Lễ hội Bơmung của người Chu Ru

05:04, 12/04/2022
Cộng đồng người Chu Ru là một trong các dân tộc bản địa Lâm Đồng, cũng là một trong những chủ nhân của Di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó, ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng giàu bản sắc. 
 
Nguyện cầu mưa thuận gió hòa, đập nước đầy ăm ắp, cho mùa màng tươi tốt
Nguyện cầu mưa thuận gió hòa, đập nước đầy ăm ắp, cho mùa màng tươi tốt
 
Theo điều tra dân số năm 2019, người Chu Ru có 23.242 người, cư trú chủ yếu ở Lâm Đồng (96%) và Bình Thuận. Người Chu Ru sống rải rác ở các xã Đà Loan, Ninh Loan, Tà Hine, Tà Năng, Đạ Quyn (Đức Trọng) và các xã Ka Đơn, Pró, Tu Tra, Lạc Xuân (Đơn Dương); tại 2 xã Phan Sơn và Phan Lâm huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cũng có hơn 500 người Chu Ru sinh sống. Do địa bàn cư trú là những vùng đất bằng phẳng xen những khu đồi thấp, người Chu Ru đã định canh định cư và có nghề làm ruộng nước trồng lúa từ lâu đời. Ruộng (hama) của người Chu Ru thường nằm ven các sông, suối, khe nước đầu nguồn các con sông Đa Nhim, Đạ Đờng để có nguồn nước chủ động mùa màng. Quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên để sinh tồn, người Chu Ru đúc rút được nhiều kinh nghiệm, nhất là về làm thủy lợi nhỏ, và điều tiết lượng nước trong từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. 
 
Trong tín ngưỡng đa thần (Yàng), việc tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cổ truyền của người Chu Ru cũng gắn với mùa màng như cúng thần đập nước (Bơ mung), thần mương nước (Rơ bông), thần lúa khi gieo hạt (Mơ nhum tô ốt đoồng hay khâu doông), ăn mừng lúa mới (ngay yang boong ko pa tay), cúng sau mùa gặt (p'lei đây ru)... Trong đó, đáng chú ý nhất là lễ cúng thần đập nước Bơmung, vị thần có công giữ nước để con nước luôn ăm ắp đầy, tưới cho cây lúa lên xanh, mùa màng tươi tốt. Trong mỗi vùng cư trú của người Chu Ru luôn có một nơi dành riêng để thờ cúng vị thần này. Hàng năm, khoảng tháng Hai âm lịch, tất cả mọi người trong làng đều tụ hội về đây làm lễ cúng. Dân làng thường cúng bằng dê, còn chủ làng thường phải cúng bằng ngựa. Tục truyền là vị thần này ưa cưỡi ngựa. Con ngựa cúng thần cũng phải thắng yên cương và phủ lễ phục. 
 
Lễ hội (bok) là dịp sinh hoạt cộng đồng được người Chu Ru mong chờ, ở đó, cồng chiêng là tiếng nói tâm linh kết nối con người với thần linh, Bok Bơmung cúng thần đập nước cũng diễn ra trong không gian của những thanh âm linh thiêng ấy suốt 3 ngày đêm. Bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ, đồng bào đã tụ tập đông đủ tỏ lòng thành kính. Cây nêu được chạm khắc công phu, tạo hình, trang trí sắc màu tượng trưng cho 3 tầng nhân sinh (trời, người, nước). Sau 3 hồi tù và báo lễ hội, già làng thành kính xin thần linh cho buôn làng tổ chức lễ hội, già làng cất tiếng gọi: “Ơi Yàng... Hỡi dân làng, sau một năm vất vả với ruộng nương, hôm nay, lúa đã về đầy kho, rượu cần đã đến ngày thấm men, chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng Bơmung đã cho buôn làng một năm mưa thuận gió hòa, con nước ăm ắp đầy, tưới cho cái ruộng tốt tươi, cho lúa nặng hạt, cho nhà nhà no đủ, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi dân làng, ơi Yàng, chúng ta cùng về đây mở hội”. 
 
Sau lời khẩn cầu thành kính, già làng tiếp tục xin Yàng cho hạ dàn chiêng: “Ơi Yàng... Hỡi thần chiêng linh thiêng đang ngụ trong chiêng to, chiêng nhỏ, chiêng mẹ, chiêng con. Buôn làng có cái ăn, cái để, biết nói, biết nghe, biết làm theo điều phải là nhờ thần chiêng, xin mời thần về dự hội Bok Bơmung cùng buôn làng, có gà, có dê tế lễ, có rượu cần ngon để cúng Yàng. Xin cho hạ dàn chiêng xuống và đánh lên vang dậy núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội”. Một con gà trống được cắt tiết để hiến sinh, sau khi cầu khấn làm lễ hiến sinh, già làng lấy máu con vật bôi lên cây nêu, mặt chiêng, các vật dụng và trán các thành viên tham dự cầu mong sự may mắn, sức khỏe cho mọi người, đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. 
 
Nghệ nhân ưu tú Ma BiO (thôn Diom, xã Lạc Xuân, Đơn Dương) cho biết: Người Chu Ru thường làm những mương phai và những đê đập để dẫn nước từ sông, suối, khe vào ruộng. Việc làm thủy lợi thường phải huy động nhân lực cả dân làng, nên mỗi làng (plơi) thường có một người chuyên trách, gọi là "trưởng thủy" (prô Ea). Mỗi làng thường có một người phụ trách công việc thủy lợi và hai người giúp việc. Trưởng thủy do tập thể các thành viên trong làng bầu ra, là người có khả năng về thủy lợi và có đức tính công bằng. Trưởng thủy có nhiệm vụ phân phối đều lượng nước từ các mương, máng công cộng đến từng thửa ruộng của các gia đình. Khi cần thiết, ông có thể đề nghi với chủ làng huy động nhân lực để tu bổ các công trình thủy lợi chung trước mùa cày cấy. Nhưng người Chu Ru xưa vẫn quan niệm, để có nguồn nước dồi dào, tưới tắm mùa màng là nhờ vị thần đập nước Bơmung giữ nước để nước không chảy đi.
 
Sau lời gọi Yàng, cúng thần, hiến sinh của già làng, trong bập bùng ánh lửa, chuếnh choáng men rượu cần, những nét đẹp văn hóa của người Chu Ru được phô diễn. Trên nền âm thanh trầm bổng vang vọng của dàn chiêng ba (sar) hòa quện cùng khèn bầu (rơkel), trống da trâu, vũ điệu Tamy Arya của các chàng trai, cô gái nhịp nhàng, mềm mại, uyển chuyển làm mê đắm lòng người. Đôi tay nghệ nhân gõ đúng nhịp chiêng, trai gái, già trẻ cùng nối thành hàng dài, thành vòng tròn, nhịp nhàng chân bước, tay uốn, đung đưa như bay, nhưng say, chuyển động quanh lửa không dứt...
 
Hôm nay, 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng - không gian sinh tồn từ lâu đời của đồng bào Churu đã là những huyện đầu tiên của Lâm Đồng về đích nông thôn mới, những plei của người Chu Ru có nhiều đổi thay. Máy cày, máy bừa, máy gặt thay cho những con trâu, lưỡi cày, bừa bằng gỗ, sắt chế tác thô sơ; những ruộng lúa xưa giờ chuyển dần thành cánh đồng rau ứng dụng công nghệ cao vài trăm triệu/ha/vụ với hệ thống tưới tự động hiện đại. Dòng chảy văn hóa cũng không ngừng biến thiên trước sự phát triển, lễ hội cúng thần đập nước Bơmung được tái hiện tại những ngày hội lớn trong bồi hồi xúc cảm hoài niệm của người già, nhưng vẫn mang đầy đủ vẻ đẹp, hội tụ những giá trị văn hóa của cộng đồng người Chu Ru nhằm gìn giữ, bảo tồn làm cho bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc sống dậy dù là trong ý niệm. 
 
QUỲNH UYỂN