Nhiều đêm, ngồi ở phòng trực ở khoa, Dịu nghĩ mãi. Từ ngày một mình nuôi con, hình như chẳng mấy khi cô đi đâu xa mà chỉ từ nhà đến bệnh viện và qua cái trường của con bé Hoa học...
|
Minh họa: Phan Nhân |
Nhiều đêm, ngồi ở phòng trực ở khoa, Dịu nghĩ mãi. Từ ngày một mình nuôi con, hình như chẳng mấy khi cô đi đâu xa mà chỉ từ nhà đến bệnh viện và qua cái trường của con bé Hoa học. Con bé rồi sẽ lớn lên, đi học xa, còn cô chỉ quanh quẩn có thế là hết tuổi xuân.
Một sáng vừa đi trực đêm về, sau khi đưa con bé đến trường, Dịu trở về dọn dẹp nhà cửa. Cô bỗng nhận ra trong tủ mình có một chiếc váy từ rất lâu rồi chưa mặc. Giờ mặc vào chắc cô sẽ dịu dàng lắm. Dịu tự cười một mình trong gương rồi cô nghĩ. Thôi chết, cô gái trong gương vẫn còn trẻ và xinh quá.
Ngày xưa, Dịu là cô sinh viên trường Y xinh đẹp và ương bướng. Chắc bởi hai điều đó mà mãi đến tận năm cuối, khi đám bạn đã được người yêu đón đưa nhộn nhịp cô mới có người theo đuổi. Nhưng quả thật oái oăm, lại có đến hai anh chàng cũng tha thiết. Một người là dân dược, cùng đồng cảm cái sự nghiệp “lương y như từ mẫu”, một chàng là nhà báo, gọn gàng, năng động. Người mạnh mẽ, người tinh tế, cứ như thể ngoài cô ra, trên đời chẳng còn ai xứng đáng để yêu trong mắt họ nữa.
Thế rồi, Dịu nhận lời yêu và lấy Tuấn, một anh chàng dược sĩ cùng quê. Nhưng từ khi có bé Hoa, Tuấn bắt đầu quay ngoắt “360 độ” với vợ, Tuấn ngày một quá quắt, biết Dịu là người phụ nữ không dám phá bỏ hạnh phúc gia đình, anh ta càng ngày càng lấn tới và có bồ.
Họ chia tay nhau trong một chiều mà tất cả những cây bàng trên phố đều đã rụng lá. Dịu nhớ mãi hình ảnh con bé Hoa ngồi dưới bậc thềm đợi phiên tòa kết thúc. Mắt nó đỏ hoe, trên tay là hai chiếc lá bàng cuối cùng vừa rớt xuống cũng đỏ ối một màu chia lìa. Sau li hôn vợ, về ở với một cô gái trẻ được chừng hai năm, bất ngờ Tuấn bị tai nạn giao thông và qua đời.
Trong ngần ấy năm, thực ra, cũng có nhiều người đàn ông tìm cách lại gần cô. Có thể vì chút nhan sắc mặn mà còn vương lại sau bao chuân chuyên, có thể vì họ tìm thấy sự đồng cảm nào đó ở cô nên muốn được gần gũi. Thế nhưng, có thể vì sự ám ảnh của cuộc hôn nhân cũ mà chưa có người đàn ông nào được bước vào ngôi nhà này. Dịu nghĩ, dẫu mình như chiếc áo rách cũng phải thơm.
Chiều nay, nhân lúc ít bệnh nhân, đang định nghĩ xem đó là ai thì Dịu nhận được một lệnh khẩn cấp. Bệnh viện của cô được lệnh cử những bác sĩ có sức khỏe, chuyên môn và bản lĩnh để lên đường đến vùng đang bùng phát ổ dịch COVID-19. Là người đã có kiến thức vững vàng trong nghề, Dịu hiểu được mức độ của đại dịch nên phải cảnh giác cao nhưng cũng không quá đáng sợ. Bác sĩ Tiến, Trưởng khoa nhìn cô ái ngại:
- Em xung phong đi, chị cũng thấy yên tâm về tay nghề hơn là mấy bạn trẻ. Nhưng chị lo là bé Hoa còn nhỏ quá, em đi đợt này chưa biết bao giờ mới được về, nó ở với bác, với bà mãi cũng khó.
- Dạ, em hiểu chị. Nhưng mà thật ra ở tuổi em ai cũng có con nhỏ chị à, kể cả các bác sĩ nam. Nếu cứ ái ngại thế thì lấy đâu ra người đi chi viện cho vùng dịch.
- Ừ, thì như con nhà chị cũng còn nhỏ. Nhưng mà… (Tiến bỗng ngừng lại, cô suýt nữa động đến nỗi đau của Dịu trong hôn nhân).
- Cháu nó cũng quen tự lập, quen việc không có sự che chở của bố từ trước khi anh Tuấn mất mà chị.
- Ừ, em cố gắng nhé. Biết đâu, sau đợt này lại có chàng nào tình nguyện đưa bé Hoa đi học thay cô đấy.
Mười giờ đêm, sau khi tắm giặt xong, Dịu lên giường ôm con và cầm điện thoại lướt phây thì thấy cái Tâm - cô bác sĩ trẻ nhất trong đoàn đi chi viện lần này - đã gắn thẻ tất cả mọi người trong một status có những dòng caption rất cảm động. Mọi người hiện lên trong màu áo blouse, khẩu trang kín nhưng ánh mắt vẫn ngời lên sự tự tin và quyết tâm. Mà con bé Tâm này khéo thật, chọn cái ảnh ai cũng xinh đẹp, dễ thương. Đúng lúc Dịu đang mải mê ngắm thì ứng dụng face book báo có tin nhắn chờ. Ai thế không biết? Dịu mở ra đọc. Một cái tin ngắn ngủi: “Chúc bác sĩ lên đường may mắn và bình an. Thành công!”. Nghĩ đấy là một bệnh nhân nào đó từng điều trị lâu ngày tại khoa, Dịu nhắn lại: “Dạ, xin cảm ơn, cuộc chiến lần này rất căng thẳng đó ạ”. Lập tức lại có tin nhắn vang lên: “Anh tin em và mọi người sẽ sớm chiến thắng trở về”. Dịu vội choàng dậy, cô lần xem trang cá nhân của nick chat đó. Đó là một người ghi thông tin rất ít, ảnh đại diện cũng là mấy cuốn sách. Hoặc có thể vì họ để hình ảnh ở chế độ bạn bè nên cô không thể xem được.
Sáng nay, cả tập thể y bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đều đứng tiễn đoàn xe lên đường. Bỗng cậu bảo vệ hớt hải chạy đến thưa với giám đốc:
- Anh ơi, có một bà cụ nhất quyết đòi gặp anh.
- Cậu xem bà đã đăng kí khám bệnh chưa? Bảo tôi đang bận tiễn đoàn đi công tác đặc biệt.
- Nhưng, bà cứ đòi gặp anh cũng vì đoàn công tác ấy ạ, em đo thân nhiệt thì thấy ổn.
Từ cửa kính ô tô, Dịu nhận ra dáng bà cụ bán xôi quen thuộc mà sáng sáng đưa con đi học cô cũng dừng xe để mua. Vì sáng nào mẹ cũng vội nên con bé ăn xôi mãi cũng thành quen. Bà đang trình bày với lãnh đạo bệnh viện và công đoàn về ý nguyện muốn tặng một khoản tiền ủng hộ bệnh viện và đoàn trong đợt chống dịch này. Phía cuối xe có tiếng người lao xao: “Khiếp, bà cụ bán xôi mà ủng hộ một tỉ đấy”. Người khác thêm vào: “Không phải một mình bà đâu, bảo của cả anh Toàn nhà báo con trai bà nữa. Ủng hộ nhiều thế lấy tiền đâu mà lấy vợ nhỉ”.
Dịu vội quay ra phía ngoài cửa xe để giấu đi khuôn mặt đang bừng đỏ. Dịu còn nhớ ngày đó khi cô quyết định ngồi lên phía sau chiếc xe Dream Việt của Tuấn, khi nhìn vào gương hậu vẫn kịp thoáng thấy bóng của Toàn quay đi và khuất dần. Anh với Tuấn đều là bạn học thời phổ thông với cô. Có lẽ vì sự éo le ấy mà Toàn đã lặng lẽ biến mất bấy lâu nay.
Ông Giám đốc bệnh viện vội giới thiệu:
- Nhà báo Đặng Văn Toàn là người luôn đồng hành cùng bệnh viện chúng ta. Anh đã từng vận động nhiều nhà hảo tâm ủng hộ các bệnh nhân nghèo. Anh là người con của quê hương mà đi xa bao năm nên không phải ai cũng biết…
Toàn và Dịu chỉ kịp nhìn thấy nhau qua cửa kính ô tô, bao năm rồi, Toàn vẫn thế, thư sinh, trẻ trung với ánh mắt luôn hiền lành. Dịu cảm thấy như có một sức mạnh khiến cô vững vàng hơn khi cùng mọi người đến với các bệnh viện dã chiến. Khi kíp trực của Dịu vừa hết ca, cầm điện thoại trên tay, Dịu đọc được tin nhắn của bé Hoa từ điện thoại của chị gái mình. “Mẹ ơi mẹ công tác tốt nhé, bác Hiền bảo cuối tuần chú Toàn con bà bán xôi sẽ đến dạy con học bài. Chú ấy ngày xưa có học giỏi không mẹ?”.
Giờ đây, cả nước đang hướng về TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để đẩy lùi dịch bệnh, mọi tình cảm đều dành cho những người đang ở tuyến đầu nóng bỏng. Có biết bao cô gái phải xa chồng, xa con, xa những người mình yêu thương như Dịu, nhưng vẫn có một niềm tin trong ngày đẩy lùi dịch bệnh để trở về bên những người thân yêu nhất của mình…
BÙI VIỆT PHƯƠNG