Họa sĩ Lương Nguyên Minh: Vẽ từ sự trải nghiệm

06:02, 10/02/2022
Những tác phẩm vẽ mảng đề tài người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên của họa sĩ Lương Nguyên Minh (hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện sống và vẽ tại TP Đà Lạt), không đơn thuần chỉ là những phục hiện bằng ngôn ngữ hội họa, mà còn là tâm thức chứa đựng các “mã” văn hóa tộc người.
 
Nỗi nhớ của mẹ.Tranh của họa sĩ Lương Nguyên Minh
Nỗi nhớ của mẹ.Tranh của họa sĩ Lương Nguyên Minh
 
“Từ thời thanh niên, tôi đã được tiếp xúc, sống trải nghiệm thực tế cùng người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên trên đất Lâm Đồng. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, tôi tham gia công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Hà, sau đó chuyển về công tác tại Bảo tàng Lâm Đồng, tiếp tục theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, rồi làm quản lý tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên. Nghề nghiệp giúp tôi có cơ hội thỏa chí rong ruổi khắp các bon, plei, buôn Tây Nguyên, đồng thời tiếp xúc rất nhiều với những con người miền Thượng chân chất, mộc mạc, đơn sơ. Tôi yêu thích những nét văn hóa và con người nơi đây, cũng thường xuyên vẽ về mảng đề tài này”, anh chia sẻ.
 
Trên cơ sở thực tiễn trải nghiệm, họa sĩ Lương Nguyên Minh nhận thấy đằng sau vẻ nhẫn lành đời thường của người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là những vẻ đẹp rất giàu tính tạo hình trong các chỉ dấu văn hóa, cả trong những nét đặc trưng về chủng tộc. Thế rồi, anh bắt đầu chú tâm nghiên cứu sâu dân tộc học để làm dày thêm sở học, kết hợp với những chuyến điền dã, tìm ý tưởng và cảm hứng sáng tác. Mỗi khi bắt gặp hình ảnh ấn tượng, họa sĩ Lương Nguyên Minh tức thì lấy máy ảnh ra chụp lại hoặc tức tốc lấy giấy bút ra ký họa làm tư liệu, rồi trở về chắt chiu cảm xúc vẽ tranh. “Trong một lần điền dã tại huyện Đơn Dương, tôi thấy người Chu Ru ở K’răng Gọ làm gốm không giống cách người Kinh làm gốm. Các công đoạn chế tác gốm ở đây rất thô sơ, cứ như thể đang trong thời kỳ hồng hoang của loài người vậy. Cảm xúc trào dâng trước cảnh tượng đó, tôi đã vẽ bức tranh “Người Chu Ru làm gốm”, mô tả lại toàn bộ các công đoạn để tạo nên một sản phẩm gốm Chu Ru”, anh cho biết. Bức tranh này, họa sĩ Lương Nguyên Minh vẽ rất kỹ, tỉ mỉ đến từng chi tiết như những gì mắt thấy. Nhưng vì anh tái hiện bằng tâm trạng khai phá và cảm hứng thăng hoa nên bức tranh “Người Chu Ru làm gốm” trở thành một phát hiện mới, mang lại góc nhìn nghệ thuật ấn tượng.
 
Một lần khác, họa sĩ Lương Nguyên Minh đang trò chuyện cùng chị Ma Bi, thì bất ngờ người phụ nữ Chu Ru này lấy ra một tấm khăn thổ cẩm màu trắng, rồi choàng lên trước ngực, trông rất đẹp. “Tôi chưa bao giờ gặp một hình ảnh nào đặc biệt và lạ như thế. Cả gương mặt, vóc hình và kiểu ngồi của chị Ma Bi cũng rất điển hình cho bản sắc văn hóa Chu Ru. Tôi ghi lại hình ảnh đó trong trí nhớ, rồi xây dựng nên bức tranh “Chị Ma Bi” đậm chất Chu Ru”, anh thổ lộ. Bằng bút pháp tả thực, họa sĩ Lương Nguyên Minh đặc tả người phụ nữ Chu Ru với nét đẹp hồn hậu trên gam màu trầm sáng, khiến tác phẩm “Chị Ma Bi” sâu như một ký ức. Chỉ những con người thấm đẫm folklore và mang sẵn tâm chất nghệ sĩ mới sẽ sàng nhận ra sự lay động duyên dáng, cùng nét lãng mạn sâu trầm trong bất chợt đời thực. “Hồn núi” lại có hơi hướng lập thể, với những nét cách điệu rất đáng yêu, bên cạnh sự chắc tay trong bút pháp tả thực. Bố cục của bức tranh chặt chẽ, khúc triết, cho thấy tác giả là người được đào tạo hội họa bài bản, nhưng không mô phạm: bút pháp bứt phá vừa đủ trên nền tảng sự chuẩn mực. Ở “Hồn núi”, anh đã khéo léo đan cài các totem của 3 dân tộc lớn gồm Ê Đê, Jrai và Mạ, để đưa người xem cùng tác giả tham dự một không gian văn hóa đậm đặc các lễ nghi, tín ngưỡng. Họa sĩ Lương Nguyên Minh còn có một số tác phẩm độc đáo khác như: “Vũ điệu Tamya Arya”, “Nỗi nhớ của mẹ”, “Chuẩn bị bữa trưa”, “Cô gái K’Ho bên bếp lửa”, “Bên suối”...
 
Như một phong cách đã được mặc định, tất cả các tác phẩm vẽ mảng đề tài dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên của anh luôn có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, chắt lọc trong hình tượng, mảng màu, nét hình, bố cục đều tuân theo những chủ ý riêng và rất công phu đã làm nổi bật nét độc đáo trong bản sắc văn hóa con người cao nguyên, gây được nhiều sự chú ý. Cẩn trọng, trách nhiệm trong lao động nghệ thuật, họa sĩ Lương Nguyên Minh đã cho ra đời nhiều tác phẩm không chỉ có giá trị cao về mỹ thuật, còn chứa đựng nhiều yếu tố dân tộc học. Vì vậy, một số người sau khi xem tranh về mảng đề tài này của anh đã nhận xét: “Mỗi bức tranh của họa sĩ Lương Nguyên Minh về mảng đề tài dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là một khảo cứu dân tộc học bằng hình nét và màu sắc”.
 
Quả nhiên, qua tranh của mình, anh đã hé mở cho người xem thấy bao tâm huyết mà người họa sĩ gửi gắm, cùng những cống hiến lặng thầm, rất ý nghĩa, khi góp phần làm dày thêm mảng đề tài văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
 
TRỊNH CHU