Từ ngày 21-27/10, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 - 2021) tại Nhà hát Lớn Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa.
Từ ngày 21-27/10, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 - 2021) tại Nhà hát Lớn Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa.
|
Một cảnh trong vở "Người tốt nhà số 5" của Nhà hát Kịch Việt Nam |
Trong Tuần lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sẽ tổ chức công diễn những vở kịch nổi tiếng, được khán giả yêu mến như: Nhà hát Kịch Việt Nam diễn vở "Người tốt nhà số 5" (tác giả Lưu Quang Vũ; đạo diễn Nghệ sỹ Ưu tú Tạ Minh Tuấn); Nhà hát Tuổi trẻ diễn vở "Ai là thủ phạm" (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nghệ sỹ Ưu tú Chí Trung); Sân khấu Lucteam diễn vở "Bạch đàn liễu" (tác giả Xuân Trình, đạo diễn - Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực); Nhà hát Kịch Hà Nội diễn vở "Phải có ba đồng" (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng).
Đặc biệt, dịp này, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sẽ công diễn vở "Chén thuốc độc" của cố tác giả Vũ Đình Long, đạo diễn Bùi Như Lai). Vở kịch “Chén thuốc độc” đã từng được ra mắt lần đầu vào ngày 21/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là vở diễn khởi đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam. Trở lại sân khấu lần này, vở kịch “Chén thuốc độc” được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam kết hợp cùng các nhà hát dàn dựng với tinh thần huy động tâm huyết của người làm nghề để dựng vở diễn mang dấu ấn 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Cùng với các hoạt động trên, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển"; Gala "Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam" do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Tuần lễ kỷ niệm là dịp để giới nghệ sỹ sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói nói riêng cùng ôn lại chặng đường phát triển đáng tự hào của kịch nói nước nhà, đồng thời khẳng định với thế hệ đi trước rằng, thế hệ hôm nay đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để chăm lo, thúc đẩy nền kịch nói Việt Nam phát triển hơn nữa.
Trước tình hình dịch COVID-19, Ban Tổ chức đang lên các phương án như sẽ đón khoảng 50% lượng khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hoặc các phương án như thẻ xanh vaccine, khẩu trang, khử khuẩn… Các nhà hát đảm bảo các yếu tố phòng, chống dịch theo tinh thần 5K.
(Theo Baotintuc.vn)