Một khi tiếng cồng chiêng Mường trầm hùng ngân lên, tức thị cảm giác yên bình, náo nức tràn về, thúc giục những đôi tay ham làm, những đôi chân thêm phần mạnh mẽ, gợi đến một mùa màng no đủ...
Một khi tiếng cồng chiêng Mường trầm hùng ngân lên, tức thị cảm giác yên bình, náo nức tràn về, thúc giục những đôi tay ham làm, những đôi chân thêm phần mạnh mẽ, gợi đến một mùa màng no đủ. Tiếng cồng chiêng Mường còn mang theo những ước nguyện ấm lành, những tình cảm thiết tha, những đong đưa mê đắm.
Cồng chiêng Mường góp phần đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã Lộc Tân |
Gặp lại âm thanh cũ
Bà Bùi Thị Thủ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng Mường xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, chia sẻ rằng: vì điều kiện sống ở quê cũ Hòa Bình khó khăn, một số người Mường buộc phải đi làm ăn xa, nhưng ý thức gìn giữ văn hóa cồng chiêng Mường vẫn luôn canh cánh bên mình. Tuy vậy, phải đến năm 2019, khi xã Lộc Tân quyết định đầu tư mua sắm 2 bộ cồng chiêng Mường, mỗi bộ gồm 12 chiếc, và thành lập 2 Câu lạc bộ Cồng chiêng Mường, rồi phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm mời nghệ nhân mở lớp truyền dạy cách diễn tấu cồng chiêng Mường cho 24 học viên là người Mường, những người Mường quê Hòa Bình đang sinh sống, lập nghiệp tại xã Lộc Tân mới được nghe lại những âm thanh bùng biêng tỏa ra từ cồng chiêng.
“Thật khó để nói hết niềm vui và hạnh phúc của chúng tôi khi gặp lại những âm thanh quen cũ. Thời xa xưa, người Mường đã sử dụng cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt, trong niềm tin tín ngưỡng, trong các lễ hội dân gian, nên những âm thanh ấy vốn rất quen tai. Âm nhạc cồng chiêng được người Mường trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng của bà con. Tiếng cồng chiêng gắn bó với đời sống mỗi người Mường từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi mất đi”, bà Thủ cho hay.
Theo ông Bùi Văn Hưn, nghệ nhân cồng chiêng Mường, trong quan niệm của người Mường lễ hội nào thiếu tiếng cồng chiêng thì lễ hội ấy không to; tết nào im tiếng cồng chiêng, tết ấy không sung túc; ngày vui lứa đôi nào không có tiếng cồng chiêng, ngày đó không thể gọi là ngày hạnh phúc... Cồng chiêng được người Mường sử dụng khá linh hoạt, tùy từng công việc, từng nghi lễ mà có cách sử dụng và cách diễn tấu tương ứng. Có nghi lễ người Mường chỉ tấu 1 chiếc cồng chiêng, cũng có nghi lễ người Mường tấu 2 - 3 chiếc cồng chiêng, lại có nghi lễ người Mường tấu 4 chiếc cồng chiêng trở lên, nhưng thông dụng nhất là giàn cồng chiêng 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, do 12 người diễn tấu theo những bản nhạc, điệu thức định sẵn. Mỗi bài nhạc cồng chiêng là những phản chiếu tâm tình của người Mường. Thanh âm cồng chiêng diễn giải những tình cảm người Mường lúc thiết tha, khi trầm lắng, lúc hào hùng, khi mặn mà, đằm thắm... như âm vọng của núi rừng, nơi sinh sống trước kia của người Mường.
“Để thể hiện đúng không gian của lễ hội, trong khi diễn tấu cồng chiêng, ngoài việc phải mặc trang phục chỉnh tề, đúng quy cách với áo trắng, váy dài, vòng chạm, khăn tay, khăn đầu, nghệ nhân còn phải chú ý đến nhịp đánh cồng chiêng. Thường thì mở đầu bài cồng chiêng là một âm cao với nhịp chậm như nhịp bước chân chậm rãi và thận trọng, sau đó thì rộn ràng, giục giã với tiết tấu nhanh dần”, nghệ nhân Bùi Văn Hưn cho biết.
Bà Bùi Thị Thanh Huyền, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng Mường xã Lộc Tân, chân thành nói: “Tôi và những người học khác đều rất hào hứng khi cùng nhau luyện tập cồng chiêng, cũng như nghe nghệ nhân Bùi Văn Hưn truyền dạy các kiến thức về loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Qua những kiến thức đã học, tôi hiểu hơn về nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc mình”.
Thu hái chè tại xã Lộc Tân |
Tiếng của ước nguyện ấm no
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, năm 2019, nhận thấy việc gìn giữ các giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường gặp rất nhiều khó khăn vì không có cồng chiêng để tập luyện và trong số những người Mường sinh sống tại Lộc Tân không phải ai cũng biết đánh chiêng, nên xã Lộc Tân quyết định đầu tư mua 2 bộ cồng chiêng, mỗi bộ 12 chiếc, cho người Mường có cồng chiêng mà sinh hoạt văn hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mời nghệ nhân truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng cho người bản địa để âm nhạc cồng chiêng Mường cũng theo đó mà ngân vang trên quê hương mới.
“Chúng tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện để người Mường, cũng như các dân tộc thiểu số khác tại địa phương gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống của dân tộc mình, nhằm đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã Lộc Tân”, ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.
Sự tiếp sức này, góp phần trao gửi niềm tin, giúp người Mường hiểu và yêu thêm những tri thức bản địa ẩn trong nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc mình. “Thuở xưa, cây trồng chủ lực của người Mường là lúa nước. Do đó, nước giữ một vai trò rất quan trọng. Trong số những lễ hội dân gian, tục xắc bùa đầu năm mới là phong tục đặc sắc và độc đáo nhất, vì nó không chỉ là hình thức đi du xuân chúc tết mang đậm hình thái diễn xướng văn nghệ, mà còn gắn chặt với tục cầu mưa, gọi nước về để làm mùa”, bà Bùi Thị Luột, thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng Mường xã Lộc Tân, tâm sự.
Theo nghệ nhân Bùi Văn Hưn, chính những âm thanh lúc thì trầm bổng, sâu lắng; khi thì hào hùng, quyến rũ; lúc lại mặn mà, đằm thắm đã làm nên giá trị độc đáo của văn hóa cồng chiêng Mường. Bên cạnh đó, sự dịu dàng, đằm thắm, ý nhị và sâu sắc của nghệ nhân trong khi diễn tấu cũng là một điểm cộng nữa của văn hóa cồng chiêng Mường. Nét đẹp văn hóa cồng chiêng Mường càng trở nên quyến rũ bởi sự đong đưa nhịp nhàng và mê đắm của những cô gái Mường nồng nã trong tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu gia đình, tình yêu quê hương sắt son được truyền giữ qua những điệu cồng chiêng tự ngàn đời nay.
TRỊNH CHU