Nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là một trong những sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc trưng, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là một trong những sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc trưng, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Lễ hội khai năm tạ ơn rừng của người Cơ tu. Ảnh minh họa |
Cư ngụ dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) sở hữu kho tàng di sản văn hóa đa dạng và phong phú gồm Không gian văn hóa làng, các phong tục tập quán, múa Tâng tung za zá, kiến trúc Gươl, dệt thổ cẩm…
Đặc biệt, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là một trong những sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc trưng, tài sản vô giá, nền tảng tinh thần của cộng đồng, đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.
Trong ngôi Gươl với những nét kiến trúc độc đáo, bề thế, làm nơi sinh hoạt cộng đồng, được bao quanh bởi núi rừng hùng vĩ, già làng Bling Bloó, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, chia sẻ nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu là hình thức ứng khẩu, sử dụng vào mục đích sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ Tu từ xưa đến nay.
Nói lý, hát lý của người Cơ Tu không nhất thiết phải dùng triết lý để mổ xẻ, phân tích sự việc hiện tượng xung quanh. Cái “lý” ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa, ví cái này để hiểu nghĩa cái kia. Vì thế nói lý, hát lý luôn kích thích người nghe, giúp người nghe hiểu câu chuyện một cách cặn kẽ, chí tình và đồng cảm với nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày.
Nói về nghệ thuật nói lý, hát lý độc đáo của người Cơ Tu, “cây đại thụ" giữa núi rừng Trường Sơn - nghệ nhân Y Kông ở xã Ba, huyện Đông Giang, phân tích: Nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu độc đáo ở chỗ ví cái này để hiểu nghĩa cái kia.
Để nói về người con gái đẹp, nết na, siêng năng và có giọng hát hay, người Cơ Tu thường lấy hình ảnh của hoa thơm đang độ hàm tiếu và tiếng chim hót ngân nga, trong trẻo của buổi ban mai giữa đại ngàn để tôn vinh vẻ đẹp của người con gái ấy.
Còn muốn nói về vẻ đẹp cường tráng, rộng lớn, bao la như gió núi, mưa ngàn của người con trai, người Cơ Tu lấy cái “lý” mạnh mẽ như cây gỗ lim, gỗ dổi hay hổ rừng, voi rừng để gắn với người con trai.
Để phê phán thói hư tật xấu, cần phải sửa chữa, người Cơ Tu thường sử dụng những thứ hư hại trong cây trồng, vật nuôi, như cây bị bệnh dẫn đến mục nát, con vật bị chết lâu ngày hôi thối, con người cần tránh xa để khỏi bị lây nhiễm bệnh.
Nghệ nhân Y Kông nhấn mạnh, nói lý, hát lý có những cách thể hiện khác nhau, ý tứ riêng của nó. Do vậy, không thể ai cũng nói lý, hát lý hay và giải thích đúng nghĩa để hiểu nhau được. Điều đó cho thấy muốn nói lý, hát lý đạt ở trình độ cao phải khổ luyện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sống và kinh nghiệm của cha ông đi trước để lại...
Gắn bó nhiều năm với văn hóa của đồng bào Cơ Tu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đông Giang Nguyễn Văn Lê chia sẻ huyện Đông Giang có 11 xã, thị trấn với 40 thôn.
Dân số của huyện hơn 27.000 người, gồm 16 thành phần dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Cơ Tu chiếm gần 77%.
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, huyện đang thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tộc người Cơ Tu, hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Riêng với nghệ thuật nói lý, hát lý, vì độ khó và nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thành lập các Câu lạc bộ nghệ thuật hoạt động thường xuyên và tổ chức những lớp truyền giảng, ghi âm, biên soạn lại những lời hát lý hay, ý nghĩa nhất.
Nhiều năm qua, huyện Đông Giang đã thành lập và duy trì hoạt động 6 Câu lạc bộ nói lý, hát lý với gần 200 thành viên tại xã Ba, xã Arooi, xã Sông Kôn, thị trấn Prao, xã Tư, Trường Trung học phổ thông Quang Trung.
Các câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt và tổ chức học tập ý nghĩa, nguồn gốc của nghệ thuật nói lý, hát lý theo một cách truyền thống nhất để lớp trẻ học tập.
Các thế hệ “gạo cội” như các nghệ nhân Bling Bloó (xã Sông Kôn), Y Kông (xã Ba), A Rất Bưi (xã Arooi), Ating Đhân (thị trấn Prao), Đinh Văn Thép (xã Tư), Ploong Jưi (xã ATing) được huy động để truyền đạt cho lớp trẻ nhận thức sâu sắc giá trị của nghệ thuật nói lý, hát lý của dân tộc mình, từ đó góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Tuy nhiên, trước tác động của nhiều yếu tố, một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ đồng bào dân tộc Cơ tu không thật sự mặn mà với nghệ thuật nói lý, hát lý của dân tộc mình.
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói lý, hát lý, huyện Đông Giang đang thực hiện đồng thời các giải pháp như vận động những người dân am hiểu về nghệ thuật nói lý, hát lý tiếp tục tham gia sinh hoạt và giảng dạy tại các câu lạc bộ; nhân rộng mô hình nghệ thuật này vào các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn huyện, nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này để cùng nhau lưu giữ và phát triển tốt hơn.
Mặt khác, huyện tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật này vào du lịch cộng đồng để vừa bảo tồn, phát huy, vừa tạo thu nhập cho đồng bào.
Đồng thời, huyện xây dựng hồ sơ đề nghị ngành chức năng công nhận Nghệ nhân ưu tú theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đối với các nghệ nhân dân gian, các già làng có uy tín và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật nói lý, hát lý nhằm ghi nhận công lao của đội ngũ này.
Đây chính là những giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói lý, hát lý độc đáo của cộng đồng dân tộc Cơ Tu trong cuộc sống hiện đại, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đông Giang Nguyễn Văn Lê nhấn mạnh.
(Theo Vietnam+)