Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đình Nghĩ và nhà thơ Hồ Minh lại duyên ngộ đồng thanh với tác phẩm mới - "Đưa nhau về nhà thôi". Hồn hậu với quê và quê hồn hậu, dạt dào, da diết, lắng và dư ba…
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đình Nghĩ và nhà thơ Hồ Minh lại duyên ngộ đồng thanh với tác phẩm mới - “Đưa nhau về nhà thôi”. Hồn hậu với quê và quê hồn hậu, dạt dào, da diết, lắng và dư ba…
|
NS Đình Nghĩ (thứ 2 từ trái qua) |
Có thể nói, nhạc sĩ Đình Nghĩ là một trong số ít nhạc sĩ may mắn và có duyên ở Lâm Đồng khi nhập vào dòng chảy cuộc sống đã bắt gặp được những điệu hồn để tri âm với các nhà thơ. Và quan trọng hơn, từ mối lương duyên ấy, anh đưa đến công chúng thưởng thức nghệ thuật những ca khúc hay. “Đưa nhau ta về thôi” là tác phẩm âm nhạc mới đây của anh, được khởi ý từ bài thơ của nhà thơ Hồ Minh. Trong một đêm Đà Lạt, ánh trăng xõa óng những vòm thông xanh, tôi và nhạc sĩ Đình Nghĩ được anh Hồ Minh thả hồn đọc bài thơ này. Với tôi, thi ngữ dù có được cộng hưởng để bung ra khỏi vỏ âm thanh võ đoán thì cũng chỉ đủ để len vào hồn chút bâng khuâng, chút thao thức, chút man mác… Dĩ nhiên, bất chợt phong vị quê hương bản xứ khởi trong tôi. Nhưng với nhạc sĩ Đình Nghĩ thì trường mĩ cảm lớn hơn thế. Đình Nghĩ nương theo lời thơ, neo vào đó như là “nghiệp”, để trằn trọc, khắc khoải và để sáng tạo ra ca khúc lấp lánh, nhiều dư ba đến bất ngờ. Bài thơ được chắp cánh, dù ca từ của tác phẩm âm nhạc chỉ sử dụng những ý tứ. Thế mới biết sức tỏa từ hồn vía của thế giới âm nhạc vang xa như thế nào, xóa mọi ranh giới.
Chỉ lick chuột vào giây đầu tiên của clip bài hát là người nghe sẽ bị, sẽ được hút vào trường cảm xúc, muốn lắm, “đưa nhau về thôi”. Đình Nghĩ khéo léo và tinh tế dẫn dụ, mời chào người ta bằng cái mềm mại về giai điệu, dìu dịu về âm sắc, vừa rỉ rả vừa nồng nàn trong giao thiệp. Đó là chất trữ tình thấm đẫm trộn hòa, mê dụ, bởi không khí lành mà ảo diệu của thanh sắc nhã nhạc và dân ca, dân dã. Nhạc sĩ Đình Nghĩ sáng tác ca khúc này vào dịp người vợ và con thân yêu của anh đang ở Mỹ. Cũng có thể vì bối cảnh ấy mà tâm tình càng dào dạt chăng? Nhưng tôi nghĩ, “tâm” ấy, “tình” ấy nhận được cộng hưởng nhiều chiều, ngoài nhân vật thẩm mĩ mà không chỉ những bạn bè của anh, không chỉ những người Việt Nam cũng chung hoàn cảnh cách trở trùng khơi giữa đất Mẹ Việt Nam với quốc gia nào đó, và nó cũng hiện hữu cả ở những người ly hương đến một không gian nào đó ngay trên đất Việt Nam này.
Nhịp chậm rãi, từ tốn mời gọi nhưng tha thiết: “Ta và em rồi/Đưa nhau về nhà thôi”. Đấy như là một tất yếu của thủy chung giữa “ta” và “em”. Thủy chung tương sinh, thủy chung đồng điệu neo mình nơi cố hương. Ở đó, chân quê, hương đồng gió nội; ở đó, gắn bó, thiết thân với mỗi con người, mỗi cuộc đời cùng thăng cùng trầm. Vẫn giữ nhịp để ru hời, để nâng niu, nhưng cụ thể hơn về cái bến neo - cũng hết mực chung thủy nuôi dưỡng đời người: “Nơi câu ca xưa thấm đẫm/Chân trời mộng mơ/Thơm mùi rơm rạ/Thương nương đồi tuổi thơ…”. Dường như giúp thỏa cơn khát về tâm lý hồi hương, tác giả tiếp tục: “Ta và em rồi/Đưa nhau về nhà thôi”…, để mong cùng thưởng lãm những hình hài cảnh vật đằm chở tâm trạng của thôn quê: “đêm trăng lên”, “sáng tỏ vườn khuya/lay nhành hoa đỏ”, “nở nghiêng” và “bâng khuâng trong chớp nắng”… Và nữa, “lá lấp loáng cuối ngõ hanh vàng”, “ven đê gầy lặng lẽ”, “lối xóm sáng sớm gió mùa rét tràn”,… Bức tranh quê được Đình Nghĩ khắc họa thật gần gụi mà lãng mạn, sâu lắng lẫn phiêu diêu. Cảnh và người quện hòa trong nhau, bằng trường tình yêu trân quý và tôn thờ. Phả lên bức tranh là những giai điệu mượt mà và trải rộng, nốt ngân vút nốt trầm lắng, càng bộc lộ thao thiết đến mãnh liệt. Khéo léo ở thay đổi trường độ không chỉ đưa ca khúc giàu mĩ cảm, mà hơn thế, đánh thức tâm cảm ở nhân vật trữ tình với bộn bề tầng vỉa, của thổn thức, của tha thiết, của tự hào, của thương và của nâng niu lắm lắm tình quê. Quê hương vì thế là hạnh phúc, được sưởi ấm, được tắm mát những tâm hồn khi đắm vào nơi chốn đó… Vâng, tôi chợt nhớ khổ cuối bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”…
Hoài niệm hồn quê, níu kéo những sự vật, những biến cải tạo hóa, níu kéo những tâm trạng, những kỷ niệm của nhịp sống vui có buồn có, sóng cảm xúc vừa xô dạt, náo động tâm can, lại vừa hình như đang vuột dần ra ngoài tầm với… Dĩ nhiên không để trạng thái “rơi tự do”, ở phần hai của ca khúc, tác giả Đình Nghĩ vừa muốn gửi gắm với bên ngoài để tìm sự san sớt, vừa tự an ủi bên trong để soi chiếu nội tâm. Tựa bên bờ yêu thương đắm đuối, khắc khoải đến da diết, ca khúc một lần nữa: “Ta và em rồi/Đưa nhau về nhà thôi...”. Sự khép bản nhạc cũng chính là sự mở ra chân trời lung linh ở phía trước. Cái điệp khúc cuối nghĩa sao mà phấn chấn và thao thiết, day dứt và lưu luyến thế. Mở lòng và trải đến không cùng. Là hứa với lòng, nhắn nhủ với người thương. Rằng, hành hương, hồi hương, không thể khác, nhé em… Còn tôi, có lẽ chẳng thể đủ ngôn lượng để ghi hết những cung bậc dạt dào và hồn hậu từ nhạc sĩ. Đặc biệt, khi hình bóng quê hương thiêng liêng, vĩ đại bao trùm…
|
Bản nhạc “Đưa nhau về nhà thôi” |
TĨNH XUYÊN