“Nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật trong tình hình mới” là chủ đề hội thảo vừa được Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng tổ chức, nhằm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đông về số lượng, mạnh về chất lượng, có năng lực sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, đoàn kết, gắn bó đưa Hội thực sự trở thành mái nhà chung sáng tạo.
Chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo |
Phát biểu đề dẫn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng nhấn mạnh: “Những năm gần đây, hoạt động VHNT ở Lâm Đồng diễn ra rất sôi nổi và có nhiều khởi sắc. Mỗi năm, đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội sáng tác được hơn 3.000 tác phẩm (văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh...), trong đó có hàng trăm tác phẩm đoạt giải tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, số tác phẩm đỉnh cao, làm rung động lòng người, “đi cùng năm tháng” còn rất hiếm hoi. Điều trăn trở lớn nhất là làm gì, làm như thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác. Có thể đưa ra 5 nhóm giải pháp sau đây để chúng ta cùng nhau bàn thảo: Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả các trại sáng tác VHNT; tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác VHNT; đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm VHNT; tăng cường hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, kết nạp hội viên trẻ và tài năng; tiếp tục đổi mới Tạp chí Lang Bian.
Nhiều ý kiến tham luận của các văn nghệ sĩ đã đề cập đến việc nâng cao chất lượng tác phẩm, chất lượng Tạp chí Lang Bian ở cả 2 mặt lý luận và thực tiễn. Báo Lâm Đồng xin trích dẫn một số ý kiến tâm huyết cùng bạn đọc:
• Nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh: Tạp chí Lang Bian của Hội VHNT Lâm Đồng phát hành hàng tháng thường dành nhiều trang để in thơ của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Mỗi số tạp chí đăng khoảng 15-20 bài thơ; trong 12 số của năm 2020, tạp chí đã đăng tải 196 bài thơ, trong đó, 122 bài thơ của các tác giả Lâm Đồng, 73 bài của các tác giả các tỉnh, thành trong nước. Những người làm thơ, yêu thơ, độc giả của Lang Bian luôn quan tâm đến chất lượng thơ, luôn chờ đợi được gặp, được đọc, được suy tư, rung động với những bài thơ hay. Đây không chỉ là sự mong ước đơn thuần mà chính là yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, của thời đại. Cái cốt lõi, cơ bản nhất, bao trùm nhất và quan trọng nhất khi nhà thơ đến với người yêu thơ, với độc giả là bằng tác phẩm của mình chia sẻ, trao gửi cho họ năng lượng sống tích cực, động lực tinh thần để vươn lên đạt tới chân, thiện, mỹ. Thơ trên Tạp chí Lang Bian đang ngày càng cố gắng thể hiện rõ điều này. Để nâng cao chất lượng thơ, không ít tác giả đã làm mới hình thức diễn đạt sáng tạo và áp dụng những biến tấu nhịp điệu, vần điệu mới cho những thể thơ truyền thống và đôi khi chỉ đơn giản bằng cách ngắt câu, xuống dòng. Tuy nhiên, lác đác vẫn có những bài thơ, những câu thơ bi lụy quá, buồn quá.
•
Nhà văn Nguyễn Thượng Thiêm: Để nâng cao chất lượng Tạp chí Lang Bian, đối với người sáng tác cần bám sát chủ đề mang tính thời sự theo từng số tạp chí. Ví dụ số tháng 7 tập trung cho đề tài thương binh, liệt sĩ, bỗng “lọt” một bài tản văn “cảm xúc mùa xuân”, người đọc sẽ cảm giác “khó vào” dù bài viết có hay đến mấy. Cần coi trọng yếu tố địa lý, thế mạnh của vùng đất như: du lịch, nghỉ dưỡng, nông sản trà, cà phê, dâu tằm... để tô đậm sắc thái riêng biệt của người và đất Đà Lạt - Lâm Đồng. Tạp chí phải mang yếu tố “văn” hơn “báo”, nên tác phẩm phải thổi hồn văn học vào từng câu từ, ý tứ (kể cả với bút ký, tránh liệt kê số liệu, “xào” báo cáo sống sượng) thì mới tạo sức lôi cuốn người đọc. Không “báo chí hóa” tạp chí. Hiện nay, vẫn còn nhiều truyện ngắn như ký, nhiều ký thiếu chất văn nên khô khan như một báo cáo, thống kê. Với ban biên tập, phải thật khách quan, minh bạch, trong sáng khi đón nhận tác phẩm của người viết, tránh “văn ta thì hay - vợ người thì đẹp”. Cần trao đổi với tác giả những vấn đề chưa thống nhất khi quyết định đăng hay không đăng. Tác phẩm nào hay, phù hợp với tiêu chí thì chọn in. Một tác giả có thể giới thiệu hai, ba tác phẩm trong 1 số tạp chí. Không nhất thiết “chia” tháng này đăng của tác giả A thì tháng sau để dành cho tác giả B, mang tính chất cào bằng cho “có cả làng”. Nên cần có ban biên tập cho từng chuyên ngành để cùng thẩm định tác phẩm.
•
Nhà thơ Túy Tâm: Tạp chí Lang Bian là linh hồn của Hội VHNT Lâm Đồng. Nội dung minh chứng chất lượng sáng tạo của văn nghệ sĩ địa phương. Thơ Lâm Đồng từ trước đến nay vẫn mượt mà, đằm thắm, vẫn mang phong cách truyền thống như xứ sở mộng mơ, vẫn trữ tình, vẫn hay, không thua kém gì so với các Hội bạn trong khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên. Nhưng nhìn lại, chưa có tác phẩm ấn tượng, “gây bão” thích thú cho bạn đọc. Ta vẫn quen lối dàn trải, kể lể, bộc bạch, thiếu những câu thơ nặng ký, ẩn dụ, đa nghĩa, đa tầng, mới lạ.
Tư tưởng xuyên suốt trong các truyện ngắn trên Tạp chí Lang Bian cũng vậy. Chúng ta mãi khai thác đề tài chiến tranh chống thực dân và đế quốc. Dẫu rằng quá khứ đấu tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của cha anh là trang sử oai hùng của dân tộc, là thiêng liêng đáng trân quý, tự hào, không được phép lãng quên. Nhưng nội dung truyện nào cũng nhắc, cũng kể về chiến tranh thì nhàm chán. Nếu vậy, sao không xây dựng những tác phẩm về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Hay chân dung những chiến sĩ bộ đội, công an, các y, bác sĩ ngày đêm trên trận tuyến trấn áp tội phạm, phòng, chống đại dịch. Hoặc phê phán thói tham lam, cơ hội, đục khoét của công nhằm ngăn chặn nạn tham ô, tham nhũng... Chúng ta chưa có những cây bút dũng cảm “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Đứng trước những mặt trái, thơ văn cũng phải sắc như lưỡi dao mới góp phần “giải phẫu” những ung nhọt trên cơ thể xã hội.
Tạp chí của chúng ta lâu nay thiếu những cây bút lý luận, phê bình. Có những tác phẩm yếu lọt sàng vào tạp chí, không được góp ý, không có phân tích hay, dở. Nhiều bạn đọc ví von Tạp chí Lang Bian như tiểu vương quốc ngôn ngữ an toàn. Các cư dân thơ, truyện rất chỉn chu. Những phong cách thể hiện mới chưa dung nạp. Ta ngợi ca vẻ đẹp hoa hồng thì cũng mạnh dạn bóc trần những cỏ dại mang mầm độc tố. Có như thế nội dung tạp chí mới phong phú, hấp dẫn.
QUỲNH UYỂN lược ghi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin