Kết nối giới trẻ với di sản dân tộc

06:04, 13/04/2022
Tạo thêm cơ hội cho nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên sống giữa cộng đồng, ấy là giải pháp khả dĩ để thu hút giới trẻ đến với di sản ông cha, từ đó thêm yêu và hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình, cộng đồng mình, rồi tham gia gìn giữ, phát triển chúng.
 
Các nghệ nhân Chu Ru trình diễn dân nhạc và dân vũ của dân tộc mình trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V - năm 2022 vừa diễn ra tại huyện Đơn Dương
Các nghệ nhân Chu Ru trình diễn dân nhạc và dân vũ của dân tộc mình trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V - năm 2022 vừa diễn ra tại huyện Đơn Dương
 
Mặc dù là những chủ nhân nắm giữ Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại - Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - nhưng chính cộng đồng các dân tộc K’Ho, Mạ, Chu Ru, M’Nông... ở Lâm Đồng, cùng cộng đồng các dân tộc thiểu số khác tại Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông lại đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc duy trì di sản này. Thách thức từ việc suy giảm nghiêm trọng không gian diễn xướng. Thách thức từ việc vắng bóng các lễ hội cổ truyền. Thách thức từ việc cư dân bản địa thay đổi tín ngưỡng. Thách thức trong việc lựa chọn giải pháp tối ưu để làm hồi sinh di sản, qua đó gìn giữ, trao truyền và phát triển di sản. Thách thức từ đội ngũ nghệ nhân kế cận... Từ những thách thức như vừa nêu ở trên, nghệ nhân K’Bes (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) cho rằng, chỉ khi người Tây Nguyên, đặc biệt là lớp trẻ, ý thức được tầm quan trọng và giá trị thật sự của di sản trong đời sống cộng đồng thì nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên mới có cơ hội được gìn giữ bền vững. Tương lai của nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên phụ thuộc rất nhiều vào giới trẻ. Chính giới trẻ bản địa Tây Nguyên sẽ nắm giữ và quyết định sự tồn tại của di sản này, theo chiều hướng tiêu cực hay chiều hướng tích cực. Bởi vậy, kết nối giới trẻ với nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng là công việc thật sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh Tây Nguyên ngày càng ít không gian diễn xướng, cũng như các lễ hội cổ truyền. “Ngay từ bây giờ, giới trẻ cần phải được tiếp xúc nhiều với di sản văn hóa dân tộc, càng sớm càng tốt. Vì nó là cơ hội tốt nhất cho giới trẻ tìm hiểu về những nét đẹp, các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa mà dân tộc mình đang nắm giữ. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, không chỉ đến từ nỗ lực của những nghệ nhân lớn tuổi, còn cần sự trợ sức từ phía Nhà nước”, nghệ nhân K’Bes chia sẻ.
 
Tán đồng ý kiến với nghệ nhân K’Bes, nghệ nhân K’Niêm (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) xác quyết, sở dĩ nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên được lưu giữ cho đến ngày nay là bởi nó không ngừng được các thế hệ người bản địa Tây Nguyên tiếp nối, trao truyền từ người này đến người kia, người kia lại truyền cho người kia nữa, từ thế hệ trước đến thế hệ sau, mãi mãi. “Giới trẻ là chủ nhân tương lai của di sản dân tộc. Vì thế, cần gieo tình yêu di sản cho giới trẻ, giúp những thanh niên bản địa nhận ra cái hay, cái đẹp của nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, sẽ khắc có ý thức bảo vệ và giữ gìn”, nghệ nhân K’Niêm nhấn mạnh. Nghệ nhân trẻ Nai Trang (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) bày tỏ: “Tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn những lễ hội văn hóa truyền thống của người bản địa Tây Nguyên được Nhà nước tổ chức để chúng tôi có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi những tinh hoa văn hóa từ các cộng đồng dân tộc anh em khác, cũng là dịp để chúng tôi phô diễn vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
 
Thuyết phục giới trẻ tìm về văn hóa cội nguồn thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống là một trong những cách bảo tồn và phát huy di sản hữu hiệu trong bối cảnh ngày nay. Bởi trong lúc thực hành di sản, người trẻ bản địa sẽ tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản, “có thể đó là một cách tiếp cận mới, hoặc một góc nhìn khác, nhưng cái quan trọng là di sản được sống giữa cộng đồng, vì cộng đồng. Cũng nhờ kết nối với giới trẻ mà di sản văn hóa dân tộc thêm phần phong phú”, nghệ nhân trẻ Ka Hem (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) cho hay.
 
TRỊNH CHU