(LĐ online) - Tăng tỷ lệ tương tác, lượt view, thu hút lượt like, share và comment trên fanpage, Youtube và cả trang mạng cá nhân là cách mà các chủ nhân của nó đang kiếm tiền...
(LĐ online) - Tăng tỷ lệ tương tác, lượt view, thu hút lượt like, share và comment trên fanpage, Youtube và cả trang mạng cá nhân là cách mà các chủ nhân của nó đang kiếm tiền. Đây cũng là căn nguyên mà dù không hề quan tâm, nhưng trên tường mạng xã hội của bạn vẫn xuất hiện những đoạn trailer, những status, caption hay xuất hiện ở vị trí hàng đầu khi bạn truy cập vào Youtube.
Có những khi chỉ vì một chút tò mò hay hiếu kỳ bởi những lời lẽ giật gân, ỡm ờ kiểu có một bí mật sắp bật mí… bạn click vào đó, đôi khi còn hào phóng tặng thêm một like dạo cho xong dù đôi khi không biết like vì cái gì, nhưng đó cũng là khi bạn trở thành một số cộng để người ta kiếm tiền. Chiêu trò để có thêm nhiều và rất nhiều dấu cộng đó, đầy rẫy trên mạng nếu bạn tìm kiếm nó trên Google. Còn những điều có thể chưa phổ biến khi bạn tìm kiếm trên internet, nhưng nó sẽ là phần không thể thiếu khi nhà sản xuất, ê kíp làm chương trình đưa chúng vào kịch bản, bằng mọi cách tạo nên kịch tính để thu hút khán giả.
Trò lố này ngày càng xuất hiện nhiều trên các game show, với sự xuất hiện, tham gia của không ít những gương mặt đang nổi như một số nghệ sĩ, nhà tạo mẫu, các MC… Nếu là người muốn tìm hiểu, khi vào xem, chúng ta sẽ không nhận được một thông điệp văn hóa nào. Đôi khi nó sẽ làm ta bực bội, làm ta phải tắt ngang thiết bị nửa chừng. Làm ta lo âu khi đối tượng được nhắm đến, chắc chắn sẽ là những người những người trẻ, những người muốn vui một chút trong cách nghĩ đơn giản. Vấn đề là ở chỗ, các game show vốn được biến tấu từ những chương trình giải trí mua bản quyền của nước ngoài, thậm chí là những game show thuần Việt nhưng câu view dễ dãi, phông văn hóa kém nhưng vẫn được phát sóng trên không ít các kênh truyền hình. Thậm chí có những thời điểm khá dày đặc khi chúng ta bấm remote chuyển kênh.
Nhưng đâu chỉ chuyển kênh là xong. Những điều tưởng chừng như vô bổ, cười không cần nghĩ như vậy đã lâu dần tiêm nhiễm và tác hại đến nhận thức văn hóa của số đông. Công luận đã không ít lần lên tiếng vì điều này. “Nhập siêu văn hóa” kéo dài là điều đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11 vừa qua. Từ những trải nghiệm trên của mình, chúng ta có thể nhận thấy trong những “món hàng” được nhập siêu đó, có không ít “hàng sống”, hàng kém chất lượng và cũng có những món hàng phản tác dụng từ những kịch bản gây sốc và gây lố. Ở đây, người ta cũng bắt đầu đặt nặng trách nhiệm xã hội không chỉ của giới văn nghệ sĩ, MC và những người dẫn dắt công chúng khác mà còn cả trách nhiệm trong chọn lọc, thẩm định của một số cơ quan thông tin đại chúng khi giới thiệu, quảng bá phim ảnh, các game show… cho dù đó là một phần của việc xã hội hóa các chương trình phát sóng.
Câu view, câu like, tăng lượt truy cập và tăng rating là chiêu trò, nên có lẽ điều cơ bản nhất là chúng ta - với tư cách là khán giả/độc giả/người dùng mạng xã hội - cần nhận biết để tránh mắc lỡm, tạo cơ hội cho người khác kiếm tiền dựa trên sự dễ dãi của chính mình, sự vô tình của chính mình và thậm chí là sự bực bõ của chính mình khi để lại các comment phẫn nộ. Vì dù thế này hay thế khác, thì mục tiêu của họ vẫn là “tiền thầy bỏ túi” mà thôi.
YÊN MINH