Tiếng chiêng ở làng nữ tướng ngân xa

08:12, 05/12/2020

Vào buổi tối ở làng nữ tướng Ka Nhòi (thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, Di Linh) đã rộn ràng tiếng chiêng ngân, tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa đầy thích thú, xen lẫn niềm tự hào về nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Kể từ nay, tiếng chiêng nơi đây được nhen nhóm, tiếp nối và sẽ ngân xa. 

Vào buổi tối ở làng nữ tướng Ka Nhòi (thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, Di Linh) đã rộn ràng tiếng chiêng ngân, tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa đầy thích thú, xen lẫn niềm tự hào về nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Kể từ nay, tiếng chiêng nơi đây được nhen nhóm, tiếp nối và sẽ ngân xa. 
 
Đội chiêng thôn Đồng Đò là hạt nhân của Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tân Nghĩa
Đội chiêng thôn Đồng Đò là hạt nhân của Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tân Nghĩa
 
Khơi dậy niềm đam mê
 
Đã lâu lắm rồi đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở làng Đồng Đò không còn nghe tiếng chiêng ngân vang. Bởi nhiều năm nay bà con trong làng không còn duy trì tổ chức lễ hội truyền thống, không sinh hoạt và ít giao lưu cồng chiêng, nên những tiếng chiêng rất đỗi thân quen ngày nào nay đã dần rời xa trong nếp sống sinh hoạt cộng đồng của đồng bào DTTS nơi đây. Khi có lớp học truyền dạy sử dụng cồng chiêng xã Tân Nghĩa do huyện Di Linh tổ chức đã thu hút nhiều chàng trai, cô gái người Kơ Ho trong làng ghi danh tham gia học tập.
 
Lớp học do một số nghệ nhân và người có kinh nghiệm trong làng trực tiếp truyền dạy về kỹ năng sử dụng cồng chiêng, các bài chiêng thông dụng trong sinh hoạt, các lễ hội truyền thống kết hợp với điệu múa xoang… Có người không phải là nghệ nhân và tuổi đời còn khá trẻ nhưng với niềm đam mê và đã nhiều năm gắn bó với cồng chiêng, từng tham gia nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng trong những lần liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng trong và ngoài tỉnh. Trong số đó, anh Dacha Vũ Bảo là người trẻ nhất (39 tuổi), khi còn trẻ anh đã có thời gian theo chân những anh chị, cha chú học đánh cồng chiêng và cũng từ đó tiếng cồng, tiếng chiêng đã ngấm vào máu thịt của anh. 
 
Anh Dacha Vũ Bảo, người đã có 26 năm gắn bó với cồng chiêng bày tỏ, là một trong những người được giao phụ trách truyền dạy cho lớp học, hàng tuần, cứ đều đặn vào các tối thứ ba, thứ năm, thứ bảy các học viên tập trung tại hội trường thôn để vừa được truyền dạy đánh chiêng vừa múa xoang. Thời gian đầu dạy mọi người đánh cồng chiêng rất vất vả, nhưng với trách nhiệm của thế hệ đi trước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nên anh và các nghệ nhân luôn cố gắng khắc phục khó khăn để truyền đạt kiến thức, kỹ năng sử dụng cồng chiêng cho các em. “Mặc dù lần đầu tiên được tiếp cận với cồng chiêng, nhưng ai nấy đều thích thú và say mê, chịu khó tập luyện. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn các em đã nắm được những kiến thức cơ bản về cách sử dụng cồng chiêng và đánh thành thạo một số bài chiêng thông dụng”, anh Dacha Vũ Bảo cho hay. 
 
Từ khi sinh ra đến nay, hiếm khi các em được thấy cồng chiêng nên kiến thức về cồng chiêng, di sản văn hóa truyền thống còn rất mơ hồ, thỉnh thoảng các em chỉ được xem trên truyền hình và tại các đợt giao lưu văn hóa cồng chiêng diễn ra ở địa phương. Tuy không biết nhiều về ý nghĩa của cồng chiêng, ý nghĩa của các bài chiêng… nhưng mỗi khi tiếng chiêng ngân vang trong thâm tâm của mỗi người đều cảm thấy thích thú và tự hào. 
 
Chị Ka Hem cho biết: “Lần đầu tiên tham gia lớp học cứ ngỡ đánh cồng chiêng rất dễ nhưng thật sự rất khó. Học đánh cồng chiêng có những khó khăn riêng, nên đòi hỏi người học phải có sự kiên trì, đam mê thật sự, chăm chú lắng nghe làm sao để âm thanh của mỗi chiếc chiêng cùng hòa nhịp. Khi đã đánh thuần thục rồi hầu như không ai muốn rời chiếc chiêng”.
 
Còn đó những nỗi niềm
 
Phải khẳng định rằng trong xu thế hội nhập, nhưng ở vùng đồng bào DTTS vẫn có nhiều thế hệ trẻ đam mê cồng chiêng. Họ không chỉ muốn biết về kỹ năng sử dụng, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, mà hơn thế nữa là muốn tìm hiểu, khám phá cái hay, sức cuốn hút của nó cũng như những nét đẹp văn hóa cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng... Từ đó, giúp họ có sự đam mê, gắn bó và góp sức trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống nhất là trong điều kiện hiện nay khi không gian văn hóa cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, việc duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống (cồng chiêng) ở một số vùng đồng bào DTTS cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn bởi thiếu nhạc cụ (cồng chiêng). 
 
Chị Ka Hem bày tỏ: “Từ khi kết thúc lớp học, đội chiêng của chúng tôi đã được nhiều người biết đến nên được một số nơi mời đến biểu diễn phục vụ du khách cũng như dân địa phương. Tuy nhiên, điều khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng tôi chưa có nguồn kinh phí để trang bị bộ chiêng, nên mỗi khi đi biểu diễn thường phải thuê chiêng của một số hộ dân trong thôn”. 
 
Còn ông K’ Đẹt - Trưởng thôn Đồng Đò chia sẻ, hiện nay hiếm có gia đình nào có đủ bộ chiêng, việc mượn hay thuê bộ cồng chiêng của họ cũng gặp nhiều khó khăn, nên việc sinh hoạt cồng chiêng không còn được duy trì như trước kia. Nhiều năm rồi bà con trong thôn không còn nghe tiếng chiêng, nên khi thấy các cháu nhiệt tình học cách đánh cồng chiêng rồi đêm khuya miệt mài tập luyện trước khi đi biểu diễn chúng tôi rất phấn khởi.  
 
Mặc dù còn đó những nỗi niềm trăn trở, nhưng có lẽ niềm vui của ông K’ Đẹt cũng là niềm vui chung đồng bào Kơ Ho ở làng nữ tướng Ka Nhòi. Bởi sự khao khát, niềm đam mê cồng chiêng của thế hệ con cháu không những đã được khơi dậy, mà đây còn là điểm nhấn trong việc nâng cao ý thức, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Kơ Ho nói riêng và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
 
NDONG BRỪM