Nhà thơ - Tiến sĩ Phạm Quốc Ca là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt...
|
Nhà thơ - Tiến sĩ Phạm Quốc Ca |
Nhà thơ - Tiến sĩ Phạm Quốc Ca là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt. Ông làm thơ từ rất sớm, khi vừa rời ghế nhà trường tham gia quân ngũ bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh chống Mỹ. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Phạm Quốc Ca là tình yêu Tổ quốc, quê hương, gia đình, đồng đội; đó cũng là một phần quan niệm làm thơ của Phạm Quốc Ca khi nhà thơ từng chia sẻ: một đời làm thơ phải có ít nhất một bài thơ về Tổ quốc, về mẹ, về người yêu, về mùa xuân. Khi thực hiện truyền tải các đề tài đó trong thơ của mình, Phạm Quốc Ca đều có cảm thức về thời gian gắn liền. Từ các tập thơ Tiếng trầm (1984), Chân trời mở (1994), Làng trong nỗi nhớ (1996), Những cánh rừng những bài ca (2004), Thơ viết trong album (2010), chúng ta đều thấy rõ cảm thức về thời gian của nhà thơ. Ở bài viết này, chúng tôi tập trung khảo sát tập thơ “Cơn mưa mạ vàng” - tuyển thơ từ 1970-2017, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản quý 3 năm 2018, để làm nổi bật cảm thức về thời gian trong thơ Phạm Quốc Ca.
Cơn mưa mạ vàng là tuyển thơ dày dặn, với 370 trang, tuyển tập những bài thơ và thơ dịch của Phạm Quốc Ca dịch từ thơ Nga, thơ Đường từ những năm 1970 đến nay. Hầu hết các bài thơ đều đã được in trong các tập thơ trước và trên các báo mạng, báo in. Ở đây chúng tôi chỉ khảo sát phần thơ của nhà thơ Phạm Quốc Ca với 100 bài thơ thì có đến 40 bài có ngôn ngữ biểu đạt thời gian ngay từ tiêu đề, như: Thời áo trắng, Mưa xuân, Tháng giêng xanh, Thấp thoáng bình minh, Viết trong ngày giỗ anh, Hoàng hôn màu lửa... đó là chưa kể hầu hết các bài thơ đều có đề cập đến thời gian như là cảm thức. Như vậy đủ thấy được thời gian có tần suất xuất hiện trong thơ Phạm Quốc Ca rất dày. Mặc dù có lúc nhà thơ không có ý thức dùng thời gian như phương tiện, công cụ để biểu đạt, chuyển tải thông điệp, nó chỉ dừng ở mức cảm thức. Bởi vậy chúng tôi tìm hiểu cảm thức thời gian, định danh thời gian trong thơ ông là tìm hiểu cả yếu tố tâm lý của nhà thơ.
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy thời gian trong thơ Phạm Quốc Ca được sử dụng với nhiều lớp nghĩa, nhiều phương diện để biểu đạt nội dung tư tưởng. Có thể định danh như sau:
1. Thời gian lịch sử - tự hào
Thời gian lịch sử trong thơ Phạm Quốc Ca gắn với quá khứ hào hùng của dân tộc. Ở đó lớp lớp người đã nối tiếp nhau đứng lên bảo vệ Tổ quốc:
Lịch sử cha ông in lại lối mòn
Tôi cảm nhận bằng chân đi đất
Thương người xưa măng trúc, măng mai
Thương người mặc áo vá vai
Còng lưng gieo gặt
Một sớm khói đen trời ải bắc
Nửa đêm nghe hịch lên đường
Cầm ngang ngọn giáo
Dáng tầm sừng sững núi sông
(Tuần tra trong mưa rừng)
Với bài thơ Đất nước tôi là niềm tự hào về lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc: “Bốn ngàn năm lịch sử vặn mình”:
Đất nước tôi hình chữ S
Dáng dòng sông
Tuôn phù sa mải miết
Bốn ngàn năm lịch sử vặn mình
Nên nước non này
Bên sóng trắng biển xanh.
Bài thơ Hương khói đền Cuông nhắc và tự hào về lịch sử xa xăm của dân tộc, và của chính quê hương tác giả:
Từ thăm thẳm nghìn năm
Đất nước giao xuống quê tôi giọt sử.
Sót lại của ngày xưa ông từ già áo vá
Màu rêu phong và hương khói đền Cuông.
Từ đó nhà thơ nhắc đến bài học lịch sử đắt giá không một người dân Việt nào có thể quên:
Tình Đất nước trong tôi
Từ huyền sử một ngày giặc giã
Hồn Mỵ Châu mơ màng mây trắng bi thương.
2. Thời gian tuổi trẻ
Mùa xuân là quãng thời gian đẹp nhất của một năm, tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất của đời người, với bao ước mơ, hoài bão, căng tràn nhựa sống, xôn xao dự cảm, mong chờ, tâm hồn phơi phới, nó dường như giúp con người vượt qua những quy luật vật lý, những quy luật tự nhiên. Phạm Quốc Ca có nhiều bài thơ nói về thời gian tuổi trẻ này như Mưa xuân, Thời áo trắng, Tháng giêng xanh, Từ cánh cổng - hố bom,... Với tuổi trẻ “trái tim chật lời yêu, ánh mắt ngời giao cảm”, và “trời sao như hái được trên đầu”; với tuổi trẻ “mùa Đông nán níu làn hơi lạnh/ Mưa xuân như rượu ấm trong ra” (Mưa xuân); trong con mắt tuổi trẻ, thời gian cũng thật trẻ: “Chân trời pha màu sữa/ Lúa chiêm non hớn hở/ Xanh một màu tháng giêng” (Tháng giêng xanh). Bài Thời áo trắng được nhà thơ thể hiện đầy hình ảnh:
Thời áo trắng
Tháng năm tươi trẻ.
Trang sách mở ra - cánh trắng hải âu
Biển tựa ao làng trước cánh buồm khát vọng
Trời sao như hái được trên đầu.
Hơn ai hết, tuổi trẻ của Phạm Quốc Ca một phần gắn liền với chiến trường. Những cánh rừng những bài ca là bài thơ thể hiện rõ quãng đời đó của nhà thơ:
Tuổi trẻ tôi
Những cánh rừng chang nắng
Bước hành quân
Giòn vỡ mùa khô.
…
Tuổi trẻ tôi căn hầm mắc võng
Cơn sốt nung người
Neo giữa thực - mơ
… Tuổi trẻ tôi
Lặn vào tóc bạc…
Đó là một quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp của nhà thơ đã cống hiến cho độc lập tự do của Tổ quốc.
3. Thời gian chiến tranh
Phạm Quốc Ca cũng là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh, bởi vậy thời gian và không gian chiến tranh đã trở thành một phần trong thơ của ông. Phạm Quốc Ca đã từng Tự bạch: “Những thế kỷ xếp hàng trên giá gỗ/ Giông bão chiến tranh sau gáy sách dày”. Những đam mê sách vở đã phải khép lại trong một ngày đất nước “định mệnh cùng tôi”, nhà thơ cũng phải ra trận, qua “sông suối, bưng biền”, để rồi “tôi nhận cho mình đồng đội, anh em...”. Trong những cuộc hành quân, nhà thơ phải trải qua những cơn Khát. Để “hớp nghìn ngọn gió đêm, không nguôi ước một dòng sông mát”. Khát đến nỗi nhìn vầng trăng mỏng cuối trời mà tưởng tượng như một lát dưa. Câu thơ thật hình tượng:
Trăng mỏng cuối trời,
Như một lát dưa.
Và:
Ngôi sao Mai ở cuối màn đêm
Long lanh sáng
Long lanh giọt nước...
(Khát)
Ở đây, thời gian đã trở thành phương tiện để nhà thơ diễn tả cuộc hành quân gian lao vất vả, còn vất vả hơn cả qua sa mạc trong cái khát thiêu người, tâm hồn không còn tỉnh táo mà trở thành ảo ảnh. Có điều cái ảo ảnh trong con mắt của nhà thơ thật đẹp. Con mắt thơ đó của người chiến sĩ - nhà thơ không dưới một lần cho ta thấy được tâm hồn trong trẻo khi nhìn sự vật. Nhất là thời gian sáng mai:
Sáng nay
Tôi lên khỏi chiến hào
Sững sờ gặp lâm châm xanh lá cỏ
Tận cùng thanh sạch, tơ non
Bầu trời xanh trong màu mắt trẻ
Mây trắng mỏng như một thoáng mơ màng...
(Uống mưa)
Trong bài Thấp thoáng bình minh, nhà thơ Phạm Quốc Ca cũng cho ta thấy được thời gian chiến tranh, và cũng là cái nhìn từ góc nhìn đẹp. Cứ tưởng nhà thơ Phạm Tiến Duật mới thấy được “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, ở đây chiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca cũng thấy:
Đường hành quân ríu rít tiếng chim
Lá giòn vỡ dưới bàn chân xao xác.
Rừng đã rụng mùa khô xuống đất
Ngành ngạnh nảy chồi lá mướt cánh ong.
...
Mùa Xuân nồng nã chờ mong!
Đêm chiến trường bốn phương chớp giật,
Em thấp thoáng bình minh sum họp
Bướm trắng bay đôi đường ra phía trước...
Không những đẹp, mà trong con mắt của chiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca người đọc còn cảm nhận được sự lạc quan khi ông nhìn thời gian chiến tranh:
Đường chiều nay bạn mở
Quân ta đang bươn đèo.
Sau lưng hoàng hôn đỏ
Trước cửa rừng trăng treo...
Không gian chiến tranh ác liệt mà nhà thơ cho chúng ta ấn tượng về sự mát lành của vầng trăng nhiều hơn. “Hoàng hôn đỏ” gợi hình ảnh máu, là đau thương mất mát đã bỏ lại sau lưng. Vầng trăng treo phía trước gợi cuộc sống hòa bình, hạnh phúc trong tương lai gần.
Dĩ nhiên, chiến tranh sẽ đem lại đau thương mất mát, đó là một thực tế, nhà thơ Phạm Quốc Ca cũng không thể tránh khỏi, bởi vậy thời gian buồn trong chiến tranh trong thơ Phạm Quốc Ca không phải là không có. Bài thơ Viết trong ngày giỗ anh đã được nhiều nhà phê bình nhắc đến:
Chiều ấy quân đi xanh bến phà tháng Giêng
Em đâu nghĩ lần cuối cùng đưa tiễn!
Khói bom đen phương trời anh đến
Pháo biển rú gào chen lời mẹ dặn anh.
...
Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh
Rồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc.
Em cứ đợi điều không còn có được
Một đêm kia tiếng gõ cửa anh về...
4. Thời gian hoài niệm
Một số nhà nghiên cứu đã nhận xét đúng đắn rằng thơ Phạm Quốc Ca chân chất, bình dị, mà giàu suy tư hoài niệm. Nổi bật trong thơ Phạm Quốc Ca là thời gian hoài niệm về quê hương, về tuổi thơ và những người thân yêu. Chính trong công trình Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 - 2000, Phạm Quốc Ca đã từng viết: “Hoài niệm trong thơ trung đại là hoài niệm về “tiền nhân”,“tiền triều” với tư cách là những gương mẫu về xã hội thịnh trị và con người đạo đức. Hoài niệm trong Thơ mới là hoài niệm về một thời con người còn sống hòa hợp với thiên nhiên...là quá khứ bi tráng, là thuở “huy hoàng của Á châu” đối lập với hiện thực tầm thường, tù hãm đương thời. Thời gian hoài niệm trong thơ trước 1975 thì hoặc là quá khứ mang truyền thống yêu nước và cách mạng, hoặc là quá khứ đau thương của cuộc đời cũ. Thời gian hoài niệm trong thơ đương đại qua lăng kính cá nhân thường gắn với tuổi thơ,làng quê”.
Nhà thơ Vương Tùng Cương đã đúng khi cho rằng: “Đọc thơ Phạm Quốc Ca, ta thấy bất kỳ ở đâu và lúc nào tác giả cũng luôn hướng về làng quê yêu dấu của mình bằng tấm lòng chân thành, sâu nặng”. Hoài niệm trong thơ Phạm Quốc Ca trước hết là nỗi nhớ làng quê gắn với thuở ấu thơ nghèo khổ, vất vả:
Ôi những ngày xưa
Tuổi thơ con đó.
Cái buốt lạnh theo vào nỗi nhớ
Làng nhỏ nghìn năm rơm rạ, tre pheo
(Nhớ mẹ)
Nhớ về làng quê là nhớ về mẹ, hình ảnh người mẹ xuất hiện trong thơ Phạm Quốc Ca với một tần suất dày như choán phần lớn ký ức của nhà thơ, mà đều là những bài thơ hay về mẹ. những bài thơ như: Đêm lời mẹ ru, Mẹ miền Trung, Bình minh con lại lên đường, Bên mồ mẹ, Nhớ mẹ... đều là những bài thơ xuất sắc xứng đáng là những bài thơ hay về mẹ.
- Gối tay nằm thức trắng đêm
Ứa thương tay mẹ ấm mềm ngày xưa
(Đêm lời mẹ ru)
Bài thơ Bình minh con lại lên đường hiện lên một người mẹ tảo tần:
Những năm con đánh Mỹ rừng sâu
Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó.
Dõi mắt phương con
Ì ầm tiếng nổ
Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom.
Những năm con về lại giảng đường
Mẹ thương cháu đêm mòn guốc võng.
Đêm của mẹ đêm nào cũng rộng
Lời ru đầy khuyết vầng trăng…
Nhà thơ Vương Tùng Cương có nhận xét “Phạm Quốc Ca - một hồn thơ bình dị mà ám ảnh”. Quả đúng vậy, có những hình ảnh thơ giản dị mà ám ảnh, câu thơ trong bài thơ Thăm chị, nhà thơ Phạm Quốc Ca nói lên cảm thức về thời gian và không gian chỉ bằng một hình ảnh: tấm áo.
Tấm áo len em mua cho mẹ
Mẹ nhường cho chị chị nhường con
Ba thế hệ: mẹ - chị - con cùng dùng một chiếc áo. Cả thời gian và không gian như chùng lại trong nghèo đói, như không hề có một sự thay đổi. Hình ảnh của tấm áo được nhường truyền qua ba thế hệ nói lên cái ngậm ngùi của một thời.
Khi nhớ về các bạn, nhà thơ hồi tưởng về tuổi thơ, nhớ về những người bạn làm nên những sự nghiệp, “nên quan, nên sếp không ngờ...”, có những người bạn “giữa đám chăn trâu, nghịch dại/ Lớn lên thi sĩ, anh hùng...”, cũng có người “theo trâu cắm cúi cày bừa”. Nhà thơ hồi tưởng rồi suy tưởng:
Đã xa như là cổ tích
Tuổi thơ chân sáo tới trường.
Tại người hay là tại số
Bạn ta mỗi đưa một phương?
Cũng trong mạch hồi tưởng về tình bạn, Phạm Quốc Ca nhớ về nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - người nghệ sĩ tài hoa cùng quê Diễn Châu mà Phạm Quốc Ca đã viết thơ đề tặng:
Nhớ chăng anh ngày mũ rơm đi học
Tuổi thơ ta bom dội sân trường!
…
Lâu chẳng gặp trên quê mình gió nóng
Mỗi bận về cứ ngóng qua sông.
Trong niềm hoài niệm đó, nhà thơ Phạm Quốc Ca không khỏi thán phục về người bạn tài hoa của mình: “Vừa tuổi lính anh thành nghệ sĩ/ Tài hoa: Nhạc, họa, văn chương/ Trái tim tôi lặng thầm chín muộn/ Vần thơ nung bom lửa chiến trường”. Vần thơ của Phạm Quốc Ca chín muộn, nhưng đã được luyện tôi qua thời gian, qua bom đạn. để bây giờ người đọc được thưởng thức một hồn thơ bình dị, tình cảm.
Ta còn bắt gặp nhiều trong thơ Phạm Quốc Ca thời gian suy tưởng, thời gian hiện thực hàng ngày. Những câu thơ như chạm vào tâm can người đọc:
Ta say hát nửa đời cay cực
Chớm tuổi bốn mươi đã bạc đầu
(Đối ẩm với người xa)
Phạm Quốc Ca còn viết rất hay về thế sự như trong các bài thơ: Bạn ta, Rượu đắng, Diều giấy... Với đề tài này, thời gian cuộc sống hàng ngày được ông thể hiện qua cái nhìn sâu sắc về sự phức tạp, bộn bề, nhiều nghịch lý của cuộc sống hôm nay. Chúng tôi mượn lời của nhà thơ Vương Tùng Cương thay cho lời kết bài viết này: “Ở Cơn mưa mạ vàng, nhiều vấn đề thế sự, nhân sinh được đặt ra, khiến người đọc phải băn khoăn, day dứt. Ám ảnh nhất trong thơ Phạm Quốc Ca chính là vấn đề thân phận con người: “Cô gái ăn sương ngáp bên tô hủ tiếu/ Gà xì ke ghế đá ngủ say/ Đêm tàn rụng/ Bình minh xe máy/ Tương lai đến trường áo trắng bay bay/... Xấp vé số và tiếng rao tập tễnh/ Người không may đi bán vận may” (Ban mai).”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Quốc Ca (2018), Cơn mưa mạ vàng, tuyển thơ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Phạm Quốc Ca (2003), Mấy vấn đề thơ Việt Nam 1975 - 2000, chuyên luận, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG