Hoạ sĩ Đặng Ngọc Trân là một cây cọ lão luyện, nhà nghiên cứu lý luận mỹ thuật của "làng cọ" Lâm Đồng với số lượng tác phẩm đồ sộ đã được in thành nhiều tuyển tập có giá trị...
Hoạ sĩ Đặng Ngọc Trân là một cây cọ lão luyện, nhà nghiên cứu lý luận mỹ thuật của “làng cọ” Lâm Đồng với số lượng tác phẩm đồ sộ đã được in thành nhiều tuyển tập có giá trị như: Cấu trúc hội họa, Tranh bút bi, Tranh hoa, Giao hưởng sắc màu, Độc huyền, Hiện thực và liên tưởng... Ở tuổi 93, ông bất ngờ cho ra mắt công chúng tập thơ - tranh “Ngẫu hứng”, trong đó, tranh chỉ giữ “vai trò” minh họa cho thơ.
|
Tập thơ - tranh “Ngẫu hứng” của họa sĩ Đặng Ngọc Trân vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành |
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân ví “nàng thơ” là “mối tình đầu” của ông để chỉ khi nỗi nhớ về “mối tình đầu” trỗi dậy, những ý tứ trào lên, cảm xúc không thể khắc họa bằng màu sắc, ông mới dùng đến ngôn từ. 28 bài thơ trong tập thơ “Ngẫu hứng” là những lúc “nàng thơ” trở về. Kể về “mối tình” của mình với “nàng thơ”, lão họa sĩ hồi tưởng: Lúc còn bé, ông học Trường Tiểu học An Thổ, sau chuyển sang Trường Ngân Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trong thời gian ấy có một người bạn của ba thường đến thăm nhà ông và đọc bài thơ “Phong kiều dạ bạc” nhiều lần; tuy không hiểu nghĩa nhưng cậu bé Trân có thể thuộc lòng và nhại theo đúng giọng Quảng Nam của ông ấy. Lên bậc trung học, cậu Trân được học các tác phẩm văn học nổi tiếng như “Cung oán ngâm khúc”,”Chinh phụ ngâm”, “Truyện Kiều” và nhiều bài thơ Đường đã phiên âm sang tiếng Việt. Tác phẩm nào ông cũng chú tâm. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tổ chức tại Liên khu V dành cho học sinh 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, bài luận văn của cậu học trò nhỏ được điểm cao khiến thầy dạy văn rất hãnh diện; thầy hiệu trưởng của trường luôn đinh ninh sau này trò Trân của mình trở thành nhà thơ.
“Nàng mỹ thuật” đến với họa sĩ Đặng Ngọc Trân muộn màng ở tuổi 29, nhưng lại gắn bó sắt son cả cuộc đời. Thôi thúc đam mê từ ông, để ông vẽ nên hàng trăm bức tranh, cho ra đời nhiều tập sách với các dòng tranh: bút bi, vẽ hoa lá cỏ cây Đà Lạt sống động bằng sơn dầu, Arylic, điêu khắc, nghiên cứu lý luận mỹ thuật... Tranh của ông được mọi người sưu tầm khắp thế giới tìm đến, mến mộ. Tranh giúp ông nuôi lớn 7 người con qua những năm tháng khó khăn nhất với đồng lương ít ỏi của một thầy giáo dạy trung học sư phạm. Ông cũng chung thủy với “nàng mỹ thuật” và chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ và cũng không có bài thơ nào gửi đăng báo. Nhưng thi thoảng “ngẫu hứng” là lúc “nàng thơ” trở lại, ông lại viết một bài, chép vào sổ tay, rồi cuộc sống đời thường bủa vây lại lãng quên đâu đó. Những ngày đi dự trại sáng tác, được sống trong không khí thi ca, được gần gũi với các nhà thơ, tiềm thức bẩm sinh trỗi dậy, “nàng thơ” từ cõi xa xăm trở về. Năm 1996, trong một dịp đi Cát Tiên là một trong những dịp như thế, “nàng thơ” trở về thôi thúc ông bật thành ý tứ
“Mơ màng thoáng gió mơn trên cát/Ngỡ dáng hài xưa lạc bước trần” (Về Cát Tiên gặp mẹ Âu Cơ) và họa sĩ đã đọc bài thơ trong buổi sinh hoạt của trại viết được các nhà thơ tán thưởng.
Ông cười hóm hỉnh: “Nếu “nàng thơ” là “mối tình đầu” ngắn ngủi, mộng mơ có đôi chút phũ phàng, dứt khoát; thì ngược lại “nàng mỹ thuật” lại là “người vợ” đảm đang, chung thủy. Tuy là hai thái cực, song đôi khi “hai nàng” đều vui vẻ “chung sống hòa bình” trong các bức tranh hoa”. Cũng vì thế tranh của ông luôn “trong họa có thơ”:
“Hơi sương nguồn sữa mẹ/Nắng vàng mái tóc cha/Cao sang áo quân tử/Hương thầm thoáng bay xa” (Hoa phong lan), hay
“Nghiêng nghiêng chiều nắng đổ/Trăm nghìn nàng tiên nhỏ/Trẩy hội trên cành xuân/Xiêm y vàng rực rỡ” (Lan Hoàng y Mỵ nương). Thậm chí có bài thơ ông như mô tả lại chính những bức tranh của mình làm cho tranh thêm đẹp, thơ thêm thú vị:
“Có một bóng áo trắng/Vừa mới đi qua đây/Gửi vào giấc mơ đẹp/Nhẹ nhàng một áng mây” (Tranh bút bi Hàng cây),
“Chập chờn ngọc thiên thanh/Vàng tỏa sáng long lanh/Điểm xuân một đàn bướm/Thủy tiên đậu trên cành” (Hoa Thủy tiên). Nhiều bài thơ, ông khiến người đọc vừa có cảm giác ông vịnh tranh của mình, lại vừa có cảm giác ông vẽ tranh theo xúc cảm thơ của mình, làm thơ trước khi vẽ tranh:
“Xiêm y gửi gió thu vàng/Nõn nà thân ngọc kiêu sang vệ rừng/Lung linh hạt nắng rưng rưng/Hay đâu nhựa sống bừng bừng dâng cao” (Mùa lá rụng).
|
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân nói về cảm hứng sáng tác tranh bút bi tại Triển lãm Mỹ thuật Lâm Đồng vừa diễn ra |
Tranh của ông là thiên nhiên tươi đẹp, là hoa lá cỏ cây Đà Lạt, thì thơ cũng vậy; nhưng vẫn có lúc hoài niệm, suy ngẫm của người đã trải qua thăng trầm thời gian:
“Nếu không thời trai trẻ/Sao có lúc tuổi già/Nếu không ngày gần gũi/Sao có giờ lìa xa...” (Nếu). Ông tự trào:
“Hôm nọ nằm mơ đến gặp trời/Hỏi: “Chừng nào gọi đến tên tôi”/Trời cười: “Sự thế chi mà vội/Còn nợ trần gian vốn lẫn lời” (Phỏng vấn trời). Tình yêu quê hương, đất nước là chủ đề chính trong thơ của họa sĩ Đặng Ngọc Trân. Trong đó là nỗi nhớ quê hương đất Phú trời Yên, nơi ông từ giã từ thuở thiếu thời khiến ta đồng cảm:
“Nôi Việt Nam hùng vĩ/Mẹ Phú Yên hiền lành/Mẹ ơi, thương mẹ quá/ Ngày biệt mẹ... điêu linh/Núi Nhạn còn ám khói/Lở lói màu tháng năm/Sông Ba nước bịn rịn/Tiếng đêm ai thì thầm/Sáu mươi năm trở lại/Nào ngờ có hôm nay/Tóc mẹ đã chẳng bạc/Còn đẹp hơn những ngày...” (Mẹ Phú Yên).
28 bài thơ trong tập thơ “Ngẫu hứng” của họa sĩ Đặng Ngọc Trân, chỉ có một hai bài nhắc đến tình yêu đôi lứa của thời trai trẻ:
“Tôi có người yêu thuở thiếu thời/Tóc vờn mây trắng mộng lên khơi/Hàn giang sóng nhỏ đùa môi mọng/Khúc khích đầu hiên vọng tiếng cười” (Tặng Cao Chi), “Xưa hẹn hò làm chi/ Để rơi cành rụng lá.../Tình xưa không còn đó/Quên là vừa người ơi” (Quên là vừa). Điều đó càng thấy rõ rằng tình yêu của ông với “người” chỉ bàng bạc sương khói, thoáng qua và có thể “quên là vừa”, chỉ có tình yêu với mỹ thuật mới tha thiết, đắm say, thúc giục ông đến tuổi 93 vẫn đam mê sáng tạo, vẫn cầm cọ vẽ. Dù trong tập thơ này, có 14 tác phẩm tranh chỉ có “vai trò” minh họa cho thơ, nhưng đến thăm ngôi nhà đầy ắp tranh xếp tầng tầng lớp lớp mới thấy tình yêu lớn nhất của ông vẫn là mỹ thuật, là hội họa như vợ hiền theo ông đi suốt cả đời. Thơ có hay, cũng chỉ là “mối tình đầu”, là nỗi nhớ trỗi dậy, thoáng qua, là ngẫu hứng để làm cho tranh thêm đẹp, thêm màu sắc, thêm sâu.
Duyên nợ giữa “nàng thơ” và “nàng mỹ thuật” được ông khái quát:
“Có cậu học trò nhỏ/Trong sân trường An Thổ/Đuổi theo đám lá bàng/Những bảng màu rực rỡ”... “Có một lão họa sĩ/Tôn thờ Chân - Thiện - Mỹ/Non thế kỷ vào đời/Trời ban sao mừng vậy” (Có). Họa sĩ Đặng Ngọc Trân tâm sự: “Họa sĩ là nhà thơ viết bằng đường nét và màu sắc. Ngược lại, nhà thơ là họa sĩ vẽ bằng ngôn từ. “Nàng thơ” với tôi chẳng qua cũng chỉ là một viễn khách lâu lâu ghé lại quán tranh nghèo”. Nhưng chỉ “lâu lâu mới ghé” thôi cũng đủ để cho công chúng có cơ hội được thưởng lãm 28 bài thơ của lão họa sĩ tài hoa. Báo Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu tập thơ - tranh “Ngẫu hứng” của họa sĩ Đặng Ngọc Trân.
QUỲNH UYỂN