Giữ ''hồn'' cồng chiêng cho dân tộc Cil

06:01, 27/01/2022
Ở Tây Nguyên vào những ngày đầu năm mới, khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên cũng là lúc các buôn, làng mở lễ hội mừng xuân. Để có được tiếng cồng chiêng rộn rã trong lễ hội xuân, các nghệ nhân đã bỏ nhiều công sức truyền dạy cách đánh cồng chiêng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Tại xã N’Thol Hạ - huyện Đức Trọng, có 2 nghệ nhân đang ra sức giữ gìn nét văn hóa cồng chiêng của đồng bào Cil thông qua việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ - đó là nghệ nhân Ka Să Ha Je và nghệ nhân Ka Să JuLy.
 
Ông Ka Să JuLy và ông Ka Să Ha Je (đứng đầu tiên và thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đội cồng chiêng xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng.
Ông Ka Să JuLy và ông Ka Să Ha Je (đứng đầu tiên và thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đội cồng chiêng xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng.
 
  NHỮNG NGƯỜI GIỮ LỬA
 
Chúng tôi theo chân cán bộ văn hóa xã N’Thol Hạ đến thôn Bơn Rơm gặp gỡ nghệ nhân cồng chiêng Ka Să Ha Je. Vừa rót trà mời khách, nghệ nhân vừa say sưa kể về hành trình gắn bó với tiếng chiêng, tiếng cồng của đồng bào mình. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa của buôn, làng người Cil, giai điệu cồng chiêng gắn liền với cuộc sống của ông Ka Să Ha Je từ nhỏ. Khi còn trẻ, chàng trai Ka Să Ha Je học đánh chiêng với những người già thông qua các lễ hội, như: mừng lúa mới, lễ mừng thọ, lễ đón năm mới... Bằng đam mê và tình yêu đối với cồng chiêng, đến năm 18 tuổi, chàng trai Ha Je đã thành thạo cách đánh cồng chiêng, trình diễn được nhiều bài cồng chiêng truyền thống. Từ đó, cồng chiêng càng gắn bó với ông hơn. 
Chính từ tình yêu văn hóa truyền thống cồng chiêng của dân tộc mình, nhiều năm qua, nghệ nhân Ka Să Ha Je đã cùng với các nghệ nhân, già làng trong xã luôn nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. 
 
Nói đến đây, nghệ nhân Ka Să Ha Je từ tốn đứng dậy, mở tủ và lấy ra hai chiếc chiêng được ông cất giữ kỹ lưỡng. Ở độ tuổi hơn 80, tuy đôi bàn tay đã không còn dẻo dai, đôi mắt đã không còn tinh tường, thế nhưng mỗi khi cầm trên tay chiếc chiêng, nghệ nhân Ha Je vẫn ánh lên niềm vui và tình yêu đặc biệt đối với loại nhạc cụ dân tộc này. Ông cho biết: Bộ Chiêng của người dân tộc Cil gồm có sáu chiếc, mỗi chiếc có một tên gọi khác nhau và khi đánh chiêng, người cầm chiêng sẽ được xếp hàng theo thứ tự tên của những chiếc chiêng này. Đối với người dân tộc Cil, việc lưu giữ những chiếc chiêng được coi như là “Vật báu - Hồn thiêng” của gia đình, dòng tộc mình. Chỉnh lại nếp áo truyền thống, nghệ nhân Ka Să Ha Je cẩn thận nhấc chiếc chiêng lớn nhất đeo lên vai, ngẫu hứng đánh cho chúng tôi nghe vài nhịp chiêng rộn rã. Không chỉ truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên trong xã, nghệ nhân Ka Să Ha Je cùng với các nghệ nhân khác còn tham gia giao lưu văn hóa cồng chiêng tại các tỉnh, thành trong nước, như: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Cao Bằng và Lạng Sơn. 
 
Tạm biệt nghệ nhân Ka Să Ha Je, chúng tôi tiếp tục tìm đến thôn Yang Ly, xã N’Thol Hạ để thăm nghệ nhân Ka Să JuLy. Bén duyên với văn hóa cồng chiêng từ những ngày còn nhỏ, tiếng cồng, tiếng chiêng đã ngấm sâu vào tâm hồn của nghệ nhân JuLy. Năm nay hơn 70 tuổi, nghệ nhân JuLy đã có hơn 40 năm tâm huyết với việc sử dụng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. 
 
Theo lời của nghệ nhân JuLy: Chiêng sáu của người Cil có âm điệu khác so với chiêng sáu của người Mạ, người K’Ho. Điệu chiêng sáu của người Cil có tiết tấu chậm hơn để người múa có thể múa theo một cách nhịp nhàng, uyển chuyển. Trong tổng số mười hai bài chiêng của người Cil, có ba bài chiêng chính mà hầu như nghệ nhân cồng chiêng nào cũng phải thành thạo. 
 
Đội cồng chiêng xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng tham gia Hội thi Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn xã.
Đội cồng chiêng xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng tham gia Hội thi Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn xã.
 
  TRĂN TRỞ TÌM NGƯỜI KẾ THỪA
 
Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ở Lâm Đồng, chính quyền các cấp cũng luôn nỗ lực quan tâm, đề ra nhiều chính sách, giải pháp mới. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa dân tộc được khôi phục. Đặc biệt, sự ra đời của các đội cồng chiêng góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào được nâng lên, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam.
 
Tuy nhiên, theo các già làng, người uy tín trong đồng bào Cil, việc giữ gìn và phát huy cồng chiêng cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, trước nhịp sống của xã hội hiện đại, giới trẻ ngày càng bị ảnh hưởng bởi các thiết bị công nghệ, một bộ phận lớp trẻ ở các buôn, làng không còn yêu thích cồng chiêng, ngay cả những người trung niên, do bận rộn với cuộc sống mưu sinh nên thời gian để cùng nhau đánh cồng, đánh chiêng cũng đã không còn nhiều. Chính vì vậy, nhiều năm qua, cùng với các địa phương trong huyện, xã N’Thol Hạ đã nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thông qua việc duy trì hoạt động của Câu lạc bộ cồng chiêng trẻ xã N’Thol Hạ. Ông Lê Bá Dương - Phó Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ cho biết: “Thực hiện các chính sách về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trên địa bàn xã, được sự quan tâm của UBND tỉnh cũng như Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã mở lớp truyền dạy cồng chiêng trên địa bàn xã. Những người tham gia dạy và học chủ yếu là các nghệ nhân và các bạn thanh niên tại địa phương. Sau khi kết thúc, học viên được nhận giấy chứng nhận tham gia lớp học.
 
Qua các lớp truyền dạy cồng chiêng, những thế hệ trẻ đã được các nghệ nhân, những già làng truyền dạy lại nhiều điệu tấu chiêng, hiểu biết về nét đẹp của văn hóa cồng chiêng của đồng bào mình. Đối với những nghệ nhân như JuLy, việc tham gia dạy các lớp cồng chiêng là cơ hội để ông có thể truyền lửa đam mê và tình yêu đối với văn hóa cồng chiêng. Nói về niềm vui khi thấy thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa cồng chiêng dân tộc Cil, nghệ nhân Ka Să JuLy bộc bạch: “Tôi rất tự hào vì là người gắn bó với cồng chiêng từ ngày mới thành lập. Các thành viên biểu diễn cồng chiêng ở xã hiện nay chủ yếu là người già và trung niên. Tuy nhiên, người già đang dần già đi, lớp trẻ am hiểu cồng chiêng rất ít. Vì vậy, tìm người để duy trì và có thể tiếp nối mạch văn hóa cồng chiêng không phải là điều dễ dàng. Mặc dù đây là những rào cản lớn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vận động bà con, những người am hiểu để duy trì hoạt động phong trào, tạo nên sức sống cho cồng chiêng của đồng bào Cil. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng “truyền lửa” cho những người có đam mê cồng chiêng để phát huy vốn văn hóa truyền thống của ông cha để lại”.
 
Một mùa xuân mới đã về, trong không khí hân hoan của đất trời, của lòng người, mỗi thôn, làng, mỗi khu dân cư ở xã N’Thol Hạ lại tưng bừng, rộn ràng trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát rộn rã của núi rừng Tây nguyên. Và những âm thanh mùa xuân ấy sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng, động viên dân làng vươn lên trong cuộc sống với những ước mơ tươi đẹp. Những cống hiến của các nghệ nhân cồng chiêng như Già Ka Să Ha Je và Già Ka Să JuLy đã tiếp thêm sức sống bền bỉ của văn hóa cồng chiêng. Tin rằng, dòng chảy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng nói chung và đồng bào Cil nói riêng sẽ mãi trường tồn với thời gian.
 
  MAI THÙY