Bảo tồn và phục chế phim nhựa chính là một cách để bảo vệ hành trình lịch sử hình ảnh động của cả dân tộc. Tuy nhiên đây là công cuộc yêu cầu sự bền bỉ, tỉ mỉ và chính xác, đòi hỏi kinh phí cao.
Bảo tồn và phục chế phim nhựa chính là một cách để bảo vệ hành trình lịch sử hình ảnh động của cả dân tộc. Tuy nhiên đây là công cuộc yêu cầu sự bền bỉ, tỉ mỉ và chính xác, đòi hỏi kinh phí cao.
Trong khi các doanh nghiệp điện ảnh, rạp chiếu bóng đã chuyển sang kỹ thuật số từ lâu thì các đơn vị lưu trữ phim tư liệu tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của số hóa. Song cần phải nhìn nhận rằng, những thước phim này chính là di sản hình ảnh động của quốc gia, cần được bảo tồn và bảo quản tốt nhất.
Chính vì vậy, sáng ngày 22/6 tại Viện Phim Việt Nam (523 Ngọc Khánh, Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội thảo đã phản ánh tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc số hóa các tư liệu phim, hình ảnh, phục chế... những tư liệu phim nhựa Việt Nam.
|
Bảo tồn, số hóa các tư liệu phim nhựa Việt Nam là bảo vệ các giá trị về kinh tế, xã hội và tinh thần của đất nước. |
Yêu cầu cấp thiết
Tại hội thảo, giới chuyên môn đánh giá rằng các bộ phim tài liệu, phim điện ảnh vốn liên quan sâu sắc tới tiến trình lịch sử chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học. Những tư liệu quay trên phim nhựa ấy chính là hiện thân của đất nước, con người Việt Nam. Đây chính là lý do vì sao việc lưu trữ, bảo quản đáng được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, các báo cáo tại Viện phim Việt Nam cho biết phim nhựa vốn là loại vật liệu mỏng mảnh, dễ bị ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Nếu phim càng thường xuyên bị mang ra để in, tráng, lại phải chịu sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm thì càng cần được bảo quản sớm.
Những thước phim điện ảnh, tài liệu cũ thường xuất hiện liền với vết xước trắng, loang lổ, giật, nháy... Đây chính là cảnh báo về sự tổn hại có trên các cuộn phim nhựa.
Vì thế, việc số hóa phim được cho là cấp thiết, giúp giảm thiểu, khắc phục những hao mòn hữu hình của phim nhựa khi đã xuống cấp và hỏng hóc, nhằm đảm bảo chất lượng khi cần trình chiếu cho nhiều mục đích quảng bá văn hóa, du lịch, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của con người và giá trị lịch sử.
Thế nhưng, trong khu vực châu Á, Việt Nam có tốc độ số hóa phim nhựa chậm hơn so với nhiều nước. Bà Đặng Thị Kim Sơn, Trưởng phòng Tư liệu của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương cho biết lý do nằm ở hạn chế về kinh phí và cơ sở vật chất, máy móc thực hiện số hóa và thiết bị lưu trữ.
Ông Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam cũng thông tin rằng một năm, viện chỉ có thể số hóa được 700 cuốn phim nhựa, phục chế được khoảng 100 phút phim. Trong khi đó, số lượng phim nhựa cần số hóa là gồm 80.000 cuốn, mà khả năng lưu trữ hiện nay cũng chỉ có thể chứa 600 cuốn phim ở độ phân giải từ 2K trở xuống.
Đó là chưa kể, viện cũng đang gặp khó ở việc phục chế triệt để các vết xước dọc, sâu trên nhiều khung hình. Cùng với đó, khả năng xử lý, khắc phục những viết loang lổ, vết xước, vấn đề rung lắc khung hình hay hiệu chỉnh màu sắc vẫn còn nhiều hạn chế...
|
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đề xuất cần nhanh chóng thực hiện số hóa, bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam. (Ảnh phim ''Em bé Hà Nội'') |
Chưa nhìn thấy đích đến
Nhấn mạnh tính cấp thiết của công tác bảo tồn và lưu trữ phim, đạo diễn-nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp đã gọi công cuộc lưu trữ phim là bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam, song đây cũng là câu chuyện kéo dài mà chưa biết khi nào mới có hồi kết.
“Nếu được giữ trong lồng kính, một cuộc phim có thể tồn tại 500 năm. Nhưng trên thực tế, không có cuộn phim nào như vậy cả. Hãy tưởng tượng 500 năm nữa, nhiều đời con cháu chúng ta sẽ hoang mang thế nào nếu nhìn vào khoảng không trống rỗng và thốt lên ‘Trời ơi, ở đây không có một cuốn phim nào cả,’ tệ hơn nữa sẽ là ‘Trời ơi, tất cả những cuốn phim này đã hỏng,’” nữ đạo diễn chia sẻ tại hội thảo.
Để thể hiện vào tầm quan trọng của việc lưu trữ phim từ khía cạnh điện ảnh, chị bày tỏ sự xót xa, lo ngại nếu những “viên ngọc quý” của điện ảnh cách mạng Việt Nam như “Em bé Hà Nội,” “Cánh đồng hoang” hay “Đàn chim trở về” không sớm được bảo quản thì sẽ để lại nhiều ảnh hưởng xấu cho cảm nhận của các thế hệ khán giả tương lai cũng như cảm xúc của nhà làm phim.
Chị ví von công cuộc thực hiện lưu trữ, bảo quản và phục chế phim này với cuộc chạy không đích đến của nhân vật điện ảnh nổi tiếng Forrest Gump trong bộ phim kinh điển cùng tên của Hollywood. Bên cạnh đó, nhà làm phim này cũng kêu gọi sự thử nghiệm với các mô hình xã hội hóa, phi lợi nhuận để cùng đồng hành với Viện Phim Việt Nam.
“Bảo tồn di sản phim không phải là đường đua cự ly ngắn của một vận động viên đơn độc, chạy từ vạch xuất phát về đích như Forrest. Nó là hành trình của người chạy bền bỉ, đáng ngưỡng mộ, là một hành trình không giới hạn và chắc chắn cần có sự giúp sức từ xung quanh,” nữ đạo diễn nêu quan điểm.
Về vấn đề xã hội hóa, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam cho biết vì cần đảm bảo, lưu ý về bản quyền nên hướng đi xã hội hóa nếu có cũng phải rất cẩn thận, đề phòng sự thất thoát khi để bất cứ doanh nghiệp nào tham gia vào thực hiện chuyển đổi số và lưu trữ.
Ông cũng bày tỏ mong muốn được nhà nước quan tâm và hỗ trợ về kinh phí, bởi không chỉ số hóa mà cả cơ sở lưu trữ và hệ thống các tư liệu cũng cần có chi phí xây dựng, thực hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận khi tình hình COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay vừa khiến nhà nước gặp khó khăn, vừa khiến nhiều chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, thì công cuộc số hóa này có lẽ sẽ buộc phải chờ đợi thêm.
(Theo Vietnam+)