Nhớ những ngày Tết chưa xa

12:01, 28/01/2022
Có những kỷ niệm đi theo chúng ta đến hết cả cuộc đời. Hình như, những kỷ niệm êm đềm và không êm đềm thường để lại vết hằn trong ký ức theo năm tháng, trong đó có những kỷ niệm của những ngày Tết chưa xa. 
 
Chợ Tết Gia Lạc 200 năm trước
Chợ Tết Gia Lạc 200 năm trước
 
1. Quê tôi, Bắc miền Trung những năm ấy hầu như cả năm chỉ có hai lần được ăn thịt heo (thịt lợn) đó là dịp Tết Độc lập 2-9 và Tết cổ truyền của dân tộc. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi đếm từng ngày để mong cho Tết đến nhanh vì sẽ được ăn thịt. Tôi nhớ những năm ấy cứ khoảng chiều 29 Tết thì cả làng “thơm phức”. Còn nữa, chúng tôi đếm từng ngày từ 23 tháng Chạp ông Táo về trời để mong Tết đến nhanh vì sẽ được mẹ mua cho quần áo mới. Chúng tôi đâu biết rằng để mua đủ 5 bộ quần áo cho 5 anh em tôi, mẹ đã phải bươn chải chật vật trước đó cả mấy tháng trời, đốt than, bán củi. Thế nhưng, dù sao cũng có cái tiện là cả năm chỉ mua một lần rồi dùng suốt trong năm, muốn mua, ai bán mà mua và lấy đâu ra tiền để mua. Nửa đêm thức giấc, tôi nghe tiếng mẹ thở dài thườn thượt nói với cha tôi rằng thằng V (em tôi) năm nay cao lớn quá chắc là phải mua quần dài hơn. Có điều, những năm ấy, chúng tôi cũng không được chọn quần áo cho mình mà do cửa hàng mậu dịch chọn. Quần áo ở cửa hàng mậu dịch thì chỉ có những “số” nhất định nên thường mua về rồi mẹ tôi sẽ căn cứ chiều cao của mỗi đứa mà vén lên hay nối ống xuống. Còn nhớ, năm ấy mua được chiếc áo sọc đẹp nên tôi không thể nào nhịn thèm hơn được nữa mà vội vàng mặc đi học những ngày gần Tết cho nó “mới”. Thế rồi, một bụi gai bên đường đã xé toạc một miếng áo bên phải. Tôi sợ không dám mách mẹ nên vội vàng kiếm miếng vải vá vào. Thường người ta vá áo là để miếng vải bên trong, tôi đâu biết lại để bên ngoài, nên đi tới đâu tôi cũng phải lấy tay che chỗ miếng vá. Giờ học toán gần cuối năm, thầy gọi tôi lên bảng, tay cầm phấn viết nên không thể che nổi miếng vá, cả lớp cười rần rần. Thầy tôi đỏ mặt la cả lớp: Im đi, áo vá không sao, học giỏi là được, cả lớp ngồi im thin thít. Chiếc áo ấy sau này mẹ may lại nhưng nó cũng theo tôi tới mấy năm trời, vì được cái “may” tôi chậm lớn...
 
2. Gần Tết là mùa cấy lúa chiêm ở quê tôi nên nhà nào cũng phải cố cấy cho xong để ăn Tết cho ngon. Có năm, chiều 30 Tết mà cha mẹ tôi vẫn chân lấm tay bùn làm cho hết đám ruộng. Chúng tôi ở nhà được giao ra sân kho hợp tác xã để nhận thịt và cá (năm ấy có cá vì hợp tác xã tát ao). Vì là trẻ con lại ra trễ nên chỉ còn thịt nạc đem về, thịt mỡ đã được người đi trước lấy hết. Ai cũng tranh lấy thịt mỡ bởi rán mỡ để và dùng được lâu. Có nhà lấy phần được miếng thịt mỡ về cũng chỉ dám dùng cho Tết một chút, còn lại vùi xuống đáy bồ muối để dành cho đám giỗ tận tháng 5. 
 
Tết, có lẽ vui nhất chính là đêm 29, cả làng râm ran đi chợ Tết. Có năm, khi các em còn nhỏ tôi được mẹ giao cho một con gà trống thiến to nhất đàn ôm đi chợ bán. Đi bộ từ 5 giờ sáng, trời rét căm căm đến hơn 6 giờ thì đến chợ. Không khí chợ Tết ở quê đặc biệt đến mức cho dù ta có đi hết cuộc đời vẫn nhớ mùi ngai ngái của nó. Tiếng người cười nói, chào hỏi nhau, trả giá mua, bán râm ran. Vài ba người trả giá con gà từ 250 đồng, rồi 260 đồng, đến 270 đồng tôi vẫn không chịu bán vì thấy mỗi lúc người trả giá càng cao. Thế rồi, mặt trời đứng bóng, chợ thưa dần, tôi bắt đầu lo. Tôi đâu biết rằng ở quê tôi, chợ Tết chỉ họp chừng 10 giờ là đã tan. Bây giờ thì có khi cho tới đêm chiều muộn chợ vẫn còn họp. Những người làng đi cùng thúc giục phải bán mau để về còn đi rước “ông bà ông vải”. Vậy là có người trả giá 140 đồng, tôi đồng ý bán luôn để về cho kịp. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi được đi chợ Tết sáng 30, bởi sau đó hàng năm dù rất muốn đi nhưng em kế tôi đã lẻn đi từ lúc nào nên tôi đành tự nguyện ở nhà để giúp mẹ và chăm 3 đứa em.
 
3. Bà tôi trồng cây đào không biết từ khi nào, nhưng khi tôi lớn lên, nó đã là cây đào cổ thụ, cành lá sum suê. Năm nào cũng vậy, những người làng đến xí phần, đánh dấu vào cành đào mà mình sẽ chặt đem về trưng Tết để rồi 27, 28 Tết cắt về, đốt gốc, dựng lên bàn thờ. Sáng 30 Tết, mỗi nhà đều mua 2 cây mía để hai bên bàn thờ làm gậy cho ông bà, ông vải chống. Tôi có những bà cô trên bàn thờ mất khi tuổi còn rất trẻ nhưng vẫn có gậy là 2 cây mía để chống, vì cứ quan niệm đã là ông vải thì phải chống gậy. 
 
Chiều 30 Tết, hầu như tất cả mọi người trong làng đều đi ra nghĩa địa để rước ông bà, ông vải về nhà con trưởng ăn Tết. Chúng tôi mang theo cuốc, nhang, hộp quẹt (bao diêm) để dọn dẹp xung quanh khu mộ và sau đó thắp nhang, khấn mời những người thân đã khuất về ăn Tết. Sau khi thắp nhang xong, phải lấy một que nhang trên mộ cầm về. Đi dọc đường nếu cây nhang bị gió thổi tắt hoặc cháy hết thì phải đốt cây khác để “ông bà biết đường mà theo con cháu về”. Tới nhà, thắp que nhang ấy lên bàn thờ và coi như Tết đã bắt đầu vì ông bà, ông vải đã ngự trên bàn thờ. Sau khi đón ông bà, ông vải thì một việc không thể thiếu là tất cả trẻ con chúng tôi đều được tắm nước hạt mùi thơm với quan niệm để tẩy rửa những ô uế của một năm cũ và đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới. Vừa tắm cho các con, mẹ tôi vừa căn dặn sáng mùng một Tết không được quét nhà, vì quét nhà thì của cải trong nhà sẽ đội nón ra đi. Tết không được nói tục, không giận hờn vì như vậy cả năm sẽ giận hờn. Tết phải vui thì cả năm sẽ vui, kiêng nói những từ như chết, giết, tử... vì nói vậy sẽ “xui” (rủi) cả năm. Có chuyện nực cười, năm ấy làng tôi có một chị sinh con đúng sáng mùng một Tết. Trưa đó, khi vài người đến chúc Tết cho biết thông tin này, em tôi liền nhanh nhảu hỏi mẹ tôi: “Vậy là đẻ cả năm hả mẹ”!
 
Một việc không thể thiếu là đi đơm Tết. Theo tục lệ quê tôi, người anh cả sẽ chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, tôi thấy có những nhà trên bàn thờ có tới ba mươi mấy bát hương (bát nhang). Quê tôi có tục lệ kiêng cữ đầu năm nên hầu như sáng mùng một Tết, nếu có ai đó đi trên đường thì chỉ hoặc là đi xông nhà (xông đất) theo lời mời trước đó của gia chủ, hoặc đi đơm Tết. Mâm đơm là những món được chọn ngon nhất trong dịp Tết và bê đến nhà bác cả. Bởi vậy mà có những người làm trưởng họ, mỗi Tết mâm đơm để ra tới tận sân. Có năm gặp phải trời nồm (nóng) thì ôi thôi làm mồi cho lũ ruồi. 
 
Cuộc sống hôm nay đã phát triển nhiều so với trước, chẳng mấy ai hoài cổ đến mức mong muốn những cái Tết nghèo như xưa nữa. Thế nhưng, cứ mỗi khi Tết đến, xuân về, những hình ảnh của Tết xưa lại ùa về như mới hôm qua.
 
TRUNG KIÊN