Ông Quý trau chuốt lau bộ đỉnh đồng và sắp lại bàn thờ tổ tiên. Mai là mười tư tháng Bảy Âm lịch. Lại một cái rằm tháng Bảy, chẳng mấy đã hết năm. Ông thở dài kéo chiếc ghế sang phía bên...
|
Minh họa: Phan Nhân |
Ông Quý trau chuốt lau bộ đỉnh đồng và sắp lại bàn thờ tổ tiên. Mai là mười tư tháng Bảy Âm lịch. Lại một cái rằm tháng Bảy, chẳng mấy đã hết năm. Ông thở dài kéo chiếc ghế sang phía bên.
Ông thận trọng đứng lên, hai tay nâng tấm ảnh Bác lau đi lau lại ngắm nghía. Bỗng ông dừng lại trước chân dung người lính trẻ đội chiếc mũ tai bèo. Bức ảnh đen trắng đã ố vàng duy đôi mắt và nụ cười ánh lên vẻ đẹp lạ thường. Ông Quý gỡ cặp kính lão kéo vạt áo lau, miệng lẩm nhẩm điều gì không rõ. Ông vẫn thường nói với mấy đứa cháu nội của ông mỗi khi chúng thấy ông xếp đặt hương hoa lên đó. “Đây là bàn thờ Tổ quốc cháu nhé! Chúng ta phải luôn biết ơn Đảng, Bác Hồ và các anh hùng đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc...!”.
Quay đi ngoảnh lại tới 22/12, kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nay được gọi là Ngày Quốc phòng toàn dân. Nghĩ tới, bỗng dưng ông thấy cay cay nơi khóe mắt!
Ông làm sao có thể quên được những giờ phút cực kỳ gian khổ và ác liệt đã diễn ra trong suốt thời gian 81 ngày đêm nơi Thành cổ... Trận đánh Xuân hè 1972 các binh chủng hợp thành. Là trận chiến giữa một bên là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Một bên là quân đội Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa tại khu vực Thành cổ Quảng Trị. Đây là trận chiến có thể nói ác liệt bậc nhất của chiến dịch Xuân hè 1972. Trận chiến kéo dài trong suốt 81 ngày đêm. Sau khi liên tiếp tung vào các đơn vị bộ binh cũng như sử dụng hỏa lực bom đạn cực kỳ lớn, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã thành công trong công việc tái chiếm tại Thành cổ. Nhưng không sao giành lại nửa Bắc của tỉnh Quảng Trị. Tuy vậy về mặt chiến lược, sự kháng cự mạnh mẽ quyết liệt của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam kết hợp với sự hỗ trợ đắc lực về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khiến kế hoạch tác chiến Thành cổ của bọn chúng kéo dài 3 tháng. So với kế hoạch ban đầu chỉ là 3 tuần...
* * *
Quý và Chiến là hai chiến sĩ được huấn luyện trước lúc đi B tại tỉnh Sơn Tây. Nhập ngũ cùng ngày, cùng một xã nhưng người thôn trên, người thôn dưới. Chiến hơn Quý hai tuổi, song sinh hoạt chung một chi đoàn thanh niên nên họ thân nhau như anh em. Có điều trong cách xưng hô thì ngang hàng...
Tuổi thơ của Chiến không được như Quý. Anh có phần nào vất vả hơn so với các bạn cùng lứa. Chiến là con thứ hai trong gia đình. Trên anh là chị gái lấy chồng làng bên cạnh. Khi có công nọ việc kia mới về. Dưới Chiến là cậu em trai út đang học lớp năm. Đã 2 đợt gọi nghĩa vụ quân sự, anh đều xin khất lại do hoàn cảnh gia đình, mọi công việc một mình Chiến cáng đáng. Nào là cày bừa, tham gia công điểm hợp tác xã tát nước, nhổ mạ, gánh phân, làm cỏ. Ngoài ra, đất phần trăm diện trồng rau cũng một mình. Mùa gặt hái, phơi thóc đập lúa, đánh đống rơm...ôi...! Cứ là ôm cho đủ.
Cha mẹ Chiến là thương binh loại b (Giờ thuộc loại 4/4, tỉ lệ mất sức lao động 21 phần trăm). Khi Chiến lớn, anh hiểu được tình yêu của cha mẹ mình là tấm gương vô cùng cao đẹp. Hai người tình nguyện đi thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và đã bị thương. Anh không muốn cha mẹ mình vất vả. Ngoài việc ông bà đan cót, đan rổ rá kiếm đồng tiền nuôi con ăn học đã vất vả. Đôi lúc trái gió trở trời vết thương lại âm ỉ...
Chiến học chưa hết lớp 7 phải nghỉ học lo công việc gia đình. Rồi cũng vì thương cha mẹ, anh vui lòng làm đám cưới với Mận. Một cô gái làng ngoan hiền xinh đẹp. Nhưng lại chưa một lần nắm tay nhau. Đám cưới theo nếp sống mới diễn ra thật đơn giản trước lúc lên đường nhập ngũ...
Tháng 12/1970
Chiến và Quý nhận lệnh đi B. Trước lúc ra chiến trường, đơn vị cho bộ đội đi phép 15 ngày.
Chiến bồi hồi dành tình cảm cho người vợ mới. Sau những tháng ngày huấn luyện tại vùng sơn cước, anh như thấy mình chững chạc hẳn. Một chàng trai đang ở độ tuổi hai mươi. Có dáng hình cao ráo, như phần nào vùng sông nước đã tô thêm nét đẹp cho chàng trai của đất đồng bằng Bắc Bộ. Anh sắp phải xa gia đình, xa người vợ đang mang trong mình giọt máu của anh. Rồi xa lũy tre làng, xa những người thân yêu, xa con sông Cầu nơi tắm mát tuổi thơ... Anh muốn ngày phép sẽ dài hơn ra. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng có hồi kết. Ngày trả phép về đơn vị cũng đã đến...
* * *
Chiến dịch Thành cổ giành giật từng tấc đất. Cuộc chiến nào tránh khỏi mất mát hi sinh? Để vào giải phóng được Thành cổ, bao người con đất Việt, những chiến sĩ trẻ đã phải nằm lại bên bờ sông Thạch Hãn. Máu của các anh nhuộm đỏ dòng sông! Những loạt oanh tạc cơ B52 của Mỹ rải thảm tả ngạn con sông. Thương vong con số giữa hai bên lên tới hàng ngàn...
Một mảnh đạn oan nghiệt cắm sâu vào ngực Chiến. Máu phun ướt đẫm cả vùng ngực, vùng bụng. Anh ngã vật ngay bên bờ sông, trong lúc chuẩn bị vượt sông. Tay phải của Chiến vẫn nắm chặt khẩu Ak. Quý lao tới đỡ anh, máu ngực Chiến loang đỏ ngực của Quý. Trong lúc máy bay địch vẫn điên cuồng chao đảo trên đầu. Ngọn gió chiều của sông khứa vào vết thương, một nỗi đau tê tái tới rợn người! Chiến thều thào trong hơi thở yếu ớt:
- Quý ơi...!...
- Có!... Tao đây... mày... Chiến ơi đừng chết nhé...! Có... tao đây!
Nước mắt Quý nhòa trong nắng chiều vàng nhạt. Chiến biết mình không thể vượt qua, anh khó nhọc đứt quãng:
- Quý ơi...! ơi...! Nếu mày còn...sống... hãy hứa... chăm sóc... vợ con... con tao nhé...! Hứa...!
Chiến ra hiệu cho Quý nơi túi áo ngực trái. Rồi anh trút hơi thở cuối cùng trên tay Quý. Người đồng đội, người bạn cận kề từ năm tháng ấu thơ...
Quý rút từ túi ngực áo Chiến một cuốn sổ tay bé xíu tự khâu, giữa cuốn sổ là một vật nhỏ được bọc bởi vỏ bao thuốc lá Tam Đảo. Mở ra trong đó là tấm ảnh đen trắng 3.4, ảnh Mận cười rất tươi. Quý lại thấy tim mình như thắt lại...
* * *
Tháng 10/1975
Người lính chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị từ đoàn an dưỡng trở về. Trong chiếc ba lô trên vai nặng trĩu món tài sản nghĩa tình. Văng vẳng tiếng người đồng đội năm xưa trước giờ hấp hối. Càng mỗi lúc cổng làng lại như hiện ra gần hơn. Vết thương phần mềm bả vai Quý cứ giật từng hồi. Làm thớ thịt cả cánh tay rung lên không ngưng nghỉ. Anh hồi tưởng lại trận đánh bên bờ sông Thạch Hãn. Tiếng gọi và lời nhắn thều thào yếu ớt của Chiến. Để rồi từng đêm Quý không sao tròn giấc. Anh lại giở lần từng kỷ vật của người đã khuất. Một cuốn sổ tay chỉ nhỏ bằng ba ngón tay mà sao như hồn thiêng sông núi. Đặc biệt nhất Chiến ghi rõ ngày nhập ngũ, ngày cưới, ngày cuối trả phép về đơn vị, rồi ngày lên đường đi B... Còn ngày Chiến nằm lại bên bờ sông Thạch Hãn thì Tổ quốc ghi tên anh...!
Quý như nợ Chiến mà món nợ lớn nhất đời này, ai là người công nhận khi không thể nói thành lời!
Sau những biến cố thăng trầm của cuộc đời. Như thầm lặng cuộc chiến, mà người chiến thắng không ngoài ai khác - đó là người lính chiến trường trong ngày trở về!
Giờ đây, người cựu chiến binh Thành cổ năm xưa đầu hai thứ tóc. Ông sống bằng kỷ niệm một thời chinh chiến ác liệt mà tự hào. Gian khổ mà vui khi có nhau. Đói, khát, thiếu thốn mà lòng nhẹ tựa lông hồng... kiên trung với Đảng với dân, yêu thương đồng đội như máu thịt của mình. Không hề lay chuyển ý chí sắt đá trước kẻ thù. Ấy thế mà có lúc ông đã phải giật mình bởi tiếng gọi hay câu hỏi đột ngột của đứa cháu:
- Ông nội ơi!... Sao ông mang họ Trần, còn ba và con lại là họ Nguyễn?
- Ờ...! Ờ...! Đúng... đúng rồi. Bởi... ông hoạt động cách mạng thì có thể đổi họ thay tên để giữ bí mật mà. Thế cháu không thấy anh Kim Đồng đấy ư... tên thật của anh là Nông Văn Dền đó...
- Hoan hô ông nội! Nhưng vậy còn ai ngồi dưới hình Bác Hồ đội chiếc mũ vải cứ cười với con đó ông?
- À...! À...! Đó là anh hùng, chiến sĩ đều là anh hùng được ngồi trên bàn thờ Tổ quốc cháu ạ.
- Vậy để con chắp tay vái nhé ông!
- Ừ...! Tối rồi, để ông thắp nén hương trầm...
- Nhưng ông cũng phải hứa với con là ông sẽ đổi thành họ Nguyễn giống như ba và con nhé!
- Thôi... ông già rồi! Đổi làm gì. Quan trọng là cái nghĩa ở đời phải sống tốt với nhau cháu ạ.
* * *
Sự thật bao giờ cũng phũ phàng hơn trí tưởng tượng. Khi xưa các cụ thường hỏi cưới vợ cho con bao giờ cũng “Gái hơn hai, trai hơn một”, chủ yếu về lấy người lo toan việc nhà. Cũng như sự an bài với cuộc đời ông Quý. Đi đâu cũng như “Đôi đũa lệch...”, vì bà Mận hơn ông có tới gần năm tuổi. Song một điều mà ai cũng biết, đó là từ khi ông trở về làng, thành vợ thành chồng, chưa một lần nghe gia đình ông to tiếng. Lâu dần cũng chẳng ai nhớ là bà Mận có con riêng. Đôi khi mắt ông Quý cay cay ánh lên nỗi buồn xa xăm pha chút đắng cay! Phải chăng ông đang nghĩ về những người đã ngã xuống nơi dòng sông Thạch Hãn? Hay một lý do chiến tranh đã cướp đi của ông cũng như hàng triệu người không được quyền “con cái nối dõi tông đường”...
Mải nghĩ miên man, ông chợt nhớ phải cắm bó hoa huệ lên bàn thờ Tổ quốc. Ông Quý dõng dạc:
- Mẹ Chiến Thắng ơi! Bà giúp tôi lấy bình nước lên cắm bó hoa huệ nhé!
- Vâng! Tôi đem lên ngay đây. Ông chuẩn bị cho ngày mai chưa? Bộ quân phục của ông tôi ủi rồi, ông có gắn huy chương gì vào thì làm đi. Kẻo sớm mai lại quên với nhớ!
- Ối... dào ơi! Tôi chỉ có cái nhớ... Không có ai tên là quên đâu bà ơi!
- Tôi hiểu rồi! Mai là Đại hội “chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị” của nhà ông mà! Ông quên làm sao...
- Bà thế mà chỉ được cái nói đúng! Thế bây giờ gần 3 giờ chiều rồi, liệu bà có đi tập dưỡng sinh không đấy?
- Thế ông có đi tập không, vắng ông mấy người buồn chết!
Bà Mận đưa mắt nguýt ông Quý một cái thật ngọt ngào miệng cười tủm tỉm...
Mùi hương trầm tỏa ra quyện với mùi nhị bông huệ trắng ngào ngạt. Căn nhà ấm cúng hẳn lên. Ông Quý nói với vợ:
- Hôm nay ngửi mùi hương trầm, tự nhiên nhớ lại năm xưa, cái buổi...Về Làng!
Bà Mận lại liếc xéo ông Quý một cái đáng yêu. Hai chiếc bóng đổ dài trên con đường tới hội trường của khu. Nơi có tên “Thôn văn hóa mới Yên Bình!”.
Nhà sáng tác Tam Đảo ngày 7/9/2020.
PHƯƠNG LIÊN