Lần từng bước chân qua những mỏm đá trơn trượt, Loan vượt qua suối Cam Ly. Chị len qua những hàng cà phê đang mùa ra hoa trắng rợp trải dài ven sườn đồi, hương thơm ngào ngạt tỏa vào không gian...
|
Minh họa: Phan Nhân |
Lần từng bước chân qua những mỏm đá trơn trượt, Loan vượt qua suối Cam Ly. Chị len qua những hàng cà phê đang mùa ra hoa trắng rợp trải dài ven sườn đồi, hương thơm ngào ngạt tỏa vào không gian.
Vào đến sân phơi cà phê, Loan nhìn thấy ba người khách lạ đang trò chuyện với chồng mình. Trong đó có một người mang kính cận, dáng dong dỏng cao. “Ai thế nhỉ?. Đến gần chỗ mấy người khách chị mới nhận ra.
- Ôi!... ai như là anh Long phải không? Lâu lắm rồi bác sĩ mới ghé chơi, em không nhận ra.
Hải tươi cười giới thiệu với những người khách.
- Đây là bà xã em, cô ấy vừa đi rẫy về. Còn đây là bác Phan, anh Long và chú tài xế. Bác Phan em không nhớ sao?
- Ôi! bác Phan lâu lắm em mới gặp. Từ ngày bác về công tác trên tỉnh chúng em ít khi gặp bác quá!
Loan ngại ngùng chìa tay run run bắt tay Long. Bốn mắt nhìn nhau thật lâu, Long thấy những giọt nước trên khóe mắt đã hằn dấu chân chim của Loan. Trong ánh mắt ấy, toát lên niềm vui mừng, nhưng cũng có chút gì đó oán trách, dỗi hờn.
- Mời bác Phan và các anh vào nhà chơi, em xuống bếp đun nước. Nói xong chị vội cắp nón đi thẳng xuống bếp, nhằm che giấu những giọt nước mắt xúc động đang chợt trào ra.
Phòng khách nhà Hải thật khang trang, sạch đẹp. Ngoài bộ xa lông bằng gỗ lũa đánh vecni bóng loáng nổi lên những đường vân gỗ trông rất nghệ thuật. Trên chiếc tủ búp - phê bằng gỗ cẩm lai là chiếc ti vi màn hình phẳng 60 inch và dàn âm thanh “Hi-Fi” khủng. Trên tường nhà treo rất nhiều hình ảnh gia đình chụp chung với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Trung ương và nhiều bằng khen, giấy khen tặng gia đình làm kinh tế sản xuất giỏi.
- Mời các anh uống nước. Nước chè xanh, gia đình chúng em hãm sáng nay. Tuy ở xa quê hương nhưng gia đình em vẫn giữ nguyên những nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân Hà Nội.
Long bây giờ mới hết bàng hoàng, anh không ngờ vạn vật nơi đây đều đổi thay khiến anh ngỡ ngàng không nhận ra. Ngày ấy, cách đây hơn 40 năm, Long trong đoàn người đi khảo sát vùng đất hoang sơ bên dòng suối Đá Bàn (khu vực xã Tân Thanh - huyện Lâm Hà ngày nay). Nơi đây anh đã gặp Loan, một cô gái có dáng người nhỏ nhắn, lanh lợi, ăn nói hoạt bát, lúc nào cũng nở nụ cười trên đôi má lúm đồng tiền. Cuối tháng 11 năm 1975, chấp hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 24 “Phải giữ vững Tây Nguyên”, thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất, đưa một số dân cư ở ngoại thành Hà Nội vào xây dựng vùng kinh tế mới ở Nam Ban - Lâm Đồng. Sau khi ổn định cho bà con ở vùng đất Nam Ban, Ban chỉ đạo đã triển khai vỡ hoang thêm vùng đất mới Lán Tranh để tiếp nhận bà con vào đợt hai. Là một vùng đất cỏ tranh hoang sơ, bạt ngàn, tiếp giáp với rừng già ven sông Đồng Nai. Nơi đây là vùng căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ mà trong lúc khai hoang đâu đó vẫn còn sót lại chiến tích thời chiến tranh của quân giải phóng.
Bước chân của những người con trai, con gái thủ đô sau chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc họ đến với rừng Nam Tây Nguyên để đánh thức một vùng đất hoang sơ đã ngủ quên suốt bao năm tháng. Họ là những kỹ sư nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, giáo viên, bác sĩ với nhiệm vụ là đi khảo sát, lập bản đồ quy hoạch, mở đường giao thông để xây dựng cụm khu dân cư. Long là bác sĩ, nhiệm vụ của anh trong đoàn là đi tìm địa điểm để xây dựng trạm xá và Loan là cô giáo đi tiền trạm để tìm địa điểm xây dựng trường.
Nắng đã lên cao, những giọt mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo của Long, anh tìm đến một mỏm đá trong bóng râm, tranh thủ bắt mấy con vắt đang đeo bám. Loan nhẹ nhàng đến bên cạnh, một tay phe phẩy chiếc mũ tai bèo, một tay nhẹ nhàng gỡ từng chiếc gai mắc cỡ găm vào chân.
- Tặng em, bông hoa tim tím này.
- Hoa gì vậy anh?
- Hoa mắc cỡ hay còn gọi là hoa Trinh nữ.
- Eo ơi! Hoa gì mà lắm gai thế? Sao gọi là hoa mắc cỡ vậy anh?
- Vì mỗi lần đụng đến, lá của cây hoa xếp lại như giấu đi nỗi e thẹn ấy mà!
Hai người ngồi bên nhau lặng lẽ nhìn ra trảng sình rộng mênh mông, phía xa thấp thoáng những cây cọ xòe lá.
- Nhớ nhà sao mà buồn thế! Long chợt hỏi, xóa tan im lặng.
- Không nhớ mới lạ. Anh biết không? Có những đêm em mơ thấy mình đi sơ tán với lũ bạn cùng lớp về quê. Trong lúc ấy, Mỹ đang ném bom Thủ đô Hà Nội. Khi thức giấc nhớ nhà nước mắt đầm đìa, không sao ngủ được.
Ngày lao động vất vả lúc băng rừng khi lội suối, đi theo đoàn quy hoạch. Đêm về phải học quân sự để tự vệ vì bọn Fulro ngày đêm rình rập mai phục bắn phá. Gian khổ vất vả trăm bề, ăn bữa thiếu, bữa no, đau ốm thiếu thuốc chữa trị, sốt rét rừng kéo đến hành hạ. Một thời gian một vài thanh niên dao động đã bỏ đơn vị trốn về nhà. Những lúc ấy Long thấy chạnh lòng, thường đến bên Loan tìm lời an ủi động viên. Tình cảnh những người thanh niên trẻ xa nhà, khiến họ xích lại gần nhau và tình yêu cũng nảy sinh từ buổi ấy ….
***
Uống xong cốc nước chè xanh, bác Phan đề nghị.
- Bây giờ anh Hải, cho chúng mình đi xem vườn bơ xen canh trong lô cà phê. Nghe nói anh trồng bơ giống mới cho năng suất cao và chất lượng tốt lắm phải không?
- Em sẵn sàng, mời các bác cùng đi.
Dưới chân núi Voi những lô cà phê trải dài tít tắp đến bờ suối Cam Ly. Về mùa này bông cà phê nở trắng xóa phủ rợp một vùng đồi, hương thơm ngào ngạt. Đoàn người đi về hướng suối Cam Ly, Long dừng lại ngắm nhìn những bông cà phê trắng ngần, anh rút chiếc máy ảnh, bấm những “pô” hình ở nhiều góc độ khác nhau. Long chợt nói với Loan:
- Nhìn những bông hoa cà phê, anh nhớ lại kỷ niệm tặng em đóa hoa Trinh nữ. Và câu nói của em “Hoa gì mà gai góc thế” anh vẫn nhớ như in. Thế là chuyện tình cảm giữa hai đứa mình cũng đầy gai góc… Em biết không! Đầu năm 1979, anh nhận được lệnh là phải ra Hà Nội gấp, đi trong vòng bí mật, cấp trên điều động anh lên chiến trường Vị Xuyên, nơi bộ đội ta ngày đêm quần nhau với bọn giặc Tàu xâm lăng. Công việc của một bác sĩ ở trạm phẫu thuật tiền phương vô cùng vất vả, bận rộn với những ca thương binh nặng từ tuyến lửa đưa về. Những ca mổ dưới tiếng gầm của đại bác làm rung chuyển mặt đất…. Thế rồi chiến tranh qua đi, anh lại phải cùng đồng đội tham gia thu dọn chiến trường, chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số ở những thôn bản vùng cao. Tiếp đến là những năm đi nghiên cứu sinh, làm luận án Tiến sĩ ở nước ngoài…. Các cuộc hội thảo khoa học liên miên, ngoảnh lại thấy mình đã già. Hiện nay anh vẫn thân đơn gối chiếc, anh cũng không muốn làm khổ người khác. Hình bóng của em ngày nào không thể xóa nhòa trong trái tim anh.
Nói một hơi thật dài không nghỉ về những điều day dứt trong lòng bấy lâu nay. Hôm nay anh mới có dịp giải tỏa nỗi lòng, như người vừa vứt bỏ gánh nặng đường xa. Loan lặng lẽ, lấy khăn lau những giọt nước mắt lăn dài trên má.
- Anh đâu biết, những đêm dài nhớ anh, những đêm không ngủ khiến người em gày ốm, héo hon. “Thương con thuyền cắm con sào đứng đợi” nhưng không thấy người lữ khách trở lại. Từ đó em đau yếu triền miên không lên lớp được. Lúc ấy, chồng em - anh Hải, người công nhân lái máy ủi đã cưu mang giúp đỡ em qua cơn hoạn nạn. Hiện nay chúng em sống bên nhau rất hạnh phúc. Sau khi lập gia đình chúng em chuyển về vùng đất bên bờ suối Cam Ly, lập nghiệp ở đây.
Nói xong Loan vội móc điện thoại bấm gọi cho con gái “Trinh Nữ hả con? Con thu xếp về sớm làm cơm giúp mẹ, trưa nay nhà mình có khách quý đến chơi”. Nói xong chị tắt máy.
- Sở dĩ em đặt tên con gái đầu lòng là Trinh Nữ để nhớ mãi kỷ niệm về một thời mà mình đã yêu, đã sống.
Hai người tiếp tục đi xuống sườn đồi nơi có tiếng suối chảy róc rách….
***
Trinh Nữ sắp xếp công việc ở trạm xá, chạy vội về nhà để giúp mẹ làm cơm, cô mải loay hoay với công việc bếp núc, không để ý đến đoàn khách về từ lúc nào, lúc bê thức ăn lên, cô mới nhận ra đoàn khách này sáng nay vừa làm việc với Ủy ban xã.
- Cháu chào các bác ạ!
Loan giới thiệu với mọi người.
- Đây là con gái em, cháu Trinh Nữ là bác sĩ, Trưởng trạm Y tế xã.
- Con gặp các bác sáng nay trên xã. Bác Long hỏi thăm về tình hình sức khỏe của bà con trong xã, trao đổi thêm chuyên môn về việc phòng, chống bệnh sốt rét rừng. Con không ngờ, trưa nay lại được mời cơm các bác tại nhà.
Bữa cơm thân mật, mọi người chúc nhau sức khỏe. Trao đổi chuyện làm vườn rất sôi nổi, nhất là chuyện nhà nông làm giàu trên mảnh đất Tây Nguyên. Uống cạn chén rượu, Hải hăm hở nói như thuyết trình với đoàn khách.
- Các bác sáng nay đã đi xem vườn nhà em và các vườn lân cận. Thành quả của mọi nhà bà con nơi đây đi lên từ vườn cà phê, từ cây dâu con tằm. Làm vườn ngày nay khác xưa rất nhiều, không phải “cày sâu cuốc bẫm - một nắng hai sương”. Công việc có máy móc hỗ trợ, năng suất tăng cao là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến gieo trồng. Riêng em tham gia công tác ở Hội nông dân xã được đi tham quan học tập nhiều nơi, nên đã đúc kết kinh nghiệm trong việc trồng trọt, chọn giống. Nói nghe dễ, chứ gia đình em, suốt thời gian dài trước đây cũng đã trải qua những thất bại, có lúc tưởng chừng như là phá sản. Nhưng nhờ sự động viên của vợ em, nên chúng em đã vượt qua những khó khăn xây dựng nên cơ ngơi như ngày hôm nay.
- Sáng nay đi xem những lô cà phê, những vườn dâu xanh, nhìn những ngôi nhà, biệt thự khang trang trên những ngọn đồi, giữa những khu rừng cà phê mênh mông, khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Ngừng một lát, Long nói tiếp:
- Quả là một sự thay đổi kỳ diệu, từ đường sá, đến cơ quan, trường học, trạm xá đều được xây mới, bộ mặt nông thôn bây giờ đã khác xưa rất nhiều.
- Được như thế là nhờ sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền xã với sự đồng lòng của bà con. Nhất là từ ngày xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con ăn nên làm ra, người dân trong xã sẵn sàng hiến đất, đóng góp cùng Nhà nước chung tay xây dựng nên bộ mặt xã như hôm nay. Đêm không phải lo trộm, công việc ổn định nên bộ mặt xã càng xanh, càng sạch, càng đẹp, đời sống càng văn minh. Chỉ ngại có mỗi một điều là giá cả thị trường khi được mùa thì mất giá, khi được giá thì bị mất mùa.
Cả khách lẫn chủ cùng cười vang, nâng ly chúc mừng nhau những lời chúc sức khỏe, may mắn, trong không khí thoảng mùi thơm của hoa cà phê đang dịp nở rộ.
VÕ TRẦN PHÚ