Hoa ban trắng Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang |
Đầu xuân có nhiều dự cảm, dự cảm bắt đầu cho một năm mới với nhiều ước mong. Đầu xuân bắt đầu bằng tháng Giêng cũng là tháng có rất nhiều hoài niệm nhung nhớ. Bởi sau cái Tết đoàn viên, sum vầy lại sắp chia tay; và thiên nhiên thì rạo rực tươi xanh lộc biếc, những chùm mai, cành đào còn mang sắc Tết còn vương vấn sắc vàng, sắc đỏ - Tất cả đều thắm tươi bừng sáng và ấm áp biết bao. Mưa đầu xuân cũng lây phây rắc hạt, mưa sương mưa gió như dệt tấm lụa mỏng mảnh đan cài thắm thiết. Thi sĩ Nguyễn Việt Chiến đã từng ngẩn ngơ: “Tháng Giêng mưa dưới bến - Mỏng manh cô lái đò - Mưa em mưa lúng liếng - Trói tôi bằng vu vơ”. Còn thi sĩ ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từng thốt lên: “Tháng Giêng ngon như cặp môi gần”. Một rạo rực đê mê, đắm đuối được cảm nhận bằng tính từ “ngon” với khát khao dâng hiến, khát khao đón nhận tình yêu…
Mùa xuân là mùa đẹp nhất của vòng tuần hoàn một năm và tháng Giêng được xem như tháng giao mùa, tháng khởi đầu giữa cũ và mới. Cái vòng giao thoa đó như một sắc cầu vồng lung linh tỏa rạng từ tâm hồn con người đến sức sống trỗi dậy, đâm chồi, nảy lộc của thiên nhiên. Tất cả hòa vào nhau với sự cộng hưởng thao thiết, là nơi gặp gỡ và hội tụ những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ, hoàn hảo nhất, đó là bậc thềm năm mới khởi đầu sự may mắn trọn vẹn cho quảng đường một năm sắp tới. Ta dự cảm và trực cảm được những thử thách những tôi luyện, những bền chắc và sức xuân tháng Giêng là bệ phóng, cái đà cho sự phát triển. Ta có cảm giác tháng giêng có vẻ dài rộng, thư thả hướng về miền tâm linh để cầu mong những điều tốt đẹp sắp đến. Lòng người như rộng mở trước trời đất, vạn vật sinh sôi nảy nở xua tan những trăn trở và dễ bao dung tha thứ. Đó là tình nhân ái cộng đồng hướng tới cõi thiện với vẻ đẹp nhân văn bao đời. Vì thế, mỗi người gặp nhau trong năm cũ chào nhau với lời hẹn, lời ước: Ra Giêng nhé! Ra Giêng như là một kí ước, một đồng vọng, một tri ân, một sẻ chia. Ra Giêng như viễn cảnh thật gần gũi mở ra bao niềm hân hoan.
Dự cảm đầu xuân gắn liền với hoài niệm tháng Giêng cho ta nhớ về bao lễ hội đã qua, bởi năm nay do đại dịch COIVID-19 không thể tổ chức được các lễ hội truyền thống từ bao đời. Nhưng trong dư âm, trong kí ước mọi người còn vẹn nguyên vẻ đẹp các sắc màu, âm thanh náo nức tưng bừng sum vầy của những lễ hội hay các cuộc gặp gỡ thân thiết đầu năm để “ôn cổ tri tân”, nhớ ngày, tháng cũ và hẹn ước những ngày xuân mới. Còn vẹn nguyên trong ta khi công việc đồng áng tạm được gác qua một bên; lúa đã cấy xong, ngô, đậu vẫn đang chờ bắt sâu, làm cỏ chợt vọng trong kí ức ta khai hội tiếng trống “thùng thình”, xa xa cờ phướn ngũ sắc phấp phới tung bay. Nếu không có đại dịch, hội làng sẽ được tổ chức tại sân đình với đủ loại sản vật trên tay, với bao gương mặt người thân, họ tộc, những người con xa xứ. Ôi, tay bắt mặt mừng hân hoan, tháng Giêng như trẻ ra, tháng Giêng như gần lại, tháng Giêng như một vòng tay đầm ấm sum vầy. Thường, lễ hội tháng giêng dành cho người đã mất, đã khuất với phần linh thiêng long trọng; còn phần hội diễn ra thật rộn rã với đủ hình thức diễn xướng giải trí như: kéo co, chơi đu, đánh cờ người… Đất nước ta có bao lễ hội được bạn bè quốc tế yêu thích như: hội chùa Hương, hội Lim quan họ… Dự cảm tháng Giêng chính là mong ước đại dịch sẽ chóng qua để trả lại những tưng bừng thân ái, những sắc màu văn hóa truyền thống đã ban tặng dành cho tháng Giêng là “kỳ nghỉ phép” của những người dân nền văn minh nông nghiệp lúa nước để chuẩn bị tâm thế và sức lực cho những mùa màng sắp tới.
Dự cảm đầu xuân được bắt đầu từ câu thành ngữ “Lễ rằm quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng”. Đây là rằm đầu tiên của năm mới hay còn gọi là Tết Thường Nguyên (Tết Nguyên tiêu) trăng rằm trong sáng đầu tiên tròn đầy chu kỳ xuân mới là khi âm dương giao hòa cũng là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện những điều an lành cho cả năm. Ta bất chợt nhớ đến bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Bác Hồ kính yêu viết trong những năm kháng chiến chống Pháp qua bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy: “Đầu xuân lồng lộng trăng soi - Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân - Giữa dòng bàn bạc việc quân - Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Chỉ với hai câu thơ đầu, người thi sĩ lãnh tụ kính yêu đã nhắc đến ba chữ “xuân”. Về không gian nghệ thuật “Rằm tháng Giêng” được họa đủ ba chiều: xa rộng, cao và sâu đều tràn ngập ánh trăng là màu trăng thanh tịnh mà tỏa sáng chuyển động mà an nhiên, khoan thai mà từng trãi pha nét tươi trẻ, phấn khích lãng mạn. Đó là dự cảm về tương lai từ “Rằm tháng Giêng” của con thuyền cách mạng bát ngát ánh trăng, vẻ đẹp lý tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp tháng Giêng hứa hẹn những thành công sắp tới.
Dự cảm đầu xuân là hội tụ nhưng khoảnh khắc giao hòa giữa đất trời với lòng người khi trong rét ngọt dịu dàng với hơi nồng nắng ấm. Rồi sẽ bước qua tháng Giêng với vẻ đẹp nguyên sơ mơn mở rạo rực phồn sinh của thiên nhiên, lòng ta như lắng lại trước cái ngập ngừng ân tình chạm đến cái lõi thiện, phận người trong mấy câu thơ tài hoa mà ám ảnh gan ruột không thôi day dứt của nhà thơ trẻ Vũ Dạ Phương: “Đầu xuân đi hái lộc xuân - Hoa xuân tặng bạn, nụ mầm tặng anh - Giơ tay định ngắt mấy lần - Thấy xuân mơn mởn trong ngần lại thôi”. Ôi, những chồi xuân lộc xuân rỡ ràng thế kia,biêng biếc thế kia đang vươn lên sự sống đang hứa hẹn tương lai ai nở ngắt. Cầu mong sức sống, sức xuân luôn tươi và thắm xanh mãi mãi. Cầu mong những số phận không may mắn trong cuộc sống, trong đại dịch COVID-19 sẽ sớm được hồi sinh, phục xuân trong vòng tay ấm áp của cộng đồng. Và “Mùa xuân là Tết Trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày thêm xuân”, Đó chính là thông điệp mùa xuân đang ươm những mầm xanh hướng thiện trong lòng người của dự cảm đầu xuân…
Tùy bút:
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin