Nhà văn trẻ Lâm Đồng, bạn đang ở đâu? (bài 2)

06:04, 01/04/2021

Không những chưa thể đi trước để dự báo theo đúng chức năng, văn học trẻ địa phương hình như không bám theo kịp sự biến động không ngừng của hiện thực cuộc sống...

[links()]

Bài 2: Rất cần những người trẻ dấn thân

 

Trại sáng tác văn học nghệ thuật Lâm Đồng tại thành phố Bảo Lộc - năm 2020. Ảnh:  Hà Hữu Nết
Trại sáng tác văn học nghệ thuật Lâm Đồng tại thành phố Bảo Lộc - năm 2020. Ảnh: Hà Hữu Nết
 
Không những chưa thể đi trước để dự báo theo đúng chức năng, văn học trẻ địa phương hình như không bám theo kịp sự biến động không ngừng của hiện thực cuộc sống. Theo dõi thực tế từ các xuất bản phẩm, bên cạnh ít ỏi những tác phẩm mang lại những giá trị nhất định, chúng ta thường gặp hầu hết là những tác phẩm mang tính minh họa hiện thực giản đơn hoặc là phản ánh cái tôi nhỏ bé với những cảm xúc cá nhân thường nhật...
 
Các tác phẩm văn xuôi hầu hết mang tính mô tả thực tế một cách máy móc, tự nhiên, ít có những tác phẩm mang tính tư tưởng cao, hình tượng nghệ thuật và lượng hàm ngôn sâu sắc. Ít ỏi, vài ba tác phẩm có “chạm” vào hiện thực, nhưng chỉ dừng lại sự phản ánh, như kể một câu chuyện. Ở một góc nhìn khác, các thi phẩm chủ yếu là những bài thơ tâm sự, vịnh cảnh, tả tình; giá trị thẩm mỹ thấp và độ mỹ cảm mang lại đối với công chúng thưởng thức không bén, không sâu, không đồng hiện cảm xúc, không tạo nên được trường liên tưởng thú vị và có sự chia sẻ giữa người viết và người cảm thụ. Vẫn biết rằng, trong sáng tạo nghệ thuật thì đi đến tận cùng của “cái tôi” chính là cuộc gặp gỡ mang tầm nhân loại, nhưng ở đây hầu hết chỉ là những cái rất “riêng tư” chứ không hẳn là “cái tôi” chủ thể trữ tình của tài năng và sáng tạo như cách nói đó...
 
Đâu là nguyên nhân? Chúng ta không có nhiều thời gian để phân tích, và cũng chưa có nhiều điều kiện để bàn sâu về câu chuyện này. Nhưng, với những gì quan sát mang tính trực quan cũng dễ nhận thấy là địa phương chúng ta đang thiếu những cây bút trẻ thể hiện sự sung sức và dồi dào bút lực sáng tạo. 
 
Thứ nhất, là câu chuyện lực lượng. Thực tế đầu tiên dễ dàng nhận thấy, là Lâm Đồng hiện tại chưa có những nhà văn trẻ chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây chúng tôi muốn nói là được đào tạo bài bản, chuyên tâm, dấn thân vào địa hạt văn chương, thực sự sống chết với nghề văn. Hầu hết các cây bút trẻ hiện thời là những người đang làm việc trong những lĩnh vực khác, hoặc là sinh viên đang theo học tại các trường chuyên nghiệp. Với họ, văn chương mới chỉ là một “cuộc chơi” thú vị chứ chưa coi là một cái nghề với lao động sáng tạo vô cùng vất vả và một cái nghiệp đau đáu với con chữ lắm nỗi truân chuyên. Và hầu hết là cuộc chơi ngắn ngày, rất dễ hụt hơi và không dám nghĩ đến những khát vọng lớn lao. Nhiều người bỏ cuộc giữa chừng vì những lý do nào đó. Nhiều người chuyển đến địa phương khác. Có những điều cũng hết sức đáng phải suy nghĩ. Ví như, Đà Lạt - Lâm Đồng từng là nơi chốn sống và sáng tác của nhiều tên tuổi lớn trong văn đàn Việt Nam cả trước và sau ngày nước nhà thống nhất, nhưng đến thời hiện nay thì tìm ra những cây bút có bản sắc, những tác phẩm để nhớ quả thật không nhiều, nhất là các tác giả trẻ. Xứ sở này cũng là quê hương của nhiều tộc người, nhưng lực lượng nhà văn là người đồng bào các dân tộc bản địa cũng hết sức hiếm hoi...
 
Thứ hai là thực tế “cạn vốn” văn chương đã xảy ra với rất nhiều người. Lâu nay chúng ta nghĩ viết được văn là do năng khiếu. Tất nhiên, năng khiếu là điều tiên quyết, điều đó không thể phủ nhận, nhưng đó chỉ là món quà thiên phú của Tạo Hóa, bản thân nó không mang tính quyết định. Từ năng khiếu bẩm sinh, người cầm bút muốn đi xa thì phải luôn có ý thức bồi đắp cho bút lực của mình bằng những sự hiểu biết, hệ thống kiến thức đa ngành, sự trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm và kỹ năng dày dặn. Đó chính là những điều kiện quan trọng. Đó chính là độ chín. Đó chính là cái “phông” văn hóa cần thiết cho quá trình sáng tạo văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Ví như, sống và viết ở vùng đất Nam Tây Nguyên đa dạng sắc tộc, nhưng không nhiều những cây bút trẻ có sự hiểu biết kỹ lưỡng, tìm hiểu bài bản để trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về nhân chủng - dân tộc học, về kho tàng văn hóa - văn nghệ dân gian của các tộc người. Chính vì vậy, họ e ngại trong việc chọn đề tài liên quan đến lĩnh vực này, hoặc vấp phải những sai sót, những lỗi kiến thức hết sức ngô nghê khi sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số bản địa. Đó là chưa nói đến, người viết văn cần phải có những hiểu biết cơ bản về địa - lịch sử, địa - chính trị, địa - văn hóa, và hiểu biết, cảm nhận càng sâu càng tốt về tâm lý tộc người...
 
Thứ ba, là chưa có sự quan tâm đầu tư chiều sâu và dài hơi cho văn học trẻ. Điều này có thể nhìn nhận từ hai khía cạnh, từ cơ chế tổ chức - quản lý và tự thân nghiêm túc học tập, dấn thân và khát vọng sáng tạo của các tác giả. 
 
Thế hệ các cây bút trẻ bây giờ hoạt động nghề nghiệp hết sức thuận lợi với nhiều ưu đãi. Nền tảng công nghệ và sự phát triển không ngừng của khoa học - kỹ thuật đã cung ứng cho người trẻ những hệ thống tài nguyên vô cùng to lớn để có thể khai thác, có thể vận dụng cho công việc viết lách của mình. Người viết trẻ là đối tượng tiếp nhận cái mới rất nhanh, có khả năng nắm bắt những kiến thức vừa mới du nhập trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Từ đó, họ có thể tạo nên những đột phá, cách tân về phương pháp, hình thức, ngôn ngữ thể hiện. Cách nhìn của họ về lịch sử, về đời sống đương đại cũng có cái gì đó “hơi khác” với cách nhìn truyền thống. Xin hãy bình tĩnh khi nhìn nhận và đánh giá. Tất cả những điều đó cũng phản ánh phần nào cái tính chất “trẻ” trong đội ngũ cầm bút tuổi đời chưa cao. Đó chính là sự chứng minh họ “trẻ”, chứng minh sự tồn tại của họ, chứng minh họ đang có mặt và tham gia vào mọi khía cạnh, mọi sự kiện đời sống. Cần thấu hiểu những cây bút trẻ cũng đang là những người trẻ tuổi và cần phải ghi nhận sự phá cách trong văn chương của họ. Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Hoàng Diệu…và nhiều tên tuổi khác trong đội ngũ những người viết văn trẻ trong nước đã từng bầm dập để khẳng định tên tuổi. Trước họ, những tác giả của Phong trào Thơ Mới cũng từng bị lên án gay gắt bởi Tây hóa nền văn chương khăn đóng, áo dài. Nhiều trào lưu khác cũng từng bị phản bác do các định kiến. Nói là nói vậy, chúng ta chỉ mong trên đất Lâm Đồng bỗng nhiên xuất hiện những tác giả ngang tầm Nguyễn Ngọc Tư hay Vi Thùy Linh... 
 
* * *
 
Chúng tôi tạm đặt ra những vấn đề trong bài viết nhỏ này, không có mục đích gì khác ngoài niềm mong đợi đội ngũ những cây bút trẻ Lâm Đồng trong tương lai gần sẽ có những nhà văn và tác phẩm xứng tầm với nền văn học Việt Nam đương đại. Bản thân cũng nhận thức rất rõ là nói lên điều mong muốn thì dễ, nhưng để có được thành tựu thật sự thì vô cùng khó khăn. Nhưng không lẽ chúng ta vẫn cứ chấp nhận sự đơn điệu, tẻ nhạt và tâm lý tỉnh lẻ trong văn chương trẻ tỉnh nhà khi mà tiềm năng từ đội ngũ những người viết trẻ vẫn đang có những biên độ mở? Từ góc độ quản lý có lẽ các vị lãnh đạo địa phương và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà đã có sự đánh giá thấu đáo thực trạng và đã có những chiến lược, những đề án và nguồn lực đầu tư dành cho sự nghiệp phát triển văn học trẻ địa phương. Với suy nghĩ cá nhân, chúng tôi chỉ muốn góp thêm một vài điều nhỏ, coi như là những góp ý chân thành:
Có lẽ, đã đến lúc chính quyền và hội nghề nghiệp cần chọn lựa những cây bút trẻ thực sự có năng lực, có tâm huyết và niềm đam mê sáng tạo văn học để tạo cho họ cơ hội tiếp cận với văn chương chuyên nghiệp. Bên cạnh việc cho họ được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tham gia các trại sáng tác chuyên đề, thâm nhập sâu vào hiện thực đời sống thì cũng cần mạnh dạn đặt hàng và đầu tư cho các tác giả trẻ có ý tưởng và đề cương tác phẩm tốt. Hội đồng chuyên môn của Hội Văn học Nghệ thuật chính là chủ thể có quyền đề xuất về nội dung này.
 
Nhưng cơ chế và sự quan tâm chỉ mang tính hỗ trợ, điều tiên quyết để tạo nên những đột phá trong hoạt động sáng tạo văn học trẻ vẫn là từ nỗ lực của các cây bút trẻ đang sống và viết tại vùng đất Nam Tây Nguyên với hiện thực cuộc sống ngồn ngộn và đa dạng sắc màu văn hóa. Cơ hội luôn mở cửa cho những người viết trẻ có niềm đam mê, có sự dấn thân, có quá trình học tập và tự đào tạo không ngừng nghỉ. Từ năng khiếu sáng tác, có vốn tri thức nền, cộng thêm quá trình trải nghiệm hiện thực cuộc sống, sự mạnh dạn tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo và dấn thân cho công việc sáng tác nhiều thú vị nhưng vô cùng cam go, họ sẽ gặt hái thành công...
 
UÔNG THÁI BIỂU