Ngã rẽ...
Minh họa: Phan Nhân |
Mẹ vợ tương lai liếc nhìn về phía tôi. Ánh mắt ấy của mẹ, hơn mười năm quen nàng, tôi chưa bao giờ gặp. Mẹ vẫn luôn dành cho tôi tình cảm như dành cho một đứa con trai ruột thịt. “Chết mày rồi Khương ơi” - tôi tự nhủ thầm và lí nhí chào mẹ.
- Tôi không dám có thứ con như anh!
Lời lẽ như thế thì chết chắc. Không phải là những la mắng uốn nắn bình thường nữa rồi. Chẳng lẽ một người kín tiếng như Ngân mà lại đã kể hết cho mẹ. Trong khi, đứa nhanh nhảu như tôi vẫn lúng túng tìm cách giải quyết vấn đề.
Tôi đứng chết trân nhìn mẹ sắp từng đôi giày vào một bao lớn. Trong cái bao chẳng sạch hơn của bà đồng nát là mấy, đã có khá đáng kể đồ đoàn nàng mua tặng tôi. Không loại trừ cả những chiếc áo quần cũ, giày dép cũ.
Rồi bà dợm bước đi. Không thèm để ý thái độ của tôi, bà nhếch môi:
- Hơn mười năm, con Ngân yêu anh, nó cho anh tất cả những gì nó có, còn hơn tất cả những gì nó có. Những thứ này, tôi bán đồng nát chả được mấy xu, thậm chí không có xu nào nếu tôi vất ra xe rác ngoài kia, nhưng thế còn đáng hơn là dành cho anh. Anh tránh xa nó, để nó yên, liệu hồn đấy!
Tới lúc này thì tôi nóng mặt thật. Chuyện của nàng và tôi còn rối bời. Chưa chi mẹ đã nhảy vào cuộc hành xử theo cách “giang hồ”. Hơn mười năm qua mẹ quý tôi là thế, nhưng chỉ vì một sai lầm mà con người nỡ hành xử với nhau bạc bẽo vậy sao?
Yêu nhau từ năm nhất đại học, ra trường bốn, năm năm tôi và Ngân vẫn được bạn bè nhìn nhận là “cặp trời sinh”. Tôi bộn bề với những lo toan công việc, Ngân bận bịu với những bằng cấp, nghiên cứu nên sau bốn năm đám hỏi vẫn chưa làm đám cưới nổi. Những cuộc du lịch bụi lãng mạn như thời sinh viên dần mất hẳn sau khi ra trường. Thi thoảng, Ngân có vài ngày rảnh rỗi hiếm hoi, hai đứa về phòng trọ chật chội của tôi hí hoáy cơm nước, cùng nhau xem một hai bộ phim yêu thích và quấn quýt, ôm nhau ngủ cho tới sáng. Có lúc, cả một thời gian dài không có những ngày rảnh rỗi ấy, tự hai người thấy mỏi gối chồn chân.
Những lúc ấy, tôi thường lần mở lại những ngăn kí ức để hâm nóng tình yêu. Nhiều đêm ốm, sốt li bì, chính Ngân lần mò phố sá, có khi ra tận ngoại thành tìm từng nắm lá ngải cứu về giã lấy nước cho tôi uống (Cơ thể tôi hiếm khi chịu dung nạp những viên thuốc hóa dược, mà chỉ vài nắm lá quê mùa mới chịu). Suốt đêm tới sáng, Ngân ngồi túc trực bên giường chờ tôi tỉnh dậy chỉ để bón vài thìa cháo, nói vài câu chuyện trước khi ôm giáo án lên giảng đường.
Ngày tôi quyết định sẽ làm việc gấp hai, gấp ba lần để có tiền sang Singapore để mổ tim, Ngân âm thầm bán đi mảnh đất mẹ dành làm của hồi môn cho mình. Ngân sốt ruột, quặn thắt khi tôi mệt nhoài với những con chữ để có tiền. Tôi tưởng ba mẹ nàng sẽ giận nhưng lại bất ngờ khi chính mẹ nàng cùng đến đưa tiền và chuẩn bị những thứ cần thiết cho tôi. Công bằng mà nói, một cô gái thành thị có bằng cấp giỏi giang, xinh đẹp, đoan trang như Ngân lại đâm đầu đi yêu một thằng nhà quê, lang bạt như tôi quả quá thiệt thòi. Có lẽ sau nhiều cân đo đong đếm ấy, tôi ý thức rõ mình nợ Ngân và gia đình nàng gánh nặng tình cảm lẫn vật chất không biết bao giờ mới trả nổi. Nhất là thỉnh thoảng, khi tôi nằm bẹp giường vì ốm bệnh, mẹ nàng vẫn xoa đầu tôi như mẹ tôi ngày xưa, thở ngắn than dài: “Khổ thân con tôi”.
* * * *
Ngày tôi lên bốn, mẹ tôi hai mươi tư tuổi, bước sang một ngã rẽ khác. Ba mất khi giấc mơ đào vàng còn dang dở. Ngoài hai mươi, bà đã là góa phụ đẹp nhất làng. Lần cuối cùng tôi thấy ba là khi ông bóp cổ mẹ như bóp một con gà, đòi bà phải gom đủ tiền cho ông đi đào vàng. Khi ấy, ông đã tát bà mạnh tay, còn tôi thì lao vào như thiêu thân để ngăn mà không kịp. Mẹ khóc ròng van xin, rồi cũng phải chịu để ba giật mất của hồi môn cuối cùng là chiếc nhẫn cưới. Ông cười khoái chí, chân thấp chân cao bước đi ra khỏi rào râm bụt trước hiên. Chẳng bao lâu sau đó, người ta khiêng quan tài về, xác ông đã liệm. Nghe đâu ba tôi nát bấy vì sập hầm.
Tôi không ý thức thiệt thòi gì nhiều về việc mồ côi cha bởi khi chung sống thường xuyên thấy cảnh ba la mắng và bóp cổ mẹ. Không có cha nhưng tôi có quá đầy đủ sự sẻ chia, bảo bọc của mẹ. Tôi không còn phải thấy cảnh bà bị bóp cổ, đánh mắng như ngày xưa. Tôi lại ý thức rõ về mong muốn sở hữu mẹ, bất cứ người đàn ông nào đến với mẹ đều bị tôi kiếm cớ gây gổ, đuổi về.
Trong số những người đến với mẹ, bác An trầm tính, thường nhìn tôi bằng đôi mắt ấm và nghiêm. Ngay cả khi bị tôi gây gổ, phải quay về, bác vẫn thường nhìn xoáy vào tôi bằng ánh mắt ấy khiến tôi không ít lần mơ hồ có cảm giác bé nhỏ, yếu đuối trước bác. Sau mỗi mùa bão, bác là người luôn đến sớm nhất, chẳng hỏi han nhiều lời như những người đàn ông khác mà bắt tay sửa lại cột kèo, mái nhà. Mùa bão gần đây nhất, khi căn nhà bị gió cuốn gãy sạch các cánh cửa, mái ngói xơ xác, đổ nát; nhìn lên thấy trống toác từng khung trời nhạt xám xịt, bác chỉ thở dài: “Về với tôi đi, thằng bé và em cần có một mái ấm”.
Lúc ấy, tôi đã gào lên như một con chó hoang: “tôi không cần, ông đừng dụ mẹ tôi”…
Mẹ úp mặt vào hai bàn tay khóc rưng rức. Trong khi đó, tôi lao ra bờ sông đục ngầu sau mùa bão. Sở dĩ có những phản ứng ấy vì tôi vẫn thường nghe nhiều người hăm dọa: “Mẹ mày mà đi lấy chồng thì…”. Tôi còn nguyên vẹn cả hình ảnh những lần ba bóp cổ mẹ, đánh chửi mẹ lúc say xỉn. Và trí óc bé thơ nhưng giàu tưởng tượng của tôi lúc đó đã kịp hình dung ra, mẹ tôi bận bịu với một đàn con nhỏ, không còn đếm xỉa tới tôi.
Một mình tôi không thể giữ được bước chân mẹ. Mãi tới sau này, khi lớn khôn, tôi vẫn không hiểu nổi khi mẹ bước chân lên thuyền, ép tôi cùng mẹ sang bên kia sông làm dâu thì có cái gọi là tình yêu không. Hay chỉ có khát vọng tìm một mái ấm, một chỗ dựa cho cả hai mẹ con lúc đó. Còn mẹ thì không thể ngờ rằng, cũng từ ngày tôi khóc như mưa như gió theo mẹ sang sông là lúc tôi và cha dượng có khoảng cách lớn đến mức không thể nói chuyện được với nhau. Khoảng cách ấy do tôi ngăn lên, cha tôi dù có đôi cánh tay chắc khỏe đến mấy, ánh mắt thiết tha tình cảm đến mấy cũng chẳng thể nào phá dỡ nổi. Lâu lâu ông nổi giận thì tôi lại bơi về bà ngoại bên kia sông, ở lì cho tới khi cả cha và mẹ phải qua xin bà đón về.
Chỉ đến khi tôi lên cấp ba rồi vào đại học, mẹ tôi mới bớt khổ tâm. Nhiều khi mẹ tưởng gục ngã khi đứng giữa sự im lặng thành trì ấy. Mẹ mắng mỏ, nạt nộ, mẹ bỏ ăn… những phương pháp ấy trở thành vô ích, không thể xóa nổi sự im lặng giữa hai người đàn ông mà mẹ thương yêu nhất. Cha tôi vẫn đôi mắt điềm đạm, ấm trầm và đôi khi tha thiết, đôi khi mệt mỏi. Còn tôi, thờ ơ và hình như có lúc mặt kênh lên khi bắt gặp những ánh nhìn sâu thẳm ấy.
Cha tôi xây cho mẹ, tôi và mấy đứa em cùng mẹ khác cha một căn nhà mát mùa hạ, ấm mùa mưa bão. Căn nhà bề thế vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay ở ven khúc sông này. Nhưng thử xem, mấy chục năm qua, mẹ tôi tất bật với chợ búa, giặt giũ cơm nước, lại bận bịu với một đàn con nheo nhóc. Khi tôi gần ba mươi thì vẫn có một đứa em lên ba! Bấy nhiêu năm nhìn mẹ âu lo, tần tảo, lại nhìn những đứa em nheo nhóc, tôi lại càng thấy mình có lí. Trong khi đó, những đứa em dường như cũng biết thân biết phận giữ khoảng cách với tôi. Có khi mấy mẹ con đang nô đùa vui vẻ, thấy tôi về, chúng lại len lén xuống bến sông chơi, để dành mẹ cho tôi.
* * * *
Ngân chưa bao giờ tỏ ra lo buồn khi tôi có một cái gốc có thể gọi là phức tạp như thế. Em vẫn thường bảo, người ta sinh ra đâu ai chọn bố, chọn mẹ, chọn mái ấm hay mái rách cho mình được. Nên tốt nhất hãy cứ nghĩ tới quy luật nước chảy xuôi để sau này ráng xây dựng mái ấm cho con cái, cũng là mái ấm duy nhất mà mình có thể định liệu. Cha mẹ nàng lại càng thương và chia sẻ với tôi hơn. Cuối mỗi tuần hay mỗi dịp nhà có tiệc tùng, đám giỗ… mẹ nàng lại bắt tôi phải về nhà chơi. Khi no nê trở về bà còn giúi theo từng túi bánh trái nặng trĩu “con cất mà ăn dần”.
Đã có thời gian, cả tôi và Ngân đã mơ rất gần cùng một giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Giấc mơ dường như không quá khó khăn khi đất thì đã có mẹ nàng cho, tôi chỉ cần lo kiếm tiền xây nhà và dọn về chung sống.
“Cô ấy có gì hơn tôi?”.
Sau gần hai tuần lánh mặt, Ngân đứng trước tôi hao gầy và sạm đen. Giọng Ngân chông chênh trong nước mắt. Ngân không hiểu nổi cũng phải, bởi chính tôi cũng không tin nổi mình có thể phụ nàng. Người thứ ba lại là một công nhân đã có chồng, tay chân lấm lem dầu máy, quanh năm nghe mùi giày da. Cô ấy đen và thấp đậm, cái dáng khắc khổ của đồng ruộng cả gần chục năm lên phố vẫn không gột được. Bao nhiêu lần đến thăm tôi, Ngân không bao giờ nghĩ cô hàng xóm ấy lại có thể là người thứ ba chen chân vào giữa tôi và nàng. Ngay cả tôi cũng chưa bao giờ ngờ đến, nghĩ đến. Tôi bỗng ấp úng, những lời lẽ dự định phân bua biến sạch.
“Ngân, anh xin em...”.
“Tôi chẳng có gì cho anh xin cả. Tôi không cho anh một đứa con, thậm chí, không có thời gian để nấu nổi những bữa cơm ngon canh ngọt cho anh mê mệt, như cô ấy”.
“Kìa em, đó là sự lỡ lầm. Anh có lỗi. Anh phải làm gì bây giờ...”.
Tôi cố nuốt nước bọt cho cuống họng bớt khô đắng, giọng vỡ vụn. “Đó không phải là tình yêu. Cô ấy cũng không đòi hỏi gì. Chỉ một phút xao lòng... anh xin em”.
“Tôi đã nói không có gì cho anh xin cả”. Giọng nàng trở nên chua chát: “Mà cũng tại tôi ngu dại, ai lại nhờ một cô gái chăm nom người yêu khi anh ốm đau. Trời ơi... Tôi còn ngu dại khi thấy cô ta vác cái bụng lặc lè đi trước mắt và tin rằng đó là thành quả đơm hoa sau kì nghỉ tết về quê thăm chồng. Tôi còn sắm mua quần áo, mua sữa cho đứa nhỏ vì thương nó. Anh định dối trá tới bao giờ...”.
Ngân gục đầu trên đôi tay gầy nhỏ nức nở. Bất chợt, tôi nhớ hình ảnh mẹ tôi một chiều sau cơn bão, gục đầu khóc khi tôi cản ngăn mẹ đi lấy chồng. Tôi không thể thanh minh gì hơn, khuỵu gối ngồi bên chân nàng.
Cho đến khi tiếng khóc trẻ con cất lên ngằn ngặt vì đói, tôi luýnh quýnh đi pha sữa. Hai tuần làm ông bố bất đắc dĩ, tôi vẫn chưa thể quen. Ngân quay sang dỗ dành thằng bé, giọng nàng vẫn chưa hết chua chát: “Khổ thân chó con, em đáng yêu thế này mà mẹ lại bỏ em đi, ba em thì không quyết định nổi số phận của em”. Rồi nàng vừa dỗ thằng bé mút sữa, vừa khóc rấm rứt. Tôi không chịu nổi, bước ra khoảng sân tối mù mịt trước nhà, thấy mình lạc lõng trong tiếng côn trùng i uôm. Vài phút im lặng, tưởng như không gian đang dần đặc quánh đến nghẹt thở. Tới khi thằng bé nghoẹo đầu ngủ tiếp, Ngân lót nó xuống giường, uể oải đứng dậy, bước nặng trĩu ra khỏi phòng.
* * * *
Tám giờ sáng. Tôi quờ quạng nghe điện thoại. Giật mình khi nghe đầu bên kia là giọng cha: “Con trai, có gan làm, phải có gan chịu chứ. Đưa cháu về cho cha”. Tôi im lặng. Đã từ rất lâu, tôi không có thói quen mở lời với ông. Cha nhẫn nại đợi chờ.
Một phản ứng vô thức, tôi ngắt cuộc thoại. Lòng rối bời suy nghĩ. Chắc cha sẽ cười khẩy khi biết chuyện, huống hồ chi đợi đưa nó về. Tôi nhìn nó - thằng con trai đã biến tôi thành một ông bố đầy chán nản. Thực sự, tôi chưa từng có một phút, một giây chuẩn bị cho sự có mặt của nó trong cuộc đời mình. Giá mà không có phút xao lòng, lầm lỡ ấy. Giá mà tôi đừng bị tô canh chua cá lóc làm mát ruột khi cơn sốt vừa tan. Giá mà tôi không bị làn da đen bánh mật căng đầy sức sống mê dụ. Giá mà có lỡ thì lỡ với Ngân chứ không phải ai khác. Của đáng tội, chuyện lỡ làng ấy không bao giờ xảy ra vì nàng luôn uống thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc tính ngày rất cẩn thận. Nàng còn nhiều điều để lo toan hơn việc có một đứa con khi đường công danh đang mở rộng... Điện thoại lại rung. Giọng mẹ nghèn nghẹn: “Tối mẹ lên thành phố. Cứ bình tâm, con à”.
“Từ khi về đây, thằng bé chưa bao giờ có một đêm ngon giấc như thế” - tôi bất chợt nhận xét khi nó nằm bình yên trên vòng tay mẹ. Mẹ cười hiền lành: “Là vì cả bố cả mẹ nó còn trẻ con quá, chưa đủ tình yêu dành cho nó”. Mẹ của tôi đấy, rất ít khi bước chân ra khỏi triền sông quê, học chưa hết cấp ba nhưng nói những câu đủ thấm thía và nhói lòng. “Ngày con sinh ra, ba và mẹ đều rất mừng”. Giọng mẹ nhẹ dịu, cũng đủ để tôi hình dung một gương mặt khác về ba tôi, không giống những lần đánh chửi con và bóp cổ mẹ. Hóa ra ông từng có một gương mặt hạnh phúc khi có tôi. Thế mà, mấy mươi năm sau ngày ông mất, tôi vẫn không có cảm giác thân thiện khi đứng trước tấm di ảnh úa màu thời gian.
“Bây giờ, con tính sao?”. Giọng cha dượng trầm ấm, đôi mắt sâu vẫn nhìn xoáy vào tôi đầy ấm áp.
“Con... con chưa tính nổi”. Tôi nhìn mẹ và cha dượng, thật thà và không còn bức tường im lặng từ lâu đã xây giữa hai cha con.
Tôi đưa mẹ bức thư của mẹ thằng bé. Thư viết những lời xin lỗi Ngân, xin lỗi tôi và chào từ biệt không hẹn gặp. Thư cũng viết, đừng tìm kiếm chi vô ích, bởi cô sẽ xem như chưa từng có tôi và thằng bé trong cuộc đời... Tuần trước, khi tôi đưa Ngân đọc, nàng khóc vùi. Mẹ tôi không khóc, nén tiếng thở dài. Cha dượng khẽ nắn vai tôi: “Cha đã nói với con nhiều lần, rằng dám làm dám chịu. Chưa bao giờ con nghe thì hãy nghe cha một lần. Chẳng có gì phải khó xử, nuối tiếc mà hãy xem như một lần vấp ngã. Con hãy coi sự vấp ngã khi con còn trẻ là một may mắn vì vẫn còn thời gian để nhìn lại, làm lại và bước tiếp. Để mẹ và cha đưa cháu về, mẹ con chăm cháu đương nhiên tốt hơn gà trống chăm con”.
Không ngại ngần, nước mắt ứa ra từ khóe mắt tôi chực trào. Cha đưa bàn tay rắn rỏi quệt ngăn nước mắt: “Ngày xưa bé, có bao giờ con khóc trước mặt cha đâu?!”.
Ngoài cửa, tiếng xe máy Ngân vừa tới. Hình như nàng lại đưa sữa tới cho thằng bé...
VÕ THU HƯƠNG