Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm

09:03, 29/03/2021

(LĐ online) - Người Việt và người Chăm là 2 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cùng chung sống trên dải đất hình chữ S cạnh biển Đông và thuộc khu vực Đông Nam Á...

(LĐ online) - Người Việt và người Chăm là 2 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cùng chung sống trên dải đất hình chữ S cạnh biển Đông và thuộc khu vực Đông Nam Á. Khu vực sinh tồn của người Việt và người Chăm có điều kiện về tự nhiên, lịch sử và văn hóa, xã hội tương đồng nên đã tác động đến sự hình thành và tồn tại của truyện cổ tích. Do đó, không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm có những nét tương đồng.
 
Phản ánh ước mơ, hoài bão của người dân
 
 Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống mà còn thể hiện ước mơ của họ như, khát khao có được hình hài như bao người bình thường khác, khát vọng hạnh phúc tình yêu, gia đình, ước mơ về một xã hội công bằng. Trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm có một số type và motif giống nhau, như truyện Tấm Cám (Việt) có motif là sự trợ giúp, sự thử thách, sự hóa kiếp luân hồi, sự trừng phạt,... Tương tự, người Chăm có truyện Cadong và Halớc. Kiểu truyện này, với những yếu tố kì ảo trong truyện cho người đọc thấy được vai trò của không gian nghệ thuật. Truyện Thạch Sanh (Việt), motif chính là dũng sĩ diệt đại bàng (chằn tinh) cứu người đẹp (công chúa). Nhân vật được đặt trong không gian kì ảo, luôn có sự trợ giúp của bà Tiên, ông Bụt, vật thần kì,... Tương tự người Chăm có truyện Cái ná chín rãnh,... Các nhân vật trong truyện hoạt động gắn liền với không gian cản trở, đó là những thế lực đối lập với các nhân vật. Thế lực đó đại diện cho cái xấu, cái ác luôn tác oai tác quái, làm hại người hiền lành. Vì vậy, không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm đều có vai trò thể hiện ước mơ của người bình dân xưa, họ luôn tin tưởng có những người tốt, dũng cảm như dũng sĩ Thạch Sanh chiến đấu chống lại gian tà để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Những nhân vật dũng sĩ ấy thường là những người nghèo khổ, bất hạnh, lương thiện, chất phác, trải qua nhiều sóng gió, đau khổ cuối cùng được hưởng hạnh phúc. Điều này khẳng định niềm tin chính thắng tà của người Việt và người Chăm. Truyện Tấm Cám (Việt), với motif chủ yếu là ăn trầu cau, nhận ra vợ, đoàn tụ. Tấm phải vượt qua biết bao thử thách: áp bức, chà đạp, bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần, bị giết chết, hóa kiếp tái sinh nhiều lần. Truyện Cadong và Halơc (Chăm), vợ chồng chia li, vô tình vua được bà già mời ăn trầu thấy giống cánh trầu Ca-dong têm vua nhận ra và gặp lại vợ; truyện Chàng mồ côi (Chăm), chàng mồ côi và em trai bị cha nuôi bỏ trên rừng, may mắn gặp được ông bà nhận về nuôi, cho đi chăn dê. Chàng liều mạng cứu công chúa. Sau này chàng được vua gả công chúa, vua cho người mời ông bà nuôi và em trai  đến cung đình, chàng được đoàn tụ cùng người thân, được truyền lai ngôi vua. Tất cả đều có điểm chung là nhấn mạnh ước mơ, khát vọng đoàn tụ của con người. Motif vật quý (thiêng, thần kì) được sử dụng nhiều trong truyện cổ tích, người Việt có truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán, có viên ngọc chữa lành bệnh câm; Thạch Sanh, có niêu cơm thần, cây đàn thần; Người thợ săn và mụ chằn, có gậy thần gõ đầu này làm chết người, gõ đầu kia làm người chết sống lại...Người Chăm có truyện Chàng Tok chăn trâu; Cậu Sít làng Pa-rí có cây thuốc quý - cây thuốc thần;  Lưỡi dao thần, có lưỡi dao thần; Vua Bếp, có lọ nước thần; Chàng Lười, có chiếc mâm tự cho thức ăn;... Dân gian Việt và dân gian Chăm tưởng tượng và mong muốn có được vật thần kì (quý, hiếm, thiêng,...) giúp con người thoát khỏi nghèo khổ, đói rách, hun đúc cho họ niềm tin, sức mạnh, sự lạc quan, ý chí để vươn lên trong cuộc sống.
 
Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm, được dân gian thể hiện gắn liền với nhiều nhân vật chính mang hình hài bề ngoài xấu xí, dị dạng như truyện Sọ Dừa (Việt - Chăm), sinh ra là một cục thịt tròn lông lốc; truyện Chàng Ếch (Chăm), ngày mang hình dạng con vật, đêm biến thành chàng trai đẹp, tài năng; truyện Lấy vợ cóc (Việt), người vợ là con cóc, sau đó biến thành một cô gái da trắng, môi son, mày ngài, mắt phượng,.. Các nhân vật này nhờ vào sự giúp đỡ của thần linh vượt qua được những thử thách, khó khăn, cuối cùng chiến thắng kẻ thù (kẻ ganh ghét, đố kị, khinh rẻ họ). Họ có được chồng (vợ) xinh, đẹp, tài năng, có được cuộc sống hạnh phúc, thậm chí được làm vua, hoàng hậu. Những nhân vật này thường được sinh ra trong một gia đình hiếm muộn, được mẹ
                 
 Vai trò của không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm còn được tác giả dân gian thể hiện qua một số truyện gắn với các nhân vật có biệt tài và khỏe mạnh. Người Việt có truyện Bốn anh tài, ở đó có người thổi cây ngã, tát cạn biển. Người Chăm có truyện Chàng Daylim, tuy còn bú mẹ nhưng có thể ném một con quay; truyện Bảy chàng trai khỏe, có người vác đá, bẻ gỗ, hút nước,... Các nhân vật được đặt trong một không gian cản trở và họ phải vượt qua rất nhiều thử thách, gian khổ. Điều này thể hiện ước mơ của người lao động xưa về những con người có tài, có sức khỏe để chinh phục thiên nhiên, để chống lại cái ác, cái xấu trong cuộc đời.
 
Nhân vật phụ trợ trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm rất quen thuộc, thường xuât hiện với hình dáng cụ già râu tóc bạc phơ tay cầm gậy trúc, gắn liền với yếu tố kì ảo tạo nên một không gian nghệ thuật đặc sắc. Đó là nhân vật thần linh, sống  ở một thế giới khác, có nhiều phép lạ, tham gia vào cốt truyện giúp đỡ  nhân vật chính vượt qua được khó khăn, có được những điều tốt đẹp như mong muốn. Nhân vật phụ trợ xuất hiện trực tiếp, cũng có  khi xuất hiện trong giấc mơ, thần đến trong mơ, khuyên nhân vật nên hành động như  thế nào, khi tỉnh dậy nhân vật làm đúng như lời mách bảo và kết quả được như ý muốn. Tác giả dân gian cho nhân vật xuất hiện gắn liền với không gian kì lạ để người đọc thấy được vai trò của không gian nghệ thuật. 
 
Vai trò của không gian nghệ thuật 
 
Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật, góp phần làm cho cốt truyện phát triển. Trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm đều phản ánh nhân vật trong những không gian cụ thể gắn với đời sống và sinh hoạt, gần gũi, quen thuộc: gia đình, ruộng, vườn, sông, núi, rừng, biển… Người Việt có truyện Bán tóc đãi bạn, hai vợ chồng nghèo làm nghề cày ruộng, sống chật vật khó khăn, không hề than phiền, vợ chồng rất yêu thương nhau. Người Chăm có truyện Cậu Sít làng Pa-rí, cậu Sít xuất hiện gắn liền với không gian quê hương xứ sở, sinh ra, lớn lên tại làng Pa-rí, mười lăm tuổi đi hoang sang xứ Pa-Nrang. Người Việt có Sự tích dưa hấu, An Tiêm dịch chuyển từ đất liền ra đảo hoang, rồi trở về đất liền. Truyện Chàng Rắn (Chăm), nhân vật đi hết rừng này sang rừng khác, núi này sang núi kia gian khổ, cực nhọc mà chẳng thấy rắn lớn đâu, nhân vật kiệt sức, mệt mỏi ngồi nghỉ chân tại một gốc cây cổ thụ. Truyện Thạch Sanh (Việt), nhân vật sống côi cút một mình trong túp lều tranh dưới gốc đa.
 
Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm  đều có vai trò góp phần phát triển cốt truyện và nhân vật. Nhân vật được phản ánh gắn với không gian tưởng tượng, hư cấu: bí ẩn, thần kì không có thực nhưng góp phần quan trọng trong phát triển cốt truyện và nhân vật. Người Việt có Sự tích con dã tràng; Thạch Sanh,… Người Chăm có truyện Người thô bạo không tham lam; Minh ai và viên ngọc thần… là những truyện tiêu biểu nói nhiều đến không gian kì lạ dưới thấp thủy phủ. Không gian kì lạ trên cao thiên đình, cõi tiên cũng được nói đến, người Việt có Sự tích cây chổi; Của Thiên trả Địa...Người Chăm có truyện Trời không phụ người nhân đức... Không gian âm phủ có Người họ Liêu và Diêm Vương (Việt); Chàng Da lim Ballak (Chăm). Không gian trong quá khứ có sự tương đồng ở cách kể như “ngày xửa ngày xưa...”, “thuở xưa...”, “ngày xưa...,”… càng nhấn mạnh không gian cổ tích, làm phát triển cốt truyện. Hay sử dụng thời gian không gian phiếm chỉ như “một ngày nọ...”, “một hôm”… để tạo ra chuỗi hành động của nhân vật như truyện Tấm Cám (Việt); truyện Chàng Kadek đi làm rể (Chăm).
 
Nhân vật dịch chuyển từ không gian hẹp đến không gian rộng, rồi trở về không gian hẹp. Đó là những không gian đầy khó khăn, thử thách mà nhân vật phải trải qua, ở đó con người phải tự lựa chọn cho mình cách vượt qua. Từ đó mâu thuẫn xung đột trong truyện ngày càng gay gắt, quyết liệt, góp phần phát triển cốt truyện và nhân vật. Mâu thuẫn xung đột đó được giải quyết như thế nào còn phụ thuộc vào nhân vật, phụ thuộc vào quan niệm tín ngưỡng - phong tục của mỗi dân tộc.
         
Không gian nghệ thuật là một phương diện có vai trò quyết định trực tiếp đến nhân vật chính. Nhân vật hành động, di chuyển gắn liền với không gian của truyện. Có khá nhiều truyện nói đến nhân vật bị áp bức, chà đạp, bị hãm hại, như Tấm Cám (Việt), Tấm bị mẹ con dì ghẻ giết chết, hóa kiếp thành vàng anh - xoan đào - khung cửi - quả thị lại bị mẹ con dì ghẻ tiêu diệt. Điều này dẫn đến mâu thuẫn xung đột ngày càng gay gắt, làm cốt truyện phát triển, hành động, tính cách nhân vật được tô đậm. Người Chăm có truyện Chàng Sọ Dừa, chàng phải vượt qua bao thử thách mới lấy được cô út. Cô út bị hai cô chị ganh ghét, hãm hại, lừa gạt khiến cô nhảy xuống sông tìm chiếc nhẫn nhưng cô không chết. Chiếc nhẫn vàng đã ban cho cô nhiều tài phép, cô hóa thân thành một hài nhi chui vào vỏ ốc giác trôi vào bờ. Chi tiết cuối truyện giống truyện Tấm Cám (Việt), cô Tấm chui vào quả thị, khi ở nhà cũng làm mọi việc trong nhà, cũng gặp lại vua, trở về làm hoàng hậu giống cô út trong truyện Chàng Sọ Dừa (Chăm). Nhân vật đều phải trải qua quá trình thử thách trong một không gian gắn liền với những yếu tố thần kì. Nếu nhân vật không thể vượt qua những khó khăn, bị tiêu diệt thì nhân vật thần kì, vật thần kì, con vật thần kì xuất hiện giúp nhân vật chính. Lúc này mâu thuẫn xung đột được giải quyết, tài năng, nhân cách tốt đẹp của nhân vật được bộc lộ. Người Việt có truyện Tấm Cám; Cậu bé Tích Chu… người Chăm có Sự tích con khỉ; Thằng khổ... 
          
 Qua việc nghiên cứu, phân tích chúng ta thấy được sự tương đồng về vai trò không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích của người Việt và người Chăm. Cùng với những hiểu biết về không gian nghệ thuật, những phân tích cơ sở xã hội, văn hóa của sự giống nhau về vai trò của không gian nghệ thuật đối với truyện cổ tích của người Việt và người Chăm trong việc phản ánh ước mơ của người dân xưa, việc phát triển cốt truyện và nhân vật, càng giúp người đọc hiểu biết sâu sắc về văn hóa của dân tộc Việt và dân tộc Chăm trong quá trình sáng tạo truyện cổ tích. 
 
PHẠM THỊ NGA