân Hương - Nghệ An, 2005 - 2010); “Thông reo Ngàn Hống” (Giải thưởng Hội Nhà văn, năm 2015; Giải thưởng Văn học Asean, 2016); “Khúc hát những dòng sông” (Giải C, Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đợt 1, năm 2013); “Đường về Thăng Long” (Giải Tư, Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V của Hội Nhà văn Việt Nam, 2016-2019). |
UÔNG THÁI BIỂU
(thực hiện)