Họa sĩ Đặng Ngọc Trân ''để đời trang sách quý''

06:02, 10/02/2022
Sự nghiệp mỹ thuật của họa sĩ Đặng Ngọc Trân đã ghi nhiều dấu ấn ở nhiều thể loại bằng sức sáng tạo bền bỉ như: tranh bút bi, tranh hoa, tranh hiện thực và liên tưởng, điêu khắc, nghiên cứu lý luận mỹ thuật... và cả thơ. Mùa xuân này, lão họa sĩ bước qua tuổi 94, ông cảm tác: “Lẫm đẫm thế mà đã chín tư/ Thêm sáu tròn trăm tuổi với đời/ Câu thơ “Ngẫu hứng” lời trong sáng/ “Liên tưởng” dòng tranh nét thực hư/ “Phối cảnh” để đời trang sách quý/ “Bút bi” bầu bạn khắp năm châu/ “Tranh hoa”, “Cấu trúc” người yêu mến/ Trời cho xin nhận - biết răng chừ”. Trong những vần thơ ông nhắc đến 6 tác phẩm đã xuất bản là một phần đại diện trong thành quả lao động sáng tạo trong suốt hơn 70 năm gắn bó với nghệ thuật. Và trong đó “Phối cảnh thực hành” là tác phẩm khảo cứu hội họa được ông coi như “sách quý để đời” vừa ra mắt bạn đọc. 
 
Tác phẩm Phối cảnh thực hành của họa sĩ Đặng Ngọc Trân vừa ra mắt bạn đọc trong mùa xuân này
Tác phẩm Phối cảnh thực hành của họa sĩ Đặng Ngọc Trân vừa ra mắt bạn đọc trong mùa xuân này
 
Phối cảnh trong hội họa và nghệ thuật tạo hình dùng để thể hiện các hình ảnh 3 chiều một cách gần đúng trên một bề mặt 2 chiều (giấy) nhờ vào các quy luật, dựa trên các nguyên tắc hình học. Qua phối cảnh giúp hình ảnh 2 chiều trở thành 3 chiều, những cảnh vật ở gần sẽ lớn hơn so với cảnh vật ở xa khiến tranh vẽ trở nên trực quan, có chiều sâu. Vì thế, phối cảnh là nền tảng cho bố cục của hầu hết các tác phẩm nghệ thuật. Nói về “đứa con tinh thần” mới, họa sĩ Đặng Ngọc Trân sẻ chia: Một tứ giác được vẽ phối cảnh chỉ thấy những góc nhọn, góc tù, tuyệt nhiên không bóng dáng của một góc vuông, bốn cạnh cũng chẳng có cạnh nào bằng cạnh nào. Đó là một hình vuông? - Sự biến dạng ấy do phối cảnh mà có. Phối cảnh hiển thị căn cứ từ các đường song song được quy tụ về các điểm biến. Thế những hình dạng không có đường song song có vẽ phối cảnh được không? Trong phối cảnh vẽ đường tròn thường dùng phương pháp vòng tròn tám điểm hoặc hai hình vuông, ngoài ra có còn phương pháp nào khác? Trong các giáo trình phối cảnh, những bài nói về các hình cơ bản thường nói rõ ở mặt phẳng nằm ngang, các loại mặt phẳng đứng và mặt phẳng nghiêng thiết tưởng cũng quan trọng. Về phối cảnh của các khối được nói nhiều về khối thẳng, còn các khối nghiêng ít được đề cập. Cuốn sách là kết quả sau khi thể nghiệm trên sa bàn, mong muốn đưa đến cho bạn đọc quan tâm đến phối cảnh thực hành một cách đầy đủ, toàn diện hơn. 
 
92 trang sách là một sự nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, đúc rút qua 70 năm lao động sáng tạo của một nghệ sĩ tạo hình. Mỗi trang sách là những hình vẽ tỉ mỉ, cặn kẽ đưa người xem vào thế giới tạo hình, ngắm nhìn hình vẽ trong không gian nhiều chiều. Họa sĩ đã chỉ dẫn cách sử dụng tốt nhất các kỹ thuật phối cảnh, tạo hình cho từng loại hình học ứng dụng vào thực tế để tác tạo nên tác phẩm nghệ thuật tạo hình trực quan, sinh động hơn, mang giá trị nghệ thuật cao hơn. Sách có 6 chương, từ vấn đề đơn giản đến phức tạp trong phối cảnh, mỗi chương tác giả đều đi sâu chỉ dẫn từng chi tiết rành mạch, gãy gọn. Ngay chương 1 là phối cảnh quy chiếu điểm, phối cảnh hình mặt phẳng nằm ngang, phát hiện tụ điểm hiển thị, chia đoạn bằng nhau với: phối cảnh đoạn thẳng, gãy hay một tam giác; phối cảnh hình vuông, phối cảnh hình thoi, hình thang, hình ngũ giác, lục giác, hình tròn, phối cảnh một đa giác; phương pháp 8 điểm, phương pháp hai vuông, phương pháp lục giác. 
 
Ở chương 2, quy chiếu các độ cao, phối cảnh về các hình ở vị trí thẳng đứng như: quy chiếu độ cao đường thẳng đứng, đường thẳng đứng cách đều, bức tường, tam giác thẳng đứng, hình tròn thẳng đứng, ngũ giác thẳng đứng, lục giác thẳng đứng, cửa vòm, mặt tiền gara, tổng tam quan. Họa sĩ già còn chỉ dẫn cách so sánh 2 phương pháp quy chiếu điểm và quy chiếu độ cao, phối cảnh các khối thẳng đứng, phối cảnh một số đồ vật riêng lẻ hoặc nhóm: hai phương pháp một hiệu quả, phối cảnh khối hộp vuông, khối trụ, khối tháp vuông, khối lăng trụ lục giác, khối lăng trụ ngũ giác, khối chóp nón, khối đa diện, khối chậu ngũ giá phối cảnh một ghế đẩu, một ghế bành, một tam cấp, khối hình thang, một chiếc ly, phối cảnh một giáo cụ trực quan, phối cảnh hộp và thùng bánh, phối cảnh hai viên gạch, một chồng sách... 
 
Các kiến thức học thuật tăng dần lên qua từng trang sách, đồng thời được áp dụng sống động vào thực tiễn bằng quy tắc mỹ học một cách thú vị như cách phối cảnh của những mặt nghiêng, phối cảnh các khối nghiêng: phối cảnh một tam giác nghiêng, hình vuông nghiêng, ngũ giác nghiêng, lục giác nghiêng, 5 mặt nghiêng, khối hộp nghiêng, phối cảnh lăng trụ ngũ giác trên mặt nghiêng, hai khối nghiêng gác lên nhau, trống cơm đặt nghiêng. Hay những mẫu vẽ phối cảnh một chậu hoa, một bình trà, một mẫu vật, một quả cầu ngũ giác trông có vẻ đơn giản nhưng khi vẽ phối cảnh về chúng là cả vấn đề không đơn giản. Mỗi hình vẽ đều kèm theo lời chỉ dẫn, chú thích. Đôi khi như một phát hiện mới của ông. Ông cho biết: “Khoa phối cảnh miêu tả sự biến dạng nhưng lại rất thực. Ví dụ, đã có hình dạng chính xác là hình vuông ABCD, ta lần lượt vẽ phối cảnh của từng điểm để có A1B1C1D1 và nối chúng lại ta có phối cảnh hình vuông. Từ phối cảnh hình vuông A1B1C1D1 ta phát hiện 2 cạnh B1A1 và C1D1 kéo dài gặp nhau tại đường tầm mắt. Cũng như thế B1C1 và A1D1 cũng gặp nhau trên đường tầm mắt. Như thế ta đã phát hiện ra các tụ điểm hiển thị của hình vẽ”. 
 
Ông dành riêng một phần để nói về “bóng đổ” tùy vào không gian, thời gian như: bóng đổ theo mặt trời, theo ánh sáng nhân tạo ổn định tùy thuộc độ thấp cao và hướng xuất phát do một hay nhiều nguồn sáng; hướng bóng đổ trong ngày, bóng đổ do nguồn sáng nhân tạo trên khối vuông, bóng đổ của khối hình thang, bóng đổ của khối trụ, bóng đổ từ 2 nguồn sáng, bóng đổ từ 3 nguồn sáng, bóng đổ trên mặt nghiêng, bóng đổ trên tam cấp... Cùng với các hình vẽ mang tính chuyên sâu, họa sĩ Đặng Ngọc Trân đã khéo léo xen lẫn các tác phẩm hội họa, tranh bút bi mang tính minh họa, những trang thơ “vịnh” tranh của ông khiến người đọc thư thái, bớt “căng não”.
 
Sách mang tính chất chuyên ngành, hàm chứa cả khoa học, học thuật hòa cùng mỹ thuật, nghệ thuật thể hiện sự nghiền ngẫm công phu, lao động trí tuệ cẩn trọng, nghiêm túc của một người cả đời cống hiến cho nghệ thuật tạo hình. Sự tinh anh của họa sĩ hiện lên qua từng trang sách, từng đường kẻ vẽ tỉ mỉ, kiến thức hội họa trong sách được ông trình bày chi tiết, cặn kẽ, tường tận một cách khúc triết không chỉ là sự đúc rút kinh nghiệm của một người thầy từng giảng dạy hội họa tại các trường chuyên nghiệp mà còn là một bậc thầy về hình học không gian. Ở tuổi 94 ông vẫn dâng cho đời mật ngọt khiến người đọc ngưỡng mộ. Báo Lâm Đồng xin giới thiệu tác phẩm khảo cứu hội họa “Phối cảnh thực hành” của họa sĩ Đặng Ngọc Trân đến độc giả.
 
QUỲNH UYỂN