Tỉnh mộng

04:08, 12/08/2021

Tỉnh mộng

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Cả tuần qua, đầu óc Ngạc căng như dây đàn vì “chạy” cùng ê-kip thực hiện mấy chương trình lớn. Công việc của công ty tổ chức sự kiện, làm dịch vụ như làm dâu trăm họ, kỹ lưỡng, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ nhất. Nhiều lúc bị quay như chong chóng, mệt muốn đứt hơi vẫn phải tươi hơn hớn. Ngày làm việc tất bật, chạy tới chạy lui đến rạc người, tối về nhà cứ lên giường là ngủ mê mệt. 
 
Sáng sớm ngày thứ Sáu, cuộc điện thoại của ba đã dựng anh dậy.
 
- Ngạc hở con, ba mẹ chuẩn bị lên tàu ra thăm con đây. 
 
- Thật… thật ý ạ?
 
- Ơ cái thằng…, hỏi chi lạ. Ra thăm coi bây dạo này làm ăn sao, cuộc sống thế nào chứ. Cả nửa năm nay bây kêu bận có về đâu. Thôi, tàu tới rồi, ồn ào lắm không nghe chi hết. Sáng ngày mai ba mẹ ra tới rồi. Nhớ đón nha!
 
Nghe xong cuộc gọi, Ngạc tỉnh ngủ hẳn, cuống cuồng lao ra khỏi giường. Anh nhìn ngó khắp lượt căn phòng trọ. Rộng thì có rộng nhưng cũ kỹ và bừa bộn, lại nằm sâu trong hẻm nhỏ. Trong hình dung của ba mẹ, chỗ Ngạc ở là căn nhà nằm trong khu phố văn hóa rộng tám chục mét vuông, hai tầng lầu, thiết kế đơn giản và hiện đại. Mang tiếng tốt nghiệp đại học có tiếng hẳn hoi, đi làm cũng gần chục năm rồi, lương bổng cũng khá mà không có được chỗ an cư tốt, anh sợ xóm làng lời ra tiếng vào, ba mẹ lại hay lo nghĩ nên mới nói thế cho ông bà yên tâm. 
 
Thì đúng là có căn nhà như Ngạc miêu tả thật, nhưng… đó là cơ ngơi của Nhân, bạn anh. Cha mẹ Nhân kinh doanh buôn bán nên dư dả, mua đất làm nhà cho Nhân ra ở riêng đã mấy năm nay. Mười mấy năm thân thiết kể từ khi vào đại học đến giờ, nên Ngạc thường hay tới đó chơi, ăn ngủ, sinh hoạt chẳng khác gì chính chủ. Anh nghĩ chắc cả đời này ba mẹ cũng không ra khỏi làng, con cái nói sao thì nghe vậy, nên thuận đà “chém gió”. Nay bất ngờ ra thăm, phải làm sao đây? 
 
Chuyện chỗ ở còn đang rối nùi, nghĩ đến công việc Ngạc lại thêm phần hoang mang. Công ty của anh ở trong tòa nhà mười tầng hiện đại, anh chịu trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật, quản lý hơn hai mươi con người chứ ít ỏi gì. Oai lắm. Nhưng… đó cũng chỉ là giấc mơ xa xỉ của Ngạc thôi. Anh mơ mộng vẽ hình hài mình trong những bộ vest sang trọng cùng cà vạt thẳng thớm ở vị trí người dẫn đầu. Thì đúng là anh làm trong tòa nhà mười tầng thật, nhưng đó là tòa nhà không chỉ của riêng công ty anh. Có nhiều đơn vị khác cùng thuê văn phòng, một số thì kinh doanh đồ uống, hàng tiêu dùng... Thực ra công ty anh cả thảy gần 30 nhân viên, chỉ thuê mấy phòng làm nơi giao dịch chứ có to lớn gì đâu.
 
Ngạc bắt đầu tính toán, phải sắp đặt mọi việc để bảo toàn… danh dự trước mặt ba mẹ. Anh gọi cho Nhân kể rõ sự tình, nài nỉ bạn cho mượn tạm căn hộ vài ba ngày. Tính Nhân vốn phóng khoáng, chưa vợ con, lại thường đi công trình xa nên vắng nhà suốt. Nghe Ngạc nói vậy cũng chẳng suy tính gì liền đồng ý. Anh còn nhắc Ngạc tới dọn dẹp lại, vì ở một mình, lại đi vắng nhiều nên nhà có hơi bề bộn. Vậy là xong chuyện nhà cửa, Ngạc thấy nhẹ cả người. 
 
Những cuộc điện thoại gấp gáp tới đồng nghiệp khiến chiếc điện thoại trong tay Ngạc nóng ran. Anh biết chắc thể gì ba mẹ ra cũng muốn được mục sở thị nơi ăn ở, làm việc của anh. Ngạc nhờ cậu em bảo vệ tòa nhà, khi gặp ba mẹ anh thì chào hỏi ra sao, nói năng thế nào. Nhờ em Nga tài vụ cho mượn phòng của sếp, lo chuyện trà bánh nước nôi. Gọi các anh em trong nhóm cùng phối hợp, thù lao là một chầu nhậu tới bến sau khi ba mẹ lên tàu trở lại quê. Trình bày, thuyết phục chán chê, sau nửa ngày cắt đặt thì Ngạc cũng có thể yên tâm tiếp đón ba mẹ với vỏ bọc hoàn hảo.
 
***
 
Ông bà Huấn đi ngó nghiêng một lượt căn hộ. Nhìn chiếc ti-vi màn hình phẳng mỏng dính treo khít vào tường, ông Huấn chậc lưỡi:
 
- Sống ở thủ đô chất quá chứ! Cái này chắc mất cả mấy tấn nông sản chứ chơi đâu!
 
- Nhà cửa tiện nghi thì tốt quá rồi, nhưng bếp núc coi bộ sơ sài quá. Cơm hàng cháo chợ là không an toàn đâu. Đàn ông cũng phải chịu khó nấu ăn mới đảm bảo sức khỏe được - bà Huấn tiếp lời. 
 
Ngạc đáp lại qua loa, rồi mời ông bà Huấn đi ăn trưa. Sau cả ngày đêm ngồi tàu ê người, ăn uống qua quýt nên ông Huấn đề nghị con trai đưa đi ăn một bữa ngon lành. Ngạc loay hoay đánh lái chiếc ô tô 4 chỗ mới thuê ngoài gara từ sáng, vừa lái vừa run. Học bằng lái thì lâu rồi, nhưng năm thì mười họa mới cầm vô lăng một lần, tay lái cũng chỉ thuộc hàng phọt phẹt. Nói là ăn bữa ngon lành, nhưng rồi khi lên xe, hai ông bà lại đổi ý, nói muốn ăn cái gì dễ nuốt. Sau một hồi đắn đo, cả nhà quyết định đi ăn phở. Thấy ba mẹ háo hức, vui vẻ, Ngạc mừng lo lẫn lộn. Vốn dĩ phở là món khoái khẩu, mà nay Ngạc thấy sao vô vị quá. 
 
Ngạc đưa ba mẹ đi tham quan mấy điểm đến nổi tiếng trong thành phố. Trong mắt ông bà Huấn cái gì cũng lạ lẫm. Ngạc được dịp là “nhà thông thái”, thuyết minh hết sức sôi nổi. Thấy con trai kiến thức đầy mình, ông Huấn tỏ vẻ hài lòng. Thế này thì ra đời coi như cũng có sức đọ với thiên hạ. Bữa tối trong một nhà hàng sang trọng giữa trung tâm thành phố, thấy con trai thanh toán hóa đơn gần cả triệu bạc, bà Huấn than trời. Chừng ấy tiền ở quê sắm được hai mâm cỗ, cả mười mấy người ăn. Ngạc xua tay, mấy khi mới có dịp gia đình sum họp. Anh cố ý chìa chiếc ví dày cộm những tờ tiền ra, dường cho bà Huấn yên tâm. Vẻ tự tin của anh khiến ba mẹ mừng vui, ánh mắt lộ rõ sự tự hào.
 
Nghe tiếng ngáy ngủ của ba hòa cùng nhịp thở đều đều của mẹ, Ngạc nằm phòng kế bên trằn trọc mãi không ngủ được. Ngày mai, phải sắp xếp chuyện công việc sao cho kín kẽ. Ngạc vớ chiếc điện thoại, nhắn tin thống nhất lại với đội nhóm một lần nữa. Đáng ra mai là ngày nghỉ, nhưng nhờ vả họ chạy qua chạy lại thì phải thật chân thành tử tế mới được. Nhiều người phải gác lại việc riêng, dành thời gian “diễn” với anh kia mà.
 
Dẫn ba mẹ lòng vòng giới thiệu sơ lược về công ty, Ngạc đưa ông bà tới phòng marketing và truyền thông, anh em đồng nghiệp có 7 - 8 người đang chăm chú làm việc. Như lời Ngạc nói, thì ở công ty tổ chức sự kiện, đi làm ngày nghỉ là chuyện thường. Đợt này do phải chuẩn bị cho loạt sự kiện dịp lễ, nên mọi người phải tranh thủ làm ngày làm đêm mới kịp tiến độ. Nhìn thái độ ai nấy đều cung kính, trọng thị, ông bà Huấn rất cảm kích. Tại phòng làm việc riêng của sếp Ngạc, Nga đã bày sẵn đĩa bánh mochi và pha tách trà hoa cúc mật ong thơm ngọt. Trà ngon, phòng máy lạnh mát rượi, bà Huấn níu Nga lại hỏi han công việc, gia đình, về công tác điều hành nhân sự của Ngạc... Nga và Ngạc cùng nhau tung hứng khá ăn ý.
 
- Nội thất phòng đây đẹp quá, có đắt không nhỉ? - bà Huấn tò mò.
 
- Dạ, gần 50 triệu thôi bác - Nga nhanh nhảu đáp.
 
- Công ty trang bị hoành tráng thế cơ á?
 
- Đâu có ạ, anh Ngạc tự mua để trang trí cho hợp phong thủy, tốt cho việc làm ăn ý mà bác! 
 
- Mua gì đồ xa hoa thế này, bớt lại dành dụm mà lo căn nhà chính chủ có phải hay hơn không? - Bà Huấn chép miệng.
 
- Anh nói hai bác có mỗi mình anh, dễ gì hai bác chịu rời bỏ quê cha đất tổ ra ngoài này đâu mà mua nhà. Các bác còn mạnh khỏe thì anh ngang dọc đó đây cho thỏa chí, sau thì cũng phải tính về lại quê chăm nom cha mẹ. Chứ sức anh muốn mua là được mà.
 
Ngạc nghe Nga trả lời mà lòng dạ thấp thỏm. Cứ đà “tâng” thế này, rồi mỗi lần về quê biết bao tiền cho đủ. Thể gì ba mẹ anh cũng đi khoe khắp anh em họ hàng làng xóm. Thùng rỗng kêu to thế này thì chết. Mải suy nghĩ, Ngạc chẳng nghe ông Huấn hỏi gì, đến khi Nga vỗ nhẹ vào cánh tay gọi anh mới giật mình.
 
- Bác trai đang hỏi, công ty mình doanh thu mỗi tháng bao nhiêu?
 
- Khoảng trên dưới vài, ba tỷ…
 
Ngạc trả lời quáng quàng và mơ hồ. Một nhân viên truyền thông làm công ăn lương, thu nhập tháng hơn chục triệu như anh thì đâu có phận sự tính toán chuyện doanh số, lợi tức. Ngạc bất giác thấy người nóng phừng phừng, dẫu lúc này phòng điều hòa chỉ 23 độ.
 
Sau hai ngày xem xét đời sống, công việc của con trai, ông Huấn mừng mừng tủi tủi, sắc diện tươi vui như trẻ khỏe thêm ra cả chục tuổi. Ông bà không ở lại lâu vì đi cả hai, chuyện nhà cửa, lợn gà đều nhờ hàng xóm cả. Tính thế mà đi về cũng mất 4 - 5 ngày còn gì. Thế nên ông bà cũng mau chóng kết thúc cuộc viếng thăm ở công ty, cùng Ngạc đi thăm thú thêm vài danh thắng, trung tâm thương mại, mua sắm ít quà về quê. Sau bữa tối thì ra ga đi chuyến tàu đêm, ông Huấn vỗ vai Ngạc trước khi lên tàu:
 
- Giỏi lắm con trai. Thấy con như này là ba mẹ yên tâm được rồi. 
 
Ngạc trở về căn phòng trọ quen thuộc, nhìn mọi thứ lộn xộn, thở dài thõng thượt. Anh nằm lăn trên đất, kiểm đếm những khoản chi tiêu trong mấy ngày qua. Tiền ăn uống, tiền thuê xe ô tô, tiền sắm bộ comple, đôi giày mới, quà cáp… ngốn hết cả tháng lương. Sau đây lại còn vụ tụ tập, mời anh em cảm ơn đã hợp tác nữa chứ. Nói không có tích lũy thì không đúng, hơn ba mươi tuổi đầu rồi, cũng gọi là có vài, ba trăm triệu trong tài khoản. Nhưng số đó mà muốn có nhà cửa, xe cộ ở thủ đô thì khó bằng hái sao trên trời. Thời giờ muốn tìm công việc có thu nhập cao đâu dễ, người ta yêu cầu đủ loại bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng… Nếu an phận với việc làm hợp sở trường như hiện tại, thì mức lương chục triệu đồng mỗi tháng cũng gọi là tạm ổn. Cũng may là Ngạc còn tranh thủ viết bài quảng cáo cho mấy trang fanpage bán hàng online, nên có thêm chút đồng ra đồng vào. Nhìn cách anh chi tiêu phóng khoáng mỗi lần về quê, người thân, bạn bè, rồi kể cả ba mẹ anh đều nghĩ anh làm ăn có dư. Thành thử ai gặp khó khăn cũng tìm đến anh cậy nhờ giúp đỡ. Anh sĩ diện, chẳng muốn cho ai biết rằng mình bon chen sống ở thủ đô cũng chật vật và áp lực vô vàn. Nghĩ đến đó, Ngạc tự vấn và trách mình, anh chẳng hiểu từ bao giờ bản thân cứ lo sợ mất mặt mà sống ảo đến vậy. Anh giật mình sợ hãi, tất cả những điều anh vẽ vời trước mặt ba mẹ chỉ là giả, nếu họ biết sự thật thì không biết sự thể sẽ ra sao. Bản thân anh khi đối diện với chính mình trong tình huống đó, chắc cũng chỉ mong có cái lỗ nẻ mà chui xuống mất thôi. 
 
***
 
Chiều cuối tuần, Ngạc hẹn cả nhóm qua nhà Nhân tụ tập. Mồi nhậu, bia, rượu đủ cả, mọi người rôm rả nâng ly. Đang lúc chén chú chén anh sôi nổi, bỗng Nga khơi lại chuyện cũ. Cô trách Ngạc sao phải làm vậy. Cha mẹ đâu có bao giờ chê con cái khó khăn. Dĩ nhiên ai mà chẳng mong con mình phương trưởng thành đạt, đi ra được xã hội nể trọng. Nhưng anh sống ảo vậy, có ngày thiệt thân. Bản thân cô lúc đồng ý giúp anh cũng chẳng nghĩ gì nhiều, nhưng sau đó về nhà cứ băn khoăn mãi. Cô chỉ nói dối có mấy câu mà lòng dạ đã phấp phỏng chẳng yên, anh dối “cả chuỗi” như vậy thì không biết tâm can rối bời cỡ nào. Nga vừa dứt lời thì điện thoại của Ngạc đổ chuông. 
 
- Con trai, mau bật ti-vi lên mà xem, nay ba mẹ được lên ti vi đấy. Mau lên mau lên, tới rồi đó - giọng ông Huấn hứng khởi
 
- Lên ti-vi, làm… làm gì ba?
 
- Cái thằng..., lên ti-vi một là tốt, hai là xấu. Bộ mày nghĩ ba mẹ mày xấu mà lên đó à?
 
Dự cảm có gì đó không hay ho sắp xảy đến, Ngạc ra hiệu cho mọi người im lặng, nhanh chóng bật ti vi. Đó là chương trình Tấm lòng nhân ái, người được nói đến hôm nay là ba mẹ anh. Nhìn hai ông bà vui vẻ chưa kìa, nói cười rất vô tư trong các cảnh quay sinh hoạt đời thường tại nhà. Ngạc chết trân khi lời bình nói đến đoạn, ông bà Huấn sẽ hiến đất căn nhà đang ở cho xóm làm công trình văn hóa, thể thao công cộng. Ba mẹ anh cũng đã bán hết đất vườn, dành toàn bộ số tiền thu được cộng với khoản tiết kiệm trong nhiều năm làm kinh tế chuồng trại cho công tác từ thiện. Xuất hiện đĩnh đạc, tươi tắn trên cùng khung hình, ông bà Huấn cởi mở chia sẻ lý do làm việc thiện hơn 2 tỷ đồng:
 
- Vợ chồng tôi chỉ có một con trai, vất vả làm lụng, tích cóp cả đời những mong lo cho con. Nhưng nay con lập nghiệp xa quê, công việc và cuộc sống rất tốt. Vì không muốn con phải băn khoăn nghĩ ngợi chuyện đi - ở, nên chúng tôi quyết định sẽ đến sống cùng con. Nó dư sức lo được cho ba mẹ mà không cần đến số tài sản này. 
 
Ngạc đứng sững như một pho tượng, ly rượu trong tay anh tuột rơi xuống nền nghe chát chúa. Màn hình ti-vi đã chuyển sang chương trình khác, anh và nhóm bạn vẫn chưa thể tin những gì vừa xem là sự thật. Không gian bỗng chìm sâu trong im lặng. Dường như ai cũng đang đuổi theo ý nghĩ của chính mình. Một lúc lâu sau, ý thức như bừng tỉnh, nghĩ về cảnh ngộ éo le vừa ập đến, Ngạc òa lên khóc như một đứa trẻ…
 
MAI ĐÌNH