Bí ẩn Y Moan

05:04, 22/04/2021

Bây giờ và cả sau này, giọng ca Y Moan vẫn mãi là một bí ẩn, như rừng nguyên sinh, như lửa củi sáng rực, như rượu cần ủ kỹ.

Bây giờ và cả sau này, giọng ca Y Moan vẫn mãi là một bí ẩn, như rừng nguyên sinh, như lửa củi sáng rực, như rượu cần ủ kỹ.
 
Ca sỹ Y Moan
Ca sỹ Y Moan
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam lý giải, chất giọng của Y Moan là do thiên nhiên đất đỏ bazan Tây Nguyên ràn rạt những cơn gió phóng túng hoang dại, ủ ấm trong thăm thẳm những cánh rừng già linh thiêng tạo nên, chứ không phải kinh qua con đường học thuật. Ở giọng ca của Y Moan hội tụ rất nhiều yếu tố: một giọng ca thính phòng (ténor), không chỉ cao vút mà còn mạnh mẽ và kịch tính, kể cả những note trầm; một giọng ca dân gian khét rực lửa (pop - rock); và một giọng ca khoan thai trong sáng với cung quãng bay ngân xa, mềm mượt dịu vợi với những note trữ tình luyến láy. “Ngay từ trong tiềm thức, Y Moan đã đặc quánh sự khác biệt. Nhạc sĩ có viết khúc thức kiểu gì thì kiểu, Y Moan sẽ hát theo cách của mình. Thậm chí, dân ca Y Moan vẫn hát theo một lối riêng. Vì thế, không phải tác phẩm âm nhạc nào Y Moan cũng xử lý thành công, trên phương diện kỹ thuật thanh nhạc. Chỉ khi chạm trúng mạch nguồn văn hóa Tây Nguyên, giọng ca của Y Moan mới thật sự xuất thần, tinh tế và đầy đặn trong xử lý từng cung bậc của tác phẩm âm nhạc”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam chia sẻ.
 
Y Moan hát phiêu miên và ma mị nhất, ấy là khi Y Moan hát đúng cái chất lửa riêng của mình, hát giữa núi đồi thảo nguyên trải rộng, hát giữa những khuôn mặt lem luốc nắng lẫn trong mùi mồ hôi, hát giữa bao la gió trời. Cũng chỉ khi ấy, Y Moan mới sống trọn vẹn cho riêng mình, tự do miết man và bay lượn miết man. Y Moan đã chinh phục người nghe bởi sự tinh tế trong lột tả thần tình cái sâu thẳm, chất hoang dại, nỗi khao khát, vẻ đẹp của núi rừng cao nguyên. Thật kỳ lạ, lững thững giữa trời đất Tây Nguyên, nghe Y Moan hát: “Một mình lang thang trên đất này. Theo dấu chân cha ông từng ngày. Một mình qua sông, qua núi đồi. Tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời”, vẫn thấy cồn cào nhớ rừng, nhớ cái cảm giác: “Tôi như con chim lạc bay trên đồi cao. Tôi như con thú hoang lang thang trong rừng sâu. Như dòng sông khao khát lời. Tôi như hạt mưa khao khát lời”.. Qua chất giọng cao mà ấm, vang mà trầm, hoang dại mà văn minh, dữ dội mà thẳm sâu, Y Moan còn mang cả cánh rừng nguyên sinh phủ trùm sân khấu nơi thị thành đô hội, khi hát: “Tôi muốn quên đi tháng với ngày. Cha đi lượm quả ngọt rừng. Cho con đỡ đói qua đêm. Tôi muốn quên đi đôi chân trần. Cha đi lượm từng hạt thóc. Cho con một bữa cơm chiều. Ôi ngày tháng, đôi vai gầy. Run run tựa vào hàng cây. Ôi thời gian, hãy quên đi. Đôi chân cồng kềnh cha đi giữa rừng hoang vu...”. Bất giác, người nghe có cảm giác như đang thấy tay, chân và cả thân mình bỗng dưng mọc rễ, thẫm xanh màu cây, để thốt nhiên nhận ra nhân loại cùng chung một điểm xuất phát, ấy là từ rừng. “Giọng ca của Y Moan có một nội lực phi thường, hát không biết mệt mỏi, hát không có khoảng cách thời gian và không gian (khi thì trên sân khấu, khi thì quanh bếp lửa), hát say sưa bài này qua bài khác suốt đêm”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam cho hay. Nhà thơ Vương Tùng Cương thì bảo rằng, mỗi lần nghe Y Moan hát, ông thấy một thứ văn minh rừng. “Trong giọng ca ấy, rừng không chỉ là văn hóa, rừng còn là văn minh. Rực rỡ nhưng bí ẩn, như chính giọng ca của Y Moan vậy”, nhà thơ Vương Tùng Cương nhận xét. “Từ những năm Y Moan nổi tiếng (thập niên 90 thế kỷ trước) đến nay, Tây Nguyên có nhiều lớp ca sĩ tài năng kế cận, cả các con của ông cũng theo nghiệp bố, nhưng không thể có một chất giọng hay và lạ như Y Moan”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam ngưỡng mộ nói. 
 
Y Moan là vậy, một giọng ca Yàng ban, một kẻ du ca hoang dại, suốt đời truyền bá và xưng tụng vẻ đẹp núi rừng Tây Nguyên. Cũ như lửa, và cũng mới như lửa, Y Moan thật không dễ giải mã.
 
TRỊNH CHU