Đôi điều cảm nhận về Ngày Sách và Văn hóa đọc

02:04, 20/04/2022
(LĐ online) - Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống internet, thì sách, báo, đặc biệt là sách càng bị con người tìm đến ít hơn. Họ dần quên đi sách, quên đi thói quen đọc sách, và dĩ nhiên vai trò to lớn mà sách mang lại cũng hầu như bị quên lãng. 
 
Các cháu thiếu nhi đọc bộ sách Covid trong mắt trẻ thơ
Các cháu thiếu nhi đọc bộ sách Covid trong mắt trẻ thơ.
 
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là một loại sản phẩm văn hóa đặc biệt, có vai trò rất quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Sách là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận, sách dạy cho ta cách sống tử tế có ích cho đời, hướng tới những giá trị văn hóa cao cả. 
 
Có thể nói, sách là những người bạn gần gũi, thân thiết chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của ta trong cuộc sống, chính vì vậy, đọc sách là một nhu cầu cần thiết của mỗi con người. 
 
Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Cha ông ta từ lâu đã coi việc đọc sách là một hành vi cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm và lập các tủ sách là một phần của văn hóa đọc. Đó cũng là một trong những nguồn năng lượng thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
 
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-Ttg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến ngày 21/12/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhất trí thông qua Luật Thư viện. Trong đó, tại khoản 1, điều 30 của Luật này đã ghi rõ: “… hàng năm, ngày 21/4 sẽ được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. 
 
Việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là một việc làm có ý nghĩa quan trọng. Bởi đây cũng là thời điểm ra mắt cuốn sách tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, do chính những người thợ in Việt Nam thực hiện. Đó là tác phẩm “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
 
Bác Hồ là một tác giả lớn, một danh nhân văn hóa của thế giới. Các tác phẩm của Người luôn có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc Nhà nước ta chọn ngày ra mắt tác phẩm của Bác để làm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. 
 
Cũng trong tháng 4, nhằm khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm Ngày Sách và Bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day). 
 
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế; thúc đẩy và tôn vinh những ngành nghề liên quan đến sách báo và tri thức như: Thư viện, xuất bản, phát hành... để sách, báo trở thành những người bạn thân thiết của mỗi người hơn. 
 
Văn hóa đọc là một câu chuyện dài, tưởng như đơn giản, trừu tượng, nhưng thực chất, khái niệm ấy lại hoàn toàn có thể lượng hóa thông qua những chỉ số cụ thể là điều đã được thực hiện từ lâu nay ở nước ta. 
 
Đó là tỷ lệ sách xuất bản tính theo đầu người mỗi năm, là số phần trăm người đọc sách trên tổng số dân, số lượt bạn đọc sử dụng thư viện cũng như số lượt tài liệu của thư viện đưa ra phục vụ bạn đọc… Nói một cách thẳng thắn thì ở nước ta, văn hóa đọc còn ở tỷ lệ rất thấp. 
 
Năm 2019, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng chỉ rõ, ở Việt Nam, chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% số người không đọc sách và 44% số người thỉnh thoảng có đọc sách. 
 
Theo chúng tôi, tỷ lệ này là chưa chính xác, chưa phản ảnh đúng thực chất của việc đọc sách ở Việt Nam, tỷ lệ này chắc chắn còn thấp hơn nhiều. Còn số lượng sách xuất bản hàng năm tuy có tăng, nhưng mỗi người cũng chỉ đạt được khoảng 4,2 cuốn sách một năm, nhưng thật đáng suy nghĩ là trong số đó thì sách giáo khoa lại chiếm hơn một nửa.
 
Ngày nay, giữa một biển thông tin mênh mông, người đọc lại phải lựa chọn những thông tin gì cho phù hợp và mang lại hữu ích cho mình. Thay vì bị cuốn theo một lượng thông tin đồ sộ mà trong đó có không ít những sự phù phiếm, thậm chí là sai lệch, chưa kể tốc độ của nhịp sống hiện đại luôn có khả năng cuốn con người vào vòng xoáy của nó, thay cho quãng thời gian để đọc sách và thẩm thấu từ những gì đã đọc. Điều này cũng có nghĩa là từ những hạn chế khách quan, vấn đề bây giờ thuộc về sự tự giác cũng như ý thức với văn hóa đọc của mỗi con người trong cộng đồng.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. 
 
Sự kiện này được diễn ra tại Khách sạn Dalat Palace, từ ngày 21 - 23/4/2022 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Trưng bày, giới thiệu sách, báo, tạp chí về nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt có gian trưng bày các tác phẩm của các tác giả địa phương và viết về địa phương “Đà Lạt – Lâm Đồng”; xếp sách nghệ thuật; bán sách giảm giá; giao lưu tọa đàm với bạn đọc về ý nghĩa thiết thực của việc đọc sách… 
 
Đề hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc của tỉnh, từ ngày 15 - 17/4/2022 tại Thư viện Lâm Đồng cũng đã tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm khuyến khích phong trào đọc sách sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh như: Xây dựng và ra mắt các tủ sách, thư viện xã; luân chuyển sách phục vụ các trường học, tủ sách cơ sở trong địa bàn toàn tỉnh; cấp thẻ miễn phí, tọa đàm “Đọc sách trong kỷ nguyên số”; triển lãm tranh, sách “Covid trong mắt trẻ thơ”; tổ chức cuộc thi tìm hiểu trực tuyến về TP Đà Lạt...
 
Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo, Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là một sự kiện văn hóa quan trọng đối với người yêu sách và cả cộng động xã hội, sự kiện này rất cần được duy trì và quảng bá rộng hơn trong xã hội, cần hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan chức năng để việc đọc sách luôn là nhu cầu không thể thiếu của con người trong thời đại công nghiệp 4.0 phát triển như hiện nay.
 
VŨ HẠNH