Là một trong 4 nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) của Lâm Đồng vinh dự được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế - FIAP phong tặng tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc E.FIAP danh giá, nhưng NSNA Bạch Ngọc Anh luôn lặng lẽ, khiêm nhường và không ngừng sáng tạo.
Là một trong 4 nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) của Lâm Đồng vinh dự được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế - FIAP phong tặng tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc E.FIAP danh giá, nhưng NSNA Bạch Ngọc Anh luôn lặng lẽ, khiêm nhường và không ngừng sáng tạo.
|
NSNA Bạch Ngọc Anh hướng ống kính vào cỏ, cây, hoa, lá bằng tình yêu thiên nhiên và niềm rung cảm |
Kiếm tìm những khoảnh khắc thật
Năm 1981, thầy giáo Bạch Ngọc Anh một buổi lên lớp, một buổi cầm máy ảnh rong ruổi chụp hình dịch vụ cho du khách để cùng vợ (cũng là nhà giáo) nuôi lớn 3 người con ăn học, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Năm 2005, khi đã ở tuổi 52, gánh nặng cơm áo không còn, ông mới thực sự bước chân vào cuộc chơi ánh sáng. Mới đầu gặp gì cũng chụp, không biết xử lý hình ảnh hậu kỳ nên không dùng được vào việc gì; không nản lòng, ông tự nhủ “Không gì là không thể, người ta làm được thì mình cũng sẽ làm được”. Vốn biết 2 ngoại ngữ (tiếng Anh và Nga), ông ngày đêm đọc các tài liệu về nhiếp ảnh trong và ngoài nước; tự học, tự mày mò tìm hiểu xem trong quá trình chụp mình mắc lỗi chỗ nào. Dù là chụp khoảnh khắc thật, không dàn dựng, nhưng một ảnh chụp xong mà không có hậu kỳ sẽ không nâng được chất của ảnh, sẽ chỉ là chất liệu thô mộc, chứ chưa là tác phẩm. Nếu trước đây ông không biết gì về hậu kỳ, thì quá trình tự học, tự đọc, tự tích lũy, thực hành, ông đã tự biết nâng tầm tác phẩm của mình. Ông trở nên tự tin từ cách chọn ánh sáng, bố cục, nội dung, chủ đề đến cách tính cự ly để có hình ảnh rõ nét. Có nội lực, cầm máy tự tin, mỗi ngày ông đều nhìn ra những cái đẹp mà người khác không nhìn ra, chớp được những khoảnh khắc mà người khác bỏ qua.
Trên đời bất cứ gì cũng chụp được, quan trọng là bắt trúng được khoảnh khắc. Ảnh nghệ thuật chính là những khoảnh khắc chứa đựng chân - thiện - mỹ khiến người ta rung cảm. Để bắt trúng khoảnh khắc ấy thì ngoài tài năng, nhạy bén, khả năng dự cảm của người nghệ sĩ, theo ông còn là may mắn. Trong những lần đi sáng tác ông luôn tâm niệm “khi tất cả mọi người tập trung vào một chủ đề nào đó thì hãy quay lưng lại, ta sẽ có tác phẩm có giá trị”; vì thế tại nghi lễ cúng biển Lý Sơn, khi mọi đồng nghiệp chen nhau chĩa ống kính chụp cảnh cúng tế, ông quay lưng lại chụp một em bé đang ngồi trong tay mẹ với ánh mắt ngạc nhiên, ông đã tạo nên tác phẩm riêng biệt, xuất thần. Tác phẩm “Lời cổ nhân” ở nhà lớn Long Hải chụp các cụ ông ngồi viết liễn câu đối giữa khung cảnh kiến trúc cổ, trong khi các đồng nghiệp hướng ống kính ngang để chụp, NSNA Bạch Ngọc Anh đã tìm cách đứng lên cao, hướng ống kính từ trên xuống. Với góc máy lạ, khoảnh khắc thật, tác phẩm của ông đoạt giải ảnh xuất sắc quốc gia năm 2011. Trong đợt mưa to, nước tràn hồ Xuân Hương, ông chụp lụt ở đoạn đường qua Vườn hoa thành phố, tác phẩm được chọn triển lãm quốc tế...
Giải thưởng như nguồn khích lệ, ông đi khắp nơi, từ rừng xuống biển, từ núi đến đồng bằng gặp gì cũng chụp, chụp không kể nắng - mưa, ngày - đêm. Cần mẫn lao động nghệ thuật, miệt mài sáng tạo ông đã chớp được nhiều khoảnh khắc để đời, dù chỉ chụp bằng máy Canon, không có chân máy, ông phải tỳ vào bất cứ thứ gì cố định ông bắt gặp bên cạnh mình làm điểm tựa để chụp. Trong điều kiện khó khăn, niềm đam mê sáng tạo đã được đền đáp, tác phẩm của NSNA Bạch Ngọc Anh đã tham gia 250 triển lãm ảnh quốc tế ở khắp năm châu với hơn 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật, đoạt nhiều huy chương các loại trong nhiều cuộc thi ảnh theo từng chủ đề. Năm 2009, ông được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam, được trao tước hiệu A.VAPA; năm 2011 ông được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế trao tước hiệu A.FIAP; năm 2013 ông tiếp tục vinh dự được phong tặng tước hiệu E.FIAP (Excellence FIAP - nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế xuất sắc).
|
Nụ cười trẻ thơ |
Tạo cho mình hướng đi riêng
Tuổi mỗi ngày một cao, khi không còn điều kiện sức khỏe để đi xa sáng tác, NSNA Bạch Ngọc Anh đã đưa ống kính vào những điều gần gũi để chụp. Từ 8 năm qua, ông chọn cho mình một “khoảng trời riêng” chụp cỏ, cây, hoa, lá trong vườn nhà mình, ghé thăm vườn hàng xóm, sáng tác ngay tại chốn mưu sinh (Vườn hoa thành phố). Mẹ thiên nhiên luôn tươi đẹp, hào phóng, Đà Lạt thì tuyệt vời, không cần mất thời gian, công sức, không cần “người mẫu”, không tốn công dàn dựng, chỉ cần để tâm quan sát, thực vật vốn có sẵn muốn chụp bao nhiêu tùy thích.
“Khoảnh khắc” luôn tạo nên những tác phẩm ảnh nghệ thuật có giá trị để đời, thế nhưng vô cùng khó để bắt được những khoảnh khắc thật “đắt giá” trong cuộc sống hàng ngày. Hiện nay nhiếp ảnh nghệ thuật vẫn chưa thoát ra khỏi xu hướng thiên về dàn dựng cho gần giống như thật theo ý đồ của tác giả, ảnh nghệ thuật còn bị ràng buộc của sự nhập nhằng với ảnh thời sự. Vì thế những tác phẩm được gọi là nghệ thuật ấy có thể có “mỹ”, có thể có “thiện” nhưng tuyệt nhiên không có “chân”. Đỉnh cao của ảnh nghệ thuật là đạt đến chân - thiện - mỹ, bản thân thiên nhiên đã chứa đựng chân - thiện - mỹ. Vẻ đẹp của thiên nhiên luôn chân thực, không giả dối. Và cái đẹp thường toát lên từ những điều giản dị đơn sơ, có khi chỉ là một bông hoa sắp tàn trong bụi rậm, có khi chỉ là bông hoa, dây leo bên hàng rào ta vẫn quen nhìn thấy; nhưng nhiếp ảnh chính là vẽ bằng ánh sáng, hình ảnh đã do mẹ thiên nhiên sắp đặt sẵn, nếu đúng vào lúc ánh sáng chiếu qua, khoảnh khắc đẹp nhất, sẽ tự tạo nên tác phẩm nhiếp ảnh đẹp, người nghệ sĩ chỉ cần chớp đúng khoảnh khắc, góc đẹp, đúng thời sáng sẽ tạo nên tác phẩm.
|
Hoa chuông tím Đà Lạt |
Ông trải lòng, thực vật vốn rất phong phú và đa dạng, nhưng chia làm 2 loại: Hoang dã (tuyệt đối không có sự can thiệp của bàn tay con người) như cây cối tự nhiên, rêu, cỏ dại, rong biển, nấm mốc...; không hoang dã (do con người cấy trồng chăm sóc) như rau, hoa, cây cảnh. Bằng tình yêu thiên nhiên, NSNA Bạch Ngọc Anh đã đưa những cây cỏ tưởng chừng như đơn giản trở nên diệu kỳ, có hồn, khiến người xem ngạc nhiên. Ông chụp bông hoa mua đã tàn rơi hết cánh, chỉ còn 2 nhụy vẫn tận hiến vẻ đẹp. Trong lần đi thực tế sáng tác ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, giữa muôn loài, ông hướng ống kính đến những loài hoa cỏ nhỏ bé dường như không ai để ý. Với ông, chụp ảnh thực vật là một quá trình khám phá rất thú vị, có khi rất bất ngờ đến sửng sốt trước những vẻ đẹp tiềm ẩn của tạo hóa làm cho ta thỏa mãn niềm đam mê và thăng hoa giữa những bề bộn đời thường.
Để phát hiện và khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của cỏ, cây, muôn màu, muôn sắc, ông đã tự “luyện” cho mình có cái nhìn sắc bén, nhưng trên hết vẫn là tình yêu với thiên nhiên. Những cú bấm máy bằng trái tim rung cảm của người nghệ sĩ đã truyền đến cho người xem niềm rung cảm trước cái đẹp, tình yêu và lòng biết ơn với thiên nhiên.
Giá trị nghệ thuật và mỹ cảm đã tạo cho tác phẩm của NSNA Bạch Ngọc Anh một dấu ấn riêng biệt. Ảnh thực vật của ông đã đoạt giải Khuyến khích HOPA 2017, đoạt được Cúp FPF của Liên đoàn Nhiếp ảnh Pháp với 7 tác phẩm ảnh đơn chụp về thực vật 2017; năm 2018, đoạt Huy chương Bạc GPU của Tổ chức Nhiếp ảnh toàn cầu và Giải Ba tại Bungary... Từ “mẹ thiên nhiên” ông đã đưa hình ảnh tươi đẹp của hoa, lá, cỏ cây, của Đà Lạt đến với nhiều triển lãm, cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.
Ở tuổi 68, NSNA Bạch Ngọc Anh vẫn luôn khát khao cống hiến, vẫn hăng hái tham gia mọi cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của Trung ương và địa phương bằng tinh thần “đã là nghệ sĩ thì phải sáng tạo, cũng như thân tằm thì phải nhả tơ”; đồng thời, luôn mở lòng chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt, giúp đỡ tận tình, truyền tình yêu nghệ thuật nhiếp ảnh cho các tay máy thế hệ sau. Với hàng ngàn tác phẩm, NSNA Bạch Ngọc Anh có ý tưởng muốn in một cuốn sách về thực vật các loài hoa, lá, cỏ cây kèm hình ảnh ông chụp từng loài có xuất xứ, tên gọi, tên khoa học... để có thể tra cứu, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật để làm lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ thiên nhiên với thế hệ trẻ.
QUỲNH UYỂN