Là người con vùng đất Nam Tây Nguyên, sinh ra và lớn lên trong kháng chiến, 18 tuổi, ông giác ngộ cách mạng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và luôn tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ kính yêu...
Là người con vùng đất Nam Tây Nguyên, sinh ra và lớn lên trong kháng chiến, 18 tuổi, ông giác ngộ cách mạng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và luôn tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ kính yêu. Trong suốt thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thiếu tá K’Dĩnh (77 tuổi, ngụ xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lộc đã cùng đồng đội băng rừng, lội suối tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt địch, bảo vệ quê hương, căn cứ cách mạng.
|
Cựu binh K’Dĩnh bên tấm Huân chương Chiến sĩ giải phóng kể với chúng tôi những ký ức hào hùng trong khói lửa chiến tranh |
Ký ức hào hùng
Cũng như bao người con đồng bào Mạ, K’Ho và các dân tộc anh em, cựu chiến binh K’Dĩnh sinh ra, uống nước suối, ăn củ mài, rau rừng, gạo rẫy của vùng đất mẹ Nam Tây Nguyên để lớn lên. Giờ đây, cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta đã lùi xa gần nửa thế kỷ, thế nhưng ký ức về những năm tháng chiếu đấu gian khổ mà hào hùng năm xưa vẫn luôn còn mãi trong tâm hồn người chiến sĩ giải phóng K’Dĩnh. Trong ký ức “chắp vá” của mình, ông K’Dĩnh kể cho chúng tôi nghe về một thời khói lửa chiến tranh mà ông cùng biết bao đồng đội đã hy sinh xương máu đánh đuổi quân thù giữ đất, giữ rừng và bảo vệ Nhân dân.
Năm 1962, ở Lâm Đồng với các đơn vị hành chính là K1, K2, K3, K4, K5 và T29. Thời điểm đó, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành chính sách gom dân ven đường 20 (nay là Quốc lộ 20) để lập ấp chiến lược, với âm mưu tiêu diệt các căn cứ cách mạng của bộ đội ta. Khi ấy, ông K’Dĩnh tròn 18 tuổi, cũng như bao thanh niên yêu nước đồng bào Mạ, K’Ho… ở vùng đất Tây Nguyên này đã xung phong gia nhập đội quân du kích đánh Mỹ - Ngụy. Ông K’Dĩnh nhớ lại: “Từ cuối năm 1961, quân Mỹ - Ngụy dùng máy bay rải truyền đơn, phát loa kêu gọi đồng bào quay lại dinh điền Bắc Ruộng (Hoài Đức) và khu Lê Minh Sanh, thị xã B’Lao (nay là TP Bảo Lộc). Chúng dùng gạo, muối, thuốc men, vải để lôi kéo đồng bào, nếu người nào chống đối thì bị càn quét, bắn giết. Trước tình thế đó, lựa chọn ban đêm, bộ đội ta tìm về các bản làng cùng lực lượng dân quân, du kích làm công tác tuyên truyền, giác ngộ chủ trương, chính sách của Đảng và Bác Hồ cho đồng bào cùng tham gia làm cách mạng. Nhờ vậy, không lâu sau, âm mưu dồn đồng bào vào “ấp chiến lược” của địch bị chặn đứng”.
Sau 2 năm tham gia du kích, năm 1964, ông K’Dĩnh tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về K4 (thuộc Đại đội 720 lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng). Trong suốt thời gian tham gia kháng chiến, ông K’Dĩnh cùng đồng đội đã băng rừng, lội suốt tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt sinh lực địch trên khắp địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các địa bàn giáp ranh. “Tôi còn nhớ như in trận đánh vào dịp giáp Tết Nguyên đán năm 1965 tại K4 (nay là huyện Đạ Huoai). Năm đó, Mỹ - Ngụy điều xe tăng, xe bọc thép tấn công căn cứ Khu ủy Khu VI (nay thuộc huyện Cát Tiên). Xác định đây là trận đánh quan trọng tiêu diệt địch bảo vệ căn cứ cách mạng, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đại đội 720, 745 và Đại đội đặc công C715 sẵn sàng chờ quân địch trên đường 20 (khu vực giáp ranh giữa huyện Đạ Huoai và huyện Tân Phú, Đồng Nai). Bằng cách đánh nghi binh, tại trận đánh này, chúng tôi đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống 25 lính Mỹ; đồng thời, thu giữ nhiều súng đạn, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện của địch, buộc chúng tháo chạy. Sau trận đánh này, đầu năm 1966, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam” - ông K’Dĩnh nhớ lại ký ức hào hùng.
Xen kẽ những ký ức của thời khói lửa chiến tranh, ông K’Dĩnh bảo với chúng tôi rằng: “Chiến tranh lúc nào cũng ác liệt, mỗi người lính chẳng ai màng sống chết”. Trong đời binh nghiệp của mình, ông nhớ như in trận đánh tiêu diệt một đại đội lính Mỹ vào đêm mùng 6, rạng sáng ngày 7/4/1969 dọc theo suối Đạ Ri Am - Đạ Giam (nay thuộc khu vực Tân Rai, thị trấn Lộc Thắng chạy đến xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm). Ông K’Dĩnh kể rằng: Thời gian này, giặc Mỹ cho quân càn quét vùng B’Lao để truy tìm tiêu diệt bộ đội ta. Qua trinh sát, bộ đội ta nắm bắt được, đại đội quân địch có khoảng 130 tên, do một viên đại úy người Mỹ chỉ huy, sẽ hạ trại đóng quân bên kia suối Đạ Giam hòng mai phục quân ta. Nhận lệnh cấp trên, vào đêm 6/4/1969, Đại đội Đặc công và các đại đội 720, 745 (thuộc Tiểu đoàn 719) tiến hành tập kích quân địch. Sau hơn 4 giờ băng rừng, lội suối, đến khoảng 12 giờ đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7/4, ông K’Dĩnh cùng các đồng đội đã tiếp cận được điểm hạ trại của quân địch. Ngay sau đó, thế trận được bày bố sẵn để chờ thời cơ tiêu diệt địch. Đến khoảng 4 giờ 30 sáng, phát hiện quân địch rời lán trại, quân ta liền “điểm hỏa” tấn công. Từ 2 hướng, bộ đội ta dùng súng cối 82 ly, lựu đạn và súng AK đồng loạt tấn công vào lán trại địch. Bị tấn công dồn dập và sau khoảng 10 phút thì cả đại đội lính Mỹ gần như tê liệt.
“Trong lúc quân địch chống cự yếu ớt, chúng tôi thừa thắng xông lên làm chủ trận địa. Khi xung phong, tôi và ông Nguyễn Đức Phó (nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Ðồng) bị quân địch bắn bị thương. Sau đó, các đồng đội của chúng tôi đã tiêu diệt toàn bộ lính Mỹ, làm chủ trận địa, thu giữ hàng chục khẩu súng và đồ quân sự của Mỹ” - ông K’Dĩnh nhớ lại giây phút sinh tử của trận đánh.
Sau trận đánh này, ông K’Dĩnh được phong quân hàm Đại úy và giữ chức Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 719 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng). Từ đó, ông K’Dĩnh trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh trên khắp các mặt trận cho đến khi Bảo Lộc và đặc biệt Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, miền Nam được giải phóng, nước nhà hoàn toàn thống nhất.
|
Thôn 4 (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm), quê hương ông K’Dĩnh đang từng ngày phát triển |
Niềm tự hào của quê hương
Sau giải phóng, ông K’Dĩnh được điều động về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lộc, giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện và tiếp tục chỉ huy bộ đội truy quyét Fulro cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1988 và được phong quân hàm Thiếu tá.
Với sự hy sinh và những đóng góp xương máu của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ông K’Dĩnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất và đặc biệt là Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất.
Rời quân ngũ về lại địa phương, ông K’Dĩnh tiếp tục được tín nhiệm và tham gia nhiều chức vụ quan trọng tại xã Lộc Nam như Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Nam. Ông Võ Thiên Bình - Chủ tịch UBND xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, cho biết: “Từ năm 1996 đến nay, ông K’Dĩnh là một trong những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông K’Dĩnh luôn là tấm gương sáng để con cháu và người dân địa phương học tập, noi theo. Không chỉ bà con đồng bào ở Thôn 4, mà mỗi cán bộ, đảng viên và người dân xã Lộc Nam luôn cảm thấy tự hào về người chiến sĩ giải phóng K’Dĩnh. Cả hệ thống chính trị và Nhân dân Lộc Nam luôn tự hào về vùng đất được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” để tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp”.
Nay ông K’Dĩnh đã 55 tuổi Đảng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, oanh liệt vẫn đầy ắp trong những câu chuyện mà người lính giải phóng năm xưa thường kể cho con cháu và bà con buôn làng. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, những đóng góp của ông K’Dĩnh đã truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa thi đua ái quốc đến con cháu và cả thế hệ trẻ địa phương. Giờ đây, người con gái lớn của ông đang là bác sĩ đa khoa công tác tại Trạm Y tế xã Lộc Nam. Cùng với đó, 2 người con trai của ông đã lập gia đình, tu chí làm ăn và sống hạnh phúc.
KHÁNH PHÚC