Người Tày từ Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào Đạ Tẻh từ những năm 90 của thế kỷ 20, góp sức biến cánh đồng xã An Nhơn bằng phẳng bên sông Đồng Nai thành vựa lúa, đưa giống Nếp Quýt tròn mẩy, dẻo thơm thành thương hiệu được nhiều người biết đến...
Người Tày từ Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào Đạ Tẻh từ những năm 90 của thế kỷ 20, góp sức biến cánh đồng xã An Nhơn bằng phẳng bên sông Đồng Nai thành vựa lúa, đưa giống Nếp Quýt tròn mẩy, dẻo thơm thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Mang theo nét đẹp văn hóa từ quê hương, người Tày trên quê mới dành cả năm chuẩn bị cho cái tết đủ đầy, để khi xuân về làm nên những mâm cỗ thịnh soạn, cầu kỳ, đẹp mắt mang đậm bản sắc dân tộc dâng cúng tổ tiên, trời đất.
|
Mâm cỗ cúng tết của người Tày rực rỡ màu sắc với món ăn cầu kỳ độc đáo |
Ngay từ đầu năm, những con gà trống đẹp mã sẽ được thiến, con heo hay ăn, lông mượt nhất đàn sẽ được chọn chăm nuôi cẩn thận để dành cho ngày tết. Gà trống thiến và heo quay là hai món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết. Con gà trống luộc căng tròn, béo ngậy da bóng, dày, vàng óng, miệng ngậm bông hoa đỏ cùng con heo quay lá mắc mật màu vàng mật ong tai dắt bông mai vàng như sự khởi đầu một năm no đủ. Bên cạnh heo quay, gà trống thiến, thì xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh giày ngũ sắc, bánh chè lam, bánh khảo là những món bánh truyền thống không thể thiếu. Quanh năm đổ mồ hôi trên đồng ruộng, tết đến, dưới bàn tay khéo léo của các mẹ các chị, những hạt Nếp Quýt tròn mẩy, trắng ngọc được làm thành những món ăn tinh túy, mang nét đẹp văn hóa dân tộc.
|
Xôi ngũ sắc |
Để chuẩn bị làm bánh chưng, đồng bào Tày ở An Nhơn lên rừng từ những ngày đầu tháng Chạp chọn hái lá dong bánh tẻ. Nếp Quýt được chuẩn bị từ vụ mùa, chọn đầu rơm lúa nếp phơi khô, trước ngày gói bánh chưng, gạo nếp được ngâm với nước màu đen quánh từ tro của rơm tạo nên hương vị đặc biệt. Không như một số dân tộc khác, bánh chưng của người Tày được gói tròn và dài gần như bánh tét của miền Nam, nhưng nhỏ, đủ một người ăn, giữa phồng lên, 2 đầu nhỏ dần, còn gọi là bánh gù.
|
Bánh dày |
Xôi trên mâm cỗ tết của đồng bào Tày cũng khác với các loại xôi thông thường bởi được tạo nên bởi năm màu khác nhau gọi là xôi ngũ sắc. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng tượng trưng cho ngũ hành, sự xoay chuyển vẹn tròn với màu vàng, xanh, đỏ, trắng, tím. Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong ngày tết. Món ăn được sáng tạo nên từ nguyên liệu tự nhiên để tạo màu, không dùng màu hóa học. Trên quê mới, không mang theo các cây cơm đen, cơm đỏ từ quê để tạo màu, đồng bào đã sáng tạo màu tím từ cây cẩm, màu đỏ từ củ dền, màu vàng từ gấc (hoặc nghệ), màu xanh từ lá dứa, màu trắng là màu tự nhiên của gạo. Lá cây nguyên liệu tạo màu sẽ được giã nhỏ sau 5 - 6 tiếng ngâm, gạo chuyển màu, vớt gạo ra cho vào đồ riêng các chõ khác nhau để không bị pha màu. Rồi được đưa lên đĩa tạo thành "bông hoa” xôi rực rỡ. Mỗi màu sắc có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, mong mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi. Màu đỏ là biểu tượng của lửa, của sự no ấm nhiệt huyết; màu vàng tượng trưng cho cây lúa, hoa màu, ngũ cốc; màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú; màu trắng mang ý nghĩa tình yêu thủy chung, son sắt... Từ xôi ngũ sắc, người ta cho vào cối giã bằng tay, tạo hình tròn dẹt, cho nhân mè, đậu thành bánh dày ngũ sắc, tạo hình trụ tháp 5 màu sắc hoặc hình bông hoa độc đáo cầu kỳ.
|
Người Tày - An Nhơn ném còn vui xuân |
Bánh khảo là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Tày. Bánh khảo đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, để có được những miếng bánh khảo thơm phức bọc giấy đủ màu phải trải qua nhiều công đoạn: ngâm gạo với nước ấm rồi vớt ra để ráo; rang gạo đến khi hạt gạo có màu vàng nhạt, cắn giòn tan; cho gạo rang vào xay trong cối đá thật mịn; ủ bột bằng cách hạ thổ trong vài ngày cho bột hút đủ độ ẩm; vò bột với đường để có độ kết dính cao để khi vào khuôn, bánh mới thành tấm thành miếng. Bánh chè lam dẻo thơm được làm từ bột nếp rang, lạc rang, gừng và mạch nha. Qua sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của các mẹ các chị từ việc rang gạo phải “canh lửa” đều, không được to quá cũng không được nhỏ quá, tay luôn đảo đều để gạo nếp chín đều, không bị sượng. Gạo rang để nguội, dùng cối xay thành bột mịn, lạc rang vàng bỏ vỏ, gừng thái sợi. Công đoạn quan trọng nhất làm bánh chè lam là thắng đường. Đường được cho vào chảo khuấy đều trên bếp lửa nhỏ cho đến khi sánh, từ từ bỏ bột, gừng, lạc rang đã chuẩn bị vào tiếp tục khuấy đều tay, nhỏ lửa để không bị dính, không bị cháy đến khi đủ độ sánh và chín, rắc sẵn bột nếp lên mặt phẳng rộng sạch, sau đó đổ chè lam lên và tạo hình. Lớp bột vừa rắc này sẽ giúp cho bánh không bị dính, lại tạo thêm một lớp áo trắng ngần hấp dẫn.
|
Đồng bào Tày thi cấy lúa trong hội Lồng Tồng (xuống đồng) đầu xuân |
Mâm cỗ ngày tết của người Tày luôn rực rỡ sắc màu, hội tụ tất cả tinh hoa, sự nỗ lực lao động, sản xuất trong cả một năm. Sự ngon lành, tinh túy của món ăn không chỉ ở hương vị mà còn ở sự cầu kỳ, mang đậm bản sắc văn hóa. Dù xa quê, cuộc sống trên quê mới có nhiều đổi thay, nhưng những món ăn ngày tết của người Tày ở An Nhơn vẫn còn nguyên phong vị truyền thống, những nét đẹp văn hóa vẫn được gìn giữ, phát huy, làm cho Tết cổ truyền của dân tộc luôn tròn vị.
QUỲNH UYỂN