(LĐ online) - Trên tường facebook của người bạn là một dàn máy nghe nhạc rất khủng. Chỉ vì muốn hiểu vì sao bạn lại "dại dột ngồi nghe thử cặp booksefl này rồi không muốn về nữa" mà tôi click vào đó, rồi ngân lên trong chiều là một khúc bolero...
(LĐ online) - Trên tường facebook của người bạn là một dàn máy nghe nhạc rất khủng. Chỉ vì muốn hiểu vì sao bạn lại “dại dột ngồi nghe thử cặp booksefl này rồi không muốn về nữa” mà tôi click vào đó, rồi ngân lên trong chiều là một khúc bolero. Tôi đã ngồi thần ra trong một khoảng lâu. Không phải vì ca từ của bài hát, mà vì giai điệu quen thuộc. Chừng như cũng đã khá lâu rồi, tôi đã không nghe nó thì phải.
Ngoài khung cửa sổ, nắng chiều vàng hươm trên khoảng xanh. Có tiếng cọ rất khẽ của lá trong đám gió. Không hẳn là người ủy mị, nhưng có vẻ như tôi cũng đang ngoảnh nhìn những ngày đã xa xôi từ trong những âm hưởng. Mà lạ là bao giờ, bolero cũng làm lòng người chùng lại. Ca từ và giai điệu này lúc nào cũng gói theo day dứt, nhưng cả người hát và người nghe lúc nào cũng như đang tự vỗ về nhau…
Nhưng hình như điều này chỉ đến với những người đã bắt đầu trung tuổi. Có thể bolero luôn là sự đánh thức những nỗi niềm thuộc về ký ức, cả những trải nghiệm đã và không hề ngọt ngào. Nhưng chính xác thì với chúng tôi, bolero đã đến vào những ngày bắt đầu lớn, những ngày mắt biết ngập ngừng. Sau này, là trong những gặp gỡ với những anh Hai, anh Tư, chị Năm, cô Bảy… trong những chuyến xuôi về vùng đất phía Nam.
Không lộng lẫy, không cầu kỳ và gần gũi, dễ chia sẻ là những điều mà bolero mang lại. Thế nên, dù được du nhập vào Việt Nam mới chỉ từ những năm 50, nhưng bolero đã trở thành dòng nhạc chở rất đầy những tâm tình của người dân đất Việt. Người ta thường nói về bolero như một dòng nhạc bình dân, nhưng chắc chắn đó là giai điệu dễ đánh thức lòng người, nên nó hiện diện ở khắp mọi nơi. Người ta có thể nghe bolero trên một chuyến xe khách đang ngược đèo ở một vùng núi phía Bắc, có thể nghe nó được hát ở một vỉa hè bên đường đâu đó một tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, thậm chí có lúc được xem là rền rĩ bởi nhà hàng xóm hát karaoke mãi trong một ngày nghỉ cuối tuần. Bolero cũng là giai điệu phủ sóng vì có thể được nghe ở bất cứ chỗ nào nơi sông nước miền Tây. Có lẽ đó là giai điệu có âm hưởng gần với đờn ca tài tử. Nhiều hơn, là giai điệu thể hiện nhiều nhất cái khắc khoải, mênh mang của con người ở một vùng đất…
Ít ra thì với bolero, như khúc bolero cũ vừa nghe chiều qua, tôi nhận ra một phần đồng điệu được đánh thức. Nhận ra bạn mình, chắc chắn là có nhiều tâm sự chứ không chỉ quấy quả cho vui ở những điều có vẻ tầm phào mà bạn đính lên tường facebook trước đó.
Lại nhớ hôm nào của năm nào, trong một cuộc vui tình cờ, anh Sáu Hoàng đến từ Bạc Liêu đã ca quá chừng mùi bài “Em về kẻo trời mưa” trong một không gian nho nhỏ. Giờ nhận ra, đó không chỉ là giai điệu “gia truyền”. Anh Sáu có lẽ đã nhờ nó gửi những ân tình da diết đến các đồng nghiệp xứ Huế khi làm chuyến ngược ra miền Trung để rồi về “gác kiếm”…
Nhưng có những người trẻ bây giờ đã khác. Không biết là tôi có võ đoán khi nói vậy không lúc hỏi Đạt - một bạn trẻ người Bến Tre đang tá túc chỗ tôi vì không thể về nhà khi các tỉnh phía Nam vẫn đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 - về việc có thường hát bolero không? Không chị ơi - Đạt nói - tụi em giờ thích nhạc của Sơn Tùng M-TP, của Mỹ Tâm, Erik , Đức Phúc, Noo Phước Thịnh… hơn. Cái nhạc chị nói, giờ chỉ có người lớn thích không hà…!
Tôi một lần nữa yên lặng và cứ nghĩ về sự đánh thức. Như tôi đã bị đánh thức ở khúc bolero cũ chiều qua. Những gì thuộc về ân tình, thuộc về lòng người… chắc chắn sẽ không bị lãng quên, có chăng chỉ là sự lẩn khuất đâu đó, trong một khoảng thời gian nào đó của dòng đời…
HẠNH NHI