Những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên càng tất bật với sàn tập và những chuyến lưu diễn vùng sâu, vùng xa....
Những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên (NTDTNTN) càng tất bật với sàn tập và những chuyến lưu diễn vùng sâu, vùng xa. Năm nay, sự kiện Đại hội Đảng của tỉnh và toàn quốc, những âm sắc, tiết tấu của ca, múa, nhạc từ Đoàn càng rộn ràng mỗi nẻo đường Lâm Đồng…
Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn NTDTNTN nhân sự kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công |
Sức hấp dẫn của chuyên nghiệp
2020 là năm đầu tiên Đoàn NTDTNTN (tiền thân là Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng) sáp nhập với Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng. Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng là đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, thành lập từ năm 1997, gặt hái nhiều thành tích như đoạt các huy chương vàng, bạc và nhận cờ thi đua của Bộ Văn hóa... Khi sáp nhập, chức năng của Đoàn vẫn là biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc chuyên nghiệp phục vụ các tầng nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; sưu tầm, cải biên, chế tác nhạc cụ dân tộc, gìn giữ, khơi dậy và phát triển vốn văn hóa nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.
Biên đạo múa, Trưởng Đoàn NTDTNTN Phạm Ngọc Hiến cho biết: Năm 2020 và đầu năm 2021, Đoàn đã phục vụ các địa bàn thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xã về đích nông thôn mới được 45 buổi. Phục vụ các sự kiện thời sự chính trị, chỉ đạt 15/40 buổi do thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn còn thực hiện 5 buổi diễn tại tỉnh Bình Phước, theo giao kết trao đổi màu sắc văn hóa vùng miền. Giữa tháng 1/2021, Đoàn vừa biểu diễn tại các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng về và triển khai ngay chạy chương trình dâng Đảng nhân đại hội toàn quốc thành công. Hoành tráng, nhưng phút cuối phải trình diễn tại rạp để Đài Truyền hình tỉnh Lâm Đồng quay và phát vào tối ngày 2/2, thay vì công diễn ngoài trời tại thành phố Đà Lạt, nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 6/2 (25 Tết), Đoàn tiếp tục lên đường biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân Trại giam Đại Bình theo ký kết hàng năm giữa Bộ VHTT&DL và Bộ Công an.
Nội dung ca, múa, nhạc của Đoàn NTDTNTN luôn ổn định 3 chủ đề: về cách mạng (ca ngợi quê hương đất nước, Đảng và Bác Hồ); về dân tộc thiểu số (chiếm 30%) và về nhạc trẻ (những ca khúc đang được giới trẻ ưa thích). Chúng tôi có nhiều dịp theo Đoàn đến với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cát Tiên, huyện Đam Rông, thành phố Đà Lạt… Những ngày cận Tết Nguyên đán năm nay, Đoàn đến với các xã Đưng K’Nơh, huyện Lạc Dương; thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm; xã Mỹ Đức, Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh… Trưởng đoàn Phạm Ngọc Hiến cho biết: Điểm diễn nào cũng trung bình từ khoảng 1.000 đến 1.500 khách tham dự. Riêng các đêm diễn tại Bình Phước, nhất là thành phố Đồng Xoài và thị xã Phước Long thu hút khoảng 4.000 người thưởng thức, trong đó có nhiều lãnh đạo của tỉnh. “Họ rất mê với chương trình của mình vì đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên’, ông Hiến nói. Niềm hạnh phúc của người thưởng thức biểu hiện rõ là sự hòa vào không khí âm nhạc vừa sôi động vừa tinh túy và giàn âm thanh, ánh sáng khá hiện đại. Với phương thức pha trộn giữa 2 phong cách biểu diễn, từ nhạc cụ dân tộc như đàn t’rưng bass, t’rưng, đinh bá, sáo, trống… với nhạc điện tử, từ trang phục đến dân vũ và múa hiện đại, buổi diễn là “đại tiệc âm nhạc”…
Chương trình biểu diễn tại vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày cận Tết 2021 |
Nguy cơ giải thể Đoàn
Tuy nhiên, Trưởng đoàn Phạm Ngọc Hiến cũng thẳng thắn và lo lắng chia sẻ: “Trước đây, Đoàn có 33 suất lương biên chế nên sử dụng kinh phí để hợp đồng một số anh em có năng lực bên ngoài dễ, nay chỉ còn được định biên 21 suất, trong lúc mới có 14 suất biên chế, 7 suất thì không tuyển được vì yêu cầu văn bằng theo quy định mới. Còn 14 người thực sự không làm ăn gì được, nguy cơ giải thể Đoàn mất!”. Theo ông Hiến, để đảm bảo một chương trình biểu diễn, mỗi lần đi Đoàn phải huy động gần 40 con người. Với bề dày chuyên nghiệp, trong 14 người biên chế có những người vào nghề từ lâu (ví dụ, diễn viên, biên đạo múa Phạm Văn Kiên, vào năm 1997; biên đạo múa, Trưởng đoàn Phạm Ngọc Hiến vào năm 1998) và đa số vào Đoàn trên hoặc gần 10 năm. Trưởng đoàn Phạm Ngọc Hiến và Phó đoàn Chu Thị Thu Huyền cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, 7 diễn viên hợp đồng vừa rồi bị nợ lương đến 4 tháng (từ tháng 9 - tháng 12/2020), “nhưng vẫn tham gia các hoạt động nghệ thuật của Đoàn đầy đủ, không thiếu một ngày nào”, ông Hiến nói. Người viết bài này khá nhiều lần chứng kiến 7 diễn viên này thể hiện trên sân khấu: Nguyễn Đình Vỹ, Krajan Út, Krajan Glib, Rô đa Na Nhi, Mơ bon Nick Sam, Lê Thị Thùy Trang, Liêng hót Ha The. Họ đều là những người rất đam mê nghệ thuật, một số là hạt nhân nổi bật về năng lực như Út, Vỹ, Glib… Muốn bổ túc bằng cấp, họ phải về Thành phố Hồ Chí Minh bởi tỉnh Lâm Đồng không có trường văn hóa nghệ thuật như ở Đắk Lắk hay Khánh Hòa. Trong lúc hoàn cảnh tuổi tác và gia đình là trở ngại, ở lại Đoàn NTDTNTN của họ đang là khe cửa rất hẹp.
Việc sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa cũng đang là trở ngại về mặt quản lý cần phải tháo gỡ. Khi độc lập, Đoàn Ca múa nhạc chủ động trong điều tiết nguồn chi, giờ do cơ chế quản lý, để chi hoạt động dù hợp lý phải theo nhiều tầng nấc. Đoàn NTDTNTN là đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, thuộc quản lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn, còn Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật thuộc Cục Văn hóa cơ sở, hoạt động bán chuyên nghiệp. Đây là khập khễnh cần tháo gỡ để đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nói riêng, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng nói chung phát triển, góp phần hoàn thành nhiệm vụ “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” - một nội dung trong 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 12/2020.
MINH ĐẠO