(LĐ online) - Sáng 6/12, tại Nhà Văn hóa Lao động, Hội VHNT Lâm Đồng đã khai mạc triển lãm ảnh "Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm".
(LĐ online) - Sáng 6/12, tại Nhà Văn hóa Lao động, Hội VHNT Lâm Đồng đã khai mạc triển lãm ảnh “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm”.
|
Công chúng thưởng lãm những tác phẩm nhiếp ảnh vô giá về Đà Lạt |
Tham dự triển lãm có NSNA Lê Xuân Thăng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Hội VHNT Lâm Đồng, Ninh Thuận, các thế hệ NSNA Lâm Đồng, các văn nghệ sĩ, cùng gia đình cố NSNA Nguyễn Bá Mậu, công chúng yêu Đà Lạt, yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.
Triển lãm đã đưa đến công chúng 124 tác phẩm ảnh đen trắng chụp Đà Lạt trong 3 thập niên 50 – 60 – 70 của thế kỷ XX của NSNA Nguyễn Bá Mậu. Hình ảnh Đà Lạt xưa qua những cú bấm máy của NSNA Nguyễn Bá Mậu đẹp, hoang sơ, thanh vắng, nên thơ với con người nhân văn, bình dị, những công trình kiến trúc Pháp hoàn mỹ và phong cảnh tuyệt mỹ.
Phát biểu khai mạc, NSNA Hà Hữu Nết – Phó Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng đã khẳng định tài năng và những cống hiến của NSNA Nguyễn Bá Mậu đối với nền nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà nói chung và với Lâm Đồng, Đà Lạt nói riêng. Phó Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “NSNA Nguyễn Bá Mậu là bậc thầy của kỹ thuật phân sắc độ và nhạy sáng. Tác phẩm của ông đã mang văn hóa Việt, mang nhiếp ảnh Việt ra thế giới. 124 ảnh triển lãm là những khoảnh khắc đa sắc, đa thanh ngợi ca Đà Lạt, ngợi ca đất nước Việt Nam tươi đẹp, làm rạng danh nền nhiếp ảnh Việt Nam. Tác phẩm của ông là nguồn tư liệu quý, có giá trị lịch sử lớn, để các thế hệ sau được nhìn về Đà Lạt, nhìn lại hình hài Đà Lạt trong quá khứ, có trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo cho Đà Lạt mãi tươi đẹp”.
Nói rõ về cuộc đời và sự nghiệp của NSNA Nguyễn Bá Mậu, NSNA Lê Xuân Thăng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã bày tỏ niềm xúc động: Ngay trong lúc này, chúng ta đều hình dung và cảm nhận được quanh đây có một nhà nhiếp ảnh tài hoa Nguyễn Bá Mậu đang trìu mến mỉm cười khi những tác phẩm tâm huyết của đời mình được đồng nghiệp, công chúng nồng nhiệt đón nhận. Cách đây hơn nửa thế kỷ, trong dòng chảy lặng lẽ, êm ả của Đà Lạt nguyên sơ, có một thanh niên dáng dấp thư sinh đã cùng gia đình lên vùng đất hoa đào năm 19 tuổi. Ở cái tuổi thanh xuân tươi mới ấy, với đôi mắt cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, tại căn nhà 88 Trương Công Định, chàng thanh niên Nguyễn Bá Mậu đã khởi đầu cuộc hành trình của mình mày mò tìm kiếm trong sách vở ít ỏi, tự học và chụp những bức ảnh đầu tiên với chiếc máy ảnh Rollei cũ. Bền chí khổ luyện, ông đã khám phá được niềm vui từ những bức ảnh dần dần hiện qua thuốc giấy.
Ban ngày cầm chiếc máy ảnh để mưu sinh nuôi sống gia đình, buổi tối ông lại vùi đầu vào phòng tối để rèn luyện tập tráng phim, rọi ảnh. Với sự say mê hiếm có, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu đã dành cả thanh xuân của mình để khám phá Đà Lạt qua ống kính, đó là những sớm có ánh bình minh rực rỡ bên bờ suối, len lỏi hàng giờ tìm góc độ trong những cánh rừng, hay trải lòng trước sắc hoa dã quỳ vàng khi những cơn mưa cuối mùa trút xuống Tây Nguyên.
|
Tác phẩm "Dáng ngoại" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu |
Năm 1968, bức ảnh “Dáng ngoại” của ông tham gia cuộc thi đoạt liên tiếp 5 giải thưởng vàng trong nước và quốc tế. Ảnh xử lý kỹ thuật tạo sự tương phản và nêu lên những điểm mạnh trong tác phẩm đã gây được sự chấn động trong giới nhiếp ảnh. Tại Salon Pháp 6/1968, “Dáng ngoại” đoạt giải nhất nằm trên cả bậc danh tài về kỹ thuật đương thời là Leo (người Áo). Sau thành công vang dội này, NSNA Nguyễn Bá Mậu lần lượt đoạt thêm 30 huy chương với 12 tác phẩm cũng với kỹ thuật buồng tối thể hiện trình độ siêu đẳng qua các biến thể khác nhau.
Nếu nhạc sĩ Hoàng Nguyên được coi là người đã đội vương miện về giai điệu cho Đà Lạt qua ca khúc Ai lên xứ hoa đào, thì người “phù thủy phòng tối” Nguyễn Bá Mậu đã góp phần tôn vinh nhan sắc của miền hoa đào bằng các bức ảnh thổi hồn vào những tác phẩm đậm dấu ấn kỹ thuật như Hồi tưởng (HCB 1969), Buổi chợ ban mai (HCV tác phẩm nghệ thuật Việt Nam 1971), Núi đồi mờ sương (HCĐ Hàn Quốc 1972)… Ở hai thập niên 60 – 70 thế kỷ XX, mỗi ngày ông đã rọi ra hàng trăm bức ảnh đen trắng làm bưu thiếp khổ 10 x 15 cm để phân phối các hiệu sách, bán cho du khách. Ông được đồng nghiệp đương thời trong và ngoài nước ngưỡng mộ xưng tụng là “Vua ảnh phân sắc độ”.
Không chỉ chuyên tâm gắn bó cùng tâm hồn cảnh vật, thiên nhiên tươi đẹp Đà Lạt, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu với chiếc vespa đã rong ruổi hành trình tác nghiệp khắp miền Nam của đất nước và ghi nhận được nhiều khoảnh khắc đẹp. Ông để lại một kho ảnh tư liệu đồ sộ của ông về Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Đà Lạt được phân chia thành mạch theo từng chủ đề.
Khi tiếp xúc với các bạn trẻ, ông nói như căn dặn chính mình “Nghệ thuật thật bao la, càng đi càng thấy sự ngút ngàn của nó. Bởi thế, nên với thành công bước đầu thu được, trong niềm tự hào tôi phát giác được rằng để thành công không chỉ cố gắng là đủ mà phải có thêm ý chí dũng mãnh và cái tâm mới đạt được đến đích”.
56 năm trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình, ông đã dành những thành tựu để ca ngợi đất nước và con người Việt Nam trong nước và quốc tế. Bằng sự thủy chung ấy, năm 2001, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu đã được truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
NSNS Lê Xuân Thăng nhấn mạnh: “Triển lãm là dịp để chúng ta tưởng nhớ một ống kính tài hoa, một tài năng luôn nghiêm cẩn về nghề, suốt đời tận tụy với sự nghiệp nhiếp ảnh. Được chiêm ngưỡng những bức ảnh được ông bấm máy cách đây từ nửa thế kỷ mới ngưỡng mộ một tài năng, dám thử sức ở những điều chưa từng làm, không ngừng tìm tòi, sáng tạo và theo đuổi tận cùng ước mơ. Di sản ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu là những tư liệu quý của đất nước, sẽ là tài sản vô giá của hôm nay, mai sau; là chất men cảm hứng cho nhiều thế hệ”.
Nối nghiệp cha, 2 người con của NSNA Nguyễn Bá Mậu là NSNA Nguyễn Bá Trung và NSNA Nguyễn Bá Nhân đã gặt hái được nhiều thành công, giành nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong nước và quốc tế.
NSNA Nguyễn Bá Trung tâm sự: Nhìn lại chặng đường mà ba chúng tôi đã tạo dựng và đóng góp cho nhiếp ảnh Việt Nam và tỉnh nhà, anh em chúng tôi biết rằng có rất nhiều thứ phải học hỏi, chỉ mong chạm gót của ba mình. Chúng tôi luôn có hối thúc trong lòng phải cố gắng trau dồi, học hỏi trong nghề để không phụ lòng ba. Triển lãm như một món quà của các con dâng lên ba trong ngày giỗ thứ 30, cũng là dịp để mong các đồng nghiệp, chú bác, anh chị, bạn bè gần xa được thưởng lãm tác phẩm quý giá của ông, cùng đắm mình trong khung cảnh mộc mạc, mù sương của Đà Lạt xưa và con người xưa. Khi nói về kỹ thuật phân sắc độ và kỹ thuật nhạy sáng, chiếu sáng chắc thế hệ trẻ bây giờ đều thấy những bức ảnh kỹ thuật này không có gì đặc biệt. Chỉ cần nhấp chuột trên máy tính là cho ra những bức ảnh với những mảng màu như ý muốn. Nhưng nhìn lại mấy chục năm trước, khi chưa có máy vi tính thì kỹ thuật trong bóng tối để tạo ra những bức ảnh như vậy thật là khó, không đơn giản. Chúng tôi thật may mắn, tự hào vì được thừa hưởng vốn liếng di sản kỹ thuật vô giá này từ cha mình”.
Nhân dịp này, những người con hiếu nghĩa của NSNA Nguyễn Bá Mậu cũng đưa đến công chúng bạn đọc tuyển tập sách “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm” tập hợp những tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu của ông, hình ảnh ông với gia đình, đồng nghiệp, với văn nghệ sĩ trong và ngoài nước.
QUỲNH UYỂN