Mặc dù Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II còn được các Ban Sơ khảo và chung khảo tiến hành chấm, nhưng hứa hẹn sẽ là một mùa thu hoạch với nhiều quả ngọt...
Mặc dù Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II còn được các Ban Sơ khảo và chung khảo tiến hành chấm, nhưng hứa hẹn sẽ là một mùa thu hoạch với nhiều quả ngọt. Nhân dịp này, người viết có mấy cảm nhận về chuyên ngành Văn học tham gia dự giải.
|
Ban Sơ khảo chuyên ngành Văn học làm việc |
Tham gia Giải thưởng chuyên ngành Văn học lần thứ II là những tác phẩm xuất bản từ năm 2012 đến năm 2020. Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận được 26 tác giả, với đầy đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện, kịch, thơ và ký. Tuy ranh giới không phân định một cách rạch ròi, bởi sự chồng mờ do năng lực sáng tạo của người viết, nhưng có thể tạm chia theo xu hướng thẩm mĩ có 3 dạng tác phẩm. Văn học đậm chất hư cấu; văn học sử liệu (nhiều tính sự kiện - lịch sử); trong đó, phản ánh đối tượng diện rộng (đời sống con người - xã hội) và phản ánh đối tượng diện hẹp (gia đình, bạn bè, thầy trò…); văn học bao hàm cả 2 dạng trên. Về theo thể loại, tiểu thuyết có 5 tác giả; truyện, truyện dài, truyện ngắn, truyện ký có 6 tác giả; ký (bao gồm các thể tài tùy bút, tản văn, hồi ký có 6 tác giả); kịch có 1 tác giả và thơ có 13 tác giả (trong đó 11 tác giả với 11 tập riêng và 2 tác giả in chung với văn xuôi). Trân quý có tác giả rất cao tuổi, sáng tác ở tuổi 96. Về phạm vi đề tài và chủ đề phản ánh rất rộng; bao gồm không gian nhiều địa phương trong đất nước, trong đó tập trung nhiều con người và vùng đất ở tỉnh Lâm Đồng; thời gian kéo dài từ trước những năm “tiền khởi nghĩa” đến nay, quá khứ và hiện tại.
Ghi nhận trước hết là khá nhiều tác giả thể hiện được năng lực sáng tạo, lao động nghệ thuật nghiêm túc. Một số tác giả rất công phu trong tích lũy hiện thực cuộc sống và tư liệu, cứ liệu. Một số tác giả thực sự có bề dày về vốn sống và vốn nghề vốn nghiệp. Một số tác giả văn xuôi và thơ thực sự bộc lộ vốn kiến văn của nhà văn. Một số tác phẩm khá đồ sộ về dung lượng, nhất là tiểu thuyết chương hồi. Một số tiểu thuyết bước đầu trở thành tác phẩm tự sự cỡ lớn, có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở giới hạn không gian và thời gian. Tác giả đã miêu tả cuộc sống hiện tại không ngừng biến đổi, sinh thành trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân. Tái hiện cuộc sống như thật, không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lý tưởng hóa.
Ở truyện ngắn, một số tác giả đã hướng tới khắc họa một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống con người, tạo thành một ấn tượng hoàn chỉnh. Nhân vật là một mảnh nhỏ của thế giới, khắc họa như một tính cách điển hình trong tương quan với hoàn cảnh. Hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Cốt truyện của truyện đã giúp người đọc nhận ra một lý lẽ cuộc sống, gây ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người. Bút pháp chấm phá, chỉ chọn một khía cạnh, một sự kiện, một khoảnh khắc. Và quan trọng là chi tiết và hành văn ẩn ý, tạo chiều sâu chưa nói hết. Qua một số truyện, tác phẩm đã thể hiện sự quan sát và trí tưởng tượng phong phú. Điều này rõ nhất ở lựa chọn chi tiết, hình ảnh, từ đó nâng lên thành những trải nghiệm sâu sắc… thông qua kết cấu, tình huống, cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh và chi tiết.
|
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ I. Ảnh: Q.Uyển |
Nhiều trang tiểu thuyết và truyện khá thành công ở miêu tả nhân vật, diễn biến tình huống cũng như dẫn dắt sự việc khá thú vị. Các tác giả đã cố chứng minh câu chuyện mình kể là chuyện thật. Khá nhiều bài thơ thể hiện sự tìm tòi trong biểu đạt, có những ý thơ mới và hay. Các tác giả ký đã thể hiện khá nhiều phong cách biểu hiện. Nhiều tác phẩm ký nghiêng về tính báo chí, tính chính luận nên đậm chất tư liệu, kèm sự lý giải, đánh giá. Đặc biệt phần văn học sử liệu đã tái hiện khá nhiều những thời đoạn lịch sử đã qua trong tiến trình phát triển xã hội, trong đó chiến tranh và hậu chiến tranh, lao động sản xuất và tình yêu đôi lứa. Đọc các tác phẩm văn học tham gia Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng lần II, điều lớn nhất là đã đưa đến người đọc hình dung về một bức tranh hiện thực Lâm Đồng một mặt, từ các giai đoạn lịch sử đến nhiều lĩnh vực cuộc sống về kinh tế - xã hội, nhiều đối tượng con người. Một số trang văn bước đầu miêu tả được những phong tục, tính cách xã hội, tính cách dân tộc trong cuộc sống của cư dân các vùng miền qua các thời đại. Đặc biệt đã có những tác phẩm mang được âm hưởng trữ tình và triết lý.
Về thơ, cuộc hôn phối giữa con người và vũ trụ. Thơ luôn tìm về với cuộc sống, thơ ở trong cuộc sống. Người làm thơ cảm nhận cuộc sống mãnh liệt nhất, tế vi nhất. Thi nhân tự đốt cháy tâm hồn để khơi sáng và tỏa ấm. Một số bài thơ đã thực sự là kết tinh “hồn thơ”, nhờ quá trình sáng tạo của nhà thơ, nhất là những tác giả già dặn về nghề. Đó không chỉ là phần kỹ thuật mà còn là thi pháp, là nội dung tư tưởng, khả năng cảm hứng và diễn tả. Đó còn là ngôn ngữ và hình ảnh thơ, được chưng cất công phu. Thơ có cất cánh bay cao và xa được chính là ở tư tưởng trong ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ không còn là nguyên sinh của đời sống.
Dĩ nhiên thơ dự thi chưa có nhiều bài như thế. Thơ chưa tạo được “ma lực” riêng để ám ảnh ở miền vô thức. Vẫn còn nhiều bài thơ thiếu ngôn ngữ trau chuốt, thiếu “nhãn tự” và hình ảnh đặc sắc. Do dùng ngôn ngữ, cách gieo vần, phối thanh nên nhiều bài thơ ít nhạc tính và âm điệu nên không tạo được những rung động mĩ cảm ở người đọc. Đó là những bài thơ thiếu duyên. Thơ còn thiếu hằng số giá trị của thơ, đó là ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu và nhạc tính.
Hạn chế về sử dụng ngôn ngữ ở người làm thơ cũng bộc lộ rõ ở nhiều trang văn xuôi. Còn xuất hiện không ít đâu đó những lỗi về chính tả, dùng từ chưa chuẩn, hiểu biết ngôn ngữ dân tộc thiểu số thiếu chính xác. Và cả những tư liệu, sự kiện trong văn xuôi cũng chưa chính xác, thậm chí còn sai. Sự dụng công trong ngôn ngữ và dẫn liệu có thể hiểu một phần do người sáng tác còn thiếu vốn sống và chưa đủ một khối tài nguyên về kiến văn. Ngược lại, có những tác phẩm còn lệ thuộc quá nhiều vào tầm chương trích cú, làm mờ đi tính sáng tạo riêng cần có của chủ thể thẩm mĩ. Vẫn còn không ít tác phẩm văn xuôi thiếu những yếu tố phát hiện và xử lý để đạt được tính thẩm mĩ cao. Có những tác phẩm không tạo được tính cách nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình, xung đột không khai triển sâu và thiếu thống nhất, kết thúc hụt hẫng. Cái đáng “thừa” trong tiểu thuyết thì thiếu, cái đáng tinh trong truyện lại thừa. Điều này dẫn đến những đoạn văn trần thuật dàn trải, thiếu các lớp thông tin và gây nhàm chán. Nếu như sự đam mê trong sáng tác, chân thật trong thể hiện là điểm mạnh của nhiều tác giả, thì bên cạnh đó, sự phát hiện về tình tiết, chi tiết; công phu trong cấu trúc và tạo dựng; lãng mạn và bay bổng của hình ảnh, đặc biệt chất nhân văn của tác phẩm là điều còn cần vươn tới ở nhiều tác phẩm tham dự Giải thưởng Văn học lần thứ II của tỉnh Lâm Đồng.
TĨNH XUYÊN