Tuyển tập Đóng hay mở - dấu ấn trở lại của một ngòi bút

06:02, 17/02/2022
Sớm đến với văn chương, chữ nghĩa do năng khiếu bẩm sinh, từ lúc chưa đến tuổi đôi mươi, cái tên Nguyễn Thượng Thiêm (1949) gắn với những ca khúc chèo đã nhiều lần vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam được thính giả yêu cầu phát đi, phát lại nhiều lần như: Tay em dệt thảm bèo xanh, Hoa anh hùng rạng rỡ non sông, Cây đa Bác Hồ. Những năm 1970, ông nổi tiếng khắp tỉnh Hà Tây cũ bởi nhiều vở chèo vừa sáng tác, vừa làm đạo diễn, diễn viên, vừa làm nhạc công sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn cò (nhị), sáo trúc. 
 
Tác giả Nguyễn Thượng Thiêm
Tác giả Nguyễn Thượng Thiêm
 
Năm 1977, Nguyễn Thượng Thiệm xung phong đi tiền trạm khai hoang mở đất, góp sức xây nên vùng quê mới Đạ Tẻh. Không dành trọn đời cho sân khấu chèo truyền thống như nhiều người vẫn kỳ vọng, nhưng ông vẫn cầm bút dù đã rẽ sang một hướng đi mới là làm báo, viết báo. Ngay từ lần đầu tiên tham gia cuộc thi viết “Hoa thắm cao nguyên” do Sở Văn hóa Thông tin, Báo Lâm Đồng, Đài PT-TH Lâm Đồng tổ chức, ông đã giành giải Nhất với 3 tác phẩm viết về người tốt, việc tốt, cá nhân điển hình tiên tiến: “Chuyện anh kỹ sư chăn nuôi”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Chân dung ông giám đốc”. Đó cũng là duyên cớ để ông chuyển hẳn sang làm báo với cương vị Trưởng đài Truyền thanh Truyền hình huyện Đạ Tẻh từ năm 1981 đến ngày nghỉ hưu 2009. Nghỉ hưu, tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội, ông gây dựng phong trào Hội Người cao tuổi của huyện lớn mạnh, đặc biệt là phong trào thể dục thể thao trong các cụ với tinh thần phải sống khỏe thì mới sống vui, sống có ích. Nhưng dù làm gì, ông vẫn đau đáu với chữ nghĩa, để cách đây 5 năm, khi đã ở vào tuổi 68, ông lại cầm bút viết văn và trở thành cây bút “trẻ”, thành hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. 
 
Tập truyện ký Đóng hay mở của tác giả Nguyễn Thượng Thiêm tập hợp 9 truyện ngắn, 17 ký được tuyển chọn từ hơn 60 tác phẩm ông viết trong 5 năm qua mới thấy hết sức viết và tình yêu nghề cầm bút trỗi dậy trong ông. 45 năm gắn bó với vùng đất Đạ Tẻh từ những ngày hoang sơ, nghèo khó, mảnh đất, con người ở vùng 3 nắng bụi, mưa bùn xưa và ở vùng quê đáng sống hôm nay là chất liệu quý để ông đều đặn cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương bắt nguồn từ thực tiễn sống động, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống. Những tác phẩm ký - một thể loại văn học gắn liền với hiện thực sôi động đời sống nên rất gần với báo chí dường như là thế mạnh của ông. Những số phận, những con người kiên cường, dũng cảm chiến đấu hôm qua, yêu rừng, yêu cuộc sống bình yên, yêu lao động bắt “sỏi đá cũng thành cơm” giữa đời thực hôm nay được ông mô tả chân thực bằng bút pháp văn học, tư liệu, vốn sống dồi dào, sự trải nghiệm của người “trong cuộc” cùng khả năng quan sát, chọn lọc những chi tiết đắt. Người đọc không thể không rung lên niềm xúc cảm khi đọc các tác phẩm mà ở đó thấm đẫm cả niềm tự hào trước sự đổi thay phát triển đi lên như: Bến bờ hạnh phúc, Giàu đôi con mắt, Đạ Tẻh - những mốc son trên chặng đường phát triển, Những trận đánh án ngày xuân, Cánh chim đại ngàn, Chuyện người nữ pháo binh năm xưa, Lấp lánh những điểm mới trong xây dựng nông thôn mới, Gặp những chứng nhân trên mảnh đất anh hùng, Làm giàu không chờ tuổi, Thêm một nét xuân, Trọn đời theo Đảng... 
 
Ở đó có “lão nông tri điền” Vũ Đức Huệ hơn 30 năm rời quê hương Hà Nam đổ mồ hôi trên đất Đạ Pal, làm xanh vườn dâu, làm vàng nong kén. Đó là ông K’Oanh (82 tuổi) người con của buôn làng Đak La (xã Triệu Hải ngày nay) sớm giác ngộ cách mạng, theo Đảng, xung phong vào du kích. 15 năm chiến đấu liên tục, tham gia nhiều trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 3 lần bị thương, “nhưng bằng tình yêu những con suối, con sông, những ngọn thác đẹp mê hồn, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn... K’Oanh vẫn không chịu rời chiến trường. Từng giờ, từng phút cùng đồng đội ngày đêm bám rừng, bám thắt lưng địch mà đánh cho đến ngày thắng lợi cuối cùng”. Đó là Ka Thân người con gái Mạ của buôn B’Đạ (thị trấn Đạ Tẻh bây giờ) tham gia trung đội nữ pháo binh từ khi 16 tuổi, 6 năm liên tục chiến đấu, tham gia đánh địch trên nhiều trận địa, vướng mình bị thương đến bước đường sinh tử vẫn không lui. Đó là anh Đinh Minh Miên là ông chủ trang trại sầu riêng, ao, chuồng rộng lớn khi tuổi chưa đến 40. Đó là ông Nguyễn Văn Công nhiều năm tháng đi khắp hang cùng ngõ hẻm gom rác thải sinh hoạt làm đẹp khu phố... Những cá nhân, những tập thể đang ngày đêm đóng góp công sức dựng xây nên Đạ Tẻh tươi đẹp hôm nay.
 
Tác phẩm Đóng hay mở - Nguyễn Thượng Thiêm
Tác phẩm Đóng hay mở - Nguyễn Thượng Thiêm
 
Các truyện ngắn của Nguyễn Thượng Thiêm với vốn từ phong phú, cốt truyện ngắn gọn, khúc triết, lời thoại mạch lạc thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái, giàu biểu cảm về tình người: Đóng hay mở, Còn gì nữa nào, Nhớ phiên chợ Tết, Điều kỳ diệu, Cô giáo Bình, Nỗi nhớ hoa mai... Truyện ngắn Đóng hay mở được đặt làm tựa đề cho cả tập là một câu chuyện xúc động về tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, anh em xa không bằng láng giềng gần. Khi cánh cửa cổng mở ra thì lòng người cũng mở ra, chan hòa, ấm áp, xóm giềng đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Câu chuyện tình người thấm đẫm ấy là chủ đề bao trùm trở đi trở lại, qua mỗi truyện ngắn của ông. Mới cầm bút viết văn chưa lâu, nhưng ông đã mang về giải C cuộc thi truyện ngắn về “Sâm Ngọc Linh” do tỉnh Quảng Nam tổ chức năm 2018 (không có giải A, B) cũng là vinh dự đáng ghi nhận.
 
Mỗi truyện ngắn, mỗi bút ký đều thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, được viết nên bằng bút pháp giản dị, ngôn từ trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu, nhưng đủ sức ám ảnh, neo vào lòng người đọc khiến ta suy ngẫm. Báo Lâm Đồng xin giới thiệu tập truyện ngắn và ký Đóng hay mở của tác giả Nguyễn Thượng Thiêm.
 
QUỲNH UYỂN