Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại Bảo Lộc cũng là cách làm dày thêm sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.
Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên tại Bảo Lộc cũng là cách làm dày thêm sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.
|
Các nghệ nhân trẻ DTTS gốc Tây Nguyên trình diễn nghệ thuật cồng chiêng và múa xoang trong ngày hội |
Người Mạ và người K’Ho, 2 DTTS bản địa Tây Nguyên tại Bảo Lộc, có đời sống văn hóa khá phong phú và giàu bản sắc. Điều này chắc hẳn ai cũng biết, nó phổ biến và dễ thấy nhất qua những kinh nghiệm trong thực hành văn hóa - xã hội, trong xây dựng thiết chế gia đình và cộng đồng, trong các tập quán tổ chức sản xuất của cư dân Mạ và cư dân K’Ho. Mọi cách thức tiếp cận đời sống tự nhiên và đời sống xã hội của cư dân Mạ và cư dân K’Ho đều hướng đến sự thích ứng với tự nhiên; đồng thời khai thác hiệu quả, tránh gây tổn hại đến môi trường ít nhất, cũng như giảm thiểu sức lao động cho con người trong điều kiện và hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.
Không để những giá trị tốt đẹp đó bị mai một bởi những yếu tố tiêu cực của đời sống hiện đại, những năm qua, Bảo Lộc đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm phát triển toàn diện vùng DTTS trên địa bàn Bảo Lộc như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi, quan tâm đến an sinh xã hội, bên cạnh đẩy mạnh gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tích cực khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho lớp trẻ DTTS gốc Tây Nguyên. Nhờ đó, diện mạo trong vùng DTTS gốc Tây Nguyên ở Bảo Lộc ngày càng khởi sắc, đời sống kinh tế và đời sống tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Theo ông Nguyễn Đình Hoàn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Bảo Lộc, cư dân của các DTTS gốc Tây Nguyên trên địa bàn Bảo Lộc hiện sống tập trung tại 5 thôn (buôn, tổ dân phố), thuộc 4 xã, phường, bao gồm thôn Nau Sri (xã Lộc Nga), Tổ dân phố 9 (phường Lộc Sơn), thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu) và buôn Sô Ven, buôn B’Lao Srê (phường B’Lao). “Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, thời gian gần đây, người Mạ ở Nau Sri (xã Lộc Nga) cũng đã chú ý khôi phục và phát huy văn hóa độc đáo của dân tộc mình trong đời sống”, bà Ka Hối, một trí thức người Mạ, cho biết.
Thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Bảo Lộc cho hay: Hiện tại, Bảo Lộc vẫn còn giữ được 4 bộ cồng chiêng, với 24 chiếc. Ngoài ra, Bảo Lộc còn có 28 chiếc chiêng lẻ và 3 chiếc cồng. “Trong những năm qua, Bảo Lộc phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cùng các nghệ nhân cồng chiêng đã mở 5 lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn cồng chiêng và múa xoang cho lớp trẻ DTTS, cũng như cử đoàn nghệ nhân tham gia các lễ hội cồng chiêng do tỉnh Lâm Đồng tổ chức, tham gia và đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng. Mới đây, tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV - năm 2020 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Di Linh tổ chức, đoàn nghệ nhân của Bảo Lộc đã giành được 1 giải Nhì phần thi trình diễn trang phục truyền thống, 1 giải đám rước đặc sắc, 1 giải Nhì kéo co và 1 giải Nhì, 1 giải Ba phần thi đẩy gậy”, ông Hoàn cho biết.
Quan tâm cử đoàn nghệ nhân tham gia các lễ hội cồng chiêng, các ngày hội văn hóa - thể thao vùng DTTS, Bảo Lộc còn đặc biệt chú trọng công tác gìn giữ các hiện vật cồng chiêng, cũng như thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các thôn (buôn, tổ dân phố) có đông người DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống, nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho đồng bào các dân tộc anh em được gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, để các dân tộc anh em thấy được cái hay, cái độc đáo trong văn hóa của dân tộc mình, rồi góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trong khuôn khổ của ngày hội, bên cạnh việc được giao lưu lửa trại đoàn kết, trình diễn cồng chiêng, thi đấu các môn thể thao, thi giọng hát hay, cộng đồng các DTTS gốc Tây Nguyên còn cùng nhau tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục về tình yêu di sản, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống. Cũng qua ngày hội, tinh thần đoàn kết, gắn bó gữa các DTTS gốc Tây Nguyên được tăng cường, người dân bản địa sẽ ý thức hơn trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mình, góp phần vì sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.
TRIỀU KA