Sau những ngày cùng vui Tết Nguyên đán với không khí náo nhiệt, hòa quyện tình thân, không còn ranh giới giữa người Kinh và người đồng bào trong thôn sóc nữa, thì Krí bắt đầu như tan biến theo nhịp thở của suối, khe, đồi, núi...
|
Minh họa: Phan Nhân |
Sau những ngày cùng vui Tết Nguyên đán với không khí náo nhiệt, hòa quyện tình thân, không còn ranh giới giữa người Kinh và người đồng bào trong thôn sóc nữa, thì Krí bắt đầu như tan biến theo nhịp thở của suối, khe, đồi, núi.
Xuân rộn rã giữa mùa nắng đẹp. Cây cỏ ưỡn mình khoe sức sống mãn viên. Hoa quả nồng hương của núi rừng tinh túy. Lộc biếc, chồi non đến nức lòng muông thú. Cũng chính là thời điểm thích hợp cho mùa săn cá của Krí. Chiếc gùi trên lưng, cây nỏ trên vai, xà gạc bên hông và một cây lồ ô được vót nhọn cầm tay luôn đồng hành cùng Krí. Ngày ngày lang thang khắp suối, đồi. Những khe suối cạn xâm xấp, cứ sủi từng chùm hoa nước từ đàn cá tung tăng đớp mồi phơi lưng uốn lượn. Krí chỉ ngắm vào những con cá to mà ghim mũi nứa xuống rồi gỡ ra xỏ xâu bỏ vô gùi. Đến quãng đồi rau nhíp gặp mưa xuân, lá mầm bung rộ là hai bàn tay Krí cũng thoăn thắt không khác gì các cô sơn nữ. Chỉ hôm nào không có cá, có rau thì Krí đành giương nỏ ngắm vào một con chồn hay chú thỏ ngẩn ngơ.
Hoàng hôn buông xuống, Krí cùng một số bạn bè có cả gái, trai đi săn cá đèn trong khu Trảng cỏ. Trảng cỏ Bàu Lạch đã chuyển cái màu xanh ngút ngàn của mùa mưa thành từng thảm vàng ngất ngây ẩn hiện. Cả nhóm chọn một điểm bằng phẳng nhất rồi để đồ, sau đó kiếm củi chất thành đống sẵn sàng. Trời bắt đầu sập tối, từng tốp rọi đèn pin cho đàn cá ùa vào ăn đèn, vậy là cùng nhau tha hồ bắt. Cảm thấy được kha khá là bắt đầu nổi lửa lên, ngồi quây quần thưởng thức cái vị ngọt thơm cay nồng của cá nướng còn tươi roi rói chấm muối ớt. Những cần rượu được kéo lên chuyền tay nhau. Cũng chính là lúc lời ca, điệu múa réo rắt, ngân nga, yểu điệu như đan xen, hòa lẫn vào ánh lửa bập bùng. Men rượu, men tình cũng bắt đầu tan chảy...
* * *
Krí mang tình xuân vào hạ. Mùa hè đầu tiên nó đi rừng có đôi, có cặp. Từ cái đêm đầu xuân đốt lửa nướng cá trong Trảng cỏ Bàu Lạch, nó đã ngất ngây với hai bàn chân trần nhún nhảy; với đôi tay và thân hình mềm dẻo, uyển chuyển theo từng nhịp điệu; với cặp mắt lúng liếng cười duyên của Thị Chanh. Rồi những đêm sau, nó bạo dạn đứng lên cùng nhảy múa, cùng hòa giọng: “Con lươn nằm yên ở đầu nguồn/ Tình đôi ta sẽ không hề thay đổi/ Từ lúc tôi đến bên nàng/ Tất cả buôn làng đều đồng ý/ Núi rừng đã biết điều thầm kín/ Rễ cây đã quấn quýt thân cây/ Làm sao đôi ta thương nhau mà giấu tất cả mọi người” (Bài hát Thương nhau của người S’tiêng, do Điểu Kvrăng phỏng dịch). Điệu múa, lời ca cứ dìu dặt, chứa chan bao âm sắc hữu tình. Vậy là cái bụng nó ưng nhau lúc nào cũng không hay biết. Chỉ biết hiện tại hai đứa đang lang thang trong rừng cùng tìm nhặt hạt ươi. Mùa ươi năm nay khan hiếm, bởi bốn năm cây trưởng thành mới cho hạt một lần. Nhưng mấy năm qua, một số gia đình cưa đổ cả cây xuống để thu hoạch. Vì vậy mà những khu rừng gần không còn được mấy cây ươi. Hai đứa phải đi mãi gần đến khu rừng Cát Tiên mới gặp được vài cây cổ thụ. Thị Chanh mừng rối rít:
- Krí! Ở đây rồi. Đúng là ươi bay. May quá.
Không vội, cả hai hạ gùi xuống, cùng quan sát. Loài ươi bay này khi đã chín là tự rụng. Nhưng mới đầu mùa nên hạt rụng còn quá ít. Vừa uống xong ngụm nước, Chanh đã giục:
- Krí, trèo lên cây rung thêm đi. Chanh nhặt chỗ này trước.
- Ừ! Phải vậy thôi.
Chanh ngồi xuống, hai tay thoăn thoắt khều lá, nhặt hạt bỏ vô gùi. Krí như chú khỉ nhanh nhẹn, thoắt cái đã ngồi chễm chệ trên cây. Nó nhìn xuống gốc quan sát rồi chuyền sang cành cây khác để tránh khu vực Chanh đang nhặt. Nó chọn tư thế đứng tựa chắc lưng vào một nhánh cây rồi hai tay ôm cành rung mạnh. Những hạt ươi màu nâu vàng chen nhau rơi lả tả xuống mặt đất. Vài hạt còn nghịch ngợm xé toạc chiếc lá trên đường đi của mình. Những chiếc lá khô cong cũng đua nhau lượn lờ như đàn dơi nhỏ rồi sà xuống đậu cả trên tóc, trên áo Chanh. Chanh lại giục:
- Đủ rồi Krí, xuống đi.
Krí buông tay, nhảy phịch xuống đất rồi sà vào tấm thảm nâu trước mặt Chanh. Loáng cái là những hạt ươi đã nằm gọn trong gùi. Mấy ngày trước, hai đứa nhặt cả ngày chỉ được vài cân. Vậy mà hôm nay, được đầy cả hai gùi. Niềm vui cứ nhảy nhót theo chân đôi bạn trẻ trên đường về. Chanh đi trước, Krí theo sau. Thỉnh thoảng hai tay nó nâng phụ chiếc gùi của Chanh lên mỗi khi vượt dốc. Lời bài hát Thương nhau lại ngân nga trong tiếng nhạc rừng: “Con lươn nằm yên ở đầu nguồn/ Tình đôi ta sẽ không hề thay đổi/.../ Làm sao đôi ta thương nhau mà giấu tất cả mọi người”.
* * *
Mùa hè cứ luyến tiếc trôi qua cái nụ tình mẩy hương rừng, gió núi. Đôi bạn trẻ bước vào thu theo hương hoa vối, quả xay. Hai chiếc gùi ngày ngày vẫn sánh bước bên nhau, khi nặng, khi nhẹ, lúc đẫy mớ rau rừng, lúc lưng ngọn măng le, lúc vài con chim, con thú nhỏ. Vừa kiếm cái ăn, vừa theo hướng gió để tìm mùi thơm đặc biệt của loài cây vối. Cả lá, cành non và nụ vối đều tỏa ra một mùi thơm dìu dịu không thể lẫn vào đâu được.
Thị Chanh gấp gọn tấm thổ cẩm bỏ vô gùi, để nắm cơm, ống nước bên trên rồi đeo lên vai là cũng vừa lúc nhìn thấy Krí tới đầu ngõ. Knhum, Dong và mấy đứa con gái cũng đã gọi nhau í ới. Krí dẫn đường, vì chỉ có nó với Chanh mới biết khu rừng vối đó ở đâu. Cả nhóm bạn nghe theo lời nó vừa đi vừa quan sát những cánh rừng hai bên lối đi, nếu gặp rừng xay thì sau mùa vối sẽ tiếp tục hái xay mà không phải mất công tìm nữa. Cứ vừa đi vừa quan sát mà quên mất quãng đường xa, ngoảnh lại thì đã tới nơi rồi. Chanh cùng mấy đứa con gái trải tấm thổ cẩm lót dưới tán cây. Krí và mấy đứa con trai trèo lên cây, bẻ những cành có nhiều nụ quẳng xuống. Chanh gom gọn lại thành đống cho Sao và Bơ Lin tuốt nụ bỏ vô gùi. Những nụ vối xanh màu lục nhạt, ưng ửng phớt hồng và tim tím chín, được mấy đứa con gái tỉ mẩn tuốt cẩn thận rồi chia đều ra tất cả các gùi. Con gà rừng cũng vừa chín tới, thơm lựng. Cả nhóm cùng ăn uống, trêu chọc nhau đến bóng chiều vừa ngả là nối gót xuôi về. Mấy đứa bạn đều bán nụ tươi. Riêng Chanh và Krí thì rửa sạch và phơi khô để hết mùa mới bán.
Hương vối đã bảng lảng thưa dần thì hương xay cũng bắt đầu đượm nồng trong gió thoảng. Những cây xay cao ngút, tán rộng như mái nhà, từng chùm quả xanh non ken dày trong vòm lá mà cả nhóm phát hiện khi đi hái nụ vối, giờ đã chuyển màu và hương khỏa đến ngất ngây. Năm nay xay trúng mùa nên đứng dưới gốc nhìn lên mà ngỡ vòm cây được nhuộm một màu nhung nâu nhạt, cứ lấp lánh chuyển mình dưới hoa nắng viền xen. Krí, Knhum, Dong trèo lên cây và tỏa ra ba hướng, kéo cây tầm vông dài lên theo rồi chọn vị trí đứng thuận tay mà đập quả Chanh, Sao và Bơ Lin cùng dọn sạch xung quanh gốc cây rộng hơn vòm tán lá rồi ra xa đứng đợi. Ba cây sào trên cây bắt đầu đập vùn vụt. Từng chùm cuống quả bị bứt ra khỏi cành và lủng lẳng xô đẩy nhau đáp xuống mặt đất. Ba cây sào dưới đất cũng nhanh nhẹn kéo những chùm quả ra ngoài rồi bẻ bớt cành, vặt bớt lá sau đó mới bỏ gọn vô gùi. Trời đứng bóng thì những chiếc gùi đẫy hương xay cũng bắt đầu len lỏi theo đường mòn xuống dốc. Nghe tiếng bước chân người lạ. Cả nhóm nép vào lùm cây. Một đoàn năm, sáu người vác cả cưa máy đang thẳng hướng rừng xay. Vậy là đã hiểu chuyện gì sắp xảy ra rồi...
Một trận mưa thu đổ ào bất chợt, khiến ông mặt trời vội núp nhanh vào chân núi. Màn đêm đen kịt cũng vội vã trùm kín khu rừng ẩm ướt. Krí cùng già Lên đeo xà gạc đi trước, bốn anh cán bộ kiểm lâm tay súng sẵn sàng phía sau. Nó quen đường nên cứ thoăn thoắt xuyên vào bóng đêm. Già Lên cũng bám sát nó không rời. Bốn anh kiểm lâm phải rọi đèn pin xuống chân để không bị trượt. Những giọt nước đọng trên lá cây cứ nhảy cẫng lên rồi đu vào áo quần của sáu người làm ướt sũng. Krí xác định vị trí và thận trọng chậm bước để nghe ngóng. Có tiếng cười nói đang vọng lại.
- Gần tới rồi. Chính là bãi xay phía trước mặt mình.
Ánh đèn pin vụt tắt. Những bước chân nhẹ nhàng tiến dần về phía trước. Đã có ánh đèn hắt ra từ một tấm bạt căng giữa những cành cây lởm chởm và những đóm lửa lốp bốp phát ra từ củi tươi ẩm ướt. Krí ngỡ ngàng khi nhìn thấy rừng cây cổ thụ khi sáng đã trở thành một bãi đổ nát ngổn ngang.
- Cho tui xin tí lửa. Bị ướt mưa nên lạnh quá.
Krí run lẩy bẩy, vừa nói vừa tiến thẳng vào gần đống lửa. Thấy quần áo Krí ướt sũng, trên người chỉ có chiếc gùi đựng ít quả xay và cái xà gạc bên hông nên bọn họ không nghi ngờ gì mà gật đầu đồng ý. Krí xoa xoa hai bàn tay vào nhau, dò hỏi:
- Chỉ lấy gỗ, không lấy quả xay à? Cho tui lấy quả được không?
- Lấy tất. Cho mày một gùi cũng được. Hơ cho đồ khô, lấy xong rồi biến đi.
- Cho tui một ly. Uống cho ấm cái bụng.
- Thằng này lắm chuyện rắc rối, nhưng tao đang vui, cứ cho nó uống cùng.
Krí nghiễm nhiên trở thành bạn nhậu của chúng. Sau vài cái cụng ly, nó đã biết tất cả mọi người đều răm rắp nghe và làm theo lời của lão Mập. Lão Mập chính là kẻ cầm đầu. Năm thằng còn lại đều trẻ, cỡ tuổi như nó. Trong lều còn có một người phụ nữ. Nó dốc ngược cái ly đã cạn, đặt xuống đất rồi đứng lên. Nó khập khiễng vừa đi vòng quanh, vừa đưa tay ra hiệu, vừa hát: “Bảy anh em trên một chiếc xe tăng/ là bảy anh em trên một chiếc xe tăng/ là bảy ...”. Nó vòng tay ôm vai Lão Mập vừa hát vừa lắc lư. Lão Mập khoái chí và đang có ý định sẽ thu nạp thằng đệ tử vui tính này vào làm việc cho lão. Nhưng, lão đã bị Krí bất ngờ khống chế trong tư thế nằm sấp, hai tay quặp ra sau lưng; đầu gối và xà gạc của Krí đã ghìm chặt cơ thể lão xuống mặt đất. Lão chưa kịp phản ứng thì năm thằng đàn em và con bồ của lão đã bị già Lên cùng bốn cán bộ kiểm lâm bắt giữ.
Theo lời khai của chúng, già Lên dẫn đường cho cán bộ kiểm lâm xuôi theo dòng Đăk Lung để tìm vớt số gỗ mà chúng đã giấu dưới mép sông. Tất cả số gỗ đã được chuyển về trạm. Loài gỗ cứng, vỏ màu trắng xám, mang giá trị cao bởi thân gỗ có vân tím mịn và nhiều nhựa đỏ, có thể cho ra sản phẩm đồ gia dụng đẹp không khác gì lim, sến nhưng giá thành hợp với túi tiền người tiêu dùng nên đang được ưa chuộng. Mùa quả năm nay có lẽ đúng chu kỳ của mười năm lặp lại, nên sai trĩu cành. Chính vì vậy mà lâm tặc thi nhau săn tìm để khai thác. Krí tiếc vô cùng, phát hiện sớm vậy mà đã bị chúng hạ hết hơn hai mươi cây rồi.
Krí sống dựa vào rừng. Nó yêu rừng, yêu cỏ cây, muông thú. Có lẽ vì vậy mà già Lên đã tin tưởng giao cho nó bí mật theo dõi, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời những kẻ có hành vi phá rừng. Già còn truyền cho nó một số kinh nghiệm để có thể tự vệ cho bản thân nữa. Nó luôn biết ơn già đã uốn nó thành một cây thẳng đứng, tràn đầy sức sống giữa rừng cây bạt ngàn.
* * *
Krí cùng Chanh bước vào đông với những đọt mây không hương, nhưng được chắt lọc cái vị ngọt đắng của đất trời giữa núi rừng thuần khiết. Loài cây leo này có thể nói “vừa cứng, vừa mềm, vừa dẻo dai, vừa nhiều gai, vừa ngon, vừa đẹp”. Bởi nó có thể đan tay vào nhau, tạo thành một rào chắn liên kết giữa bụi này sang bụi khác để ngăn chặn bước tiến của kẻ thù. Bọn giặc gặp rừng mây là chùn bước, bởi thân ken dày và đầy gai nhọn. Nó có bị bẻ cong cũng không gãy. Người đi rừng thường dùng nó làm roi như một vũ khí trên tay, khi bị loại roi mềm dẻo này quất vào thì sẽ đau đến thấu xương nên sẽ hạ gục đối phương một cách dễ dàng. Những vật dụng trong đời sống thường ngày của đồng bào S’tiêng đa phần dùng vật liệu từ mây. Thân mây được chẻ, tuốt tỉ mỉ trước khi đan lát. Từ nia, sàng, gùi, bu, dụng cụ săn thú hoặc bắt cá cho đến túi nhỏ đựng cơm, dây gùi, dây nỏ và những hoa văn trang trí tỉ mỉ như hình con cuốn chiếu, đường xương cá, bông hoa, trang trí hoa văn trên cây nêu... được làm từ mây đều dẻo, bền, bóng, đẹp. Lá mây được kết lại với nhau bằng dây mây dùng để lợp nhà. Mái lợp bằng lá mây vàng ươm, vừa mát, vừa đẹp lại có độ bền cao hơn nhiều so với tranh và các loại lá khác. Đặc biệt là đọt mây: xưa giúp bộ đội, đồng bào vượt qua cơn đói; nay là món đặc sản của núi rừng mà người người đều ưa chuộng.
Krí ngắm nghía, chọn hướng thuận để rút từng cây mây có đọt mập mạp xuống rồi dùng xà gạc cắt ngang. Chanh chỉ việc gom nhặt những đọt mây Krí vừa hái, rồi gọt tỉa xung quanh và cắt bỏ chùm lá gai bên trên mà cắm vô gùi. Ngày từng ngày, đôi bạn trẻ vẫn miệt mài đưa hương vị của núi rừng về thôn sóc. Và rồi cái vị ngọt đắng, thơm bùi, nồng cay của đọt mây nướng chấm muối ớt; cái vị beo béo, bùi bùi, đăng đắng, đượm nồng của đọt mây nấu cá suối, ốc đá, xương heo, hay đơn giản như xào, luộc... dù chế biến bằng cách nào thì hương vị của những món ăn từ đọt mây trắng cũng làm ấm lại mùa đông bởi sự dung hòa của “ngọt, bùi, cay, đắng” đã xoa dịu những tháng ngày qua. Tình yêu của đôi trẻ được nuôi dưỡng bằng hương đất, hương rừng, giữa cảnh vật thiên nhiên hiền hòa và cứ lớn dần lên.
Krí lên đường nhập ngũ. Ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ của Krí vẫn ấm, vẫn xanh. Bởi có đôi bàn tay khéo léo giữ gìn, chăm sóc; có đôi chân chung tình mỗi ngày vẫn đi sớm, về khuya. Con nghé của già Lên cho khi Krí mới vào bộ đội, giờ đã tròn ba tuổi. Con trâu ấy mỗi ngày một lớn, ngày vui của Chanh mỗi lúc một gần kề.
Rồi mùa xuân lại đến. Nỗi nhớ mong cùng lúc vỡ òa. Ngày ra quân, Krí vẽ trong đầu biết bao hình ảnh nồng nàn khi người yêu đón đợi. Càng về gần đến nhà, Krí càng hồi hộp, xuyến xao. Không thấy Chanh đâu. Chỉ thấy người người vào ra chộn rộn. Nỗi lo lắng cứ dập dồn từ đâu đến như đánh vào đôi chân, như quất vào tri giác. Có một cảm giác rất mông lung cứ trôi bồng bềnh trong khoảng không bất tận...
- Chú rể về rồi! Chú rể về tới rồi.
Krí bừng tỉnh trong tiếng reo cười giữa không khí nhộn nhịp, đông vui. Già Lên tổ chức mổ trâu, chuẩn bị trang trí nhà cửa, sân lễ. Bà con dân sóc phụ chế biến thức ăn để đãi tiệc đón dâu. Krí chỉ việc tắm rửa, thay đồ rồi theo sau già Lên cùng đoàn người đến nhà gái đón dâu. Một tiệc cưới diễn ra với chút âm hưởng cưới xin hiện đại của người Kinh hòa vào nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào S’tiêng qua điệu cồng chiêng, nhảy múa, chúc mừng của hai họ; cùng ăn, cùng uống rượu cần, cùng chia sẻ niềm vui...
Krí thật hạnh phúc vì già Lên luôn cho mình cái cảm giác ấm áp của tình thân. Hạnh phúc gấp bội khi được sóng đôi với người con gái xinh đẹp, nết na lại chân tình và thủy chung, son sắt. Càng hãnh diện giữa bà con dân sóc và họ hàng bên đàng gái khi già Lên đứng ra làm chủ hôn và đại diện nhà trai trong hôn lễ. Krí thầm hứa với lòng là sẽ cùng vợ vui sống với những mùa qua đầy ý nghĩa, để khỏi phụ lòng già Lên và bà con dân sóc dành cho mình.
VƯƠNG THU THỦY