Có một người con quê hương Hải Dương yêu văn chương, hiện đang công tác tại Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng đang sở hữu một "Gia tài thơ" lên đến cả trăm bài thơ...
Có một người con quê hương Hải Dương yêu văn chương, hiện đang công tác tại Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng đang sở hữu một “Gia tài thơ” lên đến cả trăm bài thơ ắp đầy những nỗi niềm sâu kín và đã “trình làng” 4 tập thơ với cá tính sáng tạo rất riêng - Cô gái ấy chính là Đinh Thị Lan Anh (sinh năm 1978), một “hiện tượng thơ nữ” khá ấn tượng của CLB Sáng tác trẻ Lâm Đồng.
|
Những tập thơ in riêng của Đinh Thị Lan Anh |
Vào định cư tại xứ sở thơm ngát hương trà từ năm 1996, sau khi tốt nghiệp Khoa Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt năm 2000, cô giáo trẻ Đinh Thị Lan Anh được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đam’Bri - TP Bảo Lộc. Tại đây, cô giáo trẻ Lan Anh cũng đã có những năm tháng làm công tác quản lý, với tư cách là Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đam’Bri cho đến tháng 10/2018 được điều động về công tác tại Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng. Bắt đầu “ngọ nguậy” cầm bút làm thơ từ năm 13 tuổi, cô gái sinh năm 1978 này đã ghi dấu ấn đầu tiên khi gặp phải một biến cố trong cuộc đời: Mẹ mất sớm, khi ấy Lan Anh chỉ mới 11 tuổi. Và rồi, bài thơ “Ru em” với lời thơ mộc mạc, dồn nén bao cảm xúc của tuổi thơ ra đời đã làm thổn thức trái tim bao người: “Em ơi, hãy ngủ đi thôi/Để chị thay mẹ hát lời ru em/Ngoài kia trời đã vào đêm/Cánh cò, cánh vạc xõa mềm dưới mưa/Cơn gió lạc, bóng sao thưa/Thương em một tuổi em chưa biết gì!...”.
Là thành viên CLB Sáng tác trẻ Lâm Đồng từ khi còn là sinh viên Trường CĐSP Đà Lạt, đến nay Đinh Thị Lan Anh đã “trình làng” 4 tập thơ khá ấn tượng như: “Tìm thương yêu suốt một đời đi vắng” (NXB Văn học - 7/2015), “Anh có cùng em đi đến hết cuộc đời?” (NXB Hội Nhà văn - 10/2015), “Những mùa tìm nhau” (NXB Văn học - 4/2016) và “Những mùa hoa bỏ lại” (NXB Hội Nhà văn - 2/2019). Đọc thơ Lan Anh, người đọc như trở về với miền ký ức xa xôi, phảng phất đó đây những nỗi buồn lên xanh mướt mát, cũng có khi bắt gặp sự va đập giằng xé nội tâm... Nói về mẹ, viết về mẹ hay về những cuộc tình, Lan Anh chỉ có thể thốt lên những vần thơ đầy khắc khoải như để tự ru mình: “Người đàn bà đứng bên kia sông/Gánh muộn phiền sau quãng đời giông bão.../Không khóc, không đau, chỉ cạn lòng nhớ về bến cũ/Lời ru còn đây... Người xa tầm tay...” (“Hoài niệm”). Hay như những câu thơ ám ảnh suốt một thời tuổi trẻ: “Em giấu hết rồi - sau những lặng im/Mà sao anh ơi, lại cồn cào đến thế/Mình xa nhau qua bao ngày chẵn - lẻ/Tưởng đã quên rồi, sao em lại gặp anh?” (“Đừng đến tìm em”).
|
Nữ thi sĩ Lan Anh (thứ 2 từ phải sang) trong một lần ghi hình ở phố núi Đà Lạt |
Trao đổi với chúng tôi, cô em gái của Đinh Thị Lan Anh là Đinh Thị Thu Hiền, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học & THCS Vừ A Dính, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm cho rằng: Thơ của chị mình cũng chính là những nỗi niềm ưu tư của chủ thể sáng tạo được giãi bày qua lăng kính cuộc sống với những tầng số cảm xúc dâng trào. Còn cô giáo Nguyễn Thị Kim Yến, hiện đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch, Phường 9, TP Đà Lạt cũng đã dành cho người bạn thân của mình sự đồng cảm, sẻ chia và cả những tình cảm trân quý. Với cô giáo Kim Yến, cô như tìm thấy bóng dáng của mình ở đâu đó trong những câu thơ đầy thổn thức của Lan Anh.
Không chỉ trải lòng mình trên từng con chữ khi “sắm vai” người lớn, mà gần đây Lan Anh còn “nghiêng xuống” thế giới tuổi thơ, âm thầm thử sức mình ở lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi, dù rằng mảng đề tài sáng tác cho thiếu nhi là không dễ dàng một chút nào!...
Ít ai nghĩ rằng, cô gái có dáng người thấp bé xinh xinh, có đôi mắt buồn xa xăm này lại là người đang sở hữu một “Gia tài thơ” khá ấn tượng với cả trăm bài thơ và đã có đến 4 tập thơ khá chững chạc được xuất bản trong khoảng 6 năm trở lại đây. Có lẽ, niềm đam mê thơ ca và tình yêu văn chương đủ lớn đã thôi thúc Đinh Thị Lan Anh âm thầm sáng tác, âm thầm “ký gởi” lòng mình vào trong từng con chữ... Với 4 tập thơ in riêng và cả những tác phẩm thơ in chung, cùng với đó là một số tặng thưởng thơ chất lượng cao trên Tạp chí LangBian của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, Đinh Thị Lan Anh được xem như một “hiện tượng thơ nữ” ở Lâm Đồng. Bởi, Lan Anh không chỉ say sưa lao động sáng tạo để cho ra đời những vần thơ giàu liên tưởng, đong đầy những xúc cảm thẩm mỹ với những lát cắt trữ tình, mà còn là một cây bút đầy nội lực với sức viết sung mãn.
LÊ TRỌNG