|
Minh họa: Phan Nhân |
Sáng hai mươi tám giáp Tết Nguyên đán, người người kéo về chợ huyện mua sắm. Ai ai đi qua nhà ông Hộ đều bàn tán xôn xao. Ngay trước cổng, một tấm bảng hiệu mới được mọc lên. Phía trên là ba chữ màu đỏ nổi bật: “Hộ sanh đường”. Phía dưới, hàng chữ nhỏ hơn nhưng viết rất rõ: Nhà thuốc gia truyền. Chuyên trị các bệnh nan y. Kèm theo số nhà, tên đường và số điện thoại.
- Này, này! Gia truyền là gì nhỉ?
- À, ông Hộ kể tôi nghe, cụ đẻ ra ông nội ông làm nghề thuốc Nam, sau truyền cho ông nội. Ông nội ông có nhà thuốc to nhất vùng, sau truyền lại cho bố ông, giờ thì đến ông. Bốn đời đấy! Mọi người nhìn nhau, hồ nghi:
- Ừ, ông ta ở đây đã lâu mà có thấy làm gì đâu?
- Chịu!
- Ấy, có lần ông Hộ khoe với tôi: Cụ Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam. Tôi học là để kế thừa cái nghiệp cứu người của ông cha tôi. “Nam dược trị Nam nhân” mà…
- Ấy là ông nói thế, chứ thực hư ra sao thì có trời biết, đất biết.
Khi cái bảng hiệu dựng lên, quảng cáo chữa được bệnh nan y, nên chỉ vài ngày sau, một đồn mười, mười đồn trăm. Lời đồn như bông cỏ may gặp gió bay khắp trời.
Mấy hôm sau nữa, lác đác vài người, xa có, gần có đến xin chẩn bệnh, bốc thuốc.
Hôm đó, vào khoảng nửa đêm. Trước cổng nhà ông Hộ ồn ào dăm ba cái xe máy. Tiếng người rối rít:
- Đây rồi, vào đi. Nhanh lên.
Hai thanh niên to cao khiêng một cái võng. Trong võng có một người đàn bà đang rên... Ông Hộ mắt nheo nheo, cầm đèn pin soi vào võng, hỏi:
- Có chuyện gì thế, đau hả?
- Dạ, nhà cháu hiếm muộn, hơn ba mươi tuổi mới có mang, giờ đang trở dạ. Ông làm ơn, làm phúc giúp vợ cháu…
- Ông Hộ xua tay, không không, tôi đâu đỡ đẻ. Cho ra trạm xá đi.
Giọng bà mẹ:
- Muộn rồi ông ơi, cháu nó đã thò… thò đầu ra rồi. Mà trạm xá còn xa. Tôi cắn răng cắn cỏ, ông giúp cho, cứu nhất nhân đắc kỳ vạn phúc mà…
Ông Hộ đang lúng túng chưa biết xử lý thế nào thì cô Lan, y sỹ con dâu của ông, công tác ở khoa sản bệnh viện huyện đi đâu về. Biết đầu đuôi sự việc, nói với bố:
- Không kịp đâu bố ạ. Cứ cho họ vào, để con giúp bố.
Hơn mười phút sau, một bé trai chào đời, mẹ tròn con vuông. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Lan là con dâu, chị đẹp đằm thắm. Nhiều người gọi chị là “Hoa hậu” của làng. Chị lấy con trai đầu của ông Hộ. Anh Tuân, chồng Lan là chủ tịch ủy ban nhân dân một xã cạnh thị trấn. Lấy nhau đã bốn năm rồi mà họ chưa có con. Bà Dung, mẹ chồng sốt ruột lắm. Nhưng khi ai nhắc đến đường con cháu muộn mằn là bà giải thích: Cháu nó học nghề y, tới bốn năm, nên chúng nó kế hoạch thôi. Rồi đây có mà đẻ đến… hết trứng.
Sau ca đỡ đẻ bất đắc dĩ, mọi người ra về, bà Dung vợ ông cằn nhằn: Tết nhất đến nơi, cho người lạ vào nhà để đẻ. Xui thế không biết. Mà tôi đã nói rồi, dẹp cái bảng hiệu đi. Chữa được cái gì thì chữa. Không khéo lại họa vào thân. Ông Hộ tức lắm, gắt toáng lên: Phỉ phui cái mồm bà… Nhưng cả đêm, ông Hộ nằm mà không ngủ được. Quái sao họ lại đưa gái đẻ đến nhà mình. May mà có con Lan… Rồi ông thiếp đi. Cơn mơ ập đến, ông mơ thấy gia đình bồng theo đứa trẻ sơ sinh, đẻ ở nhà mình đến để cảm ơn. Giọng một người đàn bà, chừng là mẹ chồng:
- Thưa cụ… nhờ có cụ nên gia đình chúng tôi mới được ăn một cái tết vui vẻ. Hôm nay, chúng tôi có chút quà mọn, cây nhà lá vườn, gọi là thay lời cảm tạ, xin cụ nhận cho. Ôi, đàn ông vượt bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn một thân một mình… Ơn cụ!
Ông Hộ ngượng lắm, gọi riêng anh con trai có vợ mới sinh, hỏi:
- Này, ai giới thiệu mà anh đưa vợ ra đây. Tôi chỉ chẩn bệnh thông thường và kê đơn bốc thuốc thôi…
- Dạ, có gì đâu, biết vợ cháu sắp ở cữ, hôm trước, khi qua đây cháu thấy bảng hiệu trước nhà cụ ghi “Hộ sanh đường” nên cháu... Ông Hộ ngắt lời:
- Giời ạ! Hộ là tên tôi, sanh đường là nơi khám và chữa bệnh.
- Thì cháu thấy chữ hộ sanh, cháu đoán là đỡ đẻ… thế mà đúng. Dạ, nhờ nhà thuốc mát tay nên vợ con cháu được vuông tròn. Một lần nữa gia đình cháu xin cảm ơn cụ… Anh thanh niên xách túi quà khá to, tiến đến ấn vào tay ông, miệng lẩm bẩm, dạ cảm ơn cụ, cảm ơn cụ. Ông Hộ đẩy ra không nhận, anh thanh niên lại ấn vào người ông. Hai người giằng co, túi quà toàn những khoai lang sống và trái bưởi, nặng lắm đã làm ông té ngửa, đầu đập xuống nền nhà gạch men. “Bốp”. Ông giật mình kêu lên: Ôi chết tôi rồi. Thế là ông tỉnh. Người vã mồ hôi.
Ông Hộ lẩm bẩm: Hừ “Hộ sanh đường”. Chả lẽ huyện bên có hiệu “Tế sanh đường” cũng là đỡ đẻ sao? Vớ vẩn, tên nhà thuốc Đông y mà nhầm tai nhầm hại. Mai gọi thằng Phố họa sỹ ở thị trấn đến viết lại cái bảng kẻo rách việc.
Thế là hết một đêm. Ngoài kia, trời đã sáng.
Bẵng đi mấy hôm, chiếc bảng hiệu được thay. Nội dung đã đổi: Hàng trên là bốn chữ bằng màu xanh lá cây, in đậm: “Nhà thuốc gia truyền”. Phía dưới viết rõ tên bệnh cần chữa trị bằng màu trắng: “Chuyên trị: Đau răng, rắn cắn, đau mắt, thận hư, gan nóng, gãy xương, chó cắn, thần kinh tọa. Đặc biệt chữa vô sinh”. Xoay đi xoay lại, nhìn tấm bảng hiệu, ông Hộ đắc ý:
- Hai năm rõ mười nhé, đừng để tôi phải đỡ đẻ lần nữa…
* * *
Ông Hộ vừa bước vào tuổi bảy mươi, ông không được đạo mạo, hồng hào, tóc trắng, da mồi như những ông làm nghề thuốc Bắc, thuốc Nam mà tôi từng gặp. Người ông nhỏ thó, có râu mà không có tóc. Cặp kính lão gọng đen, hai mắt kính to và dày, không hợp với khuôn mặt hình chữ V của ông, nên nó chỉ muốn trượt khỏi cánh mũi, làm ông luôn phải lấy tay đẩy ngược lên.
Sau tết vài tuần, có đôi trai gái, có lẽ là vợ chồng. Họ cùng cỡ tuổi trên dưới ba mươi, tìm đường hỏi thăm.
- Dạ, ông cho cháu hỏi, đây có phải nhà thuốc của ông Hộ không ạ?
- Ông Hộ hỏi kháy: Anh có biết chữ không?
- Dạ, sao ông nói vậy ạ?
- Nhìn bảng hiệu thì biết chứ!
- Vâng, cháu xin lỗi ông. Cháu đến để xin khám bệnh bốc thuốc ạ.
- Bốc thuốc! Thì vào.
Cạnh gian giữa nhà, ông kê hai kệ tủ chia ra nhiều ngăn. Mỗi ngăn chứa một loại thuốc. Nào là: Nhục thung dung, Bạch truật, Sâm cau, Dâm dương hoắc, Táo tàu, Câu kỷ tử, Nhân sâm, Thảo quả… được đựng trong các lọ thủy tinh có dán tên, hàng trên là chữ Nho, dưới là chữ Việt.
Anh thanh niên có vẻ lúng túng:
- Dạ thưa… thầy, đây là vợ cháu. Chúng cháu lấy nhau đã bốn năm. Ai cũng khỏe mạnh… nhưng vẫn chưa có con. Chúng cháu đi nhiều nơi, dùng nhiều cách mà… vẫn không đẻ được. Nay nghe tin nhà thuốc ta đây chữa được vô sinh, cháu đến để trăm sự… nhờ thầy ạ.
- Vậy thì anh chị tìm đúng chỗ rồi đấy. Quay sang người đàn bà, ông gọi, cô lại ngồi đây để tôi bắt mạch. Ngón chỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn bàn tay phải của ông Hộ rà rà lên ba huyệt Thốn, Quan, Xích trên tay trái cô gái, miệng lẩm bẩm:
Tả thốn Tâm, Lạc rành rành
Tả quan Can, Đởm hiện hình chẳng sai…
Ngửa đầu ra sau, cẩn thận đẩy cái kính lên trên sống mũi, ngắm cô gái một chút, ông chậm rãi nói:
- Cặp thận của cô hư lắm. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân… không có con. Nhìn nước da của cô tôi đã đoán được bảy tám phần. Còn anh, súng ống chắc không tồi, nhưng… tại chị, tại chị. Thôi để tôi bốc thuốc cho. Mười thang, mỗi thang ba trăm ngàn. Cứ ba ngày sắc uống một thang. Ghé vào tai anh chồng, ông nói đủ nghe: Này, nhớ phối hợp. Cứ mỗi thang anh… phang một nhát... Sau một tháng hết thuốc là… trúng y phóc. Anh chồng chưa hiểu hỏi:
- Dạ, phang nhát gì ? Trúng y phóc là sao hả thầy?
- Ha ha, thế mà cũng hỏi. Chậm có con là phải…
Chẳng rõ cái tài chữa bệnh của ông Hộ thế nào, nhưng tiếng đồn khen có, chê có thì loạn cả lên; rằng là:
Hỏi: Cháu nó làm sao?
Trả lời: Dạ nó ỉa ra mũi… ông ạ!
Hừm… Kiết lỵ đấy. Uống nắm lá này là khỏi. Thế là khỏi thật.
Hỏi: Này cháu nó làm sao?
Trả lời: Dạ cháu nhổ răng ạ.
Hừ… thì há mồm ra.
Bỗng thằng bé rú lên, máu chảy đầy miệng. Thì ra ông Hộ nhổ cái răng… không đau. Vân vân và vân vân…
* * *
Bẵng đi chừng một tháng. Trung tuần tháng tư, vườn cải trổ ngồng, hoa vàng rực cả vườn. Ông Hộ tâm trạng đang vui, vừa tưới rau vừa hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Dù…”. Vừa đến chữ “dù” thì có tiếng bà Dung, vợ ông gọi giật giọng:
- Ông Hộ, bỏ đấy. Vào ngay. Có khách!
Ông quẳng chiếc thùng. Quần chân thấp chân cao chạy vội vào. Tay phải ông nâng cặp kính lên sống mũi để nhìn cho rõ. Trước mặt ông có bốn năm người. Người đầu tiên ông nhận ra là anh Hào, Trưởng phòng Y tế huyện. Bên cạnh, là ông Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của thị trấn. Ôi, đâu phải là khách chữa bệnh, lại cả hai anh công an nữa…
- Báo với ông, anh Hào lên tiếng. Chúng tôi nhận được đơn tố cáo ông về việc khám bệnh, bốc thuốc… gây hậu quả nghiêm trọng.
- Anh nhầm rồi, tôi làm nghề… gia truyền…
- Ông cho kiểm tra giấy phép hành nghề. Anh công an lên tiếng.
- Không, gia truyền thì… cần gì giấy phép. Mà ai tố cáo tôi.
Ông Phó Chủ tịch thị trấn mở cặp, rút ra tờ giấy, đọc tóm tắt:
- Đây, ông nghe cho rõ… “Chúng tôi là… hiếm muộn con… ông Hộ sanh đường bốc thuốc… Sau một tháng, uống mười thang, vợ tôi bụng ngày càng to, tưởng có thai. Đi khám mới biết gan, thận phù lên hết… Chúng tôi tố cáo và xin được giải quyết hậu quả… Ký tên…”.
Ông Hộ mặt xanh như đít nhái. Còn vợ ông kêu lên một tiếng rồi gục xuống.
- Chúng tôi thông báo - Ông Phó Chủ tịch thị trấn trịnh trọng - kể từ hôm nay, tạm đình chỉ cơ sở khám chữa bệnh chui của ông để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý. Giọng ông nghiêm hẳn lên: Chúng tôi cũng có khuyết điểm là buông lỏng công tác quản lý. Nhưng muộn còn hơn không, cũng may mà còn kịp. Ông Phó Chủ tịch đưa tờ giấy cho ông Hộ:
- Đây, ông đọc rồi ký biên bản.
* * *
Vài ngày sau, mọi người đi qua nhà ông Hộ, lại được dịp bàn tán:
- Ô! Ông Hộ không “Hộ sanh đường” nữa à?
- Hộ với sanh gì nữa. May mà cái cô uống thuốc hiếm muộn được bệnh viện thành phố điều trị kịp thời, không thì… ông Hộ có mà đi… bóc lịch.
- Ha ha… chữa vô sinh… chút nữa thì hết đường sinh...
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin