Thơ Tố Hữu chan chứa ân tình với Đảng

04:01, 28/01/2021

Trong không khí tưng bừng, phấn khởi chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị đón chào xuân mới Tân Sửu, trong ta lại trào lên cảm xúc khi đọc lại những vần thơ tin yêu, đằm thắm, ân tình của nhà thơ Tố Hữu viết về Đảng.

Trong không khí tưng bừng, phấn khởi chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị đón chào xuân mới Tân Sửu, trong ta lại trào lên cảm xúc khi đọc lại những vần thơ tin yêu, đằm thắm, ân tình của nhà thơ Tố Hữu viết về Đảng.
 
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh tư liệu
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh tư liệu
 
Trong thơ Tố Hữu, chúng ta tìm thấy sự gặp gỡ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và với Đảng, thơ với Nhân dân; trong đó nổi bật nhất là thơ viết về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ông từng tâm sự rằng: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ. Đối với tôi: trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ” và chính từ cái duyên kiếp ấy, mà ông có những vần thơ rất hay về Đảng. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Tố Hữu là một nhà thơ có lý tưởng. Giữa bao ngọn cờ sai lạc dưới thời Pháp thuộc, anh là lá cờ Đảng nêu lên thành thơ cái lý tưởng, cái triết học, cái lối sống đúng đắn duy nhất lúc bấy giờ: Đã vay dòng máu thơm thiên cổ/Phải trả ta cho mạch giống nòi...”. 
 
Có thể nói, thật hiếm có nhà thơ nào viết thơ về Đảng nhiều và thành công như Tố Hữu; bởi cuộc đời ông gắn liền với cách mạng và Đảng. Đó cũng là nguồn cảm hứng, chắp cánh cho hồn thơ của ông bay cao để viết nên những vần thơ, bài thơ tin yêu, đằm thắm, chan chứa ân tình nhất với Đảng. Có thể nói, viết về Đảng, ngợi ca Đảng, có lẽ hay nhất, gần gũi và cùng chung một cung bậc cảm xúc với mỗi chúng ta, vẫn là những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu. Đọc thơ viết về Đảng của nhà thơ Tố Hữu, ta như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin về Đảng kính yêu.
 
“Từ ấy” tập thơ đầu tay của Tố Hữu là tiếng hát trong trẻo, phấn chấn, say mê của người thanh niên cộng sản khi mới bắt gặp lý tưởng cách mạng, trong đó có bài thơ Từ ấy được viết vào năm 1938, giây phút bừng sáng của lý tưởng khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đánh dấu cái mốc quan trọng trong cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ Tố Hữu. Điều này đã được nhà thơ xác nhận: “Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám đôi mươi, đi theo lý tưởng cao đẹp dám sống, dám đấu tranh”. Đó là niềm náo nức, reo vui của tâm hồn trẻ tràn đầy nhiệt huyết khi gặp được lý tưởng cách mạng: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim...”. Từ ấy” có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng; là tiếng nói thơ ca khơi dậy từ tấm lòng yêu thương và gắn bó với đất nước, với Đảng và đồng hành với con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo. 
 
So với các nhà thơ cùng thế hệ, Tố Hữu đã chọn cho mình một con đường đi riêng cho thi ca: “Ta đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm, cù bất cù bơ”. Với “Từ ấy”, Tố Hữu đã khẳng định phẩm chất thẩm mỹ mới của thơ Việt Nam. Cái mặt trời chân lý hay chính là ngọn lửa của lý tưởng cách mạng trong những vần thơ đầu viết về Đảng của nhà thơ cách mạng đã từng thôi thúc, giục giã biết bao thanh niên tìm đến với Đảng. Và cũng chính ngọn lửa lý tưởng ấy cứ thắp sáng mãi trong hồn thơ ông, theo ông đi suốt các thời kỳ cách mạng, nung nấu trong lòng nhà thơ ý chí tranh đấu mãi không thôi, “Ngực còn thoi thóp, tim còn đập/ Còn nghiến răng giương thẳng nghĩa kỳ!”, để nhằm mục đích “Quyết hy sinh, phá tan hết gông xiềng/ Cho Tổ quốc muôn muôn năm độc lập!”.
 
Tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu ra đời trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, được coi như là “tiếng hát” toàn dân kháng chiến. “Việt Bắc” của Tố Hữu giống như một bức tranh tâm tình của con người Việt Nam trong kháng chiến; ở đó, Đảng và Bác Hồ luôn gắn chặt với nhau như một lẽ tự nhiên, tạo nên nguồn cảm ứng để Tố Hữu tự hào cất lên vần thơ: “Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ/ Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại” (Sáng tháng Năm - 1951) và ở đó cũng thể hiện sự lạc quan, tin tưởng; lòng biết ơn lâu bền, sâu nặng đối với Đảng:
 
Lòng ta ơn Ðảng đời đời
Ngược xuôi đôi mặt một lời song song.
Ngàn năm xưa nước non Hồng
Còn đây ơn Ðảng nối dòng dài lâu
Ngàn năm non nước mai sau
Ðời đời ơn Ðảng càng sâu càng nồng.
 
Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH, Tố Hữu đã có nhiều bài thơ, vần thơ tri ân, nghĩa tình đối với Ðảng, Bác Hồ, với Nhân dân được in trong tập thơ “Gió lộng”; một tập thơ mở ra niềm vui lớn vì nửa nước được giải phóng, nhưng là niềm vui chưa trọn vẹn vì: “Ðường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong nước lửa sôi”. Tập thơ “Gió lộng”, có nhiều bài thơ, vần thơ hay ca ngợi Đảng, nhưng có lẽ bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” là bài thơ trọn vẹn nhất viết về Đảng. Đó cũng là bài thơ có sức lay động lòng người, được nhiều người biết đến, thậm chí nhiều người không biết chữ cũng thuộc lòng bài thơ. 
 
Đoạn mở đầu bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, Tố Hữu như vỡ òa lên trong niềm vui sướng đến tột độ khi được viết nên những vần thơ ca ngợi Đảng: “Anh chị em ơi/ Ba mươi năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quãng đường dài.../ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm...”. Sở dĩ nhà thơ trào lên niềm xúc động tự hào là bởi trước khi có Đảng, dân ta sống trong cảnh nô lệ, tối tăm, mù mịt không biết đi về đâu: “...Thuở nô lệ, thân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao.../ Xóm làng ta xơ xác héo hon/ Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy/ Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh chạy vào đất đỏ làm phu/ Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng...”. Từ khi có Đảng, Nhân dân ta đi theo Đảng làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến tàn bạo, giành lại cuộc sống độc lập, tự do cho dân tộc: “Trăm năm mất nước mất nhà/ Hôm nay mới cất lời ca tiếng cười/ Ta đã đứng nên người độc lập/ Cao bằng người, nào thấp thua ai?”.
 
Cụm pa nô chào mừng Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Cụm pa nô chào mừng Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia
 
Và từ đây Đảng đã lãnh đạo Nhân dân xây dựng một cuộc sống mới, có cơm ăn, áo mặc, có học hành, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Dân có ruộng, dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê…/ Màu áo mới nâu non nắng chói/ Mái trường tươi roi rói ngói son…/ Núi rừng có điện thay sao/ Nông thôn có máy làm trâu cho người”. Đối với Tố Hữu, cũng như mọi người dân Việt Nam, vào những năm 60 thế kỷ 20, mặc dù cuộc sống chưa phải giàu sang, nhưng có được như thế cũng là một điều hạnh phúc lớn lao mà trước khi có Đảng chưa ai từng nghĩ tới.
 
Sở dĩ Đảng ta làm được những điều kỳ diệu cho đất nước và cho Nhân dân là bởi: “Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây, xương sắt da đồng/ Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta Mác-Lênin vĩ đại/ Đã hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người...”. Mặc dù có phần cường điệu hóa khi ca ngợi công lao của Đảng, nhưng vẫn rất chân thật, khi Đảng như có phép mầu nhiệm, có thể nghe hiểu thấu nỗi thống khổ cơ hàn của hàng triệu người dân mất nước. Điều đó cũng đã diễn tả đúng niềm sung sướng, tự hào cao độ về Đảng quang vinh của một nhà thơ nguyện suốt đời sống chết vì Đảng.
 
Trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, Tố Hữu cũng đã lý giải một cách đúng đắn, sâu sắc về cội nguồn sức mạnh của Đảng được bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân, của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng; đồng thời là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bởi khi Đảng chiếm trọn được niềm tin yêu của dân, thì dù trong hoàn cảnh nào Nhân dân vẫn sẵn sàng: “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng” và luôn đi theo Đảng, bảo vệ Đảng đến cùng: “Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết không xa Đảng mình”. Và Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn công lao của Đảng: “Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ/ Ta nhớ người đau khổ nuôi ta:/ Ơn Người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con!”. 
 
Nói về công lao to lớn của Đảng đối với đất nước, Tố Hữu bao giờ cũng gắn liền với công lao của Bác Hồ kính yêu, bởi Bác là người đã sáng lập, rèn luyện và lãnh tạo Đảng ta: “Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/ Người đi trước, nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta/ Bạc phơ mái tóc người Cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”. “Ba mươi năm đời ta có Đảng” là bài ca ân tình với Đảng; một bài đúc kết, tổng kết bằng thơ về công ơn to lớn của Đảng với dân tộc, với mỗi người dân Việt Nam. 
 
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt và hào hùng của dân tộc, thơ Tố Hữu lại tiếp tục là khúc ca nâng bước ta ra trận; tiếp tục kêu gọi, cổ vũ, động viên Nhân dân hai miền Nam, Bắc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ cùng nhau sát cánh trên một chiến tuyến đánh quân thù cho tới ngày toàn thắng. Và từ tâm hồn của một nhà thơ đã tự nguyện hiến dâng “trái tim” cho Đảng “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều” lại tiếp tục cất lên những vần thơ đằm thắm ca ngợi Đảng sáng ngời. Năm 1961, sau Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng thành công, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng CNXH, bắt đầu bằng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mở ra con đường đi lên hạnh phúc rộng thênh thênh. Trong “Bài ca mùa xuân 1961”, Tố Hữu đã rất xúc động và thấm thía công ơn của Đảng trong việc xây dựng con người mới XHCN: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau/ Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!”. 
 
Bài thơ “Chào Xuân 67”, Tố Hữu lại có những vần thơ hết sức tâm đắc về bản chất nhân nghĩa, ân tình của Đảng, kết tinh cao đẹp cho truyền thống nhân nghĩa của dân tộc:
 
Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa
Bốn nghìn năm chan chứa ân tình
Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa
Kiếp tỳ nô vùng dậy chém nghê kình!
 
Và một năm sau, mùa xuân Mậu Thân - Cuộc tổng tiến công lịch sử, trong “Bài ca Xuân 68”, trái tim nhà thơ cách mạng Tố Hữu lại dành cho Đảng những lời tri ân sâu sắc nhất:
 
Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng
Người chưa đưa ta lên được sao Kim
Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim
Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận
Biết đi tới và làm nên thắng trận!
 
Đến “Bài ca Xuân 71”, Tố Hữu lại ca ngợi Đảng có tầm mắt nhìn xa trông rộng: “Cuộc sống lớn có đôi mắt Đảng/ Mỗi bước đi gần, nâng ước mơ xa/ Hòn than nhỏ cũng bừng lên ánh sáng/ Một Thác Bà reo, gọi điện sông Đà”.
 
Trong bài thơ “Một nhành xuân”, Tố Hữu lại viết: “…Năm hai mươi của thế kỷ hai mươi/ Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người/ Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ/ Ôi những ngày xưa… Mưa xứ Huế/ Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!/ Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời/ Đất lai láng những là nước mắt…/ Từ vô vọng, mênh mông đêm tối/ Người đã đến. Chói chang nắng dội / Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu...”. Và chính Đảng đã đem đến cho ta một “Cuộc sống thật là đáng sống”, vì vậy, nhà thơ đã mạo muội thay mặt Nhân dân “Xin dâng tấm lòng ta ơn Đảng/ 50 năm/ Đêm hóa trăng rằm/ Tỏ mặt người, mặt đất”; đó cũng chính là “Một nhành xuân, của Đảng”.
 
Rồi đến bài trường ca “Theo chân Bác”, Tố Hữu đi đến một sự hài hòa khái quát cao độ khi nhà thơ đặt hình ảnh Đảng - Bác trong mối quan hệ gắn bó với dân tộc và thời đại: “Thời đại lớn cho ta đôi cánh/ Không gì hơn Độc lập Tự do!/ Bốn mươi thế kỷ cùng ta đánh/ Có Đảng ta đây, có Bác Hồ”. 
 
Đối với Tố Hữu, thơ không chỉ là sự dâng trào cảm xúc, mà thơ còn truyền tải những tư tưởng, tình cảm lớn lao về đất nước, con người, nhất là về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Và thơ Tố Hữu đã nói đúng và cảm nhận rất sâu sắc về cái điều vĩ đại nhất của Đảng ta mà từ bao đời nay chưa ai làm được, đó là sự đổi đời cho dân tộc. Đảng đã hồi sinh, trả lại cho ta tất cả, từ Tổ quốc bao la, trời cao đất rộng, đến cả cuộc sống vật chất, tinh thần “Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”. Rõ ràng, Tố Hữu đã trở thành nhà thơ thuộc về Đảng thân yêu của mình và Đảng là một phần máu thịt không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của nhà thơ. Chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đón chào xuân mới, mừng Đảng quang vinh, đọc lại những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu, chúng ta càng cảm động và biết ơn công lao trời biển của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã đem lại hạnh phúc cho đất nước và Nhân dân Việt Nam.
 
VĂN NHÂN