Cách đây 76 năm, vào mùa Thu lịch sử năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á...
Cách đây 76 năm, vào mùa Thu lịch sử năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Người luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thế hệ nghệ sĩ tài hoa, trong đó có họa sĩ Vi Quốc Hiệp.
|
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bên tranh Bác Hồ do ông vẽ |
Cái tên họa sĩ Vi Quốc Hiệp được gắn với tranh vẽ biệt thự cổ, phái đẹp và hoa Đà Lạt, ít ai biết một họa sĩ Vi Quốc Hiệp với gần 100 bức tranh vẽ Bác Hồ bằng niềm kính yêu vô hạn.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh năm 1948 trong một gia đình trí thức người Tày ở Lạng Sơn. Ông có niềm đam mê và tình yêu đặc biệt với hội họa từ nhỏ. 12 tuổi ông được theo học hệ trung cấp mỹ thuật dài hạn 7 năm (1960 - 1967) Trường Mỹ thuật Việt Nam rồi học tiếp lên đại học (1967 - 1971); cũng trong thời gian này, ông được gặp Bác Hồ 2 lần. Đó là, vào năm 1961, ông được nhà trường chọn cùng 8 học sinh khác đón Tổng thống Sukarno (Indonesia) và lần thứ 2 vào năm 1963 đón Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc). Hình ảnh của Bác in sâu trong tâm trí của cậu bé thiếu niên người Tày, để rồi hình ảnh cao đẹp của Người được ông khắc họa bằng đường nét, màu sắc sống động trong suốt sự nghiệp cầm cọ của đời mình.
Bức tranh đầu tiên họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẽ Bác Hồ vào năm 1968 khi ông đang học năm thứ 2 đại học, vào dịp kết thúc đợt thực tập 6 tháng ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, ông được nhà trường chọn là 1 trong 2 sinh viên trong đoàn thực tập (cùng Ngô Văn Duyên) vẽ một tấm ảnh Bác Hồ cỡ lớn tặng cho xã để đáp lại ân tình của cán bộ và Nhân dân nơi đây. Bức họa toát lên thần thái, ánh mắt hiền từ của lãnh tụ kính yêu, được người dân Lai Vu trân trọng, nâng niu... Trong câu chuyện với chúng tôi, ánh mắt người họa sĩ rạng rỡ niềm vui khi ông nhắc đến kỷ niệm “3 ngày vẽ 31 bức tranh Bác Hồ” không thể quên. Ông kể, vào tháng 9/1971, vừa tốt nghiệp ra trường ông về Thái Nguyên một tuần trước khi lên Hà Giang nhận công tác. Ông được anh rể là nhà giáo Đào Đức Vinh (giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) nói rằng: “Anh có ông bác làm chủ nhiệm HTX ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) có nguyện vọng muốn vẽ tranh Bác Hồ treo ở trụ sở hợp tác xã, cậu giúp nhé”. Hồi ấy, công nghệ in chưa phổ biến, in màu càng khó, ảnh Bác Hồ rất hiếm. Chỉ còn một tuần nữa phải lên Hà Giang rồi nên họa sĩ Vi Quốc Hiệp sợ vẽ không kịp. Được anh rể động viên rằng ông ấy chỉ nhờ vẽ một bức thôi, nên họa sĩ trẻ nhận lời. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bắt tay vào vẽ Bác trên vải kaki bằng bột màu pha lòng trắng trứng gà (một sáng kiến của các sinh viên mỹ thuật trong thời thực tập, khi họa cụ còn rất khó khăn). Hai ngày miệt mài, bức họa hoàn thành, ngắm tranh Bác Hồ do họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẽ, ông chủ nhiệm rất hài lòng và nói: “Bây giờ tôi có ý định này, hay là anh vẽ cho mỗi gia đình trong xã tôi một tranh Bác Hồ cỡ nhỏ hơn, được không?”. Trước lời đề nghị của ông chủ nhiệm làm họa sĩ trẻ khó nghĩ, trong khi chỉ còn 5 ngày nữa là phải lên Hà Giang rồi. “Anh cố gắng đi, bà con ở đây kính yêu Bác Hồ lắm, xem tranh anh vẽ treo ở trụ sở HTX, ai cũng muốn có 1 tranh Bác Hồ treo ở bàn thờ nhà mình đấy”. Trước tấm lòng của một bác chủ nhiệm hợp tác xã kính yêu Bác Hồ đến mức sẵn sàng bỏ tiền túi ra để vẽ tranh cho toàn hợp tác xã của mình trong lúc đời sống riêng còn khó khăn và tấm lòng của bà con “Thủ đô gió ngàn” dành cho Bác, họa sĩ Vi Quốc Hiệp không thể chối từ dù ngày đi nhận nhiệm vụ công tác đang đến rất gần. May là số bột màu họa sĩ mang theo cũng khá nhiều, ông chủ nhiệm lo mua vải kaki cắt thành 30 tấm kích thước 60 cm x 80 cm. Sân nhà ông chủ nhiệm trở thành một xưởng vẽ: họa sĩ Hiệp vẽ phác họa; anh rể của ông phụ giúp phết màu, tô hình; họa sĩ vẽ hoàn chỉnh lại cho sắc nét lần cuối; ông chủ nhiệm lo hậu cần. Cứ thế, làm việc cả ngày lẫn đêm, uống nước chè Thái Nguyên đậm như cắm tăm để khỏi ngủ gật, lòng trắng trứng gà dùng để vẽ, nên lòng đỏ ăn trừ bữa tăng thêm sức vẽ thâu đêm suốt sáng. Trong ba ngày liên tục, lần lượt 30 tranh Bác Hồ đã vẽ xong, ông chủ nhiệm không giấu nổi sự vui mừng: “Thế là từ nay, dân hợp tác xã ta có ảnh Bác Hồ treo hết rồi”...
Suốt những năm sau đó, dù trong thời gian công tác ở Hà Giang hay khi chuyển về Thái Nguyên, họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẫn không ngừng được nhiều cơ quan, đơn vị mời vẽ Bác. Ảnh Bác Hồ thì hiếm mà việc vẽ Bác là một thử thách với các họa sĩ bấy giờ, vẽ cho giống đúng thần thái, ánh mắt nụ cười là cả một sự nhập tâm, vẽ lên từ tiềm thức, từ niềm tin yêu với Người. Đặc biệt, lần vẽ tấm tranh Bác Hồ cực lớn cao 4 mét treo trên rạp chiếu bóng Thái Nguyên nhân Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên năm 1976 là bức họa thành công đến mức ông Trưởng phòng Tuyên truyền Sở Văn hóa - Thông tin vui mừng thốt lên: “Có Vi Quốc Hiệp, từ nay Thái Nguyên ta không phải thuê họa sĩ tên tuổi từ Hà Nội về vẽ ảnh Bác nữa”...
Năm 1978, họa sĩ Vi Quốc Hiệp chuyển công tác vào Lâm Đồng làm ở Sở Văn hóa - Thông tin. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên và những ngôi biệt thự cổ rêu phong ẩn mình trong rừng thông, ông muốn lưu giữ tất cả vào tranh, nhưng ông vẫn dành một phần tâm tưởng để vẽ tranh về Bác. Tác phẩm “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc” của ông cuốn hút không chỉ bởi sắc màu tươi vui, rực rỡ, mà còn bởi không khí đầm ấm, thân thương toát ra từ những gương mặt được thể hiện trong tranh. Bác Hồ hiền từ như người ông, người cha, ân cần tươi cười với tất cả 8 - 9 nhân vật đại diện cho nhiều dân tộc ít người đang sinh sống trên mọi miền đất nước cũng vui cười vây quanh vị cha già của dân tộc. Ông được mời vẽ tranh Bác Hồ treo ở nhà tiếp dân của tỉnh (1983), ở Ban Dân tộc (2 tác phẩm), Trường Đảng Lâm Đồng (4 tác phẩm)... Ở mỗi tác phẩm vẽ Bác, ông đều tập trung tâm sức, sự tỉ mỉ trong từng đường nét để lột tả sinh động được khí chất của vị lãnh tụ vĩ đại mà vẫn giản dị, gần gũi.
60 năm cầm cọ, họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã có gần 100 bức tranh vẽ Bác. Không chỉ vẽ tranh, ông còn sáng tác ca khúc về Bác. Với ông “Trong nghệ thuật, khi mọi điều bất lực thì âm nhạc lên tiếng”; những lúc nghệ thuật tạo hình “bất lực”, ông thể hiện tình yêu niềm tôn kính với Bác bằng âm nhạc. Từ vốn liếng nhạc lý tự học không nhiều, ông đã sáng tác được hơn 50 ca khúc, trong đó có 3 ca khúc về Bác Hồ và là 1 trong 2 nhạc sĩ của Lâm Đồng có ca khúc sáng tác về Bác. Các tác phẩm đều mang giai điệu, ca từ chất chứa niềm tự hào, lòng biết ơn: Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn (phỏng thơ Vũ Thuộc), Bài ca thi đua, Bài ca Hồ Chủ tịch. Cả ba bài hát về Bác của ông đều được Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Lâm Đồng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Lạt dàn dựng công phu và biểu diễn trước công chúng trong những sự kiện văn hóa, chính trị trọng đại của tỉnh; tham dự các liên hoan cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc mang về nhiều giải thưởng lớn. Riêng ca khúc “Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn” với nhịp hành khúc đầy tự hào “Tượng hình Bác con vẫn hằng nhìn rõ/Mà đồng chí công binh tạc vào cây/ Vầng trán Bác - Đỉnh Trường Sơn như mây trời/Không ở đâu tôi rưng rưng nước mắt/Như ở đây, tượng Bác tạc vào cây/Như ở đây tượng hình Bác tựa trời mây" đã đoạt 7 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc trong các liên hoan nghệ thuật chuyên và không chuyên ở Trung ương và địa phương.
Nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng người họa sĩ tài hoa vẫn dồi dào sức sáng tạo, nhìn và nghe những tác phẩm họa sĩ Vi Quốc Hiệp sáng tác về Bác mới thấy hết tình yêu và lòng tôn kính.
QUỲNH UYỂN