(LĐ online) - Sau 10 ngày diễn ra, trại sáng tác văn học nghệ thuật về dân tộc thiểu số và văn nghệ dân gian do Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức đã bế mạc ngày 30/10 tại Trường Đại học Đà Lạt.
(LĐ online) - Sau 10 ngày diễn ra, trại sáng tác văn học nghệ thuật về dân tộc thiểu số và văn nghệ dân gian do Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức đã bế mạc ngày 30/10 tại Trường Đại học Đà Lạt.
|
Trao bản thảo tác phẩm của trại viết cho lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng |
Tham dự trại viết, 18 văn nghệ sĩ là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian đã cho ra đời 26 tác phẩm, gồm: 5 ca khúc, 9 bài thơ, 12 bài khảo cứu, báo cáo khoa học. Các tác phẩm thơ, nhạc đã phản ánh sống động nét đẹp trong sinh hoạt đời thường, sự đổi thay phát triển khi lên của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các bài viết mang tính khoa học là kết quả nghiên cứu công phu về các vấn đề như sử thi Tây Nguyên, văn hóa, văn nghệ đồng bào Mạ, K’Ho... đã được ấp ủ qua thời gian mà trại viết là dịp làm nóng lên không khí sáng tạo, hoàn thiện, bổ sung, nâng cao chất lượng và giá trị tác phẩm.
Phát biểu tại lễ bế mạc, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã ghi nhận những nỗ lực của các văn nghệ sĩ vượt qua khó khăn của dịch bệnh, sự bận rộn của công tác chuyên môn để tập trung nghiên cứu, sưu tầm và sáng tạo nên các tác phẩm. Ở mảng văn nghệ dân gian vốn là thế mạnh của các nhà nghiên cứu đang giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt, trong dòng chảy biến thiên của sự phát triển đã khỏa lấp vô vàn những giá trị, thì các nhà nghiên cứu đã “đãi cát tìm vàng” và đã lọc được những viên ngọc quý ẩn trong miền trầm tích Lâm Đồng và Tây Nguyên, mà chỉ những người có nghề, dành tâm huyết mới nhìn ra được, khái quát, làm sáng tỏ được từ sâu xa gốc rễ những nét đẹp văn hóa, những phong tục tập quán tốt đẹp từ ngàn đời. Các nhà thơ, nhạc sĩ đã phát huy thế mạnh là những người con am hiểu vốn văn hóa của dân tộc mình sáng tác nên những bài thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, những ca khúc mang đậm hơi thở của đồng bào các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên.
QUỲNH UYỂN