Những ngày chân ướt chân ráo bước vào thành phố nhập học, tôi sợ nhiều thứ lắm. Ai ở quê thường hay kể với nhau nghe "thành phố cướp bóc nhiều", "nhà nào biết nhà nấy thôi", rồi coi chừng bị lừa, bị dụ dỗ...
Những ngày chân ướt chân ráo bước vào thành phố nhập học, tôi sợ nhiều thứ lắm. Ai ở quê thường hay kể với nhau nghe "thành phố cướp bóc nhiều", "nhà nào biết nhà nấy thôi", rồi coi chừng bị lừa, bị dụ dỗ... Tới nỗi đứa em còn nói "chị đi đâu nhớ bỏ củ tỏi trong người mà trừ tà, đó hay bị thôi miên lắm". Tôi mang theo nỗi sợ và những băn khoăn về người thành phố ấy bên mình. Và rồi sau hơn mười năm sống nơi phố thị, tôi nhận ra tình người trong phố vẫn rất nồng nàn, vẫn đậm nghĩa tình.
Giữa dòng đời xô bồ, nhịp sống hối hả của thị thành, những điều tử tế lại hiện lên vô cùng giản dị và đáng mến. Từ một lời nhắc "chân chống xe cô ơi" của người xa lạ đi đường. Họ không chỉ biết đến bản thân mình mà còn quan tâm đến người khác nữa. Và tôi, mỗi lần nhắc nhở người khác gạt chân chống lên, dù chỉ nhìn khuôn mặt qua lớp khẩu trang vẫn biết người được nhắc nhở rất vui và cảm ơn vì đã nhắc họ. Họ vui, tôi cũng vui.
Nói gì đâu xa, những điều giản dị luôn quanh ta nhất là khi dịch COVID hành hoành. Họ san sẻ cho nhau từ những hộp cơm nấu vội, những ký gạo, chiếc khẩu trang. Nghĩ tới đây lòng bỗng nhiên khựng lại xin cúi đầu cảm ơn vì những vất vả, hy sinh cho công tác phòng, chống dịch của các y, bác sỹ và ngành Y tế. Họ đã chung sức, đồng lòng và hy sinh rất nhiều trong những ngày tháng qua nhằm thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch tại các địa bàn có dịch.
Là tháng Sáu, tháng Bảy, những ngày mưa ròng rã, mưa ngập cả lối về. Người thì ướt như "chuột lụt", người thì xe chết máy. Thế nhưng ấm lòng hẳn những người dân trong hẻm, hay những anh cảnh sát giao thông chạy ra giúp đỡ. Mưa kệ mưa, những nụ cười trong mưa, những cái cúi đầu nói lời cảm ơn mà thấy vui lòng.
Rồi đến những cái tủ bánh mì, quần áo cũ, bình nước trà đá ven đường cho ai lỡ bữa buổi sáng, lỡ lạnh đêm mưa hay khô khát dưới nắng trưa... Con người nơi đây là vậy, hào sảng phóng khoáng, dễ dàng chia sẻ cho nhau những điều giản đơn mà ý nghĩa. Chỉ cần cười xòa một tiếng, mọi thứ rồi lại đâu vào đấy. Dễ dàng tha thứ, dễ dàng cho đi.
Cũng có một lần xe tôi bị hết xăng và phải đẩy bộ. Một người đi đường thấy vậy bảo tôi ngồi lên xe và đẩy tôi đến cây xăng. Quay qua quay lại chưa kịp cảm ơn người đó đã rồ ga chạy mất. Lòng tôi trào dâng niềm xúc động. Có nhiều người giúp đỡ người khác mà chẳng cần nhận về điều gì dù là tiếng cảm ơn.
Đi học xa nhà "đầu tháng thì no cuối tháng thì lo", ở ký túc xá nên ăn cơm quán là chính. Bà chủ quán cơm quen mặt tôi luôn. Bà biết cuối tháng, cha mẹ ở quê chưa kịp gửi tiền vào tôi chỉ ăn cơm với rau xào. Một vài lần như vậy bà cười bảo: “Thôi thì cứ ăn đi. Hồi nào có tiền thì trả thêm, có bấy nhiêu đâu mà bày đặt. Ăn nhiều mới có sức mà học. Ngày xưa tao cũng mơ được đi học đại học như bây mà kẹt cái nhà nghèo, cơm không đủ ăn lấy đâu đi học...”. Cứ thế, những ngày cuối tháng dù tôi không nói ra nhưng bà chủ quán cơm đều mang ra cho tôi dĩa cơm đầy thịt hoặc cá, bà còn cho tôi cơm thêm miễn phí, khi nào cha mẹ tôi có tiền hoặc tôi lãnh lương tiền làm thêm sẽ trả bà. Tôi có lần hỏi bà rằng không sợ tôi quỵt hay sao. Bà cười ha hả: “Có mấy trăm ngàn mà nó làm như mấy tỷ. Không trả thì thôi, nhiêu đó tao cũng đâu có nghèo được”. Cái giọng cười hào sảng, vô tư như thế này tôi còn bắt gặp rất nhiều ở giữa thành phố xa hoa này. Dù giàu hay nghèo, họ vẫn có cái kiểu sống lạc quan và vô tư như vậy đó.
Người thành phố giúp nhau bởi những điều tưởng chừng như nhỏ nhưng lại thiết thực vô cùng. Tôi đã biết sống chậm lại, nhìn ánh mắt thương yêu, lạc quan để nhìn nhận mọi thứ. Những điều tốt đẹp, tình người vẫn luôn luôn tồn tại và hiện hữu. Những người thành phố họ chỉ là người dưng thôi nhưng vẫn lo lắng cho nhau bằng cả tấm lòng. Bởi, tình người trong phố vẫn luôn nồng nàn như thế...
THÙY HƯƠNG