Chuyên gia Việt làm rõ 'Một nửa sự thật' trong 'Nhân tố enzyme'

06:02, 25/02/2022
Làm rõ những giả thuyết trong "Nhân tố Enzyme," cuốn sách "Một nửa sự thật" sẽ giúp người dân Việt Nam tổng hợp thông tin và tìm ra phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất cho mình.
 
Cuốn sách giúp người dân Việt Nam có nhận thức đúng đắn hơn về sức khỏe của mình
Cuốn sách giúp người dân Việt Nam có nhận thức đúng đắn hơn về sức khỏe của mình
 
Một nhóm bác sỹ và chuyên gia về dinh dưỡng vừa ra mắt cuốn sách “Một nửa sự thật” cung cấp những kiến thức khoa học để người dân Việt Nam tự chăm sóc sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh.
 
Các tác giả cũng đưa ra những phản biện về cuốn sách “Nhân tố enzyme” của bác sỹ Hiromi Shinya, xuất bản lần đầu năm 2005 tại Nhật Bản, sau đó trở thành hiện tượng xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
 
“Nhân tố enzyme” giới thiệu cho người đọc cách hoạt động của enzyme cũng như sự ảnh hưởng của chúng đến cơ thể. Nhiều người Việt đã thực hành phương pháp thực dưỡng, chữa bệnh theo gợi ý trong sách mà thiếu đi kiến thức khoa học và lời khuyên từ bác sỹ.
 
Do đó, Thạc sỹ quản trị chất lượng chuyên sâu về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành; Tiến sỹ-bác sỹ Trần Phạm Chí, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Huế và Tiến sỹ-bác sỹ Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa Bệnh viện Kyoto Miniren, Nhật Bản, quyết định xuất bản cuốn sách “Một nửa sự thật” để giúp người dân Việt Nam có nhận thức đúng đắn hơn về sức khỏe của mình.
 
Thạc sỹ Vũ Thế Thành khẳng định nhóm tác giả không phản bác giả thuyết cũng như phương pháp ăn uống của bác sỹ Shinya mà họ chỉ muốn làm rõ các vấn đề, để cộng đồng không vội vàng chạy theo những kiến thức chữa bệnh không có cơ sở, gây tốn tiền mà không mang lại nhiều hiệu quả.
 
Cụ thể: Bác sỹ Hiromi hạ thấp các thực phẩm như sữa bò, trà xanh, muối tinh, đường trắng, dầu ăn… Ông cho rằng đa số dầu ăn trên thị trường đều có chất béo trans (trans fat) và khuyên mọi người nên dùng các thực phẩm thay thế đắt tiền khác. 
 
Thạc sỹ Thành cho rằng điều này là hoàn toàn không đúng vì muốn tạo ra chất béo trans trong dầu ăn thì người ta phải bơm khí hydrogen vào dầu cùng chất xúc tác. Dầu tinh luyện trên thị trường có lượng chất béo trans không đáng kể. Bác sỹ Shinya không hiểu quy trình sản xuất dầu tinh luyện nên làm hoang mang các bà nội trợ.
 
Là một bác sỹ chuyên ngành ung thư, bác sỹ Phạm Nguyên Quý cho biết ông cũng “té ngửa” về các quan điểm của bác sỹ Hiromi Shinya trong việc coi các loại thuốc chống ung thư không khác gì thuốc độc giết người và khuyên người bệnh “tốt nhất là không dùng,” thay vào đó là ứng dụng phương pháp thực dưỡng Shinya.
 
“Ông Shinya không phải là bác sỹ chuyên khoa hóa trị nên không hiểu lợi ích của hóa trị trong nhiều tình huống thực tế. Ông cũng xem enzyme là yếu tố độc tôn và cho rằng mọi loại hóa trị đều phá hủy enzyme… Quan điểm này sẽ làm nhiều người bệnh tự động từ chối hóa trị sau mổ, trong khi nó có thể lại là phương thức giúp ngăn ngừa tái phát tốt nhất và cải thiện thời gian sống trong nhiều tình huống ung thư,” bác sỹ Quý cho biết.
 
Các tác giả cho rằng phản biện khoa học là công việc vất vả nhưng cần thiết để người dân Việt Nam tổng hợp thông tin và tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho mình.
 
Cùng với việc xuất bản cuốn sách, thương hiệu Sách và Tri thức y học MedInsights kết hợp cùng Dự án Y học cộng đồng sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hội thảo để các chuyên gia trao đổi những kiến thức khoa học hữu ích thật sự cho người dân quan tâm.
 
(Theo Vietnam+)