Con trâu với người Tây Nguyên

08:02, 13/02/2021

Con trâu đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vừa là hiện vật quý với nhiều chức năng trong cuộc sống thực; đồng thời là biểu tượng đặc biệt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng.

Con trâu đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vừa là hiện vật quý với nhiều chức năng trong cuộc sống thực; đồng thời là biểu tượng đặc biệt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng. 
 
Trong nghi lễ quan trọng, con trâu xuất hiện tại vị trí trung tâm
Trong nghi lễ quan trọng, con trâu xuất hiện tại vị trí trung tâm
 
Với gần 25 năm đam mê điền dã dân tộc học, nghiên cứu về văn hóa các tộc người Tây Nguyên, nhà nhân học tên tuổi người Pháp - Jacques Dournes (1922-1993) viết tác phẩm “Rừng, Đàn bà, Điên loạn” (Nhà xuất bản (Nxb) Tri thức, 2018). Một công trình đặc sắc thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các tộc người Tây Nguyên. Theo J.Dournes: Con người sống trong rừng, cùng rừng, gắn với rừng, hòa tan với rừng; cũng là con người luôn có nhu cầu bứt ra cái hoang dã, bứt ra khỏi rừng, trở thành xã hội, trở thành văn hóa. Đấy là cuộc giằng co, níu kéo hai đầu vĩnh cửu. Vì thế, trong nhiều tác phẩm văn hóa dân gian (folklore) của các tộc người Tây Nguyên, cùng các loài thực vật, động vật, con trâu thường xuyên xuất hiện cùng các loài chim, rắn, hổ, khỉ, chồn, voi, bò, gà, lợn, chó... Con trâu là báu vật của rừng, là bạn đồng hành với con người ở nhiều nơi trong cuộc sống. Thần thoại một số tộc người Tây Nguyên, con trâu còn được tôn xưng “vật tổ”, người dân tổ chức tục cưa răng cho “tổ”.
 
Nghi lễ “ăn trâu” - sinh hoạt cộng đồng 
 
Theo tín ngưỡng đa thần và chủ nghĩa vạn vật hữu linh, như mọi thứ xung quanh, con trâu mang tính thiêng. Cũng như con gà (iar), dân tộc K’Ho lấy trâu (rơpu) làm vật hiến tế các vị thần (yàng) như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên. Một trong những tục này được gọi là lễ nghi “ăn trâu” (không gọi là “lễ hội đâm trâu” như nhiều người dùng). Tục này đồng bào K’Ho gọi là “no sa rơpu”, còn người Cor gọi là “xa ố piêu”, người Bana gọi là “x’trăng”, người Giarai gọi là “mnăm thu”... Nghi lễ được người Bana, Giarai, Xơđăng tổ chức tại nhà rông; người K’Ho, Mạ, Chu Ru tổ chức nơi khoảnh đất rộng. Một trong những công việc quan trọng cho ngày lễ là trước đó người dân chuẩn bị công phu đẽo cây trụ cúng thần (gọi là cây nêu), dây buộc trâu được kết bằng dây rừng... Cây nêu chạm trổ, vẽ hoa văn hình con cá, con chim... và treo những tua, bông hoa trắng hoặc nhuộm màu tím, đen, đỏ và những hình giống chim, cá... Cây trụ oai nghiêm, đặc sắc, treo bộ xương đầu trâu với cặp sừng đẹp. Dưới gốc trụ, trồng một cây lồ ô to, tượng trưng cho tay thần để buộc con trâu... Chúng tôi vinh dự được tham dự nhiều lễ hội văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên và được hòa với cộng đồng, được mang theo những dư vị ngọt ngào, thiêng liêng. Ví dụ cách đây đúng 10 năm, tại thị trấn huyện Đạ Tẻh, Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng năm 2011 của tỉnh Lâm Đồng, gồm 4 dân tộc Mạ, K’Ho, Chu Ru và M’Nông, rất nhiều bản sắc văn hóa bản địa được phô diễn ấn tượng. Trong không gian thiêng, già làng K’Thế ở Lâm Hà làm chủ lễ, cất lời mời gọi: “Hỡi lũ làng, sau một năm vất vả với cái nương cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché. Chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa; cho cái nương, cái rẫy tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt; cho đàn heo nhiều như con kiến; cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về mở hội”... Ba hồi tù và (bằng sừng trâu) vang vọng... Lễ hiến sinh, lễ hạ chiêng; 12 đội chiêng trong sắc phục truyền thống đặc sắc (có cả trống da trâu (sgơl) cùng hòa tấu bài Gumme...
 
Cặp sừng trâu được đặt vị trí trang trọng trên cây nêu của lễ hội
Cặp sừng trâu được đặt vị trí trang trọng trên cây nêu của lễ hội
 
“Lễ và hội có hình thức đâm trâu mang tính cộng đồng cả về danh nghĩa cũng như thực chất diễn biến” (Võ Quảng Nhơn - “Sử thi anh hùng Tây Nguyên, Nxb Giáo dục, 1997”). Theo GS. Trần Quốc Vượng, đó là “nghi lễ và thái độ ứng xử với thiên nhiên, siêu nhiên (đã được “nhân hóa”), người Tây Nguyên đi tìm đồng minh, đi tìm bạn, chứ không đi tìm các vị Thánh...”. Sự kiện diễn ra trong không gian hiện thực và huyền thoại đan xen quện bện, như những “chất liệu” làm nên những chất thơ, thực đấy mà cũng hư đấy. 
 
Ngày nay, ngành Văn hóa không cổ súy nghi lễ “ăn trâu” theo hình thức xưa cũ bởi phần nào gây phản cảm về cách giết trâu (cũng như lễ đâm lợn ở một số khu vực phía Bắc). Sự kiện lễ nghi này được đơn giản hóa bằng vật hiến tế là con gà, có phần nhẹ nhàng hơn. Dĩ nhiên các sinh hoạt cộng đồng như khấn tạ ơn các vị thần, múa, hát, tấu cồng chiêng, uống rượu cần... cùng những trang phục và các vật dụng đặc sắc vẫn được bảo tồn và duy trì. Nhưng “Bảo tồn văn hóa dân tộc không có nghĩa là ôm khư khư lấy cái vốn cổ không cho nó thay đổi, trái lại phải luôn luôn làm cho nó lớn mạnh hơn, giàu có hơn, bổ sung cho nó những yếu tố mới, tức là phải phát triển nó”. Theo đó, “cần chọn lựa cái gì còn là giá trị phải được giữ gìn, cái gì trở thành vật cản cần dẹp bỏ” (GS.TS. Trần Ngọc Thêm - “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996). 
 
Thần Chiêng (Yàng Cin) chứng nhận sứ giả hiến sinh (con trâu)
Thần Chiêng (Yàng Cin) chứng nhận sứ giả hiến sinh (con trâu)
 
Trâu - chuỗi giá trị và tâm thức văn hóa 
 
Dù thế nào, hình bóng con trâu vẫn được các dân tộc Tây Nguyên luôn đặt niềm tin của ý nghĩa tâm linh. Vì vậy, trong kiến trúc, tạo hình, hình tượng con trâu hoặc đầu trâu hiện hữu nhiều nơi. Đầu con trâu với hai chiếc sừng thật trở thành hiện vật treo nơi trang trọng nhất trong mỗi ngôi nhà với người sống và được cách điệu trong điêu khắc tại các nhà mồ của người đã khuất. Trên mái ngôi nhà cộng đồng của nhiều dân tộc thấp thoáng hình ảnh đầu trâu. Đỉnh mái nhà rông của đồng bào Giẻ Triêng có biểu tượng cặp sừng trâu cong vút vươn lên cao mạnh mẽ và uy lực. Đồng bào Cơ Tu cấu trúc ngôi nhà này (Gươl) cả hình ảnh con trâu khổng lồ. Nhìn từ xa, nhà Gươl mô phỏng hình dáng con trâu: có mình tròn, hai sườn là kèo, vì; đòn nóc tạo sống nhấp nhô và 2 sừng hướng vào nhau; dưới nhà là 4 chân trụ trên đế vững chắc. 
 
Sừng trâu được các dân tộc Tây Nguyên sử dụng làm loại nhạc cụ thuộc bộ hơi. Đó là chiếc tù và, người K’Ho gọi là “pơ nung”, người Chu Ru gọi là “ka wào”, người Mạ gọi là “tonh ke rơpu”, người M’Nông gọi là “nung”, người Ê Đê gọi là “kipah”, người Bana gọi “T’diep”... Ngày xưa, mỗi dịp ra trận, theo phân vai, các tù trưởng dùng tù và làm hiệu lệnh và thôi thúc tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Cũng tinh thần này, trong các lễ hội, già làng (nếu còn sức khỏe) hoặc chọn một thanh niên khỏe mạnh thổi tù và để báo hiệu nghi thức lễ hội bắt đầu. Một bộ phận khác của con trâu là da, cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Tây Nguyên sử dụng làm mặt trống. Người sử dụng trống thường ở vị trí hàng đầu của dàn nhạc...
 
Con trâu trong văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, không chỉ là sứ giả, là vật hiến tế của đời sống tinh thần, mà còn giúp ích nhiều trong cuộc sống thực của con người như phương tiện vận chuyển hàng, sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm,... Trâu càng trở thành tài sản quý của con người. Con trâu là hiện vật mua bán, trao đổi hàng hóa, lễ vật trong cưới hỏi và hiện vật trong những hình phạt theo luật tục... (Ví dụ luật tục của người K’Ho, tội ngoại tình có hình phạt người vi phạm (chồng, vợ) 6 con trâu nghé hoặc 12 con trâu; tội giết con (đối với người cha) phạt 15 con trâu và 1 con làm nghi lễ; tội giết người phạt 40 con trâu; tội cưỡng hiếp làm hòa bằng 1 hoặc 4 con trâu...). Luật tục của các dân tộc hiện nay vẫn còn, nhưng như đã nêu về “sự phát triển văn hóa” ở trên, quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa và nhận thức thay đổi theo hướng tiến bộ, nhiều hình phạt được thay đổi, rõ nhất là giảm số lượng hiện vật, trong đó có con trâu.
 
Nhưng dù biến đổi theo xu thế của tiến trình văn hóa, trong thực tiễn, trong tâm thức, con trâu đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn luôn được xem là thang giá trị về tài sản quý báu, sứ giả mang những khát vọng của cả cộng đồng gửi đến các thần linh. Con trâu vẫn là biểu tượng của sự giàu có và sức mạnh, xua đuổi các thế lực có hại cho con người...
 
TĨNH XUYÊN