Linh giác...
|
Minh họa: Phan Nhân |
Đang sửa soạn nấu bữa trưa, điện thoại đổ chuông liên hồi. Số gọi không có tên trong danh bạ. Định bấm từ chối vì nhiều lần bất đắc dĩ phải nghe các cuộc gọi tiếp thị bán sách, hỗ trợ vay vốn…, nhưng cũng sợ có ai đó là người quen nay đổi số mà mình không biết, không nghe lại thành thất lễ, chị quyết định bắt máy.
- A lô
- A lô, mẹ ạ!
- Nghị… Nghị đấy à con? - Chị giật mình thảng thốt.
- Mẹ ơi, con đây. Mẹ cứu con với!
- Con… con sao vậy? Có chuyện gì nói mẹ nghe!
- Con mất hết rồi, bao nhiêu vốn liếng đầu tư làm ăn bị lừa hết sạch. Mẹ xem có vay mượn được ai gửi cho con một khoản, con cần gấp. Nếu không, con chết mất.
- Con có khỏe không? Có… có nhớ nhà, nhớ mẹ không?
- Chuyện dài lắm, từ từ con kể sau. Giờ mẹ thu xếp giúp con, nghe mẹ!
- Được, được… để mẹ tính.
Sau khi dặn dò chị ghi chép lại số tài khoản, đầu dây bên kia ngắt rồi mà chị cứ ngẩn ngơ. Gần năm năm từ ngày con đi xa, hôm nay chị mới được nghe lại giọng nói quen thuộc. Nó làm tim chị rộn ràng xao xuyến, và đau đớn.
Chị thắp một nén nhang lên ban thờ. Chị vui mà nước mắt ở đâu cứ thi nhau chảy. Cuống quýt mở ngăn tủ lấy ra cuốn album ảnh, chị lật giở, chậm rãi ngắm nghía. Ký ức - đối với một người nhạy cảm và trầm lặng như chị, là mảng màu thiêng liêng và giàu có. Chị dừng mắt ở bức ảnh Nghị cầm chiếc huy chương vàng giơ cao, nụ cười rạng rỡ lộ chiếc răng khểnh duyên dáng, đôi mắt ánh vui. Thành quả con giành được từ cuộc thi bơi lội cấp khu vực khi mười hai tuổi. Chị nhớ ngày hôm đó, sau khi trở về nhà, Nghị hồ hởi:
- Nếu nỗ lực và duy trì thành tích tốt thì con có thể lên tuyển. Con sẽ được tham dự nhiều giải đấu lớn hơn.
- Ngành thể thao đào thải khắc nghiệt lắm, vinh quang chưa biết thế nào, nhưng nhọc nhằn thì nhiều. Mẹ vẫn muốn con chuyên tâm học văn hóa thì tốt hơn.
- Con sẽ gắng dành dụm tiền, khi nào bị đào thải thì về xây hồ bơi dạy bơi cho tụi trẻ.
Bất giác chị bật cười. Thằng bé lớn trước tuổi, mới từng đó mà tính toán đâu ra đấy phết. Chị ngắm con trong bộ trang phục công an ngày tốt nghiệp thật lâu. Bó hoa hướng dương và tấm bằng đỏ trên tay, vẻ mặt con hồi hộp, đầy hi vọng. Nghị là niềm tự hào lớn lao của chị khi bước chân vào Đại học Công an nhân dân. Chị nhớ như in ngày nhận giấy báo trúng tuyển, vui thì có vui, nhưng dường như trong lòng con là nỗi băn khoăn chất chứa. Đêm đó, Nghị đã ôm chị thủ thỉ:
- Thực lòng, con nghe theo định hướng của mẹ. Con cũng thấy bây giờ phải lựa chọn nghề nghiệp để tương lai không chật vật lo chuyện việc làm. Nhưng nếu con không say mê và thích thú được thì sao?
- Không ai sinh ra đã có sẵn niềm yêu thích cho một điều gì đó, có những thứ con phải học cách chấp nhận - chị nhỏ nhẹ động viên.
- À, con nghĩ ra cách rồi. Khi nào mệt, con sẽ về đòi mẹ nấu thật nhiều món con thích là được.
Thằng bé mười tám tuổi, sâu sắc và biết nghĩ cho người khác. Không theo đuổi giấc mơ làm vận động viên bơi lội, vì nó thương chị, không muốn chị nặng lòng nghĩ ngợi. Chị đã bước ra khỏi cuộc hôn nhân tù túng, chấp nhận làm mẹ đơn thân vì không thể cam chịu thói ghen tuông vô lối, vũ phu của chồng. Vốn liếng duy nhất chị có, là cái nghề “gõ đầu trẻ” lương ba cọc ba đồng. Một mình nuôi con, chị chẳng dám sắm sửa gì cho bản thân. Thằng bé đi học mà còn dành dụm tiền, lần nào về cũng mua quà cho chị. Mỗi lần gặp con, chị như được tiếp thêm năng lượng từ những mẩu chuyện vui ở trường lớp, thằng bé kể chuyện có duyên lắm, rất hóm và thu hút. Nó ghiền món canh chua cá lóc nấu mẻ, mê món chả giò có nguyên liệu khác lạ là thịt gà và khoai sọ của chị. Chẳng biết có phải nó nịnh chị không mà lúc nào cũng bảo, sau này sẽ tìm lấy một cô vợ giống mẹ mới chịu. Tấm hình hai mẹ con mừng sinh nhật lần thứ bốn tám của chị, nụ hôn của con như còn ấm nóng. Nhanh quá, mới đó mà đã gần năm năm con trai xa chị.
***
Ngày thứ hai chị nhận cuộc gọi từ con. Giọng nó ôn tồn:
- Mẹ ơi, tiền cho con mẹ tính được nhiêu rồi?
- Con trai à, mẹ vẫn đang thu xếp. Con đã ăn gì chưa? Hôm nay mẹ nấu món canh chua con thích đấy!
- Con đang rối trí lắm, mấy ngày nay không có tâm trạng ăn uống gì. Mẹ thương con, nhanh gửi tiền cho con đi.
- Dù cuộc sống khó khăn thế nào, con cũng không được quẫn trí, đừng mải mê mà lầm đường, nha con!
Trong những cuộc điện thoại ngắn ngủi, chị hỏi Nghị đủ thứ chuyện như thể không hỏi sẽ không còn cơ hội nữa. Từ ngày con dời đi, số điện thoại cũ bao lần chị bấm gọi đều không có tín hiệu. Chị mơ hồ tin rằng con trai chị đang ở một nơi nào nó, thực hiện một nhiệm vụ bí mật cần phải cắt liên lạc với gia đình chăng. Nghĩ vậy để lòng bình yên, nhen lên niềm vui sống. Giải đáp những khúc mắc đã đi đâu biệt tích tận mấy năm của chị, Nghị kể, rằng nó tham gia một chuyên án rất quan trọng, phải nhập vai để truy tìm bằng chứng. Nhưng đáng tiếc thay, nó đã chìm vào những cám dỗ làm mọi chuyện lỡ dở. Rồi sau đó là cuộc tha hương kéo dài, nó theo chân bạn làm ăn phiêu bạt sang Lào, Campuchia, hiện giờ là tận Thái Lan, làm đủ việc mưu sinh. Nghị say mê nói về công việc đầu tư tài chính online. Nó bảo, nhờ bạn bè giới thiệu và hướng dẫn, rồi khi tham gia có hẳn một đội khoảng bốn mươi chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ tạo lợi nhuận. Chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ, một khoản khoảng hai lăm triệu thì mỗi tháng thu lãi năm triệu. Các giao dịch là dự đoán tỉ giá USD, hay yên Nhật, đô Úc…, nhưng mình chẳng phải làm gì cả, mọi chuyện đã có chuyên gia lo hết. Mỗi ngày mình đăng nhập vào kiểm tra lãi một lần. Tích cóp được gần bảy mươi triệu đem đầu tư, sau một năm mà tài khoản của nó lãi được con xế hộp cả tỷ bạc. Được tiền thấy ham, nó vay mượn thêm gần năm trăm triệu “rót” vào đó. Lợi nhuận cao thì rủi ro đi kèm cũng lớn, có thể mất sạch chỉ trong tích tắc. Thực chất, chuyện sở hữu những chiếc xe tiền tỷ, số tiền khổng lồ trong tài khoản mà họ công khai trên mạng, chỉ là một chiêu trò để “lòe”, nhằm đánh vào lòng tham và giấc mộng giàu sang, lừa người ta góp vốn đầu tư, rồi khi “con mồi” đang say mê chiến thắng thì chúng cướp sạch. Tất cả những điều Nghị kể, đối với một cô giáo trường huyện chân chỉ hạt bột như chị thật xa lạ vô cùng. Chị đắm chìm trong giọng nói quen thuộc đó mà mường tưởng về vóc dáng, khuôn mặt, nụ cười của con. Chị chẳng cần tìm lý do cho sự say mê lắng nghe đó. Chị chỉ muốn tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc được hạnh ngộ này.
Mấy ngày trôi qua, nghe biết bao nhiêu chuyện, vui có, buồn có. Chị hồi hộp theo từng lời kể của con, rằng hôm nay nó phải chạy trốn đám đòi nợ thuê. Bọn chúng giấu dao sắc lẹm trong người. Có lúc giọng nói trầm hẳn xuống, nó nói xa nhà thèm cơm mẹ nấu biết bao nhiêu. Những món của mẹ dù đơn giản vẫn luôn là cực phẩm. Nó khoe đã có bạn gái và sắp được làm bố. Bạn gái…, mà không, chúng nó đã coi nhau là vợ chồng rồi - là người nó tình cờ cứu mạng khi cô ấy liều mình nhảy cầu tự tử vì bị phụ tình gần hai năm trước. Cô ấy làm công nhân trong một nhà máy may công nghiệp, không thật xinh nhưng duyên lắm, đôi mắt lúc nào cũng lóng lánh như sao hôm. Nhưng cả tuần nay nó nào dám gặp vì sợ đám đòi nợ thuê dùng cô để làm điều kiện uy hiếp. Chị nghe mà cảm giác tim mình quặn lên, nhức nhối. Chị chua xót khi liên tưởng đến những thảm kịch của các “con tin” trong những bộ phim hành động từng được xem. Kết cục của họ thường là nỗi đau, máu và nước mắt.
- Mẹ… mẹ có thương con không, mấy ngày rồi sao vẫn chưa có tiền?
- Con biết đấy, nhà mình nào có dư dả gì. Mẹ…, mẹ chưa biết xoay ở đâu được.
- Chờ nữa là chết đấy. Lẽ nào, mẹ muốn nhặt xác con?
- Mẹ chỉ có một ít tiền bấy nay dành dụm để dành cho con cưới vợ, chỉ vài ba chục triệu chứ chẳng có nhiều!
- Vậy thôi có chừng nào hay chừng đó, mẹ mau chuyển đi.
Chị quyết định gửi cho Nghị hai mươi triệu. So với những con số tiền trăm, tiền tỷ mà con từng sở hữu thì chẳng đáng kể gì, nhưng tạm thời có thể giúp thằng bé lo liệu cuộc sống trước mắt. Mong là nó không u uất, không túng quẫn quá mà làm liều.
Nhận được tiền, Nghị gọi cho chị báo tin. Nó nói thật may là đường dây cho vay nợ cùng bọn lừa đảo đầu tư online đã bị tóm, nên tạm thời chuyện nợ nần được “phanh” lại. Bây giờ, nó muốn làm một quầy bán hàng di động để có thể bán đồ ăn Việt ở thành phố Chiang Mai (Thái Lan). Vợ chưa cưới của nó từng là phụ bếp cho một nhà hàng lớn khi còn lao động ở Việt Nam, nên nấu được rất nhiều món ngon. Kinh phí làm quầy chắc cũng vài ba chục triệu gì đó. Nghị nói sẽ tu chí làm ăn để quảng bá ẩm thực Việt Nam đi xa. Chị bật cười thắc mắc, tự khi nào con trai chị hứng thú với việc nấu ăn, trước kia chỉ đòi ăn là giỏi. Nó khảng khái, xưa người ta nói “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng giờ một nghề mới là chết. Nhiều năm bôn ba, cái gì nó cũng biết một tí, buôn trái cây, lái xe tải, sửa đồ điện tử…, làm được tuốt. Nhưng nó thấy làm đồ ăn thì hay, vì ngày ba bữa ai chả phải ăn. Giống như bên Việt Nam mình mà bán mấy món Trung Quốc, Hàn Quốc, dân đi ăn rần rần đó. Ở đây mình bán món Việt, cũng hao hao như thế. Nó mơ mộng sẽ có thể sống tốt với công việc mới này, bởi đồ ăn mà đắt khách thì lãi lắm. Nó năn nỉ chị gửi thêm vài chục triệu nữa để hoàn thành ý nguyện.
Nửa tháng trôi qua, những cuộc gọi trở nên thân thuộc. Nghị ôn tồn hỏi han, nhắc chị ăn uống, giữ sức khỏe. Nó hồ hởi báo tin vợ mang song thai, giọng cười cứ ríu ran. Nghị nói đã tìm một căn nhà trọ rộng rãi hơn để chuẩn bị chào đón những thiên thần nhỏ. Có con sẽ vất vả hơn nhiều vì bao thứ phải lo toan. Mà hiện giờ vợ lại đang thất nghiệp, cuộc sống coi chừng bí bách lắm. Chị vui lây qua lời kể của con, nhưng cũng lo thay cho con. Bao nhiêu trải nghiệm, vốn liếng làm mẹ và chăm nuôi con nhỏ chị chia sẻ hết cho Nghị. Khuyên con cố gắng làm ăn lương thiện, rồi trời sẽ thương mà cho trái ngọt. Chị hi vọng một ngày, có thể gặp được những đứa trẻ. Có lúc, chị thấy Nghị lặng im rất lâu khi nghe những lời động viên, quan tâm từ chị. Dường như là xúc động, thổn thức, có khi nghẹn ngào như chực khóc.
Giữa trưa, đang dỗ giấc ngủ chập chờn, chị choàng tỉnh nghe tiếng chuông đổ dồn, giọng Nghị gấp gáp:
- Mẹ ơi, mẹ giúp con thêm chút nữa. Vợ con bị tai nạn, cái thai đang trong tình trạng nguy hiểm…
Chị hoảng hốt theo, sao thấy lòng dạ xót đắng. May thay, tiền lương cũng vừa chuyển vào tài khoản, chị không ngần ngại mà gửi ngay cho Nghị. Nhiều năm đi chùa, chị vốn chẳng xin cầu gì cả, chỉ đến để sám hối những sân niệm, tính toán vụn vặt của mình. Điều chị cầu xin duy nhất, là con trai được an yên. Tiền bạc cũng chỉ là vật ngoài thân. Mình lo được, giúp được cho con hay cho bất kỳ ai cũng là mình tạo phước cho chính mình đấy thôi. Chị cười nhẹ nhõm, cầu chúc cho con và mọi việc được bình an suôn sẻ. Cái thai dù bị động sau vụ va chạm, giờ phải hạn chế di chuyển và làm việc để giữ, nhưng hai đứa trẻ vẫn ổn. Nghe tin, chị mừng rơi nước mắt.
***
Chập tối, chị thấy đầu hơi đau nên sau khi ăn uống, dọn dẹp xong thì lên giường nằm sớm. Hôm nay cũng tròn một tháng kể từ ngày chị nhận cuộc điện thoại của con. Một tháng qua, khoản tiền tiết kiệm hơn năm mươi triệu của chị cứ vơi dần cho những sự cố của Nghị. Chị vui vì được cảm nhận những yêu thương ấm áp. Tiếng gọi mẹ thân thương trong lúc Nghị vội vã, hay lúc lơ đãng tính toán, đều làm tim chị rộn ràng xúc động. Chị nhớ con đến cháy ruột, nhưng chị cũng tin ở nơi đó, Nghị đang dần sống tốt với những dự tính làm lại cuộc đời. Điện thoại lại reo những hồi chuông quen thuộc - tiếng chuông suốt cả tháng qua đã trở thành một điều gì thật thân thuộc với chị. Chị sẽ không bất ngờ nếu hôm nay Nghị lại xin chị gửi thêm tiền cho nó. Và đúng là không ngoài dự tính, Nghị nói quầy hàng di động của nó bị đội quản lý thị trường thành phố tịch thu rồi. Nó giằng co nên ngã gãy tay… Chị kiên nhẫn lắng nghe, đến cuối cùng mới nhẹ nhàng nói:
- Con trai à, tiền tiết kiệm có bao nhiêu chuyển cho con hết rồi, mẹ chẳng còn nữa.
Nghị gắt gỏng:
- Bà nỡ lòng nào để con mình khốn khổ ư? Bà vẫn còn tiền, mau mau gửi cho tôi.
- Còn một cặp nhẫn mẹ chuẩn bị để dành cho đám cưới của con, mẹ cũng muốn gửi lắm, nhưng…
- Bà già sao thế, cưới xin gì giờ này, cái nào cần trước lo trước chứ. Mau mau gửi đi.
- Con trai… À không, cậu trai à…, tôi cũng muốn gửi lắm, nhưng… con trai tôi… là một chiến sĩ công an nhân dân, đã hy sinh trong một lần truy quét nhóm tội phạm ma túy cách đây 5 năm. Hôm nay là ngày giỗ của nó. Cậu… cậu có giọng nói y hệt con trai tôi!
- Ôi cái mụ già này. Bà điên rồi!
Tiếng tút tút vội vã như bị truy đuổi, chiếc điện thoại im lìm nằm ngoan trong tay. Chị ngồi lặng trong bóng tối, hẫng hụt. Con trai chị đã ra đi khi mới hai lăm tuổi. Mỗi lần nhìn ngắm phần thưởng, là tấm Huân chương Chiến công hạng Nhì được truy tặng, chị di ngón tay trên dòng tên con như vuốt ve, cưng nựng - Trung úy Dương Ngọc Nghị, đã dũng cảm hi sinh trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chị - ngay từ đầu đã biết mình bị lừa nhưng không nỡ vạch trần, chỉ bởi người đó có giọng nói giống hệt con trai chị. Một tháng qua chẳng phải chị “nhập vai” để tìm kiếm niềm vui cho riêng mình, mà bởi thẳm sâu trong tâm can chị mách bảo, rất nhiều điều kẻ lừa dối kể cho chị nghe - là thật. Chị chấp nhận để mình bị lừa là vì chị cao thượng, hay chị mơ mộng muốn dùng sự yêu thương và tử tế để kéo người ta quay đầu tìm về bản thiện? Nhiều lúc chị thấy mình thật khờ khạo, nhưng chị có niềm tin mãnh liệt vào linh giác của bản thân. Một thứ cảm giác rất bản năng, tuy mơ hồ nhưng cũng thật mạnh mẽ. Chị đã tin rằng, con người ta dù có bị tha hóa, gian dối đến mức nào, thì sự day dứt và thức tỉnh vẫn luôn tồn tại ở một góc nào đó trong óc trong tim. Là người bị lừa gạt, nhưng là chị tự nguyện, thật lòng chị không hối tiếc.
Miên man nghĩ, chị giật thót khi tiếng chuông điện thoại reo vang trở lại. Đầu dây bên kia, lập bập nghe tiếng nấc của một người đàn ông.
- Mẹ…! Con sai rồi. Con xin lỗi. Mẹ ơi!
MAI ĐÌNH