Chùa Hương chính thức mở cửa trở lại đón du khách từ ngày 13/3

06:03, 10/03/2021

Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn khi mở cửa trở lại.

Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn khi mở cửa trở lại.
 
Du khách đi thuyền trên suối Yến vào vãn cảnh Chùa Hương, lễ Phật năm 2020.
Du khách đi thuyền trên suối Yến vào vãn cảnh Chùa Hương, lễ Phật năm 2020.
 
Ngày 9/3, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chính thức công bố về việc mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương).
 
Từ ngày 13/3, chùa Hương mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương.
 
Cũng theo Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, sau thời gian tạm dừng mở cửa để phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, hiện tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.
 
Thực hiện Thông báo số 15/TB-BCĐ ngày 4/3/2021 của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố; kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan Khu di tích Thắng cảnh Hương Sơn.
 
Để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức (Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương) đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn khi mở cửa trở lại.
 
Huyện Mỹ Đức đề nghị du khách thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế; tuyệt đối chấp hành việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế bằng mã QR code, hạn chế tập trung đông người.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương Đặng Văn Cảnh cho biết Ban tổ chức tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của xã, hệ thống phát thanh tại khu di tích; lắp dựng các cụm pano, băng rôn, khẩu hiệu để du khách có được những thông tin cần thiết về khu di tích, lễ hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
 
Nhân viên trong Ban tổ chức sẽ sử dụng loa cầm tay nhắc nhở du khách tại các điểm có nguy cơ tập trung đông người như bến xe, đền Trình, chùa Thiên Trù, ga cáp treo và động Hương Tích…
 
Khi du khách đến khu vực bán vé và cổng soát vé sẽ có lực lượng hướng dẫn thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K của Bộ Y tế.
 
Đối với trường hợp đi theo đoàn đông người, trưởng đoàn khai báo y tế, cung cấp thông tin, số điện thoại phục vụ truy vết khi cần thiết.
 
Ban tổ chức bố trí 2 phòng cách ly y tế dự phòng để làm nơi khai báo y tế chi tiết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ sốt, ho, mệt mỏi có yếu tố dịch tễ. Các phương tiện vào khu vực di tích đều có tem (phiếu) kiểm tra phòng dịch.
 
Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch như vệ sinh khử khuẩn, bố trí nước rửa tay, hành khách ngồi trên phương tiện phải đảm bảo giãn cách.
 
Người điều khiển phương tiện phải yêu cầu, nhắc nhở du khách luôn đeo khẩu trang, không nói to cười đùa, bỏ rác vào thùng theo quy định.
 
Tại nơi thờ tự, lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và kẻ vạch, bố trí theo một chiều; rút ngắn thời gian hành lễ. Ban tổ chức cũng bố trí người đón lễ bên trong, người trả lễ ra bên ngoài theo một chiều ngay sau khi khách lễ xong.
 
Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, ăn uống thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng…
 
(Theo TTXVN)