Báo chí chiến khu, niềm tự hào của báo chí Cách mạng Việt Nam

07:04, 23/04/2021

Lắng nghe những nhà báo lão thành kể về làm báo thời chiến, chúng ta thấy câu chuyện ấy còn vọng đến hôm nay những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút.

Lắng nghe những nhà báo lão thành kể về làm báo thời chiến, chúng ta thấy câu chuyện ấy còn vọng đến hôm nay những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút.
 
Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, hoạt động báo chí đã diễn ra mạnh mẽ tại địa bàn các vùng chiến khu cách mạng. Trải qua biết bao hiểm nguy, gian khổ, những phóng viên chiến trường đã đưa báo chí Cách mạng Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc.
 
Các nhà báo lão thành ôn lại kỷ niệm làm báo chiến khu
Các nhà báo lão thành ôn lại kỷ niệm làm báo chiến khu
 
Những ngày làm báo ở chiến khu
 
Những phóng viên trẻ ngày nào hăng hái tay mang gạo, tay xách máy chữ ở chiến khu nay đã trở thành những nhà báo lão thành ngoài 90 tuổi. Họ dìu nhau tới Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhìn lại những hình ảnh một thời làm báo trong bom đạn để giữ mạch tin tức Cách mạng thông suốt.
 
Chân không còn đi vững, tai không còn nghe rõ, nhưng các nhân chứng lịch sử của báo chí kháng chiến vẫn nhớ rạch ròi các sự kiện, các mốc thời gian. Với giọng nói sang sảng, khúc chiết, họ chia sẻ nhiều kỷ niệm, kinh nghiệm làm báo cho những thế hệ nhà báo trẻ hiện nay tại tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1976: Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc.” Sự kiện do Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội chiều 20/4.
 
Các nhà báo lão thành dự tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc.”
Các nhà báo lão thành dự tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc.”
 
Khi Việt Bắc trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi quy tụ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, nhiều cơ quan báo chí lớn từ Hà Nội như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân… đã di chuyển trụ sở lên đây. Hai cơ quan là Hội Nhà báo Việt Nam và trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cũng được thành lập ở chiến khu. Sau này, những tờ báo của đoàn thể như Lao động, Thanh niên, Phụ nữ cũng hình thành tại đây. 
 
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (99 tuổi) nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, sau này chuyển sang Báo Quân đội nhân dân, đã kể lại hoàn cảnh khó khăn trong công tác tuyên truyền thời bấy giờ. Năm 1946, ông đã đồng hành cùng nhà báo Trần Kim Xuyến, lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, đưa tin nhiều chiến dịch.
 
“Phóng viên thời đó đi ra chiến trường phải đeo bao gạo, đeo súng, đeo cuốc. Cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, thiếu thốn đủ đường nhưng công tác tuyên truyền luôn được coi là mặt trận quan trọng. Chúng tôi làm báo cẩn thận, tỉ mỉ, không được có bất kỳ sai sót nào. Mỗi số báo được chuyển đến các chiến sỹ ở mặt trận đều thể hiện tâm huyết của những người làm báo chiến trường,” ông kể lại.
 
Nhà báo Thái Duy, nguyên phóng viên Báo Cứu quốc, nhớ lại những ngày hoạt động Cách mạng gian khổ nhưng đầy tự hào. Ông kể: “Cứu quốc là tờ báo duy nhất xuất bản hàng ngày thời bấy giờ trong điều kiện hết sức khó khăn thiếu thốn, chỉ có hai trang.”
 
Năm 1950, đồng chí Xuân Thủy chỉ đạo phóng viên Báo Cứu quốc đưa tin sâu đậm về vụ tham nhũng nổi tiếng của Trần Dụ Châu, nguyên giám đốc Nha quân nhu, Bộ Quốc phòng. Đó là án tử hình đầu tiên về tội tham nhũng.
 
“Chúng tôi đã đưa chi tiết vụ việc Trần Dụ Châu đã tiêu xài xa hoa như thế nào, trong bối cảnh chiến sỹ và nhân dân vô cùng khổ cực. Lúc đó, Bác Hồ đã chủ trương rằng chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng cán bộ nào tham nhũng, làm bậy, dù cán bộ đó ở cấp cao đến mức nào,” nhà báo Thái Duy nói.
 
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (99 tuổi) nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (99 tuổi) nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
 
Quốc hội từ góc nhìn của báo chí chiến khu
 
Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh quý lần đầu tiên được công bố, chẳng hạn như bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp, mặt sau có kèm bút tích và chữ ký của Người.
 
Đây cũng là lần đầu tiên, Bảo tàng công bố những bức hình chụp Trần Lâm và Thép Mới, hai nhà báo của Việt Nam lần đầu tham dự Hội nghị OIJ (Tổ chức quốc tế các nhà báo) năm 1950 tại Helsinki, Phần Lan. Những hình ảnh này do nhà báo Kaarle Nordenstreng, nguyên Chủ tịch OIJ từ năm 1976-1990 khai thác từ Cơ quan lưu trữ Quốc gia Phần Lan tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
 
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp, mặt sau có kèm bút tích và chữ ký của Ngườ
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp, mặt sau có kèm bút tích và chữ ký của Ngườ
 
Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng, nhấn mạnh rằng báo chí chiến khu là niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhìn lại hoạt động của báo chí chiến khu là nhìn lại lịch sử dân tộc thông qua dòng chảy báo chí. Những hình ảnh sinh động, trung thực về đời sống kháng chiến đã trở thành nguồn ảnh tư liệu vô giá cho thời đại ngày nay.
 
“Độc đáo không đâu có chính là câu chuyện làm báo tại chiến trường Điện Biên Phủ, tòa soạn báo hoạt động ngay cạnh các chiến hào và sát cánh với bộ đội. 33 số báo đã ra đời giữa chiến trường chính là một huyền tích có thật của báo chí kháng chiến,” bà Trần Kim Hoa nhấn mạnh.
 
Giai đoạn 1946-1954 mở đầu với sự kiện lịch sử lớn: Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 6/1/1946.
 
ố báo đặc biệt chào mừng Quốc hội khóa I mang tên
ố báo đặc biệt chào mừng Quốc hội khóa I mang tên "Vì nước" xuất bản tháng 11/1946.
 
“Năm 1946 là năm đầu tiên chúng ta xây dựng chính quyền trong bối cảnh thù trong giặc ngoài. Thời điểm đó, vai trò của báo chí đã được phát huy, để lại những hình ảnh tư liệu vô giá khi người dân tham gia bầu cử lần đầu tiên, đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước,” bà Trần Kim Hoa nói.
 
Công chúng có thể hình dung không khí sôi nổi tự hào của cả nước qua những bài viết, phóng sự, bài phỏng vấn và những hình ảnh đăng trên Báo Quốc hội, tờ báo chỉ xuất bản duy nhất trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên và số báo đặc biệt chào mừng Quốc hội khóa I mang tên "Vì nước" xuất bản tháng 11/1946.
 
Trên trang báo giật tít to, rõ: “Chính phủ mới ra mắt Quốc hội,” phóng viên ảnh Võ An Ninh đã ghi lại chi tiết hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị bộ trưởng với chú thích: “Hồ Chủ tịch trên diễn đàn tuyên bố chương trình hành động của Chính phủ, giới thiệu trước Quốc hội những vị bộ trưởng mà Người đã chọn và thành lập trên tinh thần đại đoàn kết, tập hợp nhân tài, không phân đảng phái, chú trọng về thực tế và nỗ lực làm việc về tranh thủ độc lập, thống nhất lãnh thổ cũng như xây dựng một nước Việt Nam mới.”
 
Báo Quốc hội, tờ báo chỉ xuất bản duy nhất trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên
Báo Quốc hội, tờ báo chỉ xuất bản duy nhất trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên
 
Đến tham quan triển lãm, nhà báo, Đại tá Trần Hồng bày tỏ sự xúc động trước những hình ảnh chân thực, sống động và những tư liệu quý giá của nền báo chí Việt Nam.
 
“Có thể khẳng định báo chí Việt Nam có một gia tài đồ sộ và truyền thống lâu đời. Hôm nay, tôi hạnh phúc vì được gặp gỡ những người anh, người thầy của tôi. Tôi chụp chân dung họ trong sự kính trọng và xúc động trước những người làm báo lão thành. Họ đã có một cuộc đời và sự nghiệp đáng kính phục,” ông chia sẻ.
 
Trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 21/6/2021 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
 
(Theo vietnamplus.vn)