Có hẹn với mùa thu
|
Minh họa: Phan Nhân |
Buổi sáng hôm ấy, Trầm dậy từ năm giờ sáng lục đục sắp xếp lại giỏ đồ đi đẻ. Tã vuông, tã chéo, sữa bỉm cho mẹ cho con, khăn xô cái to cái nhỏ, một bộ quần áo sau sinh để lúc ra viện mặc về nhà và đủ thứ linh tinh lỉnh kỉnh xách theo. Bô chậu treo đằng trước, tã bỉm buộc sau xe. Nhà ba người cộng thêm một đứa trẻ sắp ra đời là bốn chở nhau đến viện. Dọc đường đi bố con bé Mây hát hết bài này đến bài khác. Mỗi lần hát đến đoạn “Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ gặp nhau…ầm ầm” là tiếng cười lại vang lên. Trầm ngẩng mặt nhìn bầu trời mùa thu. Cây lá lao xao, những đám mây cũng dịu dàng quá đỗi. Bên đường, người ta hẹn hò nhau trong những quán cà phê. Trầm cũng có một cuộc hẹn trong buổi sáng hôm nay và vào ngày này của cả những năm tháng về sau. “Mộc của mẹ. Chúng ta sẽ gặp nhau sau vài tiếng nữa”.
Làm xong thủ tục nhập viện, Trầm theo bác sĩ đi nhận giường. Phòng năm giường, bốn bà đẻ đang nằm im với dây dợ lằng nhằng. Tiếng máy minitor theo dõi sản phụ sau đẻ mổ kêu tin tít lẫn trong tiếng trẻ con thi nhau khóc đòi ăn. Trầm không dám ở lâu trong phòng vì càng thêm thấp thỏm lo âu. Một nỗi sợ dâng lên trong lòng Trầm mà không thể giãi bày cùng ai ngay cả chồng mình. Thái thường có câu cửa miệng “chẳng sao đâu” để nói trong mọi trường hợp. Như lúc Trầm mang bầu thỉnh thoảng có than đau lưng, ê ẩm khắp người, bụng to đêm nằm xoay xở thế nào cũng không ngủ được. Thái thường không để tâm đến những lời than đó, chuyện chửa đẻ là của đàn bà, ai cũng phải trải qua đâu chỉ mình Trầm. Đàn bà mang thai nếu không có đứa con trong bụng thì trở thành hành trình đơn độc. Cứ thế chầm chậm bước qua từng cột mốc, qua những vệt tối sáng trên con đường tiến dần về phòng mổ.
Đúng 15h chiều bác sĩ dẫn Trầm lên phòng mổ, nhanh đến mức người nhà còn chưa kịp đi cùng. Cửa khu vực phẫu thuật mở ra, Trầm bước vào chỉ thấy một hành lang hun hút với những ô cửa kính thinh lặng không một bóng người. Mùi thuốc khử trùng xộc vào mũi khiến Trầm khẽ rùng mình. Nhìn vào phòng chỉ thấy những chiếc bàn mổ bằng inox, sáng choang. Chị nghe rõ từng tiếng kim đồng hồ chạy lạch tạch trên tường rồi thì đến tiếng nhịp tim mình đập mạnh. Trầm leo lên bàn mổ nằm nhìn trần nhà. Đúng 15h10 các bác sĩ và hộ lý bước vào phòng. Tiếng bước chân gấp gáp, tiếng dụng cụ y tế kêu lẻng xẻng chói tai. Nằm nghiêng người đi em. Cong người lại như con tôm. Chịu khó một tí nhé để gây tê tủy sống, sẽ đau đấy. Trầm cảm nhận rất rõ mũi kim dài đâm sâu vào da thịt mình. Bác sĩ ấn vào đốt sống lưng liên tục nhắc nhở Trầm: Cong lưng em ơi. Đừng thẳng lưng như thế”. Cảm giác đau đớn càng khiến trầm sợ hãi. Em thấy nóng chân chưa? Nóng rồi à? Thuốc tê đang ngấm đó. Trầm khó thở, cảm tưởng như sắp không thể chịu đựng được thêm. Ở đây không có ai thân thiết. Nếu Trầm có mệnh hệ gì thì đứa con bé bỏng sẽ ra sao? Đã có nhiều sản phụ chết trên bàn mổ. Họ còn chẳng có cơ hội nhìn mặt đứa con bé bỏng của mình. Trong vài giây ngắn ngủi Trầm đã kịp hình dung ra bao bất trắc, nước mắt chị ứa ra. Các bác sĩ đang thản nhiên trò chuyện.
- Hôm qua tới giờ thấy sinh toàn bé trai, giờ mới thấy bé gái. Nhiều nhà đi siêu âm chỉ chăm chăm hỏi giới tính thai nhi. Đấy, nhà sản phụ đẻ mổ hôm qua đấy chị Hoa. Hai đứa trước là con gái, đứa này lỡ kế hoạch, lúc phát hiện có thai xuống tận Hà Nội để xét nghiệm giới tính thai nhi. May đứa trẻ là con trai, chứ nếu là con gái là bị nạo bỏ rồi.
- Khối nhà bỏ hẳn mấy cái thai chỉ cốt để có con trai thôi đấy.
- Đến khổ. Mang nặng đẻ đau, nuôi con cực một, dạy con cực mười. Ông cụ nhà em vẫn nói với các con “trai gái gì cũng được miễn là nên người”.
Rồi thì Trầm chỉ còn nghe thấy tiếng của cơ thể mình. Nửa thân dưới gây tê nhưng chị vẫn cảm nhận được những nhát dao rạch từng lớp thịt. Bác sĩ đang dùng hai tay ấn mạnh bụng Trầm để bắt thai. Nhắm mắt lại chị nghe thấy tiếng khóc của con mình vang khắp căn phòng. Người ta nói những đứa trẻ vừa sinh ra đã khóc to chứng tỏ rất khỏe mạnh.
- Chúc mừng mẹ nhé. Một bé gái xinh xắn nặng 3,6 kg em nhé.
Con vẫn không ngừng gửi lời chào thế giới bằng tiếng khóc của mình. Bác sĩ mang con đến da kề da với Trầm. Con vẫn khóc thét lên. Trầm âu yếm thì thầm “mẹ đây con. Đừng sợ”.
Sáu ngày ở viện, nơi Trầm nhìn lâu nhất chính là trần nhà. Thuốc tê hết tác dụng, thêm một gói giảm đau sau sinh cũng không giúp Trầm dễ chịu. Mũi tiêm co bóp tử cung đau đến mức suốt hai ngày hai đêm Trầm không thể nào ngủ nổi. Nhắm mắt chỉ nghe thấy tiếng khóc trẻ con váng vất đầu óc. Mở mắt ra là thấy trần nhà. Quạt trần lờ đờ chạy. Mồ hôi Trầm túa ra bết trên đầu tóc toàn mùi kháng sinh. Ngó sang bên cạnh thấy những người đàn bà khác mắt cũng đang nhìn trần nhà, bất động. Họ cũng như Trầm còn chưa kịp ngắm kĩ con mình. Chưa thể bế con trên tay à ơi dỗ dành. Sữa cũng chưa kịp về, bầu ngực còn nhão nhoẹt. Giữa những cơn đau triền miên Trầm dùng khăn ấm lau ngực, cố nắn bóp mong nhìn thấy sữa về. Thỉnh thoảng lại có người ngấp nghé cửa phòng đi xin sữa cho cháu. Những đứa trẻ vừa mới ra đời thường được bế đi hết phòng này đến phòng khác xin sữa non “tráng ruột”. Nhưng mấy hôm nay toàn người mới mổ đẻ, con Trầm được bà ngoại bế đi rồi lại bế về không. Có ở đây mới biết những giọt sữa non của người mẹ quý đến nhường nào. Cuộc chiến giành giật sữa mẹ được bắt đầu bằng cháo chân giò lợn, chân chó, cao chè vằng, chè đỗ đen, nước lá mít mật, nước cây trầm gửi gạo… Người mẹ này nhìn bầu sữa căng tròn của bà mẹ khác mà thòm thèm, day dứt.
Ngày thứ hai Trầm thử ngồi dậy nhưng đau quá không cố được. Nỗi ám ảnh mang tên “mổ đẻ” chính là sự đau đớn. Một tiếng ho khan cũng đau đến thắt ruột. Vậy mà sản phụ giường số 3 cứ ôm bụng ho từng chặp một. Mặt cô tím tái, mắt mở trừng trừng. Trầm thấy sống mũi cay, thương cho cảnh đàn bà sinh nở. Giữa những giấc ngủ chập chờn Trầm nghe thấy tiếng trò chuyện nhỏ to:
- Ngày xưa tụi mình đẻ dễ ợt các bà nhỉ. Tôi đẻ ba đứa đều ở giữa luống cày. Đẻ xong cũng chẳng được nghỉ ngơi gì. Vài ngày đã phải đi gánh nước, giã gạo, lên rừng kiếm rau ăn.
- Giờ chúng nó đẻ xong đủ loại thuốc thang, nghỉ ngơi kiêng cữ, ăn uống bồi bổ mà vẫn thấy kêu than vất vả.
- Mỗi thời mỗi khác bà ơi. Ngày ấy đâu có ai đẻ mổ mà biết được nỗi đau của khứa từng lớp thịt. Thôi tụi mình cứ thương con thương cháu.
Rồi thì Trầm thiếp đi, trong giấc mơ chị thấy mình vừa nhảy tùm xuống dòng sông bơi như con cá nhỏ.
Ngày thứ ba, Trầm cố gắng tập đi. Khom lưng nhích từng bước một, chị lắng nghe cơ thể mình để né những cơn đau chập chờn trong da thịt. Lúc chạm tay được vào cánh cửa nhà vệ sinh, nước mắt Trầm ứa ra. Mở vòi, nghe tiếng nước chảy chị cũng thấy vui. Không gì sung sướng bằng việc tự mình đi lại được sau đẻ mổ. Trầm xúc động trước cảnh tượng sản phụ giường số 2 vịn giường đứng dậy vén rèm nhìn ra ngoài. Nắng đẹp quá, gió hiu hiu. Những trái bàng đầu tiên đã chín. Giường số 3, sản phụ ngồi dậy chải mớ tóc rối bù. Bà mẹ người dân tộc Tày từ Lai Châu khăn gói xuống chăm con gái đẻ, cười bảo:
- Ngày xưa tóc nó đen mượt lắm. Về dưới này cứ đi nhuộm suốt, tóc hỏng hết.
- Bà đi thế này lấy ai trông nhà?
- Thì gửi đứa con gái cả. Ngày ghé qua đôi lần dắt ngựa đi buộc, cho đàn lợn ăn. Ông nhà tôi mất cũng đã lâu. Đợt này trên ấy cũng bận lắm, nhưng con gái đẻ mình chẳng thể không đi chăm được các bà ạ.
Khi cơn đau bớt dần Trầm mới được bế con trên tay, ngắm nghía. Làn da trắng bóc lúc mới sinh đã chuyển dần sang màu đỏ. Cái mũi thì giống bố, cái miệng này giống mẹ. Sau gáy con cũng có vết bớt đỏ loang vào tận trong chân tóc hệt như chị nó. Dưới bàn chân con có một vệt nhỏ màu đỏ, có thể là nốt ruồi son.
Tay chân con mũm mĩm như nải chuối, chẳng giống ai trong nhà. Mùi da thịt con thơm quá, Trầm cứ muốn hít hà mãi không thôi. Đôi môi bé bỏng của con ngậm vào đầu vú ấm ran. Sữa vẫn chưa về nhiều, nhìn con rít lõm má mà Trầm thương quá. Trầm nghĩ đến những bức ảnh “Tree of life - Sữa mẹ là nguồn sống” mà mình từng rất thích. Khẽ ngả lưng dựa vào tường, Trầm nhắm mắt lại tưởng tượng ra mạch sữa như rễ cây lan tỏa từ bầu vú mẹ đến cơ thể của con. Rồi những tia sữa từ khắp các mạch máu đổ về bầu ngực. Ngọt ngào và ấm áp. Dành hết cho con…
Phòng hậu sinh ồn ã nhất có lẽ chính là lúc những ông chồng xuất hiện cùng nhau. Tếu táo đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Chu đáo và vụng về. Tỉ mỉ và cẩu thả. Mắt họ lúc nào cũng ánh nên niềm hạnh phúc của một người bố trẻ. Thái bảo:
- Các ông cho tôi xin số điện thoại, zalo để về còn ad vào nhóm bạn “chăm vợ đẻ”. Thỉnh thoảng hỏi thăm nhau.
- Có khi hàng năm phải gặp nhau làm cái lễ các ông ạ.
- Nhất trí.
Những ông chồng vừa rủ nhau đi uống nước chè. Tí nữa sẽ thấy tiếng bước chân của họ loẹt quẹt ngoài hành lang. Trên tay họ là hộp cháo nóng “mua mãi tận ngã tư đèn đỏ, chỗ ấy đi bộ xa, đắt nhưng ngon”. Trầm hay cảm động trước những bàn tay đàn ông lóng ngóng chăm con. Những em bé thơm tho ngủ ngon lành trong vòng tay bố. Đêm ở viện chập chờn trong tiếng ngáy của đàn ông vang lên ở góc này góc kia. Nhìn dáng đàn ông nằm co ro chật hẹp với chiếc chăn mỏng manh kéo phía nào cũng hở Trầm thấy được an ủi phần nào. Nhất là những khi thức giấc Trầm thấy chồng một tay bế con, một tay pha sữa, miệng à ơi con cò con vạc. Ngoài cửa sổ gió thu khua từng chiếc lá bàng. Trầm nằm im nghe sữa đang về ấm đôi bầu ngực.
Bé Mây được bà ngoại dắt vào viện thăm mẹ thăm em. Vừa bước đến cửa phòng con đã òa khóc nức nở. Mây cầm tay mẹ lên nhìn vết cắm chuyền hỏi “mẹ còn đau nhiều không? Hôm nọ mổ em mẹ có chảy nhiều máu không? Cô giáo con bảo nếu bị chảy hết máu là chết đấy mẹ ạ. Con chỉ sợ mẹ chết”. Trầm ôm con vào lòng, nước mắt cứ thế ứa ra vì thương vì nhớ. Con bé từ nhỏ chẳng xa mẹ bao giờ, kể cả khi cai sữa. Những ngày qua đối với con chắc hẳn cũng chẳng dễ dàng gì. Bà ngoại nói “nó thần thượi suốt ngày. Đêm nào ngủ cũng gọi mẹ ơi. Tội lắm”. Cơn đau đã đỡ nhiều, Trầm dắt Mây xuống khu vui chơi dưới sân bệnh viện bằng thang máy. Ngồi nhìn lũ trẻ nô đùa Trầm mường tượng đến cảnh đứa con gái bé nhỏ mới sinh rồi cũng sẽ lớn lên như thế. Khỏe mạnh, bình an sống một cuộc đời vui vẻ. Nắng thu ấm quá, nhẹ nhàng chạm vào đôi bàn tay xanh xao của Trầm. Khí trời trong lành khiến chị thấy khỏe khoắn trong người. Bác sĩ nói sức khỏe Trầm tốt hơn, ngày mai có lẽ sẽ được xuất viện. Trầm thèm được về nhà…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG