Chồng tôi có một sở thích kì khôi, thích ngửi mùi khói đốt đồng. Những buổi cuối tuần rảnh rỗi, vợ chồng con cái chở nhau ra ngoại thành chơi, vô tình gặp một đám cỏ cháy, anh sẽ chạy xe thật chậm, kể ngày xưa, nhà mình gần đồng, hầu như chiều nào cũng nghe mùi khói này...
|
Gia đình là tế bào của xã hội. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
Chồng tôi có một sở thích kì khôi, thích ngửi mùi khói đốt đồng. Những buổi cuối tuần rảnh rỗi, vợ chồng con cái chở nhau ra ngoại thành chơi, vô tình gặp một đám cỏ cháy, anh sẽ chạy xe thật chậm, kể ngày xưa, nhà mình gần đồng, hầu như chiều nào cũng nghe mùi khói này. Mẹ còn đưa rơm rạ về nhen bếp, cũng là mùi này mỗi khi mẹ nhóm bếp lên làm vài món tủ: chân giò giả cầy, gà bọc đất sét... Mỗi lần đi bộ trong cư xá, chợt gặp tiếng dế rúc, hoặc tiếng côn trùng rỉ rả sau một cơn mưa đêm, anh lại nhắc: “Đúng tiếng này này, ngày nhỏ ở nhà, đêm nào cũng nghe”.
Chẳng còn nhớ những câu chuyện ấy chồng kể tới lần thứ mấy, chỉ biết, cứ chạm vào mùi khói, nghe tiếng dế thức là chạm vào nỗi nhớ nhà của anh.
Nỗi nhớ nhà của tôi là những đêm trăng sáng, rải chiếu nằm trên sân thượng rười rượi mát, có lúc buồn ngủ ríu mắt cũng không lòng nào muốn quay xuống. Là nơi mẹ từng sần tay đóng từng viên gạch táp lô để xây một bức tường bao quanh nhà. Là nơi có bụi hoa quỳnh nở hàng chục bông mỗi đêm - bụi quỳnh ấy tôi trồng nên từ hai chiếc lá bác hàng xóm cho, hàng ngày mẹ vẫn tưới nước gạo nuôi lá thành cây, cây thành bụi, bụi đua hoa nở, ngát thơm con đường đêm vắng khiến hàng xóm phải ngạc nhiên ngoái tìm.
Tôi và chồng, chung một nhà, nhưng vẫn thích kể cho nhau nghe về những ngôi nhà ngày xưa, nơi bố mẹ phải đóng từng viên gạch, buộc từng ràng cột để xây dựng nên cho tuổi thơ mình có một mái ấm.
* * * * *
Chị bạn tôi là con gái một gia đình lễ giáo. Ngày chị đến với anh, bố mẹ cản ngăn, bố tuyên bố từ mặt. Chẳng phải khắt khe gì, chỉ là bố mẹ nhìn thấy sự bất ổn và tương lai đổ vỡ báo trước khi con gái gắn bó với người đàn ông đào hoa có tiếng. Chị vẫn quyết lấy, vì yêu. Những cuộc về thăm nhà thưa dần từ đó. Cho tới tận ngày chị sinh bé thứ hai, anh chồng ngang nhiên đưa người tình về nhà. Đó là giọt nước chấm dứt cuộc tình mù quáng của chị. Khi chị buồn đau tới trầm cảm mà không dám chia sẻ với ai về sự khờ dại thì mẹ gọi: “Về đi con, về với gia đình mình”. Sau tiếng gọi ấy, chị quay về nhà bố mẹ. Chị làm mẹ đơn thân - một bà mẹ đơn thân có tiếng trong làng văn. Chị nói, sau giông bão sẽ khiến mình vững vàng hơn bao giờ hết. Và dù hoàn cảnh nghiệt ngã đến thế nào thì gia đình, bố mẹ và các anh chị em vẫn là nơi để dựa nương và bước tiếp kiêu hãnh trong cuộc đời này...
Chị kể, khi những cơn mưa đầu mùa tới, trong căn nhà nho nhỏ, bố bạn vẫn bị đùa là người đẹp trai nhất nhà vì nhà toàn con gái. Lại có người đùa dai, bảo số ông chỉ sản xuất toàn vịt giời. Kệ, bố vẫn ân cần yêu thương mẹ và hai chị em hết mực. Ngày mưa, con gái nói buồn quá, nhà chẳng có gì chơi. Bố vui vẻ lấy củ su hào cắt thành hình con cá, con thỏ, khéo léo xâu những dây kẽm vào. Bố thòng cánh tay dài rắn chắc ra cửa sổ mặc nước mưa táp ướt lạnh tay. Và bầy cá, thỏ ấy nhảy múa tưng bừng trong điệu nhạc mưa cùng tiếng cười của mấy bố con. Kỷ niệm mát lành tựa như mưa đầu mùa. Mái nhà nhỏ ngập đầy yêu thương từ những điều rất giản dị ấy khiến chị luôn thấy mình hạnh phúc. Đã có thời gian chuyện chồng con, gạo tiền cơm áo khiến chị có lúc bẵng quên đi những kỉ niệm ngọt ngào đến vậy. Nhưng khi hoạn nạn, chính những kỉ niệm ấy lại là neo đậu để kéo chị về phía tin yêu.
Và giờ, con gái bạn vẫn luôn muốn ở nhà ông ngoại. Về để ông chỉ cho phân biệt từng loại cá cảnh trong hồ cá bé xíu của ông, để ông chỉ cách trồng cây, trực tiếp thấy trái bầu trái bí trên cây, hái vào đưa bà nấu. Ông sẽ công kênh cháu trên vai đi khắp con hẻm nhỏ đầy tiếng ve và hoa phượng mỗi khi chiều về gió mát. Chị nói, giản đơn vậy thôi nhưng chắc sẽ là những kí ức đẹp mãi trong tâm thức của con, cũng như chị đã từng được bố yêu thương ngày xưa vậy.
* * * * *
Cô bạn thân năm lớp 5 của tôi có mẹ là giáo viên mẫu giáo Quang Trung, nhà trong khu tập thể, nằm ngay khuôn viên trường. Bên nhà có mấy bụi dong riềng nở hoa rực rỡ. Hoa dong riềng không thơm, hoặc nếu có chắc hẳn cực ít ỏi tới mức chúng tôi chẳng thể nhớ nổi mùi thơm loài hoa ấy. Chẳng hiểu vì lí do gì đó mà cả tôi lẫn chị em cô bạn đều rất thích loài hoa chân quê. Đang học bài trong nhà ngó ra cửa sổ nhìn hoa cả chục phút. Buổi trưa bê mâm cơm ra ăn ngoài hành lang, vừa hóng gió, vừa ngắm những cành dong riềng đung đưa trong gió.
Cuối năm lớp 5 gia đình bạn chuyển vào Hà Tĩnh, bố bạn nhận phân công công việc trong đó. Chúng tôi thất lạc mất mấy năm. Cho tới khi bạn có dịp quay lại Vinh, tìm tới nhà tôi. Chúng tôi cùng quay về khu nhà tập thể cũ của bạn, đứng lặng bên bụi dong riềng một lúc thật lâu. Bạn nói, Hương à, chẳng hiểu sao mình luôn cảm nhận nơi này là nơi thân thương nhất và không có cảm giác ấy với căn nhà đang ở. Nơi này, là nơi bạn sinh ra, là nơi bố tập cho những bước đi đầu tiên, là nơi mẹ tập nói... Trong câu chuyện mỗi lần chúng tôi có dịp gặp nhau mãi về sau này vẫn nhắc về ngôi nhà nhỏ bên những bụi dong riềng. Một lần, bạn khóc, bụi hoa dong riềng bị phá mất lúc nào đó bạn không biết. Con đường dẫn vào nhà trẻ mở rộng mất hẳn hai hàng phi lao hai bên, nhựa rải phẳng lì, tường bao cao hơn, dày hơn... Bạn đã khóc òa như một đứa trẻ khi cảm thấy mình mất một chốn về thân thương nhất.
Chỉ đến khi lớn lên, bạn mới hiểu chốn về ấy chẳng bao giờ có thể mất đi khi sắc hoa ngày xưa vẫn thắm trong tim bạn, con đường có hàng phi lao hôm nào vẫn mát lành trong tim bạn... Dù mọi thứ đã bị phá bỏ đi nữa. Và quan trọng, ở đâu có tiếng nói của bố mẹ mới là nơi thân thương nhất.
Chúng ta rồi có thể sẽ có một, hoặc nhiều hơn một mái nhà - không còn ở trong nhà bố mẹ. Nhưng mái nhà, nơi có bố mẹ vẫn luôn là một mái nhà găm sâu trong tim óc, để bất chợt khi nào cũng có thể nhớ về và yên tâm rằng dù cả thế giới có quay lưng thì ở đó vẫn luôn có một cánh cửa yêu thương đợi mình.
VÕ THU HƯƠNG